Tại sao Donetsk và Luhansk là trung tâm của khủng hoảng Ukraine?
Phan Nguyên, biên dịch
17/02/2022
https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/02/Donetsk-Luhansk-1.jpg
Bản dồ khu vực chiến sự
Vào ngày 15 tháng 2, trong khi khoảng 130.000 quân Nga dường như đã sẵn sàng xâm lược Ukraine, hạ viện Nga đã bỏ phiếu yêu cầu tổng thống Vladimir Putin công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở vùng đông nam Ukraine là các quốc gia độc lập. Donetsk và Luhansk, một phần của khu vực Donbas nơi người nói tiếng Nga chiếm đa số, đã bị lực lượng ly khai kiểm soát, và theo đó, do Nga kiểm soát trên thực tế, kể từ năm 2014. Tại sao những khu vực này lại quan trọng? Và việc Nga công nhận nền độc lập của họ có thể thay đổi cuộc khủng hoảng như thế nào?
Căng thẳng quân sự ở Ukraine bắt nguồn từ “Cách mạng Maidan” vào tháng 2 năm 2014, khi Viktor Yanukovych, tổng thống Ukraine được Nga hậu thuẫn vào thời điểm đó, bỏ trốn khỏi Kyiv sau nhiều tháng biểu tình trên đường phố. Nga đã đáp trả bằng cách chiếm đóng và sáp nhập Crimea, ở phía nam Ukraine, vào tháng Ba. Xung đột nhanh chóng bùng phát ở miền đông Ukraine, nơi một mạng lưới các nhóm dân quân phối hợp lỏng lẻo bắt đầu chiếm giữ các tòa nhà chính phủ trên khắp Donetsk và Luhansk trong tháng Tư. Những nhóm này, hầu như chỉ bao gồm những người dân địa phương bất mãn và những người ủng hộ họ từ những nơi khác ở Ukraine, đã tuyên bố độc lập vào tháng 5 năm 2014 với tên gọi Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk. Hai khu vực cùng nhau tự gọi mình là “Novorossiya” (Nước Nga mới) —hồi sinh một thuật ngữ từng được dùng để chỉ lãnh thổ miền nam Ukraine do đế quốc Nga chinh phục hồi thế kỷ 18.
Các lực lượng Ukraine đã tiến hành phản công và dường như đã sẵn sàng chiếm lại các vùng lãnh thổ do phe ly khai nắm giữ. Nhưng quân tiếp viện Nga đã tràn qua biên giới, đánh bật quân Ukraine và đe dọa sẽ tiến xa hơn vào vùng trung tâm của đất nước. Một thỏa thuận hòa bình vội vã giữa Ukraine, Nga và phe ly khai đã ngăn chặn một cuộc tàn sát. Nhưng thỏa thuận này, được gọi là Minsk I, đã sớm đổ vỡ. Đến tháng 1 năm 2015, giao tranh toàn diện lại nổ ra. Thủ tướng Đức, Angela Merkel và tổng thống Pháp, François Hollande, đã can thiệp để khôi phục lệnh ngừng bắn, làm môi giới cho “Gói các biện pháp nhằm thực hiện các thỏa thuận Minsk”, được gọi là Minsk II. Điều đó khiến những khu vực rộng lớn của Donbas vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của quân ly khai. Một “con đường liên lạc” dài 500 km, dọc theo các chiến hào và trải đầy mìn, cắt xuyên qua khu vực này. Bất chấp sự hiện diện của các quan sát viên nước ngoài để theo dõi lệnh ngừng bắn, khu vực này chưa bao giờ hoàn toàn yên tĩnh. Hơn 14.000 người đã thiệt mạng ở đó kể từ năm 2014.
Các thỏa thuận Minsk dự kiến Ukraine sẽ tái tiếp quản Donetsk và Luhansk và trao cho hai khu vực này “tình trạng đặc biệt”. Địa vị này đặc biệt như thế nào vẫn chưa được xác định, tương tự là trình tự các bước cũng như câu hỏi liệu những người dân Donbas đã di tản vì xung đột có được phép có tiếng nói về tương lai của vùng này hay không. Đối với Nga, các thỏa thuận Minsk sẽ tạo ra một con ngựa thành Troy cho phép Nga có quyền kiểm soát Ukraine, bằng cách gây bất ổn cho đất nước từ bên trong hoặc thông qua những thay đổi hiến pháp cho phép Nga có quyền phủ quyết việc Ukraine chuyển hướng sang phương Tây. Đối với Ukraine, đó là một viên thuốc độc mà nước này không muốn nuốt kể từ năm 2015. Việc Nga công nhận Donetsk và Luhansk là các thực thể độc lập sẽ giúp Ukraine thoát khỏi sự đau đớn đó cũng như một khu vực nhiều rắc rối. Ngay cả khi lên tiếng phản đối, chính phủ ở Kyiv vẫn vì vậy mà có thể thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo vào ngày 15 tháng 2, Putin đã không hào hứng ngay lập tức chớp lấy cơ hội công nhận hai nước cộng hòa tự xưng này, thay vào đó nói rằng các cuộc đàm phán để thực hiện hiệp định Minsk vẫn còn có một số chặng đường phía trước. Nếu bây giờ Nga chính thức công nhận chúng là các thực thể độc lập thì điều đó sẽ tương đương với việc gần như “sáp nhập” chúng vào Nga, vì các “nước cộng hòa” này sẽ chỉ toàn là những công dân Nga mới. Nga đã phân phát hàng trăm nghìn hộ chiếu Nga cho cư dân Donbas, nhiều người trong số họ đã đi bỏ phiếu vào năm ngoái trong cuộc bầu cử quốc hội Nga. Ukraine và phương Tây sẽ lớn tiếng phản đối việc vẽ lại các đường biên giới quốc tế bằng vũ lực. Điều đó sẽ làm tăng hay giảm nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn là điều không chắc chắn. Nga có thể tuyên bố chiến thắng và quay lưng đi. Nhưng dự luật được Duma thông qua cho phép chính phủ Nga “bảo vệ” cư dân ở đó khỏi “các mối đe dọa từ bên ngoài”. Đáng lo ngại hơn, các nhà lãnh đạo ly khai tuyên bố chủ quyền đối với cả các vùng đất Ukraine mà họ không kiểm soát. Nếu Nga chấp nhận những tuyên bố đó, hòa bình sẽ khó có thể xảy ra.
--------------------
Nguồn: “Why Donetsk and Luhansk are at the heart of the Ukraine crisis”, The Economist, 15/02/2022
----------------------
Chiến lược bành trướng bằng hộ chiếu của Nga
Nguồn: Agnia Grigas, “Russia’s Passport Expansionism”, Project Syndicate, 07/05/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Vào ngày 24 tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rằng hộ chiếu sẽ được cấp cho người dân ở các khu vực thuộc vùng đông Donetsk và Luhansk của Ukraine hiện đang do phe ly khai thân Nga … Continue reading
No comments:
Post a Comment