Thursday, March 10, 2022

DO PUTIN, LIÊN ÂU PHẢI CỤ THỂ HÓA CHIẾN LƯỢC PHÒNG THỦ CHUNG (Thanh Hà - RFI)

 



Do Putin, Liên Âu phải cụ thể hóa chiến lược phòng thủ chung

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 10/03/2022 - 15:06

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220310-do-putin-li%C3%AAn-%C3%A2u-ph%E1%BA%A3i-c%E1%BB%A5-th%E1%BB%83-h....BB%A7-chung

 

Hai tuần lễ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Liên Hiệp Châu Âu, đó chính là nhờ « công » của Vladimir Putin khi quyết định xâm chiếm Ukraina. Ngoài mong đợi, Nga tạo điều kiện để 27 nước thành viên đồng lòng tăng tốc chiến lược phòng thủ chung châu Âu. Bruxelles đoàn kết hơn bao giờ hết, từ việc trừng phạt Matxcơva đến quyết định cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev. Chiến sự Ukraina đẩy vào bóng tối mọi hiềm khích nội bộ giữa Ba Lan hay Hungary với các thành viên còn lại.

 

https://s.rfi.fr/media/display/394cda02-a073-11ec-8ba9-005056a90284/w:1024/p:16x9/AP22069414731751.webp

Cảnh sát Pháp canh giữ nghiêm ngặt khu vực quanh lâu đài Versailles, ngoại ô Paris, Pháp, nơi diễn ra thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu trong hai ngày 10-11/03/2022. AP - Michel Euler

 

Chiến tranh Ukraina đã đem lại những thay đổi lớn lao nào đối với Liên Âu ? 

 

Thứ nhất, ngay cả những quốc gia trong khối vốn lệ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga như Ý, hay Cộng Hòa Séc và nhất là Đức, đều không ngần ngại giữ khoảng cách với Matxcơva. Mọi chú ý hướng về Berlin khi thủ tướng Olaf Scholz quyết định « đóng » đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

 

Toàn bộ 27 thành viên nhanh chóng lên án Nga xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền. Bruxelles đồng lòng trang bị vũ khí cho Ukraina, trừng phạt kinh tế Matxcơva, phong tỏa tài sản của nhiều lãnh đạo cao cấp trong chính quyền Nga, kể cả của tổng thống Vladimir Putin hay ngoại trưởng Serguei Lavrov, loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế SWIFT.

 

Thay đổi quan trọng thứ nhì liên quan đến chính sách quân sự của Đức, thành viên quan trọng nhất của Liên Âu : Berlin thông báo bơm 100 tỷ euro vào ngân sách quốc phòng và chính quyền của thủ tướng Olaf Scholz không còn xem việc dành ra đến 2% GDP cho các chi phí quân sự là điều « cấm kỵ ».

 

Thay đổi thứ ba là hai nước Bắc Âu tới nay vốn giữ thế trung lập với Nga là Phần Lan và Thụy Điển, nay để ngỏ khả năng gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO và đồng ý cùng với Liên Âu tài trợ, trang bị vũ khí cho Ukraina.

 

Nhưng thay đổi quan trọng nhất có lẽ là hành động của tổng thống Vladimir Putin tạo đà cho chiến lược phòng thủ chung châu Âu nhanh chóng ra đời.

 

Từ 2017, khi bước vào điện Elysée, tổng thống Emmanuel Macron vẫn xem chính sách phòng thủ chung của châu Âu là một ưu tiên. Nhưng cho tới nay, nhiều thành viên trong khối vẫn không mặn mà với sáng kiến đó. Chiều nay, khi tiếp các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu tại cung điện Versailles, nguyên thủ quốc gia Pháp chắc chắn hài lòng, bởi chiến sự Ukraina khiến dự án thành lập một liên minh phòng thủ chung châu Âu trở thành điều tất yếu.

 

Giới lãnh đạo Liên Âu và công luận ý thức được rằng chiến tranh không chỉ khoanh vùng ở Libya, Afghanistan hay Syria và Yemen mà đang diễn ra ngay trên Lục Địa Già, sát cạnh cửa ngõ của hơn 500 triệu dân vốn an tâm sống trong hòa bình từ khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc. Trong chưa đầy 2 tuần lễ chiến tranh, hơn 2 triệu người tị nạn Ukraina đã bỏ xứ ra đi. Quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl và sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu là Zaporijjia không còn được bảo đảm. 

 

Với chủ nhân điện Kremlin, bom nguyên tử không chỉ đơn thuần là một thứ « vũ khí răn đe ». Đạn pháo của quân đội Nga không chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự của đối phương như chính ông Vladimir Putin đã tuyên bố.

 

Vào lúc mà sinh mạng của hơn 40 triệu người Ukraina bị đe dọa, tại cung điện Versailles trong hai ngày họp thượng đỉnh 10 và 11/03/2022, kế hoạch « Phòng thủ chung châu Âu » dự trù bước vào một « giai đoạn mới ». Kế hoạch này nhằm tăng cường trọng lượng của Liên Âu trong khối NATO mà thành viên quan trọng nhất là Hoa Kỳ.

 

Paris đã trông thấy trước Mỹ đang từng bước lơ là với an ninh của châu Âu để dồn nỗ lực vào khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Tuy vậy, đề xuất về một khối Liên Âu tự chủ hơn về mặt quốc phòng - bao gồm từ việc tăng cường một lực lượng quân sự chung, cho đến một chính sách phát triển công nghiệp vũ khí và trang thiết bị quân sự - đã bị chính nhiều thành viên trong khối chỉ trích. Đứng đầu trong số này là Đức dưới thời thủ tướng Merkel, vốn quen « ỷ lại » vào ô dù an ninh của Mỹ.

 

Liên Hiệp Châu Âu thức tỉnh kể từ khi Vladimir Putin biến lời nói thành hành động, đưa quân xâm chiếm Ukraina. Dù vậy câu hỏi đặt ra là liệu rằng sự đoàn kết giữa 27 nước thành viên có được lâu dài hay không ? Những bất đồng sâu rộng về dân chủ, nhân quyền vốn gây chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu tạm lắng xuống đến bao giờ ?

 

Việc Nga xâm lấn Ukraina khiến nhiều nước Đông Âu và vùng Baltic nhận thấy « may mắn » được quy chế thành viên Liên Hiệp Châu Âu bảo vệ. Thế nhưng, có một thực tế không thể chối cãi là cả về quân sự lẫn kinh tế, 27 thành viên đều có những tính toán khác nhau trong quan hệ song phương với những cường quốc trên thế giới, dù đó là Mỹ hay Nga.

 

Hơn nữa, như giáo sư về lịch sử và văn hóa Đức Hélène Miard-Delacroix, đại học Sorbonne ghi nhận : Sự hình thành của Liên Hiệp Châu Âu luôn có những bước đột phá quan trọng sau mỗi cuộc khủng hoảng, nhưng đừng quên rằng, Liên Âu là một khối với 27 thành viên và mỗi bên đều có những « quyền lợi quốc gia, kinh tế, thương mại, chiến lược riêng ». Những lợi ích đó không nhất thiết phù hợp với « lợi ích tập thể ».

 

Điển hình là chỉ riêng về mặt quân sự, đành rằng Berlin đồng ý tăng cường ngân sách quốc phòng, nhưng không chắc Đức ưu tiên dành số tiền 100 tỷ euro đó để trang bị chiến đấu cơ, mua vũ khí của châu Âu, bởi vì tới nay, Đức vẫn chỉ « tin tưởng trang thiết bị của Mỹ », như một chuyên gia ghi nhận.

 

--------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÁP - CHÂU ÂU - AN NINH

Các ngoại trưởng Liên Âu họp tại Brest bàn về chiến lược an ninh chung của khối

 

LIÊN ÂU - QUỐC PHÒNG

Liên Hiệp Châu Âu chi kỉ lục cho quốc phòng nhưng thiếu hợp tác trong khối

 

CHÂU ÂU - QUỐC PHÒNG

Liên Hiệp Châu Âu phải làm gì để tự chủ về quốc phòng ?

 





No comments: