Viễn
Cảnh 2022: Tung Hoành Với Sông Cờ Đỏ: Trung Quốc Đang Vắt Kiệt Nguồn Nước Của
Châu Á
11/02/2022
https://vietbao.com/p301436a311122/vi
Dẫn
Nhập _ Các
dân tộc sống trên lục địa Châu Á ở hạ lưu các dòng sông từ Tây Tạng và Trung Quốc
chảy xuống, trên 1,6 tỉ người này đã phải gánh chịu hết cả thiệt hại kinh tế
nông nghiệp, ngư nghiệp và môi trường các hạ vực đã bị thoái hóa dần dần suốt
nhiều thập niên qua trong khi Trung Quốc hưởng hết ích lợi nhờ thủy điện vì
trên thượng nguồn họ xây hàng trăm con đập, tàng trữ hàng trăm tỉ mét khối nước,
giam hãm 90% phù sa và thay đổi toàn diện dòng chảy môi sinh trên toàn lưu vực. Nhưng
tham vọng Trung Quốc chưa dừng lại, Trung Quốc đã bắt đầu xây một đại
công trình mang tên Sông Cờ Đỏ, dài trên 6.180 km để hàng năm chuyển dòng lấy
60 tỉ mét khối nước ngay từ nguồn không cho xuống hạ lưu sông Mekong,
Salween và Brahmaputra. Sông Cờ Đỏ của Trung Quốc là một mối đe doạ tiềm
tàng to lớn, với khả năng gây ra tội ác cho nhân loại – imminent threat to
humanity. Trung Quốc tránh không ký bất cứ một hiệp ước hợp tác sông ngòi quốc
tế nào, để họ đơn phương thực hiện những tham vọng của mình. Không một siêu cường
nào trên thế giới ngạo mạn khai thác dòng nước bất chấp cuộc sống của bao nhiêu
triệu cư dân hạ lưu như thế. Việt
Ecology Foundation
*
Bắc
Kinh có khả năng dùng “vũ khí nước” như một đòn ngoại giao bắt 25% dân số thế
giới làm con tin / holding hostage. Khác với những hồ chứa đập thuỷ điện, vừa
giữ nước vừa xả nước, Sông Cờ Đỏ là một chiến lược đổi dòng lấy nước – có nghĩa
là 100% lượng nước này sẽ bị mất đi – không bao giờ được đền bù, đối với
các quốc gia hạ nguồn. [1]
https://vietbao.com/images/file/O2WyRo_t2QgBAKZt/w600/1-01-tibet.jpg
Hình
1: Quốc
gia Tây Tạng, nơi phát xuất những con sông lớn của Châu Á: (1) Dương Tử, (2)
Hoàng Hà, (3) Indus, (4) Sutlej, (5) Yarlung Tsangpo – Brahmaputra, (6)
Irrawaddy, (7) Salween, (8) Mekong. [nguồn: Bản đồ cập nhật của Michael
Buckley, Meltdown in Tibet, Palgrave MacMillan 2014] [3]
CƠ THỂ
HỌC CÁC CON SÔNG LỚN CHÂU Á
Các con
sông lớn như mạch sống của toàn Châu Á đều bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng,
còn được mệnh danh là Cực Thứ Ba của Trái Đất.
_ Đông
Tây Tạng: phía
đông là khởi nguồn của hai con sông lớn hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Trung Quốc:
(1) sông Dương Tử 6.500 km dài nhất Châu Á chảy về hướng đông
theo suốt chiều ngang lãnh thổ Trung Hoa tới Thượng Hải – Shanghai, (2) sông Hoàng
Hà thì chảy về hướng bắc rồi chuyển sang hướng đông tới Thiên Tân –
Tianjin, và cả hai cùng đổ ra biển Trung Hoa.
_ Tây
Tây Tạng: phía
tây bắc, là (3) sông Indus và (4) sông
Sutlej chảy về hướng tây nam và giao thoa với ba con sông khác để hình
thành vùng châu thổ Punjab giữa hai nước Ấn và Hồi. Phía
tây nam là (5) sông Yarlung Tsangpo là “con
sông cao nhất thế giới”, với các ghềnh thác xuyên dãy Hy Mã Lạp Sơn, rồi chảy
qua Ấn độ, Bhutan và Bangladesh, con sông đổi tên là sông Brahmaputra trước
khi đổ vào Vịnh Bengal, Ấn Độ Dương.
_ Nam
Tây Tạng: phía
nam là ba con sông (6) sông Irrawaddy và (7) sông
Salween chảy xuống Miến Điện theo hướng bắc nam trước khi đổ
vào Biển Andaman. Riêng con (8) sông Mekong chảy
qua nhiều quốc gia với nhiều tên khác nhau, từ Tây Tạng: có tên Dza-Chu có
nghĩa “nguồn nước của đá”, tiếp tục chảy về hướng nam băng qua
những hẻm núi sâu của tỉnh Vân Nam với tên Trung Hoa là Lan Thương
Giang / Lancang Jiang “con sông xanh cuộn sóng”, qua
đến biên giới Lào Thái mang một tên khác Mae Nam Khong “con
sông mẹ”, xuống Cam Bốt lại mang một tên khác nữa Tonle Thom “con
sông lớn”, cuối cùng chảy qua Việt Nam mang tên Cửu Long với
hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu đổ ra Biển Đông trước
kia bằng chín cửa sông, nhưng nay chỉ còn bảy. [Hình 1]
TÂY TẠNG
KHÔ HẠN CHÂU Á CHẾT
Và cũng dễ
hiểu tại sao, bằng mọi giá Trung Quốc phải chiếm cho bằng được Tây Tạng – vùng
cao nguyên chiến lược vô cùng quan trọng, giàu có về nguồn nước, phong phú về
tài nguyên thiên nhiên – đó cũng là “định mệnh sinh học – biological
destiny” của Tây Tạng, một quốc gia nhỏ bé với chưa tới 1,5 triệu dân
bản địa (thống kê 1965, dân số gốc Tây Tạng 1,321,500; Leo A.
Orleans, The China Quarterly Jul-Sep, 1966) và đang bị Hán hoá, người
Tây Tạng nay đã trở thành thiểu số ngay trên đất nước mình.
Phải chứng
kiến tốc độ tàn phá sinh cảnh Tây Tạng, ngay nơi đầu nguồn, các con sông
lớn Châu Á đang bị Trung Quốc khai thác một cách triệt để với những đập thuỷ điện,
cùng với nạn phá rừng tự sát / suicidal deforestation, tới các kế hoạch khai
thác hầm mỏ đại quy mô, gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện tượng biến đổi khí hậu với
khí thải từ các nhà máy đốt nhiên liệu hoá thạch đang gây hiệu ứng nhà kính khiến
khối băng tuyết tưởng như vô tận nơi cực thứ ba trái đất đang nhanh chóng bị đẩy
lùi và tan rã.
Cũng để thấy
rằng, những con sông Châu Á từng nguyên sinh trong thế kỷ trước thì nay đã biến
dạng suy thoái và không còn như xưa nữa.
Cảnh tượng
ấy khiến Đức Dalai Lama đang lưu vong phải thốt lên lời kêu cứu
và ông đã chọn ưu tiên bảo vệ môi sinh thay vì những vấn đề
chính trị nóng bỏng. Trong một lần gặp gỡ với Đại sứ Hoa Kỳ Timothy
Roemer ở New Delhi, thủ đô Ấn Độ vào tháng 8/2009, Đức Dalai Lama nói rằng:
"Lịch
trình chính trị có thể hoãn lại 5 -10 năm nhưng cộng đồng quốc tế cần tập
trung quan tâm tới biến đổi khí hậu trên Cao nguyên Tây Tạng: khối băng tuyết đang
tan rã, nạn phá rừng, và ô nhiễm nguồn nước do những dự án khai thác hầm mỏ, là
những vấn đề cấp thiết, không thể chờ đợi." [nguồn: Wikileaks Cables, the Guardian
10 Aug. 2009]
Bắc
Kinh xác nhận là sẽ xây thêm các con đập thuỷ điện lớn trên
thượng nguồn sông Yarlung Tsangpo – Brahmaputra, trước khi con sông xuyên quốc gia ấy
chảy sang Ấn Độ, Bhutan và Bangladesh. Brahmaputra là dòng sông huyết mạch
của ba quốc gia này.
Khi các
công trình hoàn tất, tổng công suất / total capacity của những con đập
thủy điện trên Cao nguyên Tây Tạng sẽ “nhiều lần lớn hơn” công
suất con đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam): 22.500 megawatts, lớn nhất thế
giới trên sông Dương Tử.
https://vietbao.com/images/file/qD_YSY_t2QgBAFFB/w600/1-02-tibetbb.jpg
Hình
2: Bích
chương của Hội Phụ nữ Tây Tạng: Hâm Nóng Toàn Cầu trên Cao
nguyên Tây Tạng; Nếu Tây Tạng khô hạn, Châu Á chết. [3]
Cho dù
đang có những mối lo âu về sự tồn vong của quê hương Tây Tạng nhưng Đức Dalai
Lama rất quan tâm tới những vấn đề chung của nhân loại. Ông nói tới vấn đề môi
sinh rất sớm với tầm nhìn xa và trong mối tương quan toàn cầu và “phải làm
sao giữ xanh hành tinh” này, qua thông điệp nhân
Ngày Môi Sinh Thế Giới / World Environment Day [ngày 05.06.1986]:
“Hòa
bình và sự sống trên trái đất đang bị đe dọa bởi những hoạt động của con người
thiếu quan tâm tới những giá trị nhân bản. Hủy hoại thiên nhiên và các nguồn
tài nguyên thiên nhiên là do hậu quả của lòng tham lam và thiếu tôn kính đối với
sự sống trên hành tinh này... Chúng ta dễ dàng tha thứ cho những gì đã xảy ra
trong quá khứ do bởi u minh. Nhưng ngày nay do hiểu biết hơn, chúng ta phải duyệt
xét lại với tiêu chuẩn đạo đức là phần gia tài nào mà chúng ta thừa hưởng, phần
nào chúng ta có trách nhiệm sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau." [3]
SÔNG CỜ
ĐỎ / HỒNG
KỲ HÀ 红旗河
MỘT KHỦNG
LONG CỦA BẮC KINH
Từ mấy
thập niên qua, ai cũng đã biết Trung Quốc đã và đang xây thêm hàng
trăm đập thủy điện trên khắp các dòng sông với những hồ chứa nước
khổng lồ, ngăn chặn phù sa làm đảo lộn toàn hệ sinh thái, tác động
đến sinh kế của bao nhiêu triệu cư dân dưới nguồn.
Nay
tiến thêm một bước đột phá nữa, Trung Quốc đang có thêm một
kế hoạch vĩ mô / mega project, vô cùng táo bạo – khai mở một con sông nhân
tạo: Sông Cờ Đỏ / Red Flag River, lớn nhất thế giới xuyên lưu vực, kết
nối với mạng lưới sông thiên nhiên của Châu Á, nhằm chuyển nước
về hướng Bắc củng cố nền an ninh nguồn nước – cũng là nguồn an ninh
lương thực của Trung Quốc. Với dự án Sông Cờ Đỏ dài 6.180
km này, Trung Quốc hàng năm sẽ giành thêm được 60 tỉ mét khối
nước –
có nghĩa là các quốc gia khác sẽ mất đi lượng nước sinh hoạt
thiết yếu này.
Không
tham khảo với các quốc gia láng giềng, có thể nói Trung Quốc với hơn 1.4
tỉ dân đã đơn phương khai mào một trận chiến môi sinh không
tiếng súng và sẽ gieo hoạ cho 1,6 tỉ người thuộc các dân tộc lân
bang chung sống với họ trên lục địa Châu Á.
Sông Cờ
Đỏ có tham vọng chuyển 60 tỉ mét khối nước hàng năm tương đương với 21% lượng
nước đầu nguồn hàng năm tại ba con sông xuyên quốc gia / transnational rivers:
Mekong, Salween và Brahmaputra. Lượng nước quý giá này chính là nguồn sống,
sinh kế của các dân tộc Nam Á, và Đông Nam Á vẫn phải dựa vào số nước ấy sẽ được
chuyển tới vùng Tân Cương – Xinjiang phía bắc và tây bắc Trung Quốc.
Dự án
Sông Cờ Đỏ xuyên
lưu vực này sẽ gây chấn động dư luận nơi các quốc gia lân bang – đặc biệt là Ấn
Độ, quốc gia có dân số đông thứ hai chỉ sau Trung Quốc.
Những nước
dưới hạ nguồn sẽ phải rất quan tâm trước một viễn tượng có thể khó lường. Do
Tây Tạng có nước chảy xuống là nhờ mưa và tuyết tan khi trời ấm, mức nước và
lưu lượng sẽ cao nhất từ tháng hai cho đến tháng bảy, cho 70% tổng số nước cả
năm, khi đó là thời gian tối ưu cho con Sông Cờ Đỏ dựa vào thế năng và động
năng cao để chuyển dòng và chiếm đoạt nhiều nước nhất. Các nước hạ lưu cùng lúc
đó lại đang vào mùa khô, vì thế sau khi Sông Cờ Đỏ hoạt động, hạn hán giáng xuống
hạ lưu chắc chắn sẽ khắc nghiệt hơn nữa. Lúc đó họ chỉ còn biết dựa vào lòng tử
tế của Trung Quốc, điều mà người Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ, Việt Nam đã từng được nếm
trải.
Vì thế
Sông Cờ Đỏ của Trung Quốc đã tiềm tàng một mối đe doạ to lớn, gần như tội ác
cho nhân loại – imminent threat to humanity. Trung Quốc đã tránh
không ký bất cứ một hiệp ước hợp tác sông ngòi quốc tế nào, để họ không bị ràng
buộc có thể đơn phương thực hiện những tham vọng của mình. Không một siêu cường
nào trên thế giới ngạo mạn khai thác dòng nước bất chấp cuộc sống của bao nhiêu
triệu cư dân hạ lưu như thế.
Riêng Việt Nam thì sao? Vẫn là sự im ắng “truyền thống”
cho dù Sông Cờ Đỏ sẽ lấy nước sông Mekong từ ngay nơi đầu nguồn.
Trung
Quốc “vĩ đại” theo
nhiều ý nghĩa, thể hiện cho tinh thần Đại Hán ấy trong quá khứ đã có Vạn Lý Trường
Thành, là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Nay với tiến bộ khoa học kỹ thuật,
Trung Quốc còn thực hiện thêm những công trình mới có tầm vóc thế giới: đập thuỷ
điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử lớn nhất thế giới, và nay Sông Cờ Đỏ sẽ
là con sông nhân tạo chuyển dòng lấy nước cũng lớn nhất thế giới với chi phí tốn
kém nhất thế giới. Đây là một đại công trình làm thay đổi cả diện mạo của lục địa
Châu Á. Với sẵn nguồn nhân lực, với quyết tâm và có khả năng kỹ thuật
cao, Bắc Kinh có thể dư sức thực hiện Dự án Sông Cờ Đỏ này. Nhưng với cái giá
nào phải trả của các quốc gia lân bang thì không được Bắc Kinh quan tâm tới.
https://vietbao.com/images/file/0vTXTI_t2QgBAIsO/1-03-a-tibet.jpg
Hình
3a: Sông Cờ Đỏ với Dự án chuyển nước vĩ mô “tam tung, tứ hoành / ba dọc, bốn
ngang”; (a)
đường đen mỏng: các dòng sông lớn; (b) đường đen đậm: Sông Cờ
Đỏ và hai nhánh chính nối với các con sông thiên nhiên trong dự án chuyển nước
nối lưu vực nam-bắc của Trung Quốc; (c) đường đen đậm đứt quãng gần: đường
dẫn nước nam-bắc trong Dự án Chuyển Nước Nam-Bắc / SNWTP /
South-North Water Transfer Project; (d) đường đen đậm đứt quãng xa:
trong kế hoạch thực hiện. [nguồn:
Bản đồ của Genevieve Donnellon-May và Mark Wang trên The Diplomat Oct. 7, 2021,
với thêm ghi chú tiếng Việt của người viết]
https://vietbao.com/images/file/Se4YT4_t2QgBADJS/w600/1-03-b-tibet.jpg
Hình
3b: GS
Vương Hạo (Wang Hao), Chủ tịch Nhóm Chuyên gia trong cuộc Hội thoại về “Sông Cờ
Đỏ” – một dự án vĩ đại của Trung Quốc – đã ngạo mạn phát biểu: “Ít nhất
trên quy mô ngàn năm / thiên niên kỷ, Dự án Sông Cờ Đỏ sẽ đem lại những lợi ích
vượt xa hơn là những tác hại.”
LỊCH SỬ
SÔNG CỜ ĐỎ VỚI “TAM TUNG TỨ HOÀNH”
Dự án này
được soạn thảo bởi “nhóm nghiên cứu S4679” của Đại học Thanh Hoa /
Tsinghua ở Bắc Kinh – được so sánh như một Harvard của Đông phương; do giáo
sư Vương Hạo / Wang Hao là kỹ sư trưởng của Viện Nghiên Cứu Tài nguyên Nước và Thuỷ
điện của Trung Quốc.
Sông Cờ Đỏ
là một hệ thống thuỷ lợi với dòng chảy trọng lực / gravity flow water
diversion system, lấy nước từ các con sông trên cao nguyên Tây Tạng [được mệnh
danh là “nóc của thế giới” với độ cao trung bình 4.500 m trên mặt biển], dẫn
vào một đường kênh chính / main channel đưa nước tới vùng Tân Cương / Xinjiang
khô cằn – có khả năng “biến Tân Cương thành một California Made in China
xanh tươi trù phú”, đồng thời cũng dùng con sông nhánh Chunfeng dẫn một lượng
nước khổng lồ vào lưu vực Turpan tới vùng bắc Tân Cương. [Hình 3a,b]
Công trình
thuỷ lợi Sông Cờ Đỏ còn đem nước tới Tân Cương và các tỉnh
phía tây bắc như Cam Túc / Gansu, Ninh Hạ /
Ningxia. Các tỉnh này nếu có nguồn nước sẽ trở thành một vùng sản xuất nông
nghiệp lớn nhất nước. Ước tính là lượng nước cung cấp cho các tỉnh tây bắc sẽ
nhiều hơn lưu lượng nước hàng năm của con sông Hoàng Hà / Yellow River đổ ra biển.
Dự án này sẽ tạo thêm được 13,3 triệu hectares diện tích canh tác ở Tân Cương
và thêm 130.000 km2 các ốc đảo / oasis xanh tươi ở vùng tây bắc
Trung Quốc.
Ngoài những
lợi ích về canh nông kể trên, Sông Cờ Đỏ còn bảo đảm an toàn nguồn nước cho
Trung Quốc. Với Kế hoạch Dự án Chuyển Nước Nam-Bắc / SNWTP
/ South-North Water Transfer Project, Trung Quốc tạo được một mạng
lưới nước / water grid system có tên là “tam tung tứ hoành
/ 三纵四横 / ba dọc bốn ngang”:
_ Tam
tung / sanzhong / ba dọc: là 3 tuyến dẫn nước từ nam lên bắc; 2 tuyến
trung và đông đã hoàn thành, tuyến tây đang triển khai. Khi tuyến phía tây này
hoàn tất, sẽ có 17 tỉ mét khối nước được chuyển từ thượng nguồn sông Dương Tử
sang sông Hoàng Hà ngay từ trên cao nguyên Tây Tạng, có khả năng phục sinh con
sông Hoàng (Hà) đang bị cạn kiệt.
_ Tứ
hoành / siheng / bốn ngang: là 4 dòng sông chảy từ tây sang đông là:
Hoàng Hà (Yellow river), Hoài Hà (Huai river), Dương Tử (Yangtze river) và Hải
Hà (Haihe river)
Hệ thống
“Tam Tung Tứ Hoành” này
sẽ bảo đảm cung cấp nguồn nước cho thủ đô Bắc Kinh và các thị trấn lớn vùng
bình nguyên phía bắc Trung Quốc.
Ngoài ra,
Sông Cờ Đỏ còn có thêm hai kênh sông Hồng Duyên / Hongyan Hà dẫn
nước đến Diên An / Yan’an phía bắc tỉnh Thiểm Tây / Shaanxi, và sông Mạc
Bắc / Mobei dẫn nước vào Nội Mông và cả Bắc Kinh. Cũng qua kênh sông
Mạc Bắc, Sông Cờ Đỏ cung cấp nguồn nước cho vùng đồng bằng phía bắc Trung
Quốc, và qua nhánh sông Hồng Duyên cung cấp nước cho lưu vực Tứ
Xuyên / Sichuan Basin. [Hình 3a,b]
Đây là
một bức tranh quy hoạch thuỷ lợi cực lớn – không chỉ tạo ra một
hệ thống cấp nước mới cho vùng tây bắc Trung Quốc mà còn kết nối với
hệ thống mạng lưới nước quốc gia để có "bảo đảm
kép" về mặt chiến lược cung cấp nguồn nước cho Bắc Kinh và vùng
bắc Trung Quốc. [1]
VẪN BIỆN
HỘ CHO TRUNG QUỐC
Rồi ra,
chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu vẫn có một số vị tiến sĩ hay trí thức khoa bảng
trong và cả ngoài nước – sẽ hành xử như những luật sư tự nguyện bào chữa cho Bắc
Kinh rằng: Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc. Họ vẫn chỉ biết
dựa vào một con số đơn giản, cho rằng chỉ có 16% số lưu lượng sông Mekong đổ xuống
từ Trung Quốc. Và nay, Sông Cờ Đỏ có lấy thêm đi mấy phần trăm % của con số 16%
ấy thì nạn hạn hán nếu có xảy ra cũng không phải lỗi Trung Quốc.
Thực tế
vào mùa khô khi nước khan hiếm nhất, lượng nước từ Trung Quốc xuống Mekong lên
tới 40% và 70%, gấp hai tới bốn lần hơn con số họ cố ý trích dẫn. [nguồn: https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/china-eyes-its-next-prize-mekong]
Và người
ta vẫn có thể tự ru ngủ mà bảo rằng: tranh chấp nước “trên nguồn – dưới
nguồn / upstream – downstream” bấy lâu vẫn là chuyện bình thường, ngay cả giữa
các địa phương trong cùng một quốc gia.
Có cần
nhắc với họ không là năm 2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã
phải lên tiếng cầu cứu xin Trung Quốc xả nước từ con đập Cảnh Hồng / Jinhong để
cứu đại hạn nơi ĐBSCL lúc đó, và cuối cùng cũng không đạt hiệu quả nào!
https://vietbao.com/images/file/nOFdUo_t2QgBAPFw/w600/1-04-tibet.jpg
Hình
4: trái,
Hạn hán khắc nghiệt nơi ĐBSCL năm 2016, khiến Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó
phải lên tiếng cầu cứu Trung Quốc cho xả nước từ hồ chứa đập thuỷ điện Cảnh Hồng
nhưng không đạt hiệu quả nào; phải, Cái bắt tay “hữu nghị” của Tập Cận Bình –
lúc đó là Phó Chủ tịch TQ và TT Nguyễn Tấn Dũng tháng 12/2011. [nguồn: trái, VN Express
3/11/2016]
SÔNG CỜ
ĐỎ VỚI TRÁI TIM BIỂN HỒ VÀ ĐBSCL
Tuy dự án
Sông Cờ Đỏ S4678 không được công bố chính thức nhưng chắc chắn sẽ gây ra sự
quan tâm rộng rãi. Cao nguyên Tây Tạng vốn được coi là một vùng sinh thái trù
phú nhưng cũng rất mong manh và dễ bị tổn thương.
Sông Cờ Đỏ
chắc chắn làm giảm thêm nguồn nước của các con sông xuyên quốc gia – trong đó
có sông Mekong.
Rõ
ràng, Sông Cờ Đỏ sẽ đem lại cho Trung Quốc một thứ “siêu quyền lực” bá chủ về
nguồn nước / hydro-hegemony trên toàn Châu Á, với “quyền sinh sát tắt mở
vòi nước” theo ý mình – nhất là khi Bắc Kinh muốn cho các nước nhỏ “một
bài học” – vẫn nói theo ngôn từ của Đặng Tiểu Bình.
Ngoài nước
lớn là Ấn Độ, có đủ sức đối trọng với Trung Quốc, hầu như chưa có các quốc gia
hạ nguồn nào khác chính thức lên tiếng – Riêng với Uỷ Ban Mekong Việt
Nam – 23 phố Hàng Tre Hà Nội, cách ĐBSCL hơn 1.600 km, thì vẫn là sự im
lặng hay hoàn toàn bị động.
Vẫn với một
khuôn mẫu hành xử bấy lâu, chưa bao giờ Bắc Kinh muốn chia sẻ thông tin / hay
muốn thực lòng tham khảo với các quốc gia hạ nguồn về dự án Sông Cờ Đỏ S4679,
chắc chắn sẽ có ảnh hưởng huỷ hoại lâu dài đối các dòng sông xuyên quốc gia
này.
Theo ước
tính của hai tác giả Genevieve Donnellon-May / Đại Học Singapore và
Mark Wang / Đại học Melbourne, thì Bắc Kinh có khả năng
dùng “vũ khí nước” như một đòn ngoại giao bắt 25% dân số thế giới làm con tin /
holding hostage. Khác với những hồ chứa đập thuỷ điện, vừa giữ nước vừa xả nước,
Sông Cờ Đỏ là một chiến lược đổi dòng lấy nước – có nghĩa là 100% lượng nước
này sẽ bị mất đi – không bao giờ được đền bù, đối với các quốc gia hạ nguồn. [1]
_ Tình trạng
“đói lũ” ở ĐBSCL đã xảy ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Lũ
– mùa nước nổi xuống ĐBSCL, phụ thuộc chính vào lượng nước mưa từ thượng nguồn
sông Mekong. Nếu mưa ít ở lưu vực trên / upper basin, kéo theo nạn thiếu
nước trong hàng trăm các hồ chứa thuỷ điện, thì khi tới mùa mưa nước sẽ bị chặn
lại trong các hồ chứa – thay vì lượng nước mưa ấy ồ ạt theo dòng sông xuôi chảy
xuống hạ lưu. Hậu quả là sông Mekong sẽ thiếu nước, gây tình trạng hạn hán trên
toàn hệ thống sông rạch.
_ Do đó sẽ
rất ngây thơ để bảo rằng 16% lưu lượng nước từ Trung Quốc là không đáng kể, và
cho rằng các hồ thuỷ điện không tiêu thụ nước. Nhưng khi các hồ thuỷ điện thiếu
nước, phải cần thời gian lâu để tích trữ lại lượng nước thiếu vào chuỗi các hồ
chứa, những hồ chứa đập thuỷ điện đã “phá vỡ cả một chu kỳ điều hợp
thiên nhiên kỳ diệu” của con sông Mekong. Không còn lũ cao / hay đỉnh
lũ trong mùa mưa để con sông Tonle Sap có thể chảy ngược dòng vào Biển Hồ, tăng
diện tích Biển Hồ lên gấp 5 lần (từ 2.700 km2 mùa khô tới
16.000 km2 mùa mưa). Biển Hồ được ví như một biển dự trữ nước
ngọt thiên nhiên khổng lồ tiếp nước cho cả hai vùng châu thổ Tonle Sap / Cam Bốt
và ĐBSCL / Việt Nam trong cả hai mùa mưa nắng.
_ Một
con sông sinh thái / river ecosystem không đơn giản chỉ có nước mà phải
là một dòng chảy bao gồm các sinh vật / biotic (như cây cỏ, rong tảo, sò ốc tôm
cá), những vi sinh vật / microorganisms cùng với những vật thể phi sinh khác /
abiotic (như cát sỏi phù sa), tất cả cùng tương tác với nhau như một cơ thể sống.
Tác hại
của chuỗi đập thủy điện và nay với thêm Con Sông Cờ Đỏ không chỉ cướp nguồn nước mà còn
huỷ hoại hệ sinh thái của con sông: chặn nguồn phù sa trong các hồ chứa – mà
phù sa là yếu tố bấy lâu bồi đắp tạo dựng nên vùng đồng bằng châu thổ từ hàng
bao ngàn năm. Nay cũng nguồn nước ấy khi xuống tới ĐBSCL do “bị đói phù
sa”, đã dẫn tới một tiến trình đảo nghịch: thay vì bồi đắp, thì nay
lại “ăn đất” gây sạt lở không chỉ các bờ sông mà cả suốt chiều dài 800km vùng
ven biển.
_ Rồi còn
phải kể tới nạn đất lún do lạm dụng khai thác tầng nước ngầm, cùng với ảnh hưởng
của “biến đổi khí hậu” hâm nóng toàn cầu, nước biển dâng, với các hiện tượng El
Niño và La Niña khiến các vùng châu thổ là dễ bị tổn thương nhất – trong đó có
ĐBSCL, và tất cả đã làm đảo lộn mọi dự đoán về thời tiết thuỷ văn để có thể kịp
thời đối phó!
TRUNG
QUỐC VẪN LỐI HÀNH XỬ CÔN ĐỒ
Tháng 2
năm 1972, khi TT Nixon viếng thăm Bắc Kinh, bắt tay với Mao Trạch Đông dọn đường
cho một Trung Quốc mở cửa; rồi tiếp theo đó với chính sách “Đổi Mới” của
Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng vươn lên như một siêu cường,
theo cái nghĩa “nước lớn bá quyền”, và chính Đặng Tiểu Bình đã từng
giáng cho Việt Nam một bài học bằng trận chiến tranh đẫm máu nơi biên giới phía
bắc (1979).
Và rồi như
một chính sách nhất quán, Bắc Kinh đã có một lối hành xử rất côn đồ từ Biển
Đông (với Hoàng Sa Trường Sa và với Đường Lưỡi Bò), vào tới đất liền chiếm đoạt
nguồn nước, luôn luôn hăm doạ và bắt nạt các “tiểu quốc / nước bé”, bất chấp mọi
trật tự và luật pháp quốc tế.
Bằng chứng
là mới đây vào tháng 10/2021 Trung Quốc đã ngang nhiên từ chối ký một “hiệp
ước chia sẻ nước / water sharing treaty” với các quốc gia hạ nguồn. [1]
Chia sẻ
thông tin, chấp nhận đối thoại chân thành, điều mà các chuyên gia thuỷ học
Trung Quốc có thể dễ dàng làm nhưng đối lại vẫn là sự vô cảm. Không đối
thoại, không có tham khảo, trên mọi dự án lớn liên quan tới toàn vùng, cho dù Bắc
Kinh biết rằng cách hành xử ấy sẽ tạo nên những mối quan hệ căng thẳng nhưng họ
vẫn bất chấp. Với Trung Quốc ngày nay, chỉ có một tiếng nói của sức mạnh.
Cuộc đấu tranh để sinh tồn có thể dẫn tới cuộc chiến tranh vì nước ngay
trong thế kỷ 21 này.
NGÔ THẾ VINH
Mekong
Delta 1995 – 2022
----------------
THAM KHẢO:
1/ _
What’s Behind China’s Latest Mega Hydro-Engineering Project. Genevieve
Donnellon-May, Mark Wang. The Diplomat Oct 07, 2021.
_ Red Flag River and China Downstream Neighbors. Genevieve Donnellon-May, Mark
Wang. The Diplomat Oct 23, 2021.
2/ Đồng Bằng
Sông Cửu Long và Những Bước Phát Triển Tự Huỷ Hoại. Ngô Thế Vinh. Việt Ecology
Foundation May 01, 2018
vietecology.org/article/article/299
3/ Mùa
Xuân Tây Tạng và Câu Chuyện Những Dòng Sông. Ngô Thế Vinh. Việt Ecology
Foundation. Jan 20, 2017
vietecology.org/article/article/197
4/ Thoi
Thóp Trái Tim Biển Hồ, Miền Tây Đau Thắt Ngực. Ngô Thế Vinh. Việt Ecology
Foundation. Nov 7, 2015
vietecology.org/article/article/122
No comments:
Post a Comment