Thursday, February 10, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 10/02/2022 (The Economist)

 



 

THẾ GIỚI HÔM NAY : 10/02/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

10/02/2022

http://nghiencuuquocte.org/2022/02/10/the-gioi-hom-nay-10-02-2022/

 

Theo hãng dữ liệu khoa học sự sống Airfinity, đến nay chỉ mới có 65% trong số 1 tỷ liều vắc-xin covid-19 đã hiến tặng trên thế giới thực sự được sử dụng. Số còn lại đang trong kho lưu trữ hoặc hết hạn sử dụng. Hiện nay các nước đã cam kết quyên góp khoảng 3 tỷ liều. Song thái độ hoài nghi vắc-xin và các vấn đề hậu cần đã khiến tiêm chủng trở nên khó khăn.

 

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hagiuda Koichi nói Nhật sẽ nhường một phần khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu cho châu Âu để xoa dịu lo ngại Nga có thể hạn chế nguồn cung cho lục địa này. Ông không cho biết rõ số lượng. Bất chấp nỗ lực ngoại giao của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, căng thẳng giữa Nga và phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine tiếp tục leo thang.

 

Thương mại ở châu Á tăng trưởng cao hơn mức trung bình toàn cầu trong ba quý đầu năm 2021, theo Ngân hàng Phát triển châu Á. Tổng thương mại của 49 thành viên châu Á của ngân hàng này— bao gồm Úc, Nhật Bản và New Zealand cũng như các nước nghèo hơn — tăng gần 30% so với mức tăng trưởng toàn cầu 28%.

 

Hơn 20 năm sau khi vụ kiện đầu tiên được đệ trình, Tòa án Công lý Quốc tế đã phán quyết Uganda phải bồi thường 325 triệu USD cho Congo vì hành vi bạo lực trong cuộc xung đột đẫm máu giữa hai bên từ 1998 đến 2003. Cuộc chiến này khiến 500.000 người bị mất nhà cửa. Congo ban đầu yêu cầu 11 tỷ đô la.

 

Lợi nhuận hàng năm của Honda giảm 32% trong quý cuối năm khi chi phí nguyên vật liệu và tình trạng thiếu chất bán dẫn tiếp tục gây nhiều thiệt hại. Trong khi đó Toyota cắt giảm 500.000 xe trong mục tiêu sản xuất của năm tài chính này. Lợi nhuận hoạt động quý của công ty cũng giảm 21%.

 

Pfizer cho biết 3 tỷ liều vắc-xin covid-19 do họ sản xuất đã giúp tạo ra hơn một nửa doanh thu 81,3 tỷ USD của năm 2021, tăng 92% so với năm trước đó. Lợi nhuận ròng lên tới 22 tỷ đô la. Trong khi đó GlaxoSmithKline nói các sản phẩm covid của họ giúp mang về doanh số 1,4 tỷ bảng Anh (1,9 tỷ USD) trong năm 2021. Gã khổng lồ dược phẩm Anh sẽ tách riêng mảng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng trong năm nay sau khi từ chối lời đề nghị mua lại từ Unilever.

 

Tổng thống theo chủ nghĩa Marx của Peru, Pedro Castillo, đã chọn thủ tướng mới và qua đó kiến tạo thêm một nội các nữa — nội các thứ tư của đất nước chỉ trong vòng sáu tháng — trong nỗ lực ổn định chính quyền hỗn loạn của ông. Cựu bộ trưởng tư pháp Anibal Torres được chọn thay thế Héctor Valer. Ông Valer chỉ nắm quyền có bốn ngày trước khi từ chức vì những cáo buộc bạo lực gia đình mà ông phủ nhận.

 

Con số trong ngày: 37%, là tỷ lệ số vụ giết người trong tổng số toàn cầu vào năm 2018 của Mỹ Latinh, trong khi khu vực này chỉ chiếm 8% dân số toàn cầu.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Dân chủ suy thoái trên toàn cầu trong đại dịch

Giống như năm đầu tiên của đại dịch, 2021 cho thấy dân chủ toàn cầu thực ra rất mong manh. Dân chủ đặc biệt suy thoái mạnh trong năm ngoái. Các quyền hạn khẩn cấp trở thành bình thường mới ở những nền dân chủ phát triển cũng như các chế độ độc tài. Theo Chỉ số Dân chủ của hãng nghiên cứu EIU, điểm trung bình toàn cầu đã giảm từ 5,37 trên 10 vào năm 2020 xuống còn 5,28. Số người sống ở một nước dân chủ giờ đây chiếm chưa tới một nửa dân số thế giới. Hơn một phần ba sống dưới chế độ độc tài.

 

Chỉ số năm nay cũng đặt ra câu hỏi về tuyên bố của Trung Quốc về việc họ có mô hình quản trị vượt trội các nền dân chủ phương Tây. Mặc dù tự hào như vậy, Trung Quốc được xếp “chế độ độc tài,” với số điểm 2,21, giảm so với 2,97 của năm 2006. Không có gì đáng ngạc nhiên đối với một nhà nước độc đảng khi họ đạt điểm 0 về “quy trình bầu cử và đa nguyên”. Dù Trung Quốc tăng trưởng kinh tế vượt bậc, tự do dân sự vẫn là một điều gì đó xa vời.

 

Ấn Độ bước vào mùa bầu cử bang

Trong tháng tới người Ấn Độ ở năm bang, đại diện cho hơn 1/5 tổng số cử tri của đất nước, sẽ đi bầu cử khu vực. Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ. Thùng phiếu mở từ thứ Năm và kết quả sẽ tiết lộ nhiều điều về cục diện chính trị của đất nước. Năm năm trước, chiến thắng vang dội của Đảng Bharatiya Janata (BJP) ở Uttar Pradesh đã tạo tiền đề cho thành tích thống trị bầu cử quốc gia của đảng.

 

BJP đang tái tranh cử lại trong bối cảnh covid-19, bất ổn nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp cao – bên cạnh các vấn đề về đẳng cấp và tội phạm luôn định hình chính trị ở Uttar Pradesh. Được sự ủng hộ của thủ tướng Narendra Modi, thủ hiến đương nhiệm Yogi Adityanath, một người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu cứng rắn, tiếp tục áp dụng một chiến lược đến nay khá hiệu quả. Ông vung tiền cho các dự án phát triển lớn và tiếp tục luận điệu bài Hồi giáo. Trong khi đó, phe đối lập bị chia rẽ và rất thiếu nguồn lực. Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận đều dự đoán BJP sẽ lại thắng.

 

Quyết định lớn đầu tiên của thống đốc ngân hàng trung ương Mexico

Các nhà kinh tế sẽ theo dõi sát sao ngân hàng trung ương Mexico khi ủy ban chính sách tiền tệ của họ họp vào thứ Năm. Họ muốn có thông tin về cách Victoria Rodríguez, nữ thống đốc đầu tiên của Banxico, sẽ điều hành ngân hàng. Trước đó bà nhậm chức hôm 1 tháng 1. Giới quan sát đang lo ngại bà thiếu kinh nghiệm về chính sách tiền tệ. Bà cũng thân thiết với tổng thống Andrés Manuel López Obrador, người luôn không thích các thể chế độc lập.

 

Ủy ban đứng trước một quyết định khó khăn. Lạm phát ở Mexico đang ở mức cao, trên 7%, cho thấy ngân hàng nên tăng lãi suất. Tuy nhiên nền kinh tế lại suy thoái trong hai quý vừa qua, làm cho lãi suất cao trở nên tốn kém. Vẫn chưa rõ liệu bà Rodríguez có dễ chấp nhận lạm phát hơn người tiền nhiệm hay không. Nhưng không nhiều người nghĩ bà sẽ đột ngột chuyển hướng. Các nhà phân tích dự đoán Banxico sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, như đã làm trong các cuộc họp trước đây.





No comments: