Saturday, February 12, 2022

TẨU TÁN, HỦY TÀI LIỆU LIÊN BANG BỊ 3 NĂM TÙ, CÒN TRUMP THÌ SAO? (Mai Phi Long / Người Việt)

 



Tẩu tán, hủy tài liệu liên bang bị 3 năm tù, còn Trump thì sao?

Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)

February 12, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/tau-tan-huy-tai-lieu-lien-bang-bi-3-nam-tu-con-trump-thi-sao/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Vụ mang tài liệu Toà Bạch Ốc về nhà riêng tại Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida, làm cho cựu Tổng Thống Donald Trump đối mặt với những rắc rối không chỉ về mặt chính trị mà còn về mặt luật pháp.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/02/TS-trump-lay-tai-lieu-1-1068x712.jpeg

Vụ mang tài liệu Toà Bạch Ốc về nhà riêng tại Mar-a-Lago làm cho cựu Tổng Thống Donald Trump đối mặt với việc vi phạm Đạo Luật Hồ Sơ Tổng Thống. (Hình minh hoạ: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)

 

Mục 18, Đạo Luật 2071 của Mỹ đưa ra mức hình phạt lên đến ba năm tù và không được giữ bất kỳ chức vụ nào khi vi phạm các điều khoản liên quan đến việc che giấu, phá huỷ, hoặc bôi xoá tài liệu liên bang.

 

Hạ Viện Hoa Kỳ đã bắt đầu xem xét các vi phạm của ông Trump, và Văn Khố Quốc Gia (NARA) đã chính thức yêu cầu Bộ Tư Pháp (DOJ) điều tra sự việc.

 

Các hành động phá huỷ tài liệu của Trump tại Toà Bạch Ốc

 

Khi còn là tổng thống, ông Trump được biết là thường xuyên xé, hủy, tẩu tán, và thậm chí xả các tài liệu trong Toà Bạch Ốc xuống bồn cầu, theo New York Times (NYT). 

 

Cựu tổng thống thường tránh dùng điện thoại công vụ, mà sử dụng điện thoại di động cá nhân hoặc của các phụ tá.

 

Cách hành xử này lại là một tâm điểm chính trị mới bên cạnh cuộc điều tra của Hạ Viện về vai trò của ông Trump trong vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021, khiến đặt ra câu hỏi liệu việc vi phạm các chuẩn mực của một tổng thống như thế có vi phạm luật hay không.

 

Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện nhận định rằng cung cách khinh mạn trong việc sử dụng tài liệu của cựu tổng thống thể hiện sự “vi phạm nghiêm trọng” Đạo Luật Hồ Sơ Tổng Thống (Presidential Records Act-PRA), và quyết định điều tra nội vụ.

 

Nhật báo Washington Post (WaPo) là cơ quan truyền thông đầu tiên loan tin NARA yêu cầu Bộ Tư Pháp điều tra về các vi phạm trong việc bảo quản tài liệu, sau khi phát hiện nhà tỷ phủ tẩu tán về nhà riêng tại Mar-a-Lago, ít nhất là 15 thùng tài liệu từ Toà Bạch Ốc.

 

Trong số tài liệu mà ông Trump đem về Florida có những hồ sơ được đóng dấu “mật,” theo tường thuật của WaPo, có cả một số hồ sơ khác được đóng dấu “tối mật.”

 

Việc cựu tổng thống sử dụng điện thoại di động cá nhân để điều hành công vụ tạo ra một “lỗ trống” lớn trong nhật ký điện thoại gọi đến và gọi đi của Toà Bạch Ốc trong ngày 6 Tháng Giêng, 2021, gây cản trở cuộc điều tra nhằm tìm hiểu ông Trump đã liên lạc với ai, cùng làm gì trong ngày ủng hộ viên của ông tấn công bạo loạn vào Quốc Hội.

 

Nếu không giữ hồ sơ điện thoại di động và chuyển cho Văn Khố Quốc Gia, ông Trump có thể vi phạm luật pháp.

 

Tài liệu làm việc tại Toà Bạch Ốc là tài sản quốc gia 

 

Năm 1978, sau vụ Watergate, Quốc Hội ban hành PRA, quy định các tài liệu trong nhiệm kỳ của một tổng thống là tài sản quốc gia, không phải tài sản cá nhân của người giữ chức vụ tổng thống và đặt ra một quy trình để bảo đảm rằng Quốc Hội và công chúng được tham khảo.

 

Luật được đưa ra để ngăn các tổng thống thực hành việc bôi xóa tài liệu giống như cố Tổng Thống Richard Nixon định làm trong khi bị điều tra vụ Watergate, để rồi ông phải từ chức trong tủi nhục.

 

PRA đòi các tài liệu trong thời kỳ tổng thống làm việc tại Toà Bạch Ốc phải được giao lại cho NARA sau khi mãn nhiệm, và các tài liệu này sẽ được công bố sau 12 năm.

 

Trên thực tế, trong một số trường hợp, chẳng hạn như từ một cuộc điều tra của Quốc Hội, các tài liệu này có thể được đưa ra sớm hơn.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/02/TS-trump-lay-tai-lieu-2-1068x751.jpeg

Tỷ phú Donald Trump phải trả lại NARA 15 thùng tài liệu được tẩu tán về nhà riêng tại Mar-a-Lago. (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

 

Theo Congressional Research Service, PRA loại trừ các hồ sơ liên quan đến cá nhân của tổng thống, có nghĩa là các hồ sơ đó “thuần tuý riêng tư và không có liên quan đến công vụ” và tổng thống được quyền “quyết định cao” trong việc thẩm định tài liệu nào được bảo quản và tài liệu nào giao cho NARA.

 

PRA cũng đưa ra thể thức tiêu huỷ tài liệu qua đó phải được phép tiêu huỷ từ NARA và cơ quan lưu trữ này cần hỏi ý kiến bên Quốc Hội.

 

Không có dấu hiệu nào cho thấy cựu Tổng Thống Trump tuân thủ thể thức trên theo quy định của PRA.

 

Điều gì sẽ xảy ra khi các cơ quan chính phủ yêu cầu Bộ Tư Pháp điều tra?

 

Theo WaPo, NARA yêu cầu Bộ Tư Pháp điều tra 15 thùng tài liệu từ Tòa Bạch Ốc mà ông Trump mang về nhà riêng tại Mar-a-Lago và thói quen tiêu hủy tài liệu khi ông còn giữ chức tổng thống. 

 

Bộ Tư Pháp thường xuyên nhận được yêu cầu điều tra mỗi khi Quốc Hội hoặc các cơ quan chính phủ phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của các giới chức liên bang.

 

Các yêu cầu này không mang tính bắt buộc, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, Bộ Tư Pháp có điều tra và truy tố người phạm tội.

 

Bên điều tra sẽ thu thập những thông tin gì?

 

Có nhiều vấn đề cần được truy cứu, bao gồm các hành động có thể PRA, khẳng định mọi tài liệu tổng thống đều là tài sản của quốc gia.

 

Dân Biểu Carolyn Maloney (Dân Chủ-New York), chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện, cho biết, theo luật, lẽ ra vị cựu tổng thống phải nộp lại toàn bộ tài liệu cho NARA trước khi rời Tòa Bạch Ốc, và uỷ ban đang điều tra nhằm tìm hiểu nội dung của 15 thùng tài liệu được thu hồi từ Mar-a-Lago, theo lá thư bà gửi cho NARA. 

 

Nhà tỷ phú có thể đối mặt với bản án ba năm tù, qua hành vi che giấu hoặc cố ý tiêu hủy tài liệu. 

 

Nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất là quy trình giải quyết tài liệu mật, không chỉ vậy, một số tài liệu còn được xem là “tối mật.” 

 

Theo ông David Laufman nhận xét rằng vấn đề pháp lý trong sự việc lần này là liệu việc ông Trump mang tài liệu mật từ Tòa Bạch Ốc về Mar-a-Lago – một địa điểm không được cho phép chứa thông tin mật – có vi phạm pháp luật, và nếu có thì vi phạm này có thể truy tố hình sự hay không, tờ NYT tường thuật. 

 

Ông Laufman là cựu viên chức đứng đầu bộ phận phản gián an ninh của Bộ Tư Pháp, từng tham gia cuộc điều tra vụ bê bối sử dụng email của bà Hillary Clinton.

 

Đạo luật quy định ra sao về việc giải quyết tài liệu mật?

 

Có nhiều điều luật về việc bảo vệ thông tin mật, bao gồm một điều luật cấm tàng trữ tài liệu mật tại địa điểm không được cho phép, và một điều luật cấm hành vi cố ý hoặc cẩu thả trong quá trình giải quyết tài liệu mật. 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/02/TS-trump-lay-tai-lieu-3-1068x669.jpeg

Dân Biểu Carolyn Maloney (Dân Chủ-New York), chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện, bắt đầu tiến hành điều tra vụ cựu Tổng Thống Donald Trump tẩu tán tài liệu về nhà riêng. (Hình: Joshua Roberts-Pool/Getty Images)

 

Trên lý thuyết, các công tố viên có thể buộc tội một cá nhân vì hành vi cẩu thả, nhưng theo ông James Comey, cựu giám đốc FBI, trong vòng một thế kỷ qua, phía DOJ thường chỉ truy tố các hành động cố ý vi phạm quy định giải quyết tài liệu mật, ý định phản quốc, nỗ lực ngăn cản công lý, và làm lộ thông tin mật ở mức độ có thể xem là cố ý.

 

Trong vụ bê bối của bà Clinton, ông Comey cũng tuyên bố phía FBI không buộc tội vị cựu bộ trưởng ngoại giao. 

 

Tương tự, chỉ vi phạm quy định giải quyết thông tin mật không có nghĩa là ông Trump sẽ bị truy tố hình sự. 

 

Bộ Tư Pháp có thường xuyên điều tra các sự việc tương tự hay không?

 

Câu trả lời là có, và ví dụ gần đây nhất là vụ bê bối sử dụng email của bà Clinton.

Sau khi cuộc điều tra kết thúc, FBI phát hiện 110 email trong số 52 chuỗi email có chứa thông tin mật, nhưng cho rằng bà Clinton không cố ý phạm luật. 

 

Theo NYT, vào năm 2005, ông Sandy Berger, cố vấn an ninh của Tổng Thống Bill Clinton, bị phạt $50,000 vì lấy tài liệu mật ra khỏi NARA, thay vì ngồi tù, sau khi đạt thỏa thuận với bên công tố.

 

Một thập niên sau, ông David Petraeus, cựu giám đốc CIA, nhận tội cố ý lấy tài liệu mật tại địa điểm không được cho phép và chịu án tù treo hai năm. Trong vụ này, ông Petraeus lấy tám tập tài liệu đưa cho người viết tiểu sử của ông.

 

Với tư cách là cựu tổng thống, ông Trump có thể làm gì?

 

Ông Trump có thể khẳng định rằng trong lúc mình còn làm tổng thống, ông có quyền quyết định giải mật tài liệu, và rằng các tài liệu ông mang về nhà riêng không còn là tài liệu mật.

 

Ông Laufman nhận định rằng, dựa theo thói quen giải quyết tài liệu chính phủ của vị cựu tổng thống, có lẽ ông Trump hoặc những viên chức thân cận đã không chính thức giải mật các tài liệu này, nhưng việc ông Trump có quyền này có thể gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra, cụ thể là rất khó có được bằng chứng.

 

Đó là, khi nào tài liệu được giải mật? Hoặc tài liệu có được giải mật trước khi chúng được mang về Mar-A-Lago hay không?

 

Ông Laufman cho rằng FBI và Bộ Tư Pháp nên tiến hành điều tra để tìm ra sự thật. [đ.d.]

Liên lạc tác giả: maiphilong@nguoi-viet.com

 

 

 



No comments: