Hoa
Kỳ thông báo gởi quân sang Đông Âu để trấn an các đồng minh
Thanh
Phương -
RFI
Đăng ngày: 03/02/2022 - 13:26
Hôm qua, 02/02/2022, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
thông báo gởi thêm 3.000 quân đến Đông Âu để bảo vệ các nước thành viên khối
NATO « chống lại mọi cuộc tấn công », trong lúc Pháp và Đức gia tăng
nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Nga rút quân khỏi vùng biên giới Ukraina.
Các binh sĩ Mỹ tại
căn cứ Fort Bragg (bang North Carolina) sẵn sàng lên đường đi châu Âu. Ảnh chụp
tại căn cứ Fort Bragg, ngày 22/11/2021, nhân chuyến thăm của tổng thống Joe
Biden. AP - Evan Vucci
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường
trình :
“Việc triển khai quân này là nhằm cho thấy
Hoa Kỳ sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả những tình huống bất ngờ nhất. Lầu
Năm Góc nói họ không biết Nga đang có những kế hoạch gì, nhưng ghi nhận là
Matxcơva có rất nhiều khả năng hành động, ngoài khả năng đưa quân xâm lăng
Ukraina.
Như vậy là 3.000 binh lính sẽ được gởi đến các quốc
gia Đông Âu thành viên của khối NATO. 1.000 trong số này, hiện trú đóng ở Đức,
sẽ được điều động sang Rumani, quốc gia có chung biên giới với Ukraina và là một
trong những quốc gia mà Nga đòi khối NATO phải rút quân. 2.000 binh lính khác sẽ
rời nước Mỹ, cụ thể là từ căn cứ Fort Bragg ở North Carolina. Một phần trong số
này sẽ được gởi sang Đức và sang Ba Lan. Đội quân được triển khai ở Ba Lan là
các đơn vị tác chiến bộ binh thuộc sư đoàn không vận 82, sẵn sàng được điều động
trong vòng một hoặc hai ngày. Nói cách khác, đây là một lực lượng phản ứng
nhanh trong số các đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Hoa Kỳ.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh đây không phải là triển khai
quân thường trực, mà lực lượng này có thể được điều chỉnh tăng thêm hoặc giảm bớt.
Mặt khác, lực lượng 8.500 quân được đặt dưới tình trạng báo động vào tuần trước
sẽ vẫn ở lại Mỹ, không có gì thay đổi. Một điểm quan trọng khác, đó là các binh
lính được gởi đến châu Âu sẽ không được triển khai trên lãnh thổ Ukraina, quốc
gia không phải là thành viên khối NATO.
Trong trường hợp Nga xâm lăng Ukraina, Hoa Kỳ dự trù
ban hành các trừng phạt kinh tế. Các biện pháp này hiện đang được hai phe Cộng
Hòa và Dân chủ ở Quốc Hội Mỹ cùng chuẩn bị, cho dù những thành phần theo Donald
Trump vẫn chỉ trích kịch liệt. Nhà Trắng cáo buộc những nhân vật này là những
cái loa tuyên truyền của Nga. ».
Tổng thống Pháp và
thủ tướng Đức có thể sớm đi Nga
Theo thông báo của Nhà Trắng, trong một cuộc
điện đàm hôm qua, tổng thống Joe Biden và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã
cam kết sẽ phối hợp phản ứng của hai nước trước sự hiện diện của quân Nga ở
biên giới Ukraina. Trong cuộc điện đàm này, tổng thống Macron đã không loại trừ
khả năng đích thân đến Nga để tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tối qua cũng thông
báo là sau chuyến thăm Hoa Kỳ này 07/02, ông sẽ sớm đến Matxcơva để hội đàm với
tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm cách giải tỏa khủng hoảng Ukraina. Về phần
tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hôm nay ông đến Kiev để cố làm
trung gian hòa giải giữa đồng minh Ukraina và nước Nga nhằm tránh một cuộc xung
đột có thể sẽ gây tác hại cho Thổ Nhĩ Kỳ.
-----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Năm
kịch bản về việc Nga xâm lược Ukraina
Ukraina
: Sách lược cứng rắn của Nga giúp NATO tìm lại sức sống mới
Ukraina
: Putin cáo buộc Mỹ lôi kéo Nga tham chiến, nhưng để ngỏ cho đối thoại
No comments:
Post a Comment