Đến
Chúa sơn lâm cũng phải… khóc thét!
Hoàng Tuấn
Công
26 tháng 1, 2022
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ca-ke-chu-nghia/den-chua-son-lam-cung-phai-khoc-thet/
Việc biên soạn sách giáo khoa ở Việt Nam một cách cẩu
thả và bừa bãi đã chẳng còn là chuyện lạ. Nó là thảm cảnh mà nền giáo dục nước
nhà phải gánh chịu năm này qua năm kia mà nạn nhân tội nghiệp nhất là các em học
sinh. Tình cờ xem lại quyển Những bài làm văn mẫu lớp 8 (hai tập,
NXB Văn hóa Thông tin, tái bản lần 1-2014; hiện vẫn còn bày bán khắp nơi), tôi
phát hiện một chuyện thú vị: Có bốn nữ thạc sĩ văn học đã cùng hè nhau vật tơi
tả con mãnh hổ của Thế Lữ trong tuyệt phẩm Nhớ rừng của ông.
Thế Lữ còn sống chắc cũng khóc. Ông không bao giờ có thể tưởng tượng con hổ của
ông được miêu tả thảm thiết như vậy…
Bốn
nữ anh hào vật chết tươi con hổ của Thế Lữ là bốn thạc sĩ văn học: Trương Thị Hằng,
Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Đào Thị Thủy và Nguyễn Thị Dậu – đồng tác giả quyển Những
bài làm văn mẫu lớp 8. Đây là cuốn sách tập hợp
70 bài văn mẫu, phân tích, giảng nghĩa về nhiều chủ đề. Có điều, họ giảng rất
ngộ. Chẳng hạn, khi diễn giải về cây lúa, họ xếp lúa vào nhóm… “hai lá mầm”
giống như đậu phộng! Giảng về con trâu thì họ bắt trâu cái mang thai tới… 12
tháng! Rồi còn cho trâu “mỗi năm có thể đẻ một lần”; bắt nghé con “vừa
sinh ra đã biết ăn cỏ”… Độc đáo chưa!
Thôi thì các bạn cho rằng sinh vật học không
phải là “địa hạt chuyên môn” của họ nên có thể châm chước chút đỉnh. Tuy nhiên,
đến khi họ “bình” về con hổ trong bài thơ Nhớ rừng thì không
thể không hết hồn. Họ không chỉ có trí tưởng tượng thần sầu quỷ khốc mà còn có
tài “giết chết” một thi phẩm để đời của nền văn chương Việt Nam. Trong Nhớ
rừng, đoạn con hổ hồi tưởng về những tháng ngày tự do, Thế Lữ viết:
“… Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!…”
______
Thế mà bốn “nữ sĩ” trên phân tích như sau:
“Đó là những ngày mưa dữ dội như “chuyển bốn phương
ngàn” làm núi rừng thay da đổi thịt mà con hổ lặng ngắm sự đổi thay của
muôn vật trong niềm hân hoan phấn khởi.
Đó là những ngày đầy nguy nan khi sống trong rừng bị
con người truy sát, con hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết với cảm
giác mặt trời chói gắt trên cao, thiêu đốt gan ruột mình.
Tất cả những cảnh tượng ấy, mỗi cảnh tượng mang một
vẻ riêng, có lúc thật rực rỡ huy hoàng, có khi êm đềm lãng mạn, có khi mạnh mẽ,
dữ dội và có lúc đầy kinh hãi lo lắng nhưng đã làm nên cái quá khứ tự
do huy hoàng oanh liệt của con hổ, là thủa con hổ được tung hoành làm chủ núi rừng
trong sự vùng vẫy vô cùng khoáng đạt thênh thang.”
(Đề 58 – Bài Nhớ rừng trang
81- tập II)
Cách diễn giải trên không chỉ sáo rỗng mà còn
trật lấc. Họ đã hiểu câu thơ: “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt” thành “con
hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết với cảm giác mặt trời chói gắt trên cao,
thiêu đốt gan ruột mình” và cho rằng “Đó là những ngày đầy
nguy nan khi sống trong rừng bị con người truy sát”, “đầy kinh hãi lo lắng” (!).
Và lại còn có cả một “nơi bí mật” nào đó nữa!
Chúng ta đều biết, những câu thơ của Thế Lữ nằm
trong đoạn con hổ hồi tưởng thời còn tung hoành ngang dọc sơn lâm: “Ta
biết ta chúa tể của muôn loài, Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi…”; thời
mà “Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/ Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp
nhàng”; chứ làm gì có chuyện “ta” bị “truy sát”, “đầy kinh hãi lo lắng”?
Rừng đêm buông xuống là khoảng thời gian mà sức
mạnh ghê gớm của loài hổ được nhân lên gấp bội: “Trong hang tối mắt thần
khi đã quắc, Là khiến cho mọi vật đều im hơi”. Bởi vậy “Ta đợi
chết mảnh mặt trời gay gắt” thì có nghĩa là Chúa sơn lâm đợi tới
lúc “mảnh mặt trời gay gắt” vào ban ngày “chết” (tắt)
đi “Để ta chiếm riêng phần bí mật”, để “ta” tung hoành trong bóng
đêm… Chứ nào có phải con cọp của Thế Lữ “run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết”.
Có lẽ nhóm soạn giả thấy “ta-đợi-chết” lại cứ
máy móc nghĩ là “con hổ đợi chết” mà không nghĩ rằng đó là cách viết đảo từ để
nhấn mạnh. Cũng giống như khi nói “anh đợi chết cơn đau này” thì chỉ có nghĩa
“anh” đợi cho hết cơn đau tâm can gì đó chứ chẳng phải anh “đang chờ chết”. Còn
nữa, chẳng phải tự nhiên Thế Lữ dùng “đợi chết” mà không phải
là đợi “tắt”. Ánh mặt trời “chết” đi mới là “chữ nghĩa” của Chúa sơn lâm!
Nếu thuở “tung hoành hống hách” giữa “chốn
ngàn năm cao cả âm u” mà con hổ vẫn “đầy nguy nan”, “bị con
người truy sát”, “run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết”, “đầy kinh hãi lo lắng” thì Nhớ
rừng còn gì giá trị của khao khát tự do? Toàn bộ bài Nhớ rừng chỉ
nói lên tâm trạng của một con hổ nhớ lại thời còn ngang dọc khi nó hét lên một
tiếng đã khiến muôn loài khiếp đảm, chứ chẳng hề là tâm sự của một mãnh thú rúm
ró hoảng sợ khi hồi tưởng lại cảnh… bốn thạc sĩ văn chương, “trong niềm
hân hoan phấn khởi”, dí nó chạy đến chỗ chết!
Chưa hết đâu, trong bài “văn mẫu số 3” về bài
thơ Nhớ rừng, một nhóm soạn giả khác lại không chỉ đập một phát chết
tươi con hổ mà còn lụi một nhát tiêu tan sự nghiệp Thế Lữ tiên sinh. Họ viết:
“Nhiều người đọc bài thơ Nhớ rừng, cảm thấy tác giả đã nói giùm họ
nỗi đau khổ của thân phận nô lệ. Về mặt nào đó, có thể coi đây là một bài thơ
yêu nước, tiếp nối mạch thơ trữ tình yêu nước trong văn chương hợp pháp đầu thế
kỉ XX”.
Chẳng biết khi sáng tác Nhớ rừng,
ông Thế Lữ có nghĩ đến “thân phận nô lệ” của đồng bào hay không nhưng việc tự ý
bày ra cái gọi là “văn chương hợp pháp” không chỉ là… “bất hợp pháp” mà còn cho
thấy rõ tâm thế thật sự là “thân phận nô lệ” của những người biên soạn trong một
hệ thống giáo dục phục vụ chính trị hơn là thuần túy văn chương.
No comments:
Post a Comment