Sunday, February 20, 2022

PUTIN ĐÃ HOÀN TOÀN HIỂU SAI VỀ CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI (Die Welt)

 



Putin đã hoàn toàn hiểu sai về chiến tranh hiện đại

WELT

Nguyễn Xuân Hoài, biên dịch

19/02/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/02/19/putin-da-hoan-toan-hieu-sai-ve-chien-tranh-hien-dai/

 

Matthew Schmidt là một chuyên gia về chính sách quân sự và an ninh, đồng thời là một người am hiểu về nước Nga. Ông giải thích tính cách của Putin có liên quan gì đến cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, và tại sao ông không tin vào một giải pháp hòa bình cũng như việc Putin sẽ thực hiện được kế hoạch của mình.

 

                                                          *

 

Trong nhiều thế kỷ qua, nước Nga luôn tìm kiếm vai trò của mình: giữa một bên là châu Âu với các giá trị tự do, là sự khai sáng và thế tục hóa, và một bên là cội nguồn của bản thân nó, các truyền thống Chính thống giáo của Nga và các tín ngưỡng bảo thủ. Điều này tác động như thế nào đến chính sách đối ngoại của Nga hiện nay và ảnh hưởng của nó đến các nước láng giềng của Nga?

 

Matthew Schmidt, phó giáo sư tại Đại học New Haven, là người đang nghiên cứu về những vấn đề này. Cạnh đó, ông cũng là một chuyên gia về chiến lược quân sự và làm công tác giảng dạy cho Quân đội Hoa Kỳ trong nhiều năm. Schmidt theo học ở Saint Petersburg trong những năm 1990, khi Putin bắt đầu nổi lên. Schmidt có những người bạn ở Ukraine, những người đã chiến đấu trong cuộc chiến năm 2014.

 

WELT: Thưa ông Schmidt, tại sao nước Nga lại đặt câu hỏi về chủ quyền của các nước khác? Tính cách của Putin có tác động như thế nào đến điều này?

Matthew Schmidt: Putin là một người thô thiển và ích kỷ. Nhưng đằng sau hành động của ông ta là một triết lý sâu sắc, nó đưa đường chỉ lối cho ông ta và giúp cho ông ta có một cơ sở lý luận sâu sắc hơn. Để hiểu chính sách đối ngoại của Nga cần phải hiểu ý tưởng về Chủ nghĩa Liên Slavơ (Pan-Slavism), hay Chủ nghĩa Á – Âu (Eurasism), đó là quan điểm cho rằng các dân tộc Slavơ gắn bó với nhau bởi có một nền văn hóa giống nhau, và các giá trị tương tự của họ liên kết họ với nhau – đồng thời có nhu cầu lịch sử để bảo tồn những giá trị đó. Điều này mang nhiều dấu ấn tôn giáo khá mạnh mẽ bởi vì Nhà thờ Chính thống giáo Nga coi mình là người thừa kế của Đế chế Đông La Mã, và do đó đối với Cơ đốc giáo. Tất nhiên, giờ đây, người dân Bulgaria không nghĩ rằng họ nhất thiết phải thuộc về Moscow, nhưng nhiều người ở Điện Kremlin lại cảm nhận như vậy.

 

 

WELT: Ý tưởng này xuất phát từ đâu?

Schmidt: Ta phải quay trở lại thế kỷ 19, khi nổ ra các cuộc cách mạng quốc gia ở châu Âu, và kết quả là, các tác giả ở Nga, muộn hơn nhiều so với ở châu Âu, bắt đầu đặt câu hỏi về dân tộc Nga và ý nghĩa của khái niệm Slavơ. Một câu hỏi cơ bản ở Nga luôn là: chúng ta là Châu Âu hay Châu Á, Tây hay Đông? Và các tác giả đã trả lời: không là cái gì cả, Nga là một cái gì đó độc đáo nằm ở giữa. Ban đầu, nó không nhất thiết chống lại phương Tây. Khi Liên Xô tan vỡ, bản sắc Liên Xô trở thành lịch sử, những ý tưởng này lại được thổi bùng lên, nhưng lần này là chiêu bài dân tộc chủ nghĩa. Điện Kremlin dần dần kết hợp chúng, chẳng hạn như khi Putin tự mình công khai rửa tội theo Chính thống giáo. Và ngày nay, chúng ta đang ở thời điểm mà các nhà cầm quyền Nga rõ ràng là chống phương Tây, không chấp nhận đồng tính luyến ái và coi nền dân chủ tự do như một loại hình chính phủ không phù hợp với nền văn hóa Nga.

 

 

WELT: Ai suy nghĩ như vậy? Phải chăng chỉ có tầng lớp tinh hoa?

Schmidt: Đúng vậy, chủ yếu là tầng lớp tinh hoa. Đa số những người có quan hệ với Putin đều cực kỳ chống phương Tây. Điều này khác với giới tinh hoa văn học, những người trên hết nhấn mạnh đến sự tương đồng về văn hóa với châu Âu. Còn dân chúng nói chung thì đâu đó ở giữa: họ thích người châu Âu, thích người Mỹ và văn hóa Mỹ, nhưng có xu hướng tin vào những lời tuyên truyền rằng Nga đang bị phương Tây đe dọa.

 

 

WELT: Vậy theo ông thì sao, Nga có phải là một quốc gia Châu Âu?

Schmidt: Có chứ, chắc chắn là như vậy. Nga có cùng nền tảng triết học Hy Lạp-La Mã, là một quốc gia theo đạo Thiên chúa, và ngay cả dưới thời Đế chế Sa hoàng, cơ cấu chính quyền và hành chính vẫn là của châu Âu. Và Nga đã đưa loại hình nghệ thuật quan trọng nhất của châu Âu lên đến đỉnh cao: đó là tiểu thuyết. Tôi tin rằng, về lâu dài, khu vực châu Âu của xã hội Nga cũng sẽ là khu vực mạnh mẽ hơn. Có thể sẽ mất nhiều thập kỷ, có thể nhiều thế kỷ, nhưng đến một lúc nào đó, nước Nga sẽ có một cấu trúc dựa trên các quyền tự do và các giá trị tự do. Ngày nay, chúng ta đã thấy Nga không phải là Trung Quốc: có những cuộc biểu tình trên đường phố bên bờ vực chiến tranh, có những người đứng trước ống kính máy quay và nói : “Xin đừng nêu tên tôi, nhưng tôi không tham gia cuộc chiến này.” Ý tưởng về quyền tự do cá nhân, có thể quyết định vận mệnh chính trị của chính mình, đã ăn sâu vào một phần lớn xã hội và văn hóa Nga. Người ta cần cho nó thời gian để cho nó đâm hoa kết trái.

 

 

WELT: Mối quan hệ với các nước láng giềng sẽ như thế nào trong trường hợp này? Đó sẽ là một nước Nga rộng lớn, tự do, nhưng là một nước có thể bao gồm Ukraine và các nước Slavơ khác?

Schmidt: Không, bởi vì các giá trị tự do bao gồm việc tôn trọng sự độc lập và quyền tự quyết của một dân tộc. Mối quan hệ với Ukraine có đặc trưng bởi các giá trị được chia sẻ, giống như quan hệ giữa Mỹ và Canada. Ở đây có sự khác biệt, nhưng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bị đe dọa bởi vì cả hai đều có đầy đủ các giá trị để chia sẻ.

 

 

WELT: Hiện tại cả hai bên đều cảm thấy bị đe dọa – kể cả Putin, ông không chấp nhận một Ukraine thân phương Tây và đe dọa an ninh của Nga.

Schmidt: Theo tôi, thật sai lầm khi hiểu Putin theo nghĩa đen, và tôi khó chịu vì có nhiều người suy nghĩ như vậy. Tôi đã dạy cho các đơn vị quân đội Mỹ trong nhiều năm về lập kế hoạch tác chiến và chiến lược. Những gì Putin đang nói là sự hiểu sai hoàn toàn về chiến tranh hiện đại. Thứ nhất, NATO không có lợi ích, về mặt chính trị hoặc quân sự, trong việc tham gia vào một cuộc chiến có thể dẫn đến thảm họa. Và thứ hai, NATO có các lãnh thổ ở Baltic gần với Moscow như Ukraine. Lý do ông ta nêu ra không hợp lý đối với tôi. Câu hỏi đặt ra là, liệu bản thân ông có tin, hay đó chỉ là cái cớ để biện minh cho hành động của mình trước người dân Nga. Tôi không nghĩ rằng có một câu trả lời cho điều đó. Người ta có thể nói những điều mà chính bản thân họ cũng không tin, đồng thời tin những điều mà họ đủ khôn ngoan để biết rằng mình không nên tin.

 

 

WELT: Hiện tại có vẻ như giới lãnh đạo Nga và Mỹ đang ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Liệu người ta có thể hiểu nhau được không?

Schmidt: Thực tế là rất khó để nói chuyện được với nhau khi ở hai hệ thống giá trị khác nhau. Việc Ngoại trưởng Nga Lavrov phản ứng với văn bản từ chối đảm bảo an ninh đã thể hiện rất rõ ràng. Ông ta nói đại để: “Được thôi, các người không chỉ khước từ yêu cầu của chúng tôi mà còn không thèm ngó ngàng đến chúng. Qua đó các người đã cho thấy, những lo ngại về bảo đảm an ninh của chúng tôi trong con mắt các người là một trò cười. Đây là một sự vô lễ.” Nhưng người Mỹ khó có thể phản ứng khác đi, bởi nếu không, thì họ đã phản bội các giá trị phương Tây. Điều này làm cho các cuộc đàm phán tiếp theo trở nên khá khó khăn. Đó là lý do tại sao tôi rất bi quan về viễn cảnh của một giải pháp hòa bình.

 

 

WELT: Nga tuyên bố rút quân, nhưng lại cứ ì ra đó. Vậy giải thích điều này như thế nào?

Schmidt: Putin có cái mà theo ngôn ngữ quân sự, người ta gọi là nhịp độ hoạt động. Ông ta nắm thế chủ động và quyết định khi nào thì ra tay, và thế giới buộc phải chờ xem ông ta quyết định cái gì. Vấn đề là ở chỗ, ông ta có thể đợi, sáu tuần, sáu tháng, thậm chí sáu năm, trong lúc chờ đợi như vậy ông ta không nhất thiết phải làm bất cứ điều gì. Trong khi đó Ukraine ở thế bị động, luôn bị căng thẳng, và cuối cùng sẽ mất đi tiềm năng, không ai có thể chịu đựng được sự lo lắng kéo dài triền miên như vậy, và sau đó sẽ là thời cơ hoàn hảo để phát động một cuộc tấn công. Đây là một chiến thuật phổ biến. Tuy nhiên, với kế hoạch này Putin vẫn chuốc lấy thất bại. Ông ta có thể giành chiến thắng về mặt quân sự, nhưng Putin không đạt được mục tiêu níu kéo Ukraine về mặt xã hội đến với Moscow. Cuối cùng thì người Ukraine thậm chí còn xa lánh hơn nữa với ý tưởng của chủ nghĩa Á-Âu.

 

-----------------

Nguồn: Ukraine-Krise: “Und dann wäre der perfekte Zeitpunkt, um zuzuschlagen” – WELT, 18/02/2022.

 




No comments: