Chiến
tranh Ukraina, cơ hội để Putin thanh lọc xã hội
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 18/03/2022 - 14:33
Thảm họa
chiến tranh của Ukraina cũng là một tấn bi kịch đối với xã hội Nga. Ba tuần lễ,
Kiev vẫn không đầu hàng. Matxcơva chưa chiếm được được một thành phố lớn nào của
Ukraina, kinh tế Nga bị phong tỏa tứ bề. Nhưng điện Kremlin xem đây là cơ hội để
“sàng lọc”những thành phần “cặn bã” trong xã hội, để lột mặt nạ “những kẻ phản
bội”, “kẻ thù từ bên trong” lũng đoạn xã hội Nga. Putin đẩy nước Nga quay trở lại với chế độ toàn trị.
Ảnh
minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) cùng với bộ trưởng Quốc Phòng
Sergei Shoigu tại Matxcơva, Nga, ngày 21/12/2021 AP - Mikhail Metzel
Vào
lúc gót giầy của binh sĩ Nga vang lên trên lãnh thổ Ukraina, hàng ngàn, hàng chục
ngàn người Nga đã bỏ xứ ra đi. Bất chấp lệnh cấm của chính phủ, hàng chục ngàn
người vẫn tập hợp ở Matxcơva hay Saint Petersbourg, quê hương của Putin, để phản
đối chiến tranh. Cả ngàn người Nga đã bị câu lưu.
Phát biểu
trên truyền hình hôm 16/03/2022, nguyên thủ Nga Vladimir Putin trấn an công luận
rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraina diễn ra “như
mong đợi”. Về việc bị quốc tế tẩy trừng phạt, chủ nhân điện Kremlin nhìn nhận
đây là một thời khắc khó khăn, nhưng rồi Nga sẽ vượt qua tất cả. Tuy nhiên phần
quan trọng nhất trong các tuyên bố của ông Putin nằm ở chỗ khác.
Không chỉ
đưa ra những lời lẽ để trấn an công luận, ủy lạo binh lính, Vladimir Putin còn
quả quyết là về mặt chính trị, chiến dịch Ukraina có lợi cho nước Nga. Theo
ông, đây là cơ hội để “xã hội Nga tự thanh lọc”, phơi bày ra ánh
sáng “bộ mặt của đội quân thứ năm”, bao gồm những người Nga làm tay
sai cho nước ngoài, phục vụ lợi ích của phương Tây. Ông Putin muốn nói tới những
người Nga chống chiến tranh Ukraina, những công dân Nga cũng lên đường tị nạn
như ba triệu người Ukraina phải bỏ xứ ra đi.
Tránh dùng
từ “chiến tranh”, lãnh đạo Nga tin rằng “một đợt sàng
lọc tự nhiên và cần thiết sẽ lại càng giúp xã hội Nga vững mạnh hơn, đoàn kết
hơn và có khả năng lớn hơn để đối mặt với những thách thức”. Cụm từ “sàng
lọc” hay “tự thanh lọc" mà Vladimir Putin sử dụng
cũng đủ khiến các nhà sử học “lạnh người".
Chủ nhân
điện Kremlin không dừng lại ở đó. Ông nói tiếp : “Mọi dân tộc, mà trước
hết là dân tộc Nga biết phân biệt giữa một người yêu nước chân chính với cặn bã
hay kẻ phản bội”. Vậy những “cặn bã” và những kẻ "phản
bội"đó là ai ? Tổng thống Nga giải thích tiếp : Đó là những người Nga
tham gia “đội quân thứ năm” phương Tây dựng lên, đã gài vào
trong xã hội Nga, nhằm “tàn phá nước Nga”,
Sợ rằng
chưa đủ rõ, ông Putin nói thêm : Những người lính trong đội quân thứ năm
đó “kiếm tiền trên đất Nga, nhưng hồn của họ thì ở mãi tận trời Tây”. Đó
là những kẻ sẵn sàng “bán cả mẹ cha” để có được đời sống
như “giới thượng lưu” phương Tây.
Lập trường
đó cho thấy, với những người Nga, xuống đường chống chiến tranh Ukraina cũng đủ
để bị ghép vào tội “phản bội” tổ quốc. Đưa ra hình ảnh những
thành phố Ukraina bị quân đội Nga tàn phá là hành vi “phục vụ lợi ích của
nước ngoài”. Đó chính là thảm kịch của một phần dân chúng Nga, khi bị
chính quyền coi là “kẻ thù” ngày trên đất nước của họ.
Nhà bình
luận về địa chính trị Pierre Haski trên đài phát thanh France Inter ghi nhận
Vladimir Putin đưa nước Nga đi thụt lùi trở về với quá khứ, cả về mặt “tư
tưởng, kinh tế, chính trị”. Lời lẽ được chủ nhân điện Kremlin sử
dụng làm liên tưởng đến những năm tháng dưới thời Stalin và những đợt thanh trừng thời
chiến tranh lạnh. Khó có thể ngờ được rằng Vladimir Putin giờ đây sử dụng lại
những từ ngữ đó để làm sống lại tinh thần yêu nước của người dân Nga, để biện
minh cho cuộc xâm lược Ukraina.
Điều đó
cũng có nghĩa là Matxcơva không dung thứ cho bất kỳ một tiếng nói bất đồng nào.
Các phương tiện truyền thông độc lập đã lần lượt “tự” đóng cửa.
Các phương tiện liên lạc với thế giới bên ngoài mất dần, công luận Nga giờ đây
chỉ có một kênh thông tin duy nhất, đó là thông tin từ Kremlin.
Chính những
người Ukraina và Nga đều công nhận họ là “anh em một nhà”, số
phận của hai dân tộc này luôn gắn liền với nhau. Điều này một lần nữa đã được
kiểm chứng. Có khác chăng là dân Ukraina cửa nhà tan nát vì bom đạn mà Vladimir
Putin mượn tay quân đội dội sang nước láng giềng, còn xã hội Nga thì bị chính sách
tuyên truyền của Vladimir Putin đầu độc.
------------------------------
CÁC
TIN KHÁC
Mỹ
cảnh cáo Trung Quốc không nên hỗ trợ Nga xâm lăng Ukraina
Ukraina
muốn Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò bảo đảm cho thỏa thuận với Nga
Diễn
văn chống ''phản bội'' của Putin: Đối đầu Nga–phương Tây tăng thêm một nấc
UAV
“sát thủ” Switchblade: Vũ khí mới Mỹ cấp cho Ukraina để chống Nga
Việt
Nam thay đổi mục tiêu phòng chống Covid-19
Trung
Quốc: Tập Cận Bình vẫn bảo vệ chiến lược "Zero Covid"
NGA
- UKRAINA - LIÊN HIỆP QUỐC
Chiến
tranh Ukraina: Nga rút lại dự thảo nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An
Chiến
tranh Ukraina: Hơn 2 triệu người tị nạn đến Ba Lan
No comments:
Post a Comment