CƠ CHẾ NÀO
CHO LỰA CHỌN CÁN BỘ?
https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/352310880104686
Chiều ngày
1-3, tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X về
tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống
chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên có đưa ra yêu cầu “xây
dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội,
cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ giỏi cho Đảng”.
Ông cũng
nhấn mạnh ý “Chúng ta đưa ra một chủ trương đúng và tốt, nhưng chủ trương đó được
một cán bộ không tốt đưa vào cuộc sống thì các đồng chí hình dung nó sẽ tốt hay
xấu? Vì lợi ích cá nhân, vì động cơ riêng tư của một người hay một nhóm người
thì chủ trương tốt cũng thành xấu”.
Hoàn toàn
đồng ý.
Vậy, “cán
bộ không tốt” ấy từ đâu ra? Nó có phải cũng từng là “hạt giống đỏ” trong nguồn
quy hoạch “có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín” hay vì “nổi trội” mà phát triển
vượt bậc? Và để “đào tạo, bổ sung cán bộ giỏi cho Đảng” nên nhất thiết trước hoặc
sau khi phát hiện, chọn lựa thì phải kết nạp Đảng. Đảng viên là một “trị giá”
quy đổi các vị trí đề bạt, trọng dụng sau đó? Trong trường hợp “nổi trội” mà
ngoài Đảng thì có được lựa chọn – trọng dụng hay không?
Cái thực tế
người giỏi – ngoài Đảng sẽ được giải quyết như thế nào để chính họ trước hết
không bị phân biệt hay buộc phải xem như có một sự đánh đổi giữa cái năng lực
có thật với một điều kiện bắt buộc. Chính Đảng -một khi đã tự tin nhận thấy, nhận
lấy trọng trách “lãnh đạo toàn diện” thì có trong hay ngoài, miễn tạo dựng được
một hệ sinh thái làm việc, biết trọng dụng, bảo vệ người có năng lực, phẩm chất,
uy tín thì đã có được “của để dành”.
Tôi từng
làm việc với những người giỏi-chưa/không chịu vô đảng, sự không/chưa chịu ấy
đôi khi, ở những người này còn đầy ưu tư, trăn trở, tự trọng và trách nhiệm hơn
gấp nhiều lần người “tự nguyện” xin vô. Họ tự thấy họ chưa nghiêm túc, chưa chuẩn
bị đầy đủ suy nghĩ, thái độ, chưa sẵn sàng cho một tư thế gắn với trách nhiệm
thật sự, họ không thể tự dối lòng để sau vài ba thủ tục là khoác lên mình cái
áo đảng viên. Tôi còn lưu giữ hầu hết những “tâm thư” ấy và tôi yêu quý, tôn trọng
sự lựa chọn ở những người đồng nghiệp, cộng sự ấy.
Đời làm
báo của tôi, nếu có được sự kiên định và lòng say mê lại chính là kề vai sát
cánh bên những con người có lý tưởng ấy. Nó không phụ thuộc vào một lời tuyên
thệ. Nó đã có sẵn từ trong huyết mạch, cốt cách của họ.
Một điểm nữa,
để được nhận ra là “nổi trội”, được thừa nhận và công nhận thì ngoài môi trường
làm việc, sống còn là tầm nhìn, cái tâm để chiếu rọi của người làm công tác
nhân sự, cụ thể là người đứng đầu, cả trong cấp ủy lẫn chính quyền. Mắt họ có đủ
nhìn xa, trông rộng; trái tim và trách nhiệm của họ có đủ trung thực, thẳng thắn,
rộng lượng để thừa nhận “măng” đang vượt trội so với tre – là chính họ mà mở dần
những cánh cửa?
Cụ Hồ từng
đưa ra một ví dụ thú vị, khi họp công tác nhân sự thì hăng hái rằng phải tạo điều
kiện cho “măng mọc”. Nhưng khi thấy cán bộ trẻ trưởng thành, nhất lại là “con
nhà người ta” mà không phải con mình thì lại bảo “măng ơi sao mày mọc nhanh thế”…
Vì thế,
tôi vẫn không rõ cái cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài mà ông bí
thư thành ủy đưa ra sẽ được xây dựng trên cơ sở nào, do ai vận hành và kiểm
soát “đường đi” của nó ra sao, dù qua cách ông nói, thấy ông tường tận thực trạng,
ngóc ngách của cái gọi là “chánh pháp trong tay tà thì cũng sớm muộn thành tà
pháp” lắm…
Thực tế,
nhìn lên, nhìn xuống, nhìn quanh, cán bộ tốt hay không tốt, một màu mất rồi.
Cái tốt không dám bày tỏ, cái không tốt thì che đậy, năng lực nổi trội vẫn là
thứ năng lực tạo nhóm, kết bè để “thích ứng linh hoạt an toàn hiệu quả”, triết
lý sinh tồn vẫn nhìn… ghế mà hành xử, ngó theo thời thế mà uốn lưỡi cong lưng.
Câu nói giỡn “nó cán bộ đảng viên nhưng nó tốt” chưa bao giờ lại “nổi trội” như
lúc này!
.
No comments:
Post a Comment