NỘI
DUNG :
Khủng
hoảng Ukraina : Báo chí tiết lộ nội dung Mỹ và NATO trả lời các đòi hỏi của Nga
Thanh Hà
- RFI
Khủng
hoảng Ukraina: Áp lực gia tăng buộc Luân Đôn mạnh tay với tài phiệt Nga ở Anh
Trọng Thành
- RFI
Berlin
cấm kênh Russia Today tiếng Đức phát sóng
Phan Minh
- RFI
.
Khủng
hoảng Ukraina : Trung Quốc tính gì khi ủng hộ Nga ?
Minh Anh
- RFI
================================================
Khủng
hoảng Ukraina : Báo chí tiết lộ nội dung Mỹ và NATO trả lời các đòi hỏi của Nga
Thanh
Hà -
RFI
Đăng ngày: 03/02/2022 - 13:56
Nhật báo Tây Ban Nha El Pais ngày 02/02/2022, được
AFO trích dẫn, đã tiết lộ Mỹ và NATO đã đề nghị Nga thảo luận về việc kiểm
soát vũ khí và các biện pháp để tái lập lòng tin, nhằm gạt bỏ nguy cơ Nga xâm
lược Ukraina. Các đề nghị này được ghi trong thư trả lời cho Nga vào cuối tháng
trước. Bộ Ngoại Giao Mỹ gián tiếp xác nhận tính chính xác của tin bị lộ
trong lúc Matxcơva duy trì áp lực với Washington và Liên Minh Bắc Đại Tây
Dương.
Các binh sĩ Ukraine
kiểm tra xe tăng tại một đơn vị quân đội gần Kharkiv, Ukraina, ngày
31/1/2022. AP - Andrew Marienko
Giữ thái độ mơ hồ và duy trì áp lực với phương
Tây bằng mọi phương tiện đang có trong tay : đó là chiến lược của
Nga trên vấn đề Ukraina vào thời điểm này, sau tiết lộ của báo El Paris hôm
qua.
Thông tín viên đài RFI từ Matxcơva
Anissa El jabri phân tích :
« NATO và điện Kremlin cùng không muốn bình luận
về thông tin rò rỉ và đây không phải là lần đầu tiên phương pháp này được sử dụng.
Trong ngành ngoại giao, nguyên tắc giữ kín những thư từ trao đổi giờ đây không
còn được tôn trọng nữa, nhưng về thực chất vụ để lộ thông tin này không gây ngạc
nhiên. Về phía phương Tây, có hai đề xuất liên quan đến các biện pháp kiểm soát
vũ khí và tái lập lòng tin.
NATO cũng như là Hoa Kỳ đã gạt bỏ yêu cầu quan trọng
nhất của Matxcơva liên quan đến từ chối mở rộng thêm liên minh quân sự.
Đây tiếp tục là một cuộc đối thoại giữa hai người điếc, cho dù là hôm Thứ Ba vừa
qua, tổng thống Vladimir Putin có để ngỏ khả năng những cuộc đối thoại khác sẽ
diễn ra. Nguyên thủ Nga cũng muốn chứng minh rằng trong cuộc đo sức lần này,
ông không đơn thương độc mã vì ngày mai tổng thống Putin sẽ đến Bắc Kinh dự lễ
khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông. Điện Kremlin thông báo Trung Quốc sẽ ủng hộ Nga
một cách rõ ràng, qua « một bản tuyên bố chung về quan hệ quốc tế trong một
thời đại mới, đặc biệt là trong vấn đề an ninh ». Đây là cách để thể hiện sự gần
gũi giữa Matxcơva với Bắc Kinh đồng thời là một thông điệp gửi đến Washington rằng
Kremlin không để Mỹ và Trung Quốc đối thoại tay đôi và gạt nước Nga sang bên lề ».
-----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Nga
để ngỏ khả năng đối thoại sau phản hồi của Mỹ về an ninh
NATO
trả lời Nga và kêu gọi đối thoại
Ukraina
: Sách lược cứng răn của Nga giúp NATO tìm lại sức sống mới
.
=======================================
.
Khủng
hoảng Ukraina: Áp lực gia tăng buộc Luân Đôn mạnh tay với tài phiệt Nga ở Anh
Trọng
Thành -
RFI
Đăng ngày: 03/02/2022 - 15:54
Không khí quân sự căng thẳng tại vùng biên giới Nga
– Ukraina với việc Matxcơva tiếp tục duy trì lực lượng cả trăm nghìn binh sĩ áp
sát biên giới. Phương Tây đứng đầu là Mỹ quyết không nhân nhượng: một mặt cung
cấp phương tiện quân sự hỗ trợ Ukraina, mặt khác đe doạ trừng phạt Nga nặng nề,
đặc biệt về tài chính. Trong các nỗ lực đối phó của phương Tây, chính quyền Anh
tỏ ra cứng rắn với Nga hơn nhiều nước khác.
https://s.rfi.fr/media/display/6054500c-84fe-11ec-81a0-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/Londongrad.webp
"Londondgrad",
tên gọi biểu tượng cho sức mạnh tài chính ngầm của Nga tại thủ đô Luân Đôn của
nước Anh. Ảnh trang nhất báo Anh Metro. © copy màn hình Twitter
Tuy nhiên, báo chí châu Âu đặc biệt chú ý đến
việc Luân Đôn nắm trong tay một phương tiện trừng phạt đầy uy lực, nhưng cho đến
nay chính quyền Anh vẫn trì hoãn trong việc đưa ra sử dụng. Cụ thể là Luân Đôn
chính là thành phố mà đông đảo các đại gia Nga, thân chính quyền, chọn làm địa
điểm cất giấu các khoản tiền bất minh với khối lượng khổng lồ. Phanh phui các
tài sản bất minh, chặn đứng nguồn tiền bẩn từ Nga vào thị trường tài chính Luân
Đôn, được coi là một biện pháp rất mạnh, buộc tổng thống Nga Vladimir Putin phải
hết sức dè chừng trước khi quyết định hành động.
Các khu vực cư trú của giới đại gia tham nhũng
người Nga tại Luân Đôn còn được mệnh danh là “Londongrad”, nói cách khác
"thành phố Nga ở Luân Đôn". Báo chí Pháp đặt vấn đề : Để bảo vệ Kiev
phải tấn công “Londongrad”. Liệu "trận chiến Londongrad" có xảy ra
hay không ? (tựa đề một bài viết trên Le Figaro, ngày 02/02/2022).
***
Quy mô tài chính bất
minh của giới tham nhũng Nga tại Anh ra sao ?
Rất khó đánh giá các khoản tiền mà giới đại
gia có quan hệ gần gũi với chính quyền Nga đầu tư vào Anh. Năm 2018, chính quyền
Anh ước tính có khoảng 100 tỉ bảng Anh tiền tham nhũng lọt vào nước Anh hàng
năm. Về phần mình, tổ chức Minh Bạch Quốc Tế khẳng định đã xác định được các
tài sản tổng trị giá 1,5 tỉ bảng Anh được mua với tiền mờ ám đến từ Nga.
Mới đây, ngoại trưởng Anh Liz Truss thông báo
sẽ công bố vào đầu tháng 4, danh sách của hơn 700 đại gia Nga, sở hữu “thị thực
nhập cảnh loại 1” cho phép sống tại Anh và các cách thức mà các đương sự có được
các tài sản lớn. Nội dung nói trên là kết quả điều tra khởi sự từ năm 2018, tiếp
theo vụ cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và con gái bị đầu độc tại Salisbury,
chính quyền Nga bị cáo buộc đứng sau vụ mưu sát.
Thủ phủ tài chính thế giới City of London là
nơi tiền vào, tiền ra rất dễ dàng. Với các quy định cực kỳ dễ dãi, việc lập một
công ty bình phong để tẩy rửa các nguồn tiền bất minh là điều có lẽ ít nơi nào
thuận tiện hơn cho các đại gia Nga. Trang mạng Court House News, chuyên về luật
doanh nghiệp tại Anh, nêu ra một số tên gọi để minh chứng tính dễ dãi của việc
đăng ký. Có các doanh nghiệp mang tên như “Adolf Tooth Fairy Hitler,” “Donald
Duck”, hay “Jesus Holy Christ,” nghề nghiệp của một trong các chủ doanh nghiệp
này là “Đấng sáng thế” ("creator"), và quốc gia cư trú là “Thiên
đình” (“heaven”)… Từ thủ phủ City of London, tiền bất minh từ Nga dễ dàng đổ
sang các thiên đường trốn thuế, như các quần đảo Virgin Islands của Anh, Turks
và Caicos hay Grenada ở vùng vịnh Caribê, hay đảo Chyprus ở Địa Trung Hải (thuộc
địa cũ của Anh)…
Đội bóng Anh
Chelsea FC, "một biểu tượng Nga"
Tuần báo Pháp Le Point nhận định các đại gia
hùng mạnh nhất nước Nga chọn đặt tài sản ở Luân Đôn : từ ông chủ ngành thép
Roman Abramovitch, đến nhà công nghiệp Arkady Rotenberg, ông chủ thép và
nhôm Oleg Deripaska, Andrew Goncharenko, chuyên về lĩnh vực ống dẫn dầu khí,
hay đại gia tài chính Vladimir Chernukhin, đại gia truyền thông Evgeny
Lebedev sở hữu nhật báo Luân Đôn miễn phí Evening Standard…
Các đại gia Nga cũng đổ tiền mặt không rõ nguồn
gốc vào hàng loạt lĩnh vực, như bất động sản, chứng khoán, tác phẩm nghệ thuật,
buôn bán lẻ, hoạt động xuất – nhập khẩu. Việc đại tỉ phú Abramovitch mua lại đội
bóng Anh Chelsea FC, và tuyển mộ các tuyển thủ tốt nhất, các nhà quản trị xuất
sắc được coi là một ví dụ tiêu biểu của việc đầu tư của giới tài phiệt tham
nhũng Nga. Theo báo Bỉ Le Soir (Bài “Luân Đôn, vũ khí bí mật của Putin”, ngày
02/02/2022), chính quyền Luân Đôn đã không bao giờ đặt câu hỏi về các nguồn tiền
được sử dụng để mua lại đội bóng Chelsea FC. Ông chủ mới của Chelsea FC có thể
tin tưởng dựa vào sự “đồng loã” của các chuyên gia kế toán, luật sư với tay nghề
cao, để “trang điểm cho cô dâu”, như cách mà các khách hàng trong giới tai tiếng
này dùng để mệnh danh hành động làm đẹp các thủ tục để bịt mắt các cơ quan kiểm
tra, giám sát.
Thái độ của Hoa Kỳ
với Anh về hồ sơ “Londongrad” ?
Căng thẳng với Nga gia tăng, nguy cơ chiến
tranh cận kề buộc nước Mỹ và các đồng minh phải tìm nhiều biện pháp đủ mạnh để
buộc Matxcơva phải chùn bước. Đầu tháng 2 này, báo chí châu Âu đồng loạt đăng tải
thông tin từ phía giới chức Hoa Kỳ, kêu gọi chính quyền của thủ tướng Anh Boris
Johnson thực sự ra tay hành động. Theo các giới chức Mỹ, nếu Luân Đôn tiếp tục
có thái độ dung túng với các dòng tiền bất minh từ Nga, thì hệ thống các biện
pháp trừng phạt của phương Tây sẽ “bị suy yếu nghiêm trọng”. Báo Times dẫn lời
một quan chức Mỹ bày tỏ sự “thất vọng của Washington” trước việc chính quyền
Anh án binh bất động trong hồ sơ nóng bỏng này. Quan chức nói trên nhấn mạnh là
“Biden nói là trừng phạt đích thân Putin, nhưng điều này chỉ có ý nghĩa biểu tượng.
Putin không để tiền ở nước ngoài, tất cả tiền ở nước ngoài đều lấy tên của giới
đại gia tham nhũng, mà một bộ phận lớn nằm tại các khu nhà ở Knightsbridge và
Belgravia (ở Luân Đôn), ngay trước mũi chính phủ Anh”.
Nhật báo Hoa Kỳ Washington Post có bài “Vị thế
của Luân Đôn với tư cách sân chơi cho giới tài phiệt gần gũi với điện Kremlin
đang phá hỏng lập trường cứng rắn của Anh với Nga (“London’s status as a
playground for Kremlin-linked oligarchs undermines Britain’s tough-on-Russia
stance”). Báo Mỹ chuyên về thương mại Business Insider London cuối tháng Giêng
2022 thì dẫn lời cựu quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ Max Bergmann, cũng ghi nhận một
thái độ thất vọng từ phía chính quyền Biden. Ngày 25/01, chuyên gia này đã đề
xuất một loạt các biện pháp đối phó với Nga, với một trong các biện pháp hàng đầu
là lập một “lực lượng phối hợp Mỹ - Anh” có nhiệm vụ tấn công vào giới đại gia
tham nhũng Nga tại Luân Đôn.
Trước các áp lực từ Mỹ, chính quyền Boris
Johnson tỏ ra sốt sắng hơn hẳn. Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố các đại gia
thân Putin cũng như các doanh nghiệp gắn bó với Nhà nước Nga sẽ “không có chỗ ẩn
náu tại Anh”. Chính quyền Matxcơva ngay lập tức lên án cuộc chiến chống lại giới
làm ăn Nga tại Anh.
Phản ứng tại Anh:
Dè dặt, phẫn nộ...
Về thái độ hăng hái của chính quyền Boris
Johnson, theo nhật báo Pháp Le Figaro, chủ tịch uỷ ban Đối Ngoại Hạ Viện Anh,
nghị sĩ bảo thủ Tom Tugenhat đã có lời hoan nghênh, nhưng đồng thời nhắc lại là
một hành động theo hướng này đã được chính ông đưa ra cách nay bốn năm. Uỷ ban
Đối Ngoại và Tình Báo Hạ Viện hối thúc chính phủ Anh hành động mau chóng. Theo
lãnh đạo uỷ ban Đối Ngoại, Luân Đôn lẽ ra đã phải chống tham nhũng và hối lộ một
cách cương quyết, để tự bảo vệ mình, và bảo vệ Ukraina, không cần phải chờ đến
sự hối thúc của Mỹ.
Hồi tuần trước một nghị sĩ khác của đảng bảo
thủ cầm quyền, ông John Penrose, thường được mệnh danh là “ông chống tham
nhũng” trong chính phủ Boris Johnson, đã chỉ trích chính phủ trì hoãn việc
thông qua luật về tội phạm kinh tế, cho phép ngăn chặn các nhà đầu tư bất minh
sử dụng các công ty bình phong để mua lại các tài sản tại Anh. Ngày 24/01/2022,
bộ trưởng Tài Chính Anh, Theodore Agnew, đã từ chức để phản đối nhiều chính
sách của chính phủ, trong đó có việc trì hoãn ra luật về chống tội phạm kinh tế.
Cuộc chiến chống
tiền bẩn của Nga ở Anh có triển vọng không ?
Trên thực tế, cho dù gây áp lực buộc chính quyền
Anh hành động thực sự, Washington cũng hiểu rõ các thách thức khổng lồ với Luân
Đôn. Trong một báo cáo mới đây, Center for American Progress, một viện tư vấn
thân cận với chính quyền Biden đã đưa ra nhận định : “Nhổ rễ được các tài phiệt
có quan hệ với điện Kremlin tại Luân Đôn là một thách thức bởi có những liên hệ
mật thiết giữa tiền từ Nga và đảng Bảo Thủ cầm quyền, truyền thông và ngành
công nghiệp bất động sản và tài chính của đảng này”.
Chúng ta biết, trong cuộc khủng hoảng 2014,
khi Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina, “phản ứng đầu tiên của Anh là loại
ra khỏi danh sách các trừng phạt, việc đóng cửa trung tâm tài chính Luân Đôn với
người Nga, do lo ngại các hậu quả kinh tế”. Theo một điều tra của Hạ Viện Anh,
các chính phủ đảng Bảo Thủ gần đây, từ David Cameron, đến Theresa May và Boris
Johnson hiện nay đều “cố tình nhắm mắt” làm ngơ trước các can thiệp quy mô lớn
của Nga vào các cuộc bầu cử tại Anh, đặc biệt là hai cuộc trưng cầu dân ý, về nền
độc lập của xứ Scotland năm 2014, và về quyết định rời Liên Âu (Brexit) năm
2016.
Tài phiệt Nga và
thượng lưu Anh: Quan hệ mật thiết, lâu đời
Theo nhiều nhà quan sát, các cơ quan phản gián
Anh Quốc lừng danh thế giới giờ đây bị coi là bất lực trước những mối quan hệ mờ
ám giữa giới đại gia tham nhũng Nga và một bộ phận chính giới Anh, nhất là đảng
Bảo Thủ cầm quyền. Trước mỗi trận đấu trên sân nhà của đội Chelsea, sân vận động
Stamford Bridge lại vang lên bản nhạc truyền thống Nga Kalinka với phong cách
nhạc điện tử, như một sự vinh danh rầm rộ dành cho nước Nga. Báo Le Soir cũng
nhấn mạnh đến vai trò của hoàng thân Michael de Kent, anh em họ của nữ hoàng
Anh, được coi là một trong những người tạo điều kiện hàng đầu cho giới đại gia
thân Putin tiếp cận giới thượng lưu Anh.
Mối quan hệ ông ăn chả, bà ăn nem của hai
chính quyền Nga và Anh đã bắt rễ xa xưa. Ngọn nguồn của Londongrad khởi sự từ
những năm đầu của Chiến tranh Lạnh thời Liên Xô, khi Matxcơva chọn Luân Đôn làm
cửa ngỏ trong việc giao thương với thế giới tư bản phương Tây. Trong hiện tại,
các tuyên bố trừng phạt mạnh mẽ của chính quyền Boris Johnson giống với những lời
lẽ hù hoạ nhiều hơn.
Phô trương cơ bắp
trên chiến hào thì dễ...
Anh có thể tăng gấp đôi số lượng binh sĩ triển
khai tại Đông Âu một cách dễ dàng, nhưng trừng phạt Nga về mặt tài chính như
trên là điều khó xảy ra. Về vấn đề này, nhật báo Le Figaro nhận định với đầy vẻ
châm biếm : “Đôi khi dễ dàng để phô trương cơ bắp tại các chiến hào hơn là có
các biện pháp dứt khoát tại các hành lang của giới thượng lưu ở trung tâm Tài
chính Luân Đôn”.
Nhận định về vai trò của nước Anh trong những
quan hệ mờ ám với Nga, nhà báo Anh Oliver Bullough nói : Anh “không phải là một
chính phủ thân chính quyền Nga. Đó là một chính phủ thân tiền. Và trong trường
hợp này, tiền đến từ Nga”. Oliver Bullogh là tác giả cuốn
"Moneyland", mô tả sự ra đời của hệ thống rửa tiền quy mô thế giới,
và vai trò chủ chốt của nước Anh. Tên đầy đủ của cuốn sách là “Moneyland:
Why thieves and crooks now rule the world and how to take it back” (tạm
dịch là "Vương quốc của Tiền : Tại sao những kẻ trộm và kẻ lừa đảo thống
trị thế giới và làm thế nào để giành lại"). "Moneyland" được đề
cử giải thưởng cho các tác phẩm chính trị mang tên Orwel (tác giả cuốn
"1984", tiểu thuyết kinh điển về xã hội toàn trị).
.
===============================================
.
Berlin
cấm kênh Russia Today tiếng Đức phát sóng
Phan
Minh - RFI
Đăng ngày: 03/02/2022 - 11:06
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220203-duc-cam-kenh-russia-today
Chính quyền Berlin hôm qua 02/02/2022 đã cấm kênh
truyền hình Nga Russia Today (RT) phát sóng chương trình tiếng Đức. RT bị cáo
buộc là cơ quan ngôn luận của chính quyền Nga, trong bối cảnh căng thẳng giữa
phương Tây và Matxcơva về vấn đề Ukraina.
https://s.rfi.fr/media/display/74ef7efe-21d2-11ec-bbd5-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/000_12M81V.webp
Ảnh minh họa: Xe
tác nghiệp của Đài truyền hình Nga RT trên Quảng trường Đỏ, Matsxcơva, ngày
18/03/2018. AFP - MLADEN ANTONOV
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường
trình :
“Thật là vớ vẩn ». Bình luận này trên Twitter
của người đứng đầu kênh RT của Nga cần được làm sáng tỏ. Bà Margarita
Simonian tố cáo quyết định cấm phát sóng chương trình tiếng Đức của Russia
Today. Kênh này thông báo có thể sẽ có các hành động pháp lý và muốn tiếp
tục phát sóng ở Đức.
RT có giấy phép của Serbia và lập luận rằng điều này
cho phép họ được phát sóng qua hệ thống cáp quang và vệ tinh ở châu
Âu. Cơ quan quản lý của Đức coi công ty sản xuất chương trình có trụ sở tại
Berlin chịu trách nhiệm về các chương trình của mình. Và trong trường
hợp này, cũng như đối với tất cả các kênh truyền hình của Đức, RT cần
phải có giấy phép ở quốc gia sở tại. Thế nhưng RT đã không xin giấy
phép này. Việc phát sóng trên youtube và qua vệ tinh đã bị tạm ngừng từ trước.
Lệnh cấm được quyết định ngày hôm qua cấm RT phát sóng trên trang web và ứng dụng
di động của kênh.
Ngoài RT, bộ Ngoại Giao Nga đã phản ứng và hứa sẽ áp
dụng các biện pháp trả đũa đối với các phương tiện truyền thông Đức hoạt động tại
Nga. Hồ sơ này từ lâu đã làm cho mối quan hệ song phương bị xấu đi và khiến
căng thẳng càng leo thang trong hồ sơ Ukraina.
-----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Anh
trừng phạt hãng truyền thông Nga RT về vụ Skripal
Hai
báo Nga RT và Sputnik bị Anh ''cấm cửa'' tại một hội nghị truyền thông
Báo
chí độc lập Nga lên án chính quyền mở chiến dịch « hủy diệt truyền
thông »
.
==============================================
.
.
Khủng
hoảng Ukraina : Trung Quốc tính gì khi ủng hộ Nga ?
Minh Anh
- RFI
Đăng ngày: 03/02/2022 - 15:14
Vào lúc căng thẳng xung quanh Ukraina vẫn dai dẳng
và các cuộc đàm phán đang diễn ra vẫn chưa có tiến triển, thì một tác nhân mới
ngoài châu Âu – không phải là nhỏ - bắt đầu can dự vào cuộc khủng hoảng :
Trung Quốc.
Quan hệ Nga - Trung
Quốc chưa có lúc nào tốt đẹp như lúc này. Ảnh minh họa: Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình (T) được nguyên thủ Nga Vladimir Putin tiếp đón trọng thị tại điện
Kremlin, ngày 05/06/2019. AP - Alexander Zemlianichenko
Thông thường tỏ ra kín đáo – nhưng lại hoạt động
rất tích cực ở hậu trường – trong nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế, xa vùng ảnh
hưởng của mình, cường quốc châu Á hôm 27/01 khẳng định ủng hộ Nga khi tuyên bố
« những mối bận tâm của Nga trên phương diện an ninh phải được xem xét
nghiêm túc ». Giới quan sát diễn giải như thế nào về lập trường này của
Trung Quốc ?
Năm 2014 : Cột mốc quan trọng cho quan hệ Nga
- Trung
Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu Antoine
Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) trước hết nhắc lại Bắc Kinh trước nỗi
ám ảnh về sự toàn vẹn lãnh thổ của chính mình nên vào năm 2014, đã không ủng hộ
việc Matxcơva cho sáp nhập bán đảo Crimée và cũng chưa bao giờ công nhận vụ sáp
nhập này, đồng thời ra sức phát triển quan hệ thương mại với Kiev.
Nhưng năm 2014 cũng là một cột mốc quan trọng.
Vào lúc Nga tìm cách giảm thiểu thế cô lập trên trường quốc tế sau những căng
thẳng với Ukraina, thì Trung Quốc nhận thấy rằng họ có thể tiến hành một cuộc
đàm phán về quan hệ song phương với Nga trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như
năng lượng.
Cũng vì thế mà quan điểm của Trung Quốc trong
hồ sơ Ukraina cũng dần có những tiến triển. Những căng thẳng giữa Nga và phương
Tây còn làm cho Nga và Trung Quốc xích lại gần hơn. Lập trường của Trung Quốc
cũng thay đổi và thậm chí đi đến hậu thuẫn trực tiếp dù không luôn là chính thức.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Antoine
Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, với RFI Tiếng Việt :
« Nhất là lập trường của Trung Quốc về cuộc khủng
hoảng hiện nay tại Ukraina là cực kỳ kín đáo. Đương nhiên mục tiêu là không gây
rắc rối cho Nga. Câu hỏi thật sự đặt ra là nếu như xảy ra một cuộc khủng hoảng
quân sự giữa Nga và Ukraina, Trung Quốc sẽ có quan điểm ra sao ? Dĩ nhiên
Nga có thể hy vọng rằng Trung Quốc chí ít sẽ không nói gì cả, thậm chí mong Bắc
Kinh chỉ trích các trừng phạt nước ngoài nếu có nhắm vào Nga. Giờ đây phải chờ
xem sự ủng hộ đó có sẽ đi xa hơn nữa không ? Nhất là liệu Bắc Kinh có sẽ hậu
thuẫn một cuộc can thiệp quân sự của Nga hay không ? »
Ukraina : Một
trắc nghiệm cho Mỹ đối với vấn đề Đài Loan, Biển Đông
Từ bao lâu nay, Trung Quốc lặng lẽ theo dõi cuộc
khủng hoảng Ukraina. Với Bắc Kinh, việc Kiev rơi trở lại vào vùng ảnh hưởng của
Matxcơva sẽ tạo ra một tiền lệ chỉ có thể biện minh cho một sự « hợp nhất »
Đài Loan với Trung Quốc. Báo Pháp Le Monde nhắc lại năm 2009, trong một báo cáo
được đệ trình lên Nghị Viện Đài Loan, cơ quan an ninh quốc gia của đảo tự trị
đánh giá rằng « đảng Cộng Sản Trung Quốc sao chép những phương pháp được
Nga sử dụng để sáp nhập bán đảo Crimée, nhằm chống lại Đài Loan ».
Về điểm này, chuyên gia Antoine Bondaz lưu ý
có một sự khác biệt cơ bản giữ vấn đề Đài Loan và Crimée cũng như là giữa Đài
Loan và Ukraina. Điều quan trọng ở đây là thành công hay thất bại từ những nỗ lực
trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga trong trường hợp leo thang căng thẳng. Đây sẽ là
một bài trắc nghiệm để biết xem Mỹ có thể sẽ làm điều gì đó tương tự tại châu
Á, nhất là trong hồ sơ Đài Loan, các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Biển
Hoa Đông.
Chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên
Cứu Chiến Lược, với RFI Tiếng Việt:
« Điều quan trọng đối với Bắc Kinh chính là phản
ứng của phương Tây, cụ thể là Mỹ, phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu. Trung Quốc muốn
biết xem những nước này cuối cùng rồi có trừng phạt được Nga hay không. Nếu như
những điều đó được bảo đảm, thì chúng khẳng định tính chính đáng của Hoa Kỳ và
sẽ được áp dụng cho Trung Quốc.
Bởi vì, từ nhiều tháng nay, Bắc Kinh cho rằng
Washington bị mất uy tín, rằng tính chính đáng của Mỹ trên trường quốc tế đối với
các đối tác và các đồng minh tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như là ở
châu Âu cần được xem xét. Giờ thì người ta thấy ngược lại, có một sự phối hợp
chưa từng có giữa Mỹ và nhiều nước châu Âu khác nhau. Đây thật sự là một tin xấu
cho Trung Quốc.
Hơn nữa có một sự khác biệt cơ bản giữa Ukraina và
Đài Loan. Hoa Kỳ chưa hề có một bảo đảm an ninh nào đối với Ukraina trong khi
điều này rất là rõ trong trường hợp của Đài Loan. »
Trung Quốc và hai
quan điểm « chinh phục thế giới »
Tuy nhiên, sử gia người Pháp, Roland Lombardi,
và cũng là một cố vấn về địa chính trị, chuyên gia về Trung Đông, trên trang mạng
thông tin độc lập FILD đưa ra một giải thích khá thú vị về sự thay đổi lập trường
này của Trung Quốc. Trước hết ông lưu ý rằng, ngay tại những nước độc tài
chuyên chế và tập trung quyền lực nhất, lúc nào cũng có những bất đồng về các
chiến lược đối ngoại cần thông qua, mà Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Cường
quốc châu Á này có hai tầm nhìn đối lập nhau về việc « chinh phục thế
giới ».
Phe thứ nhất, chiếm thiểu số thì cho rằng cứ để
cho những cường quốc phương Tây đối thủ - từ Hoa Kỳ, châu Âu thậm chí là cả Nga
nữa – « ẩu đả » nhau, và tự hủy diệt lẫn nhau trong một cuộc
xung đột vũ trang. Nhưng đối với phe chiếm đa số, thì chiến lược này là nhiều rủi
ro và nguy hiểm cho quyền lực của Bắc Kinh dù cho rằng Hoa Kỳ và phương Tây
nhìn chung đang hồi thoái trào.
« Đối với nhiều chiến lược gia Trung Quốc, cường
quốc Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng kinh
tế, văn hóa (wokisme), bản sắc, hiện sinh, văn minh và không còn chút can đảm
cũng như là thiện chí để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng di dân. Những nước
này giờ đang « thối nát từ bên trong » và sẽ tự sụp đổ do những tầng
lớp lãnh đạo yếu kém và tham nhũng. Vấn đề còn lại là thời gian.
Nhưng trong khi chờ đợi, cần phải ưu tiên chuyện làm
ăn bằng cách tiếp tục đặt các nền kinh tế phương Tây thậm chí kinh tế thế giới
dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì vậy, chiến tranh là điều không được tán
thành. Chính vì thế mà Bắc Kinh mới nhập cuộc tham gia vào giải quyết khủng hoảng
Ukraina. »
Roland Lombardi, sử gia, cố vấn địa
chính trị, chuyên gia về Trung Đông, trên trang mạng FILD :
Từ những phân tích này, nhà sử học Roland
Lombardi chỉ trích nhiều nhà quan sát và truyền thông phương Tây đã ít quan tâm
và không đánh giá đúng mức những tuyên bố gần đây của Trung Quốc về cuộc khủng
hoảng Ukraina. Ông Lombardi cho rằng những phát biểu đó có thể để lại nhiều hậu
quả to lớn hơn là người ta nghĩ.
Đại dịch đã bị lãng quên ở Trung Quốc và Đế chế
Trung Hoa này đang trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên trường thương mại và
chính trị thế giới. Trong khi phương Tây còn đang vật vã chống chọi với cuộc khủng
hoảng dịch tễ và những hậu quả kinh tế thảm hại, thì Bắc Kinh ý thức được rằng
họ có thể dựa vào sức mạnh tài chính ngoại hạng, giới vận động hành lang, tầm ảnh
hưởng và nhất là sự hiện diện mỗi lúc vượt trội của mình trong các nền kinh tế
của Mỹ và phương Tây, nhằm dẹp yên mọi mầm mống của các đối thủ không những chống
lại chính Trung Quốc mà cả các đồng minh của nước này, như với nước Nga trong hồ
sơ Ukraina.
Cũng theo vị chuyên gia về Trung Đông, thì với
cấp độ sức mạnh đã đạt được, Trung Quốc đã có thể gây ảnh hưởng chính trị tại
ít nhất 80 quốc gia trên khắp hành tinh. Cùng với những khoản đầu tư ồ ạt và
các hoạt động mua lại nợ công, Bắc Kinh có thể « tự sắm » cho
mình bất kể một chư hầu nào hay một con nợ chính trị nào trên thế giới, kể cả tại
châu Âu.
Trung Quốc :
Một tác nhân không thể thiếu trong khủng hoảng Ukraina ?
Trong bối cảnh này, trả lời câu hỏi RFI Tiếng
Việt, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz cảnh báo rằng Bắc Kinh luôn tìm cách làm mất
uy tín mô hình điều hành dân chủ phương Tây và cho đó không phải là một mô hình
thay thế như của Trung Quốc hiện nay. Tất cả những điều đó còn củng cố hơn nữa
an ninh chính trị cũng như là tính chính đáng cho chế độ cộng sản Trung Quốc
.
« Vấn đề thật sự đặt ra ở đây không phải là
chuyện Mỹ suy thoái hay không. Bởi vì, ngày nay, người ta thấy rõ là Hoa Kỳ vẫn
là một cường quốc đáng tin cậy. Chính vì lý do này mà chính quyền Canberra đã
ký kết thỏa thuận AUKUS với Washington, rồi châu Âu vẫn tiếp tục tin tưởng
và "tin" vào những bảo đảm an ninh của Mỹ. Do vậy, ý tưởng
có một sự đoạn tuyệt quan hệ xuyên Đại Tây Dương, ý nghĩ về một sự thoái trào
không thể cưỡng lại của Mỹ đương nhiên là hơi bị thổi phồng. »
Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz (FRS),
trên đài RFI Tiếng Việt :
Câu hỏi lớn đặt ra : Liệu có một sự phối hợp
nào đó giữa Nga và Trung Quốc để chống Mỹ và phương Tây hay không ? Về điểm
này, nhà Trung Quốc học Antoine Bondaz giải thích vấn đề này đã được đặt ra từ
nhiều năm qua. Một điều chắc chắn là trên bình diện chính trị, sự phối hợp này
đã có từ cuối những năm 1990 khi lãnh đạo hai nước có nhiều tuyên bố chung chỉ
trích thế bá quyền của Mỹ. Mối liên hệ này giờ càng được củng cố nhiều hơn kể từ
năm 2014. Điều đáng lo nhất hiện nay chính là việc hình thành một liên minh
quân sự Nga – Trung.
« Người ta thấy là sự hợp tác này đã được tăng
cường những năm gần đây với việc Trung Quốc tham gia tuần tra chung, hay nhiều
cuộc tập trận lớn của Nga như tập trận không quân trên biển Địa Trung Hải, biển
Baltic. Hay như vào tháng 12/2020, đôi bên tiến hành tuần tra chung trên biển
Nhật Bản với các chiếc oanh tạc cơ. Đúng là có một sự hợp tác quân sự mỗi lúc một
gia tăng giữa Nga và Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là sự hợp tác này đã được thúc
đẩy đến mức nào, thì rủi thay, vấn đề này chúng tôi lại không có đầy đủ thông
tin. »
Antoine Bondaz, với RFI Tiếng Việt :
Chính vì lý do này mà ông Chris Miller, giám đốc
Foreign Policy Research Institute, trên chính trang mạng của cơ quan tư vấn này
của Mỹ cho rằng Trung Quốc giờ không còn xem một pha chiến tranh mới ở Ukraina
như là một vấn đề ngoại vi trong chính sách đối ngoại, dù rằng về mặt cơ bản
Trung Quốc không có vấn đề thách thức nào đối với Ukraina.
Chỉ có điều, « các quyết định trừng phạt
của phương Tây nếu được ban hành sẽ còn đẩy Nga xích lại gần hơn với Trung Quốc
và còn làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Matxcơva cũng như trên thế
giới », theo như khẳng định của ông Antoine Bondaz với RFI Tiếng Việt.
Như kết luận của ông Chris Miller, quyết định
của Trung Quốc hoặc tham gia vào những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga –
một điều mà nhà nghiên cứu Antoine Bondaz không tin là sẽ xảy ra – hoặc giúp
Nga tránh các đòn phạt chắc chắn sẽ định hình các xu hướng leo thang và sẽ định
đoạt quy mô của việc cô lập kinh tế cũng như là chính trị do các biện pháp trừng
phạt đặt ra.
------------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Khủng
hoảng Ukraina tạo động lực thúc đẩy liên kết Nga-Trung chống Mỹ
Hệ
lụy xử lý khủng hoảng Ukraina đối với quan hệ Mỹ-Trung Quốc
Matxcơva
và Bắc Kinh, đồng minh tình thế
No comments:
Post a Comment