Nhớ: 25 năm ngày mất nhà văn Duyên Anh
Saigon
Nhỏ
4 tháng 2, 2022
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/nho-25-nam-ngay-mat-nha-van-duyen-anh/
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/duyen-anh.png
Nhà văn Duyên Anh, mấy ngày 6 Tháng Hai, 1997 tại
Pháp.
Nhà văn Duyên Anh, cây bút tài hoa của nền văn
chương tự do trước năm 1975, người được đánh giá là mang trong mình hai “phiên
bản” đối lập: Một Duyên Anh nhà văn có lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, mơ mộng,
đầy ắp tình người; và một Duyên Anh nhà báo ngổ ngáo, tai tiếng, lắm người ghét
bỏ với những bài viết thẳng thừng và cay độc. Nhân 25 năm ngày mất nhà văn
Duyên Anh (6 tháng Hai, 1997) xin gửi đến quý vị bài viết (trích) tóm lược về
cuộc đời và cái nhìn tĩnh lặng và sâu sắc của dịch giả Huỳnh Phan Anh, một văn
tài khác cũng đã qua đời (1940-2020) tại California, Hoa Kỳ.
***
Duyên Anh, anh là
ai?
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long như chính
ông đã không ngần ngại ký kèm theo bút hiệu của mình. Ông sanh năm 1935 tại Thị
xã Thái Bình, nhưng theo lời ông, lại được khai là đẻ ở làng Trường An là quê
cha của ông, thuộc huyện Vũ Tiên, Thái Bình. Chính vùng quê hương Thái Bình này
đã xuất hiện phẩm tự thuật… Vùng quê hương đó đã được dựng lại, đẹp hơn bao giờ
hết, trong bộ trường thiên tiểu thuyết mang tên Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ.
Ông đã theo học nhiều trường. Những năm tiểu học,
ông không học hết niên học ở một trường nào vì cứ phải đổi trường theo sự xê dịch
của cha. Chỉ có năm lớp Ba (Élémentaire), năm 1942, ông mới được học trọn niên
khóa ở trường Phụ Dực. Những ngày ở đây đã để lại nhiều kỷ niệm, những kỷ niệm
bàng bạc trong các truyện ngắn đầu tay của ông (Khúc Rẽ Cuộc Đời, Hoa Thiên
Lý) trong các tác phẩm tự thuật (Trường Cũ) cũng như trong nhiều tác
phẩm viết ở ngôi thứ ba (Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, Tuổi Mười Ba…). Nếu mỗi người
viết văn đều đã trải qua một đoạn đời hay một kinh nghiệm nền tảng mai đây
không ngừng ám ảnh, có thể nói rằng thời thơ ấu sống trong khung cảnh buồn thiu
của tỉnh lỵ chính là hình ảnh đậm đà nhất, thân mật nhất của tác phẩm cũng như
của tâm hồn Duyên Anh.
“Năm sau tôi bỏ trường Bà Sơ. Nhưng vừa học trường
tiểu học thị xã được hai tháng thì nhà tôi dọn về huyện lỵ Phụ Dực. Huyện lỵ thật
nghèo nàn. Quanh thành quan huyện, giây bìm leo kín. Những mái nhà tranh, những
ngọn đèn dầu và tiếng trống trên chòi canh buồn làm sao ấy. Ngôi trường huyện của
tôi buồn hơn”.
Đời sống huyện lỵ thật nghèo nàn và nhất là thật
buồn tẻ đã tạo cho ông một bối cảnh, một màu sắc tâm hồn. Đời sống đó, vẻ buồn
đó đã dạy cho ông những bài học mơ mộng đầu tiên, những bài học mai đây còn tiếp
tục in sâu vào tâm hồn ông, còn tiếp tục bàng bạc trong tác phẩm ông, một cách
nào đó, nó mở ra cho ông những cánh cửa, những chân trời. Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ đã
cống hiến cho người đọc những trang sách đẹp nhất của Duyên Anh, những trang
sách làm sống lại một vùng trời quê hương quen thuộc, một đoạn đời với những giấc
mơ và những rung động tuyệt vời của tâm hồn tuổi nhỏ:
“Mùa hạ năm nay thật buồn tẻ. Hoa phượng vẫn… nhưng
màu hoa không rực rỡ. Tại học trò đã nghỉ học trước hè, nghỉ từ tháng ba chết
đói. Loài ve sầu rên rỉ mỏi miệng cũng chẳng ai thèm cảm xúc. Có lẽ mùa hạ sang
năm sẽ buồn tẻ hơn. Côn hồi tưởng những mùa hè năm xưa mà thương tiếc”
“Hai đứa trẻ mong đợi thầy chúng nó trở về. Thái, thầy
chúng, chắc chắn, sẽ chở về những mộng ước ấp đầy những con mắt chúng. Hai đứa
trẻ thị xã không muốn âm thầm sống trong cái đai bình thản. Nó muốn thoát ra. Nỗi
thèm khát của chúng bộc lộ rõ rệt. Bây giờ mới đúng lúc khung cảnh cảnh buồn nản
của tỉnh lỵ không thích hợp với chúng nó”.
Phải chăng đoạn đời đó, vẻ buồn đó đã tạo cho
Duyên Anh một ngòi bút thơ mộng? Năm 1944 Duyên Anh rời huyện lỵ Phụ Dực, về thị
xã Thái Bình. 1945, chứng kiến cảnh chết đói tháng ba Ất Dậu, cảnh Nhật đảo
chánh Pháp rồi cuộc tổng khởi nghĩa. Như bao nhiêu đứa trẻ lớn lên trong cao
trào cách mạng, Duyên Anh đã là một nhi đồng chống Pháp, biết thù hận Pháp gây
chiến ở Nam Bộ và đã tham gia cách mạng một cách hồn nhiên, phấn khởi. Những cuốn
chuyện Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy đã làm sống lại giai đoạn lịch sử
này với những nhân vật thuộc lứa tuổi của chính Duyên Anh thời bấy giờ (lên 9,
lên 10…) đã sống, đã cảm nhận bằng tất cả tâm hồn ngây thơ trong suốt của
chúng, như nhà văn Mai Thảo đã nói:
“… Những sự việc của thế giới và xã hội người lớn
như đổi dời, cách mạng đói kém, mất mùa, chân phù lính Tàu, và lưỡi lê Nhật, hết
thảy đều được nhìn, sống, nhận thức, phán đoán, tiếp thu bằng những trái tim
lên mười. Qua cái lăng kính luân lý, đạo đức phơi phới hồn nhiên, trong vắt và
đôn hậu nhất của tuổi thơ”.
1946, khi Pháp gây chiến ở Hà Nội, Duyên Anh tản
cư về Tiền Hải và theo học trường Huyện.
1947, đậu Sơ học bổ túc và học Thành Chung ở
Trình Phố thuộc Kiến Xương (quê hương của Trương Quỳnh Như).
1948, về quê nhà ở Trường An. Trốn nhà đi làm
liên lạc viên cho bộ đội một năm. Sau đó lại trở về Trường An.
1959, Pháp chiếm Thái Bình. Hồi cư về thị xã.
Chứng kiến cảnh càn quét của lính viễn chinh Pháp. Học trung học tỉnh.
1952, lên Hà Nội, học Trung học đệ nhị cấp.
Duyên Anh học đến năm 1954 thì vào Nam sau khi đã trở về Thái Bình sống ba
tháng trong bầu không khí giải phóng tiếp thu. Ông di cư vào Sài Gòn một mình.
Sống vô tích sự tại Nhà Hát Tây. Ông đã ghi lại những ngày này trong Áo Tiểu
Thư, những ngày đầy thơ mộng và hồn nhiên của thời mới lớn mặc dù những khó
khăn về vật chất. Chính trong giai đoạn này, Duyên Anh bỏ học vì không được ai
chu cấp.
Đến giữa năm 1955, ông lên Ban Mê Thuột. Suốt
ngày hạ cây, cưa ngắn, bổ nhỏ, gánh ra thị xã bán để mưu sanh. Nhưng thực ra
ông theo đảng Duy Tân, lên đó mưu chống chính phủ Ngô Đình Diệm (Ảo vọng tuổi
trẻ). Cũng chính ông từng thú thật về chuyện đi làm “cách mạng” này, là “đói
quá theo bừa và một phần cũng vì mơ mộng tuổi vừa lớn mà”. Quá nửa năm làm chiến
sĩ cách mạng bất đắc dĩ, ông tự thấy không đẹp bằng nhân vật Dũng trong tiểu
thuyết Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, nên bỏ về Saigon, sống nhờ trên kho chứa
đồ cũ của hãng dệt ở đại lộ Trần Hưng Đạo, sau đó sống nhờ với một người bạn
làm cán bộ chấm công. Ông đã kể lại những ngày này trong hồi ký Làm Báo.
“Chúng tôi sống ở ngoại ô Hòa Hưng trong một
xóm điếm tồi tệ. Xóm điếm thấp hơn mặt đường cả thước. Lên xuống y hệt leo
thang. Căn nhà mướn của một me Tây lụp xụp. Mái lá. Tối ngày chuột khiêu vũ. Cạnh
nhà có con lạch chảy ra cống thành phố. Thuở ấy lính viễn chinh Pháp chưa chịu
về nước. Xóm điếm tấp nập. Đêm nào cũng xảy ra vụ kiếm tục, bố ráp và lính viễn
chinh “chơi lường”. Điếm chạy lính huỳnh huỵch. Điếm chửi lính viễn chinh ồn
ào. Đầy rẫy thảm cảnh và nghịch cảnh của một xã hội về chiều… Tôi thương nhất
là những đứa trẻ con lai da trắng, da đen. Những đứa trẻ không có quê hương, tổ
quốc ấy cũng là những đứa trẻ không có tuổi thơ. Mười tuổi chúng đã biết ghếch
cớm, gác cảnh sát, hễ thấy cảnh sát vào xóm là báo động cho bọn tú bà. Sống ở
xóm điếm, ở cái vũng bùn tối cùng cực, tôi đã nghĩ phải viết một thiên phóng sự
nhan đề Xóm Quốc Tế”.
Cũng trong khoảng thời gian này, đời sống vật
chất đã đưa đẩy Duyên Anh tới nhiều hoàn cảnh nổi trôi, rày đây, mai đó, hết
nghề này lại chuyển sang nghề khác để sinh nhai. Hết lang thang với người sơn
đông mãi võ, ông nhập đoàn cải lương lưu diễn miền Tây (Mây Mùa Thu). Ông lại
trở về Sài Gòn, làm nghề giữ xe đạp hội chợ; quảng cáo cho đoàn xiếc Woong Bang
Phu ở sân bóng Tao Đàn. Dạy học tư gia. Ông đã từng sống dưới chân cầu Tân Thuận
với người đồng hương đạp xích lô, sống lẫn lộn trong một xã hội bần cùng nhất với
những cảnh bất công ngang trái hàng ngày diễn ra oan nghiệt gấp ngàn lần những
cảnh đời trong tiểu thuyết Nguyên Hồng. Chung đụng với đủ hạng người: Phu bến
tàu, phu xích lô, buôn gánh bán rong, đánh giày, bán báo, ăn cắp, du thủ du thực…,
ông đã “sống với họ, sống như họ”.
Nếu Duyên Anh chưa viết thiên phóng sự mang
tên Xóm Quốc Tế như ông đã từng nghĩ tới thì chính ông đã viết hơn một cuốn
truyện dài mang nặng màu sắc phóng sự xã hội, nói về những cuộc đời, những cảnh
sống đầy tối tăm, nghịch cảnh (Luật Hè Phố, Điệu Ru Nước Mắt…) và trên
phương diện này nhiều người đã không ngần ngại gọi ông là một nhà văn xã hội. Điều
đáng nói ở đây chính là Duyên Anh đã sống, trực tiếp hay gián tiếp những cảnh đời
mà ông đã viết.
Để tiếp tục theo dõi những bước chân của Duyên
Anh. Năm 1957, ông rời Sài Gòn, rời bỏ “miền bất hạnh không có nổi ánh điện câu
để thấy nó hắt hiu, vàng vọt”. Ông cùng người bạn xuống Mỹ Tho mở lớp dạy đàn
sáo lấy tên là Hương Duyên (Cầu Mơ). Thất bại. Ba tháng sau, trở về Sài Gòn. Rồi
lên Tây Ninh sống nhờ người quen, ngày ngày gánh nước tưới rau giúp bạn để có
cơm ăn ở một trại định cư thuộc Trảng Lớn. Hãy nghe ông nhắc lại những ngày sống
vô vị đó:
“Ở đây buồn lắm. Xong công tác tưới rau tôi thường
ngồi trên cái nắp quan tài của trại hòm đánh cờ tướng giết thì giờ. Mỗi sáng sớm,
xe đò về Saigon đều ghé qua, bóp còi inh ỏi. Tiếng còi như xé nát lòng tôi. Tuổi
trẻ của tôi đành chôn chân ở một chỗ, nghe nỗi buồn đốt cháy hoa mộng. Đọc Một Chuyến Đi của Nguyễn Tuân tôi phát khóc”.
1958, Duyên Anh lại trở về Ban Mê Thuột. Rồi lại
trở về Sài Gòn sau bốn tháng nằm ở cây số 4. Được đàn anh Duy Dân giới thiệu xuống
Hòa Hảo dạy học tại một ngôi trường bán công, mỗi giờ được bốn chục bạc. Dạy được
ba tháng bị đàn anh đuổi về vì dám dẫn đám học trò sang Tân Huề ăn thịt bò, thịt
chó và đá bóng với học trò. Tội nặng nhất là dám mặc sà rông sang văn phòng
lãnh lương. Duyên Anh ra Long Xuyên xin dạy ở Quang Trung. Nhưng rồi việc dạy học
cũng không được bền bỉ ở đây. Hết niên khóa, ông bỏ về Sài Gòn, rồi lại lang
thang khắp miền Tây và đói dài ở Sài Gòn. Lại trở về Hòa Hưng sống nhờ gia đình
người bạn. Chính trong những ngày này, Duyên Anh đã tập tễnh những bước chân đầu
tiên vào cuộc đời làm văn làm báo.
Đó vào khoảng 1960, Duyên Anh được nhà văn
Trúc Sĩ tiến dẫn tới tạp chí Chỉ Đạo của Bộ Quốc Phòng. Sáng tác đầu
tiên của Duyên Anh được đăng trên mặt báo này là một bài thơ nhan đề Bà Mẹ
Tây Ninh. Tháng sau, Chỉ Đạo đang truyện ngắn Hoa Thiên Lý,
sáng tác đầu tiên của ông được viết trong “một đêm mưa mù mịt chân cầu Tân Thuận”
trong nỗi “nhớ nhà và thương tiếc tuổi thơ của mình”. Bút hiệu Duyên Anh cũng
đã bắt đầu xuất hiện từ truyện ngắn mang hình bóng quá khứ và kỷ niệm đó. Ông
có truyện ngắn đăng thường xuyên trên tạp chí Chỉ Đạo. Từ đó những chuyện
sau này được gom lại thành tập truyện đầu tay của Duyên Anh với nhan đề Hoa
Thiên Lý do nhà Giao Điểm ấn hành.
Chi tiết nổi bật nhất trong giai đoạn khởi
nghiệp của Duyên Anh có lẽ là sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn,
lúc bấy giờ làm chủ bút Chỉ Đạo. Truyện ngắn Con Sáo Của Em Tôi được
Nguyễn Mạnh Côn xếp vào “loại truyện đặc biệt”, được trả ngót năm ngàn bạc, số
tiền nhuận bút được xem là rất cao vào thời đó, năm 1960, và được nhà văn này
viết cho một cái “chapeau” nồng hậu. Duyên Anh cho đó là một hân hạnh ông chưa
hề mơ tưởng tới. Một sự may mắn. Và:
“Nhờ truyện ngắn Con Sáo Của Em Tôi mà một số
độc giả biết đến tôi và dành cho tôi nhiều cảm tình. Lần đầu tiên tôi nhận được
bức thư của độc giả. Bức thư không một lời “ái mộ” chỉ vỏn vẹn một giòng ÔNG
DUYÊN ANH, TÔI BẮT ĐỀN ÔNG ĐẤY, VÌ CON SÁO CỦA EM TÔI MÀ TẾT NĂM NAY TÔI BUỒN
MUỐN KHÓC. Giòng chữ trách móc đó, tôi giữ thật kỹ. Thuở ban đầu mà. Bây giờ nhận
được thư độc giả, tôi đọc vẫn còn xao xuyến nhưng không thể xao xuyến như thuở
ban đầu”.
Nguyễn Mạnh Côn rời Chỉ Đạo, Duyên Anh
bắt đầu viết cho các tờ báo khác: Sinh Lực của ông Lê Văn Thắng, Gió
Nam của ông Lại Tư. Ông tiếp tục viết truyện. Sau đó, nhờ sự cất nhắc của
ông Nguyễn Bích Liên, giám đốc tâm lý chiến của Tổng Nha Thanh Niên thời bấy giờ,
Duyên Anh bắt đầu “làm công chức dễ dàng, thua phó đốc sự có vài trăm”. Một lần
nữa, Duyên Anh thú thật là mình may mắn. Luôn luôn may mắn. Cũng như sau này,
thành công với nghề văn, được liệt vào hàng tác giả có sách bán chạy nhất, ông
vẫn thường cho rằng mình may mắn. Thánh cho lộc mà.
1962, Duyên Anh lấy vợ và tiếp tục làm công chức.
Được biệt phái trông coi bán tuần báo Chiến Đấu cùng với nhà văn lão
thành Tam Lang.
1963, bị trả về nhiệm sở cũ. Cũng năm này tập
truyện Hoa Thiên Lý ra đời. Những ngày Phật giáo phát động cuộc đấu
tranh, Duyên Anh ngồi ở sở hoàn thành Thằng Vũ, cuốn truyện dài đầu tay
cũng là tác phẩm mở đầu cho bộ trường thiên tiểu thuyết Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ.
Thằng Vũ được nhà văn Nguyễn Mạnh Côn khen hay và viết cho một bài giới
thiệu nồng nhiệt.
1964, Duyên Anh rời bỏ nghề công chức đi làm
nhật báo. Ông viết cho Xây Dựng, rồi Sống, Công Luận. Ông viết đủ
các mục: Tiểu thuyết, phiếm luật, tường thuật… như ông đã từng kể lại khá tường
tận trong hồi ký Làm Báo đăng tải trên Tuổi Ngọc. Ông làm chủ bút
tuần báo Con Ong, viết “article de fond” cho báo này và đặc biệt ông đã
viết gần hết các trang cho báo này trong những số đầu. Ông làm chủ nhiệm các tờ
Người, Búp Bê, Tuổi Ngọc (bộ cũ). Chính trong khoảng thời gian thật sự sống với
nghề báo (bên cạnh nghề văn), Duyên Anh đã tạo cho mình tên tuổi qua những truyện
dài đăng báo được độc giả nhất là giới trẻ tiếp đón nồng hậu: Ảo Vọng Tuổi
Trẻ, Điệu Ru Nước Mắt, Nước Mắt Lưng Tròng, Cầu Mơ, Trường Cũ, Nhà Tôi…
Và cũng chính trong khoảng thời gian này, với
những thiên phóng sự đầy sự sống sượng, với những bài phiếm luận độc địa, ký dưới
rất nhiều bút hiệu khác nhau như Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Thập Thành,
Nả Cẩu…, Duyên Anh đã gây nhiều sóng gió, đã tạo nhiều tiếng tăm nhưng cũng đồng
thời tai tiếng cũng không kém. Độc giả cũng như những người quen biết ít nhiều
với ông vẫn thắc mắc không hiểu tại sao ở ông có thể dung hòa được hai hình ảnh
con người hoàn toàn đối nghịch nhau: con người nhà văn luôn ca ngợi tuổi thơ
trong sáng, mơ mộng và tình người, và con người nhà báo ngổ ngáo, độc điạ, bất
chấp mọi sự. Về điểm này, người đọc có thể tìm đến câu trả lời của chính Duyên
Anh trong phần “nói chuyện với Duyên Anh” ở những trang sau.
Có lẽ vì muốn chấm dứt những sóng gió cùng những
ân oán giang hồ hoặc như ông đã thú thật để khỏi phải tiếp tục “đổ vỡ của mình
trong sự nghiệp làm báo”, Duyên Anh từ giã nghề báo sau bảy năm vùng vẫy thật lực.
Năm 1971, ông làm chủ nhiệm Tuổi Ngọc, “tuần báo của tuổi vừa lớn”,
trông coi nhà xuất bản cùng mang tên Tuổi Ngọc và tiếp tục sự nghiệp nhà văn của
mình, sự nghiệp đã mang đến cho ông một sự thành công không chối cãi, đã tạo
cho ông một chỗ đứng biệt lập trong văn nghệ miền Nam của những năm 60.
Trên đây là những nét phác họa về cuộc đời của
Duyên Anh, căn cứ trên chính những gì do Duyên Anh kể lại một cách trực tiếp
hay gián tiếp, qua những bài viết của ông hay qua những câu chuyện của ông. Dĩ
nhiên người ta không thể thu gọn một đoạn đời trên một số trang ngắn ngủi.
Nhưng thiết tưởng bao nhiêu đó đủ để giới thiệu hình ảnh một đời người. Với nụ
cười và nước mắt.
(…..)
Điều Duyên Anh không chối cãi là ông vẫn sống
bằng kỷ niệm và ở mỗi chuyện của ông đều dàn trải ít nhiều kỷ niệm riêng. Sống
như một cách chuẩn bị cho tác phẩm của mình. Tôi muốn nói: viết đối với Duyên
Anh dường như là một cơ hội để tiếp tục sống, hoàn tất cuộc đời mình hãy còn
dang dở ở ngoài những trang sách, ở ngoài những dòng chữ. Trước khi thể hiện những
tính cách mơ mộng và lý tưởng trong tác phẩm của ông, Duyên Anh đã từng thể hiện
chúng vào cuộc đời của chính ông, một tâm hồn mang nặng căn bệnh của thời thơ ấu,
của quá khứ, của kỷ niệm.
Tài hoa chữ nghĩa
Duyên Anh
Đọc Duyên Anh, tôi luôn có cảm tưởng bắt gặp một
hình ảnh, một thứ tiếng nói quen thuộc không ngớt trở về dưới ngòi bút của ông.
Phải chăng đó là hình ảnh, là tiếng nói của tâm hồn ông mà chính ông đã không
ngừng đánh mất và tìm lại được. Nhà văn không ngớt đồng hóa mình vào chính những
nhân vật mình tạo nên. Nhà văn không ngớt viết lại đời mình đồng thời tra hỏi
mãi mãi không thôi về chính tâm hồn mình. Tôi không có ý khẳng định rằng cuộc đời
Duyên Anh đã là một tác phẩm hoặc tác phẩm Duyên Anh là phản ảnh trung thực và
trọn vẹn của con người ông.
Cuộc đời và tác phẩm Duyên Anh là hai thực thể
không ngớt đến gần với nhau và có thể không bao giờ trùng hợp hay tan biến vào
với nhau (vả chăng điều này có thể chỉ là một ảo tưởng). Trong ý nghĩa đó, cuộc
đời không bao giờ là tác phẩm cũng như ngược lại. Nhưng nếu không thay thế cho
nhau, chúng vẫn có thể là cơ hội của nhau. Tác phẩm Duyên Anh không ngớt tìm
cách thu ngắn khoảng cách với tâm hồn của tác giả, với thế giới kỳ diệu của mộng
mơ và kỷ niệm, với nguồn suối khôn cùng không tận đó.
Duyên Anh là một người viết truyện đúng hơn là
một người kể truyện. Có lẽ không phải vô tình mà ông đã ghi chú dưới những tựa
sách của ông bằng “tập truyện” hay “truyện dài” thay vì tiểu thuyết, đoản văn
hay tùy bút. Sự kiện này cho thấy đặc tính nổi bật, sở trường của ngòi bút
Duyên Anh thể hiện qua những câu truyện, dài hay ngắn, của ông. Nói cách khác,
Duyên Anh đã mặc nhiên chọn lựa cho mình một cách viết và từ đó một thế giới, một
vũ trụ. Với ông, dường như viết trước tiên có nghĩa là kể. Viết tức là kể truyện.
Viết tức là kể lại một cái gì, nói lên một cái gì cho người đọc. Ông không chú
trọng tới vấn đề làm văn. Ông không đặt nặng vấn đề sáng tạo văn chương. Ông
không có tham vọng chinh phục người đọc bằng một bút pháp tân kỳ hay quyến rũ.
Duyên Anh trước tiên (và sau cùng?) chỉ là một
nhà văn của những câu truyện được dựng lên, những nhân vật được tạo thành, những
tình tiết, những nhân vật được đặt ra và giải quyết. Có lẽ vì nhờ đó mà người đọc
có thể đi thẳng vào tác phẩm của ông một cách dễ dàng không phải vượt qua những
bức rào kiên cố của ngôn ngữ. Ngôn ngữ ở đây chỉ còn là phương tiện tác giả
dùng để chuyên chở hay gởi gấm ý tưởng hay rung động của mình tới người đọc.
Để nói theo một cách nói bây giờ, ta có thể
xem Duyên Anh là một người dùng chữ, một người sử dụng ngôn ngữ như một phương
tiện, một công cụ. Rõ ràng quá, ông không viết để thí nghiệm hay tra hỏi ngôn
ngữ. Ông viết để kể chuyện đời sống, đời sống trăm mặt, ông bắt gặp dưới mắt,
trong tầm tay, cũng là đời sống muôn màu muôn vẻ xuất hiện trong hồi tưởng hay
dự tưởng của ông. Hơn là một nhà văn của những câu truyện kể, Duyên Anh đã làm
nổi bật tính cách tự thuật trong hầu hết tác phẩm của ông. Đọc Duyên Anh, người
ta dễ dàng bắt gặp một hình ảnh cố định, bá chủ mà ông vẫn không ngớt trở về
đào sâu, hình ảnh của chính ông với những kinh nghiệm ông từng biết tới, sống
qua.
Truyện ngắn đầu tiên của ông Hoa Thiên Lý
là một thiên tự thuật với những rung động và xúc động thật chân thành của một
tâm hồn nghiêng về quá khứ. Bước đầu tiên cũng là bước định đoạt. Hẳn Duyên Anh
đã tìm thấy con đường của ông ngay trong thử thách đầu tiên đó. Những tác phẩm
sau này của ông đã lần lượt mở rộng cái thế giới vừa manh nha thành hình trong
truyện ngắn đầu tay đó. Có thể nói với Duyên Anh, mỗi cuốn sách đều đánh dấu một
chặng đường của chính ông. Mỗi cuốn sách, nói một cách nào đó, là một phần đời
ông đã biết tới, sống qua, một phần đời còn hứa hẹn trở về không ngớt trong hồi
tưởng.
Và mặc dù ông chưa từng ghi chú cho tác phẩm ông
là hồi ký hay tự thuật bao giờ, người ta vẫn có thể đi tới kết luận rằng tác phẩm
Duyên Anh đã được xây dựng một phần lớn từ những chất liệu sống. Thực chất của
một đời người. Tác phẩm Duyên Anh không là tiểu thuyết, không là một thứ “sản
phẩm” thuần túy của trí tưởng tượng. Nó chính là hình ảnh của cuộc đời, và của
kinh nghiệm. Quá khứ và kỷ niệm luôn luôn chiếm giữ một địa vị quan trọng trong
tác phẩm Duyên Anh. Viết, điều này cũng có nghĩa là hồi tưởng. Viết điều này
cũng có nghĩa là nhớ lại chính mình, tra hỏi quá khứ của mình, soi sáng tâm hồn
của mình. Ở Duyên Anh dường như không có một khoảng cách khốc liệt giữa cuộc đời
và tác phẩm, giữa sống và viết. Trái lại ông đã thể hiện được một sự liên tục,
một sự hòa hợp giữa kinh nghiệm sống và kinh nghiệm viết. Ông viết như một cách
kéo dài đời sống, kêu gọi đời sống. Ông viết như, một cách nào đó, ông đã sống.
Do đó, tiểu sử Duyên Anh, con người thật của
Duyên Anh, tâm hồn của Duyên Anh, tất cả sẽ giúp cho người đọc không ít trong
việc tìm hiểu tác phẩm của chính Duyên Anh đã viết trong ám ảnh của những đoạn
đời đã mất, trong tình yêu mến quá khứ và kỷ niệm. Trong khắp các tác phẩm
Duyên Anh đều bàng bạc những hình ảnh, những chất liệu thật của chính đời sống
Duyên Anh. Và người đọc nếu cần, có thể gom góp những hình ảnh, những chất liệu
đó thành một tác phẩm duy nhất và tác phẩm đó chính là cuộc đời thật của Duyên
Anh vậy.
Tác phẩm trường thiên mang tên Vẻ Buồn Tỉnh
Lỵ chỉ là một cái nhìn say đắm gửi về một quá khứ thân yêu đã mất, trong đó
tác giả gặp lại chính mình, gặp lại những tâm hồn tí hon đã từng san sẻ với ông
đoản đời kỳ diệu dưới bầu trời kỳ ảo của quê hương Thái Bình. Áo Tiểu Thư,
Trường Cũ, Cầu Mơ, Mây Bay Đi, Luật Hè Phố… tất cả đều đánh dấu một đoạn đường,
một tâm trạng của chính tác giả. Tất cả đều mang ý nghĩa một cuộc kiểm điểm. Mỗi
cuốn sách là một cơ hội để tác giả nhìn lại, sống lại đoạn đời đã mất. Mỗi cuốn
sách là một cuộc thăm dò quá khứ, hạch hỏi kỷ niệm. Có thể nói rằng Duyên Anh
đã “sống” khá trọn vẹn những cảnh đời hay đoạn đời thể hiện trong tác phẩm của
ông.
Hầu hết các nhân vật của Duyên Anh đều thể hiện
một đặc tính nền tảng, một mẫu số chung luôn luôn mang họ đến gần với nhau,
ràng buộc họ vào nhau. Đó là những con người mơ mộng mà thực tế cuộc đời dù gay
gắt đến đâu vẫn không hủy hoại nổi những khát vọng luôn âm ỉ trong tâm hồn họ.
Duyên Anh có thể tạo nhiều nhân vật với những lai lịch và tên tuổi khác nhau
nhưng ông đã chỉ gán cho họ một tâm hồn, một tiếng nói duy nhất. Muốn soi sáng
tâm hồn đó, muốn lắng nghe tiếng nói đó, có lẽ người đọc phải trở về với truyện
ngắn đầu tay của Duyên Anh, trở về với câu chuyện đầy quá khứ và kỷ niệm, trở về
với “bài học đầu tiên về tình người”, người xưng “tôi” trong truyện.
Ở Duyên Anh, cuộc đời và tác phẩm kinh nghiệm
sống và chữ nghĩa luôn tìm cách đến gần nhau, bổ túc cho nhau. Chắc chắn không
phải là điều tình cờ khi Duyên Anh viết ở ngôi thứ nhất trong rất nhiều tác phẩm
của ông. Đọc Duyên Anh tức là một cách nào đó tìm đến cái “tôi” của Duyên Anh,
cái “tôi” mà chính Duyên Anh không ngớt trở về, cái “tôi” không ngừng xuất hiện
trên những trang sách của Duyên Anh, một cách lộ liễu hay kín đáo và cùng xuất
hiện quen thuộc, tất cả trở nên một vũ trụ thân mật, gần gũi.
Ngay trong cách đặt tên cho nhân vật, dường
như Duyên Anh cũng muốn nhắc nhở người đọc cũng như chính mình, về những cái
tên có thật, những “nhân vật” đã từng tham dự vào chính cuộc đời của ông, hay
ít ra đó là những cái tên, những nhân vật có thật trước khi là sản phẩm của tưởng
tượng. Nói một cách nào đó, Duyên Anh không viết tiểu thuyết, ông tiểu thuyết
hóa cuộc đời, hay chính ông đã từng sống thực những đoạn đời thể hiện trên những
trang sách của ông.
Những Vũ, những Côn (trong Vẻ
Buồn Tỉnh Lỵ), những Long (trong Áo Tiểu Thư, Ngày Xưa Còn Bé…),
những Hoài (trong Cầu Mơ, Tàn Một Loài Hoa, Quê Hương…), những Định
(trong Ngựa Chứng Trong Sân Trường)…, tất cả những nhân vật “tiểu
thuyết” đó nếu không là những phản ảnh trung thực từ những chất liệu sống thực
nhất của cuộc đời tác giả, ít ra đã được xây dựng từ những chất liệu sống thực
nhất của cuộc đời đó.
Trừ những tác phẩm đầu tiên, có thể nói Duyên
Anh luôn ký tên thật của mình kề bên bút hiệu: Duyên Anh Vũ Mộng Long. Sự kiện
tuy nhỏ nhặt nhưng không kém phần hàm xúc. Thông thường các nhà văn hoặc ký bút
hiệu hoặc ký tên thật của họ và điều này không hẳn chỉ là một sở thích tình cờ
hay đơn giản. Dù muốn dù không, sự lựa chọn giữa bút hiệu và tên thật để ký dưới
tác phẩm luôn thể hiện một thái độ rõ rệt: Lựa chọn cái này tức là phủ nhận cái
kia. Lựa chọn cho mình bút hiệu nhà văn, mặc nhiên bôi xóa tên tuổi thật của
mình. Lựa cho mình một bút hiệu nhà văn đương nhiên tự cho mình có hơn một đời
sống, hơn một thân phận: Ở hẳn con người nhà văn với một tên tuổi riêng có thể
không ngó ngàng gì tới con người.
Thí dụ: Nhất Linh, tác giả Đoạn Tuyệt, Bướm
Trắng có thể không nhất thiết phải dung hòa, trùng hợp khít khao với con
người Nguyễn Tường Tam, nhà cách mạng. Và người ta không thể độc đoán dùng quan
điểm hành động của nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam để soi sáng vũ trụ mộng tưởng,
phi thực của nhà văn Nhất Linh, cũng như ngược lại. Bởi hai thân phận có thể
khác biệt và nếu cần mâu thuẫn chống đối nhau trong cùng một con người: con người
Nhất-Linh, Nguyễn-Tường-Tam (tôi dùng nét gạch ở giữa bút hiệu và tên thật để
nói lên một trạng thái chia lìa, theo tôi, có tính cách cần thiết trong một giới
hạn nào đó).
Khác với nhiều nhà văn khác, Duyên Anh không
ngần ngại ký thêm tên thật của mình ở ngay dưới bút hiệu. Giữa nhà văn và con
người thật, không còn mâu thuẫn. Giữa tác phẩm và cuộc đời, không còn chia lìa
hay xung đột. Viết tức là dung hòa, là kết hợp thực tế và mộng tưởng, cuộc đời
và tác phẩm. Phải chăng ngay từ truyện ngắn đầu tay của mình, Duyên Anh đã từng
thể hiện ước muốn đó, kinh nghiệm đó, ước muốn và kinh nghiệm mai đây sẽ còn tiếp
tục thể hiện qua từng tác phẩm, qua từng trang sách của ông.
(………..)
Tôi nghĩ hẳn Duyên Anh đã phải tin ở chữ nghĩa
cũng như tin ở chính đời sống lắm mới có thể tạo nên một dòng truyện phong phú
và thống nhất đến như vậy. Tôi không thấy ở tác phẩm Duyên Anh một bóng dáng
hoài nghi hay thất vọng nào. Ông đã viết cũng như ông đã từng sống, với tất cả
tâm hồn trong sáng và mơ mộng của mình. Do đó với trường hợp Duyên Anh, thiết
tưởng người ta không thể chỉ tìm hiểu phần tác phẩm mà bỏ quên phần đời sống mà
tác giả vốn là yếu tố không thể tách rời, yếu tố quyết định của chính tác phẩm,
như chính ông đã gián tiếp nói lên trên các trang sách của ông.
Tác phẩm của Duyên
Anh
Ông
đã xuất bản hơn năm mươi tác phẩm văn chương. Sau năm 1975, ông bị coi như “một
trong mười nhà văn nguy hiểm nhất của Việt Nam”. Chế độ mới cấm ông viết
lách và bắt giam không xét xử suốt sáu năm qua các nhà tù và trại tập trung.
Ông được tự do nhờ Amnesty International và
Pen Club International can thiệp. Vượt biển sang Pháp, ông viết lại và cho xuất
bản gần hai mươi tác phẩm, trong đó Un Russe à Saigon và La colline de Fanta do
nhà Belfond xuất bản. Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình Pháp viết nhiều,
nói nhiều về ông. Sử gia Piere Chaunu, giáo sư đại học Sorbonne coi Duyên Anh
là “nhà thơ lớn, vinh quang của quốc gia”.
Chưa một người Việt Nam nào tạo nổi sự vinh dự cho
dân tộc ở tư thế lưu vong như Duyên Anh. Tự
tin vào tài năng và sự phấn đấu của chính mình, ông đã bước lên mọi nghịch cảnh,
bước qua mọi oan khiên để giành một chỗ đứng trên vũ trụ văn học quốc tế như một
tiểu thuyết gia đầy đủ tư cách. Nhà thơ Hà Huyền Chi nhận xét về tài năng của
Duyên Anh: Duyên Anh viết văn, Duyên Anh viết nhạc, Duyên Anh làm thơ. Con người
tài hoa ấy đã lưu lại đằng sau hằng hà những dấu ấn của thành tựu ở mọi lãnh vực
anh đã kinh qua.
-----------------
ĐỌC THÊM:
Truyện
ngắn Duyên Anh: Nắng chiều quê nội
Duyên
Anh, từ cảm xúc đi đến tận cùng con chữ (phần 1)
Duyên
Anh, từ cảm xúc đi đến tận cùng con chữ (phần 2)
No comments:
Post a Comment