Friday, February 4, 2022

VIẾT VỀ NHỮNG NGƯỜI MẸ / PHẦN 1 (Nguyễn Xuân Thọ)

 



Viết về những người mẹ / Phần 1   

Nguyễn Xuân Thọ

2/2/2022  08:18  

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/7312666602084683

 

Hầu như cả năm qua tôi chỉ ở Việt Nam. Kể cả trong thời gian ngắn ngủi quay về Đức tiêm chủng, tâm trí tôi cũng ở Việt Nam. Má tôi ốm đau, già yếu, không tiêm chủng, nằm giữa tâm dịch, trong một thành phố mà người chết vì bệnh dịch, vì bị bỏ rơi không thể đếm hết.

 

Tôi đã kịp thời trở lại với Má để chăm bà. Ở bên Má trong những ngày tháng cuối cùng của đời bà, tôi bỗng thấm hơn giá trị của người mẹ. Dân tộc này sống sót qua bao nhiêu thảm họa, chiến tranh, áp bức, bóc lột, thiên tai, bệnh dịch là nhờ sức chịu đựng và sự hy sinh của những bà mẹ. Điều này lịch sử đã chứng minh.

 

Giữa tất cả những nhiễu nhương, những vấn nạn mà chúng ta đang chứng kiến, xã hội Việt vẫn còn những điểm sáng làm cho người ta ấm lòng và hy vọng. Đó là nhờ vào cái tâm và thiên chức dưỡng dục của nhiều bà mẹ.

 

Tôi nói điều này không hề sáo rỗng. Một ví dụ là Má luôn nghĩ đến những người bạn, người quen cũ. Khi còn sống bà luôn hỏi tôi về người nọ, người kia. Tôi lần mò tìm họ cho bà, liên lạc được với ai, bà cũng mừng rỡ, cảm động. Tôi rất ân hận vì cho đến nay chưa tìm được cho Má gia đình bác Bửu Tiến, bạn thân của Ba. Má vẫn nhắc đến cô Nhu và các em Đam San, Đam Ka.

 

Trong sổ tay của Má vẫn còn số điện thoại của các cô giúp việc, của người y tá, của anh thợ nề… Tôi đã tìm cách gọi cho nhiều người báo tin buồn.

 

Khi có việc ra Hà Nội, tôi đã dành thời gian lặn lội tìm lại những người bạn, hàng xóm cũ của Má để gửi lại tình cảm của bà. Cô Nguyệt, người em gái kết nghĩa của Má từ 1959 rất ngạc nhiên, khi tôi gọi điện thoại khắp nơi hai ngày liền để tìm ra cô trong một nhà dưỡng lão ở Văn Giang, Hưng Yên. Hai cô cháu vô cùng xúc động khi gặp nhau sau hơn 30 năm, từ khi tôi đi Đức. Cô buồn khi nghe tin Má đã mất, nhưng cô coi cuộc gặp gỡ này còn hơn cả liều thuốc bổ cho tuổi già.

 

-Thưa cô, cháu chỉ cố thực hiện ước vọng của má cháu lúc còn sống.

 

Nói không ngoa: Những ký ức, những nhân vật mà tôi kể lại trên Facebook, hoặc trong hồi ức „Hai Quê Hương“ khiến nhiều người phải ngạc nhiên vì trí nhớ từ hồi con trẻ. Chúng lưu được lâu trong tôi chính vì tác động bởi lối sống thủy chung của Má.

...

 

Trong những ngày ở Hà Nội hai tuần trước, dù thời gian rất hiếm, tôi cũng tìm cách đến thăm bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của Đoan Trang, như tôi đã hứa trong bài trước. Giữ lời hứa cũng là cái đức Má truyền cho tôi. Lúc đầu có người bảo tôi rằng khó gặp lắm, rằng bà Căn và gia đình không muốn tiếp xúc nhiều, rằng gia đình không muốn bị ảnh hưởng đến cuộc sống vốn đã căng thẳng.

 

Nhưng bà Căn đã vui lòng tiếp tôi, một người không quen biết. Tôi mừng lắm và lập tức phóng xe máy đến thăm bà trong một khu nhà cao tầng ở Mai Dịch.

 

Mở cửa đón tôi là một phụ nữ ngoài 80, đi đứng rắn chắc. Nét mặt bà phúc hậu, tự tin, không hề có chút nào ủ rũ, buồn bã như tôi đã tưởng. Bà giới thiệu tôi căn hộ đơn sơ của hai mẹ con. Căn phòng của Đoan Trang vẫn còn nguyên các đồ vât, bàn viết, sách vở của cô nhà báo trẻ. Chỉ sau vài câu xã giao, tôi biết mình đã nhầm khi viết ở bài trước rằng mẹ Đoan Trang „từng chỉ là một cô giáo về hưu, không quan tâm đến chính trị“.

 

Bà Căn hơn tôi khoảng chục tuổi nên tôi gọi bà bằng chị. Câu chuyện của hai chị em trở nên thân tình, nhất là khi biết vợ tôi cũng từng là giáo viên như chị. Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng, từng trưởng thành dưới mái trường XHCN, từng trải qua những ngày khó khăn của thời bao cấp. Chị tự hào kể về bố Đoan Trang, một thầy giáo rất thương người. Ông sẵn sàng tặng cho học sinh người dân tộc, nơi ông giảng dạy, những bộ quần áo, đôi giày ông mang từ Hà Nội lên. Lòng nhân ái của ông bà đã thể hiện trong nhiều bài viết của cô con gái út sau này. Mỗi gia đình tử tế là nơi nuôi dưỡng cho các tế bào nhân ái.

 

Thì ra chị Căn (và cả những người anh của Đoan Trang) không hề là những người thờ ơ với vận mệnh đất nước. Chị luôn theo sát các sự kiện mà chị biết là đang đe dọa dân tộc này, từ Biển Đông, Bauxit, nạn tham nhũng, suy đồi giáo dục, nạn cướp đất…, đến tàn phá môi trường.

 

Nhìn bức ảnh Đoan Trang đang chơi đàn guitar, tôi hỏi chị nghĩ gì về bản án nặng nề mà em mới chịu mấy tuần trước? Chị trả lời ngay không đắn đo: „Trang đã chọn con đường của mình, không ai có thể khiến Trang từ bỏ nó. Tôi luôn đi cùng con gái tôi!“.

 

Tôi biết đằng sau cái ý chí sắt đá đó là nỗi đau của người mẹ, khi nghĩ đến đứa con gái út bé bỏng của mình. Trong những giây phú ngắn ngủi được nhìn Trang tại phiên tòa, chị nhận ra sự sự suy kiệt sức khỏe của con gái. Chị chép miệng:

 

-Trang gầy quá anh ạ.

 

Vì Trang là tù chính trị nên việc tiếp tế, gửi quà cho con luôn gặp khó khăn, nhưng chị cũng được an ủi bởi trong tù, có những người tốt do cảm phục đạo đức, lối sống của Trang đã giúp đỡ, chia sẻ với cô nhiều thứ.

 

Khi tôi hỏi liệu thái độ chính trị của Trang có khiến gia đình phải chịu các sức ép về kinh tế, về đường làm ăn? Chị bình thản cho biết:

 

-Sống lâu trong cảnh ngộ này con người ta quen dần với những sức ép đó. Bản thân tôi nay cảm thấy bình thường, tôi chấp nhận tất cả. Là một nhà giáo về hưu, với cuộc sống thanh bạch, sức ép kinh tế lên tôi không thể nhiều được!

 

Đối với hai người anh Đoan Trang, những trí thức thành đạt trên con đường sự nghiệp thì sức ép này tệ hại hơn nhiều. Đó là điều dễ hiểu.

 

Nhưng hậu quả của sức ép không nhiều, vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của mình và của những người liên quan. Sinh hoạt kinh tế ngày nay đã cởi mở hơn nhiều, hội nhập quốc tế của Việt Nam đã ở mức mà người ta không còn cần quá sợ hãi khi phải rời bỏ cơ quan nhà nước. Sức ép chính trị luôn tồn tại, biết cách đối mặt với nó là việc khác. Con người ta trong hoàn cảnh nào cũng có thể tạo ra không gian tự do cho mình, chỉ cần giải phóng mình thoát khỏi sự khiếp nhược.

 

Những người được tự do đi lại, nhưng tự nhốt suy nghĩ của họ vào một cái lồng mà người khác đan cho, thì chẳng bao giờ có thể coi mình là người tự do. Đó là điều tôi đọc được qua tâm sự của chị Căn.

 

Rời căn hộ nhỏ bé của chị, tôi cảm thấy chính mình được an ủi. Những bà mẹ sống bình dị, âm thầm, nhưng đầy trách nhiệm đang tạo ra dòng sữa giải độc cho đời.

(Còn tiếp)

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=7312656182085725&set=pcb.7312666602084683

Hai má con Tết Canh Tý 2020

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=7312650088753001&set=pcb.7312666602084683

Hai chị em tết Nhâm Dần 2022

 

.

98 BÌNH LUẬN

.

---------------------------------

.

BÀI TRƯỚC

 

Tho Nguyen

16 tháng 12, 2021  · 

Mẹ ơi con yêu mẹ

Má tôi ra đi đã năm ngày. Tôi không thể bày tỏ được tổn thất này. Tôi thường về ăn tết với Má, tôi coi bà là sợi dây nối tôi với quê hương. Má đi rồi, tôi vẫn mất ngủ như khi bà còn đó, vẫn nghe tiếng bà đêm đêm kêu đau, muốn trở mình hay muốn uống nước.

 

 

Tho Nguyen

9 tháng 12, 2021  · 

Di sản của Angela Merkel và cột đèn giao thông

Tối hôm 02/12 vừa qua, người Đức đã chứng kiến trực tiếp qua truyền hình sự xúc động của bà Angela Merkel trong buổi lễ duyệt binh tiễn bà rời nhiệm sở. Ba bản nhạc ưa thích nhất của bà được dàn quân nhạc biểu diễn đã khắc họa tâm hồn Merkel một cách chân thực.

 

 

Tho Nguyen

8 tháng 12, 2021  · 

Truyền thông thổ tả (3)

(tiếp theo)

Đang định viết tiếp về vai trò của mạng xã hội đối với truyền thông thì hôm nay có một chuyện thú vị lên báo.…

Xem thêm

 

Tho Nguyen

4 tháng 12, 2021  · 

Truyền thông thổ tả (2)

(tiếp theo)

Người ta nhận ra rằng: Chỉ một khi báo chí không phụ thuộc vào nhà nước cũng như các tập đoàn tư bản, độc lập về tài chính và nhân sự thì mới không bị lợi dụng. Mô hình truyền thông công cộng ra đời.…  Xem thêm

 Tho Nguyen

2 tháng 12, 2021  · 

Truyền thông thổ tả (1)

Khái niệm “Truyền thông thổ tả” chỉ có trong tiếng Việt, không dịch được ra ngôn ngữ nào hết. Trước kia người Việt cánh hữu thỉnh thoản…

Xem thêm





No comments: