Chu
Dị và sự cay độc của khán giả tại Olympic Bắc Kinh
09/02/2022
https://gdb.voanews.com/c3600000-0aff-0242-5ee6-08d9eb2f1f55_w650_r1_s.jpg
Cô Zhu Yi bị ngã
trong màn trình diễn tại Olympic Bắc Kinh
Màn trình diễn sai sót của một nữ vận động
viên sinh ra ở Mỹ nhưng chọn thi đấu cho Trung Quốc tại Olympic Bắc Kinh đã khiến
cô hứng chịu búa rìu dư luận và bị ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý nhưng đồng thời
cũng có những tiếng nói kêu gọi cảm thông.
Cô Zhu Yi
(Chu Dị), vận động viên trượt băng nghệ thuật 19 tuổi
sinh ra và lớn lên ở California, Mỹ, đã bị ngã hai lần trong bài biểu diễn tự
do của cuộc tranh tài đồng đội môn trượt băng nghệ thuật hôm 7/1 – sau khi đã
ngã trong bài biểu diễn ngắn (short program) một ngày trước đó. Ở cả hai lần cô
đều bật khóc. Kể từ đó, cô Chu đã trở thành đối tượng bị người hâm mộ Trung Quốc
phản ứng dữ dội.
‘Nỗi nhục’
Sau khi cô ngã xuống mặt băng hôm 6/1, hashtag
#ZhuYiFellDown (Zhu Yi ngã) đã được xem hơn 230 triệu lần trên nền tảng mạng xã
hội Weibo trước khi bị kiểm duyệt. Nhiều bình luận mắng cô là ‘không biết xấu hổ’,
‘hư thối’ và là ‘nỗi hổ thẹn’, theo Washington Post.
Một loạt các bình luận trực tuyến ác khẩu so
sánh cô với nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật khác của Trung Quốc, Trần Hồng
Y, người đã mất suất thi đấu vào tay cô Chu. Một số người hâm mộ giận dữ đã
nhân cơ hội này thốt ra những lời cay độc nhằm vào Mỹ.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người đặt vấn
đề tại sao một vận động viên sinh ra ở Mỹ lại đại diện cho Trung Quốc. Cô Chu bị
chỉ trích vì nói tiếng Hoa không lưu loát và vì xuất thân ‘đặc quyền’ của cô.
Cha cô là khoa học gia máy tính làm việc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bình luận “Đây là nỗi nhục” nhanh chóng có được
11.000 lượt tương tác.
“Hãy để cô ta học tiếng Hoa trước, trước khi
cô ta nói về lòng yêu nước,” một bình luận trên Weibo viết.
Trong một động thái bất thường, Weibo đã vào
cuộc để cấm hashtag này nhưng không đưa ra lý do, mà chỉ ra ‘các hướng dẫn và
chính sách liên quan’. Đến ngày 7/1, trên Weibo chỉ còn chủ yếu là các bài đăng
ủng hộ. Các chuyên gia nổi tiếng được nhà nước hậu thuẫn góp thêm tiếng nói và
kêu gọi suy nghĩ tích cực.
Tuy nhiên, các tìm kiếm tên của cô Chu vẫn hiển
thị. Cơn giận bùng phát trở lại hôm 7/1, sau khi cô ngã hai lần trong bài biểu
diễn nội dung tự do. Cô Chu đã bật khóc trong khi thi đấu và kết quả là đứng cuối
bảng [điểm] xếp hạng.
“Đừng khóc, tôi mới là người muốn khóc,” một
người bình luận trên mạng.
Các vận động viên Trung Quốc đối mặt áp lực rất
lớn để giành huy chương và mang vinh quang về cho đất nước. Những chỉ trích nhằm
vào cô Chu cho thấy các vận động viên nhập tịch đôi khi còn chịu sự soi mói khắt
khe hơn.
Một số người trên mạng xã hội còn cáo buộc
không có bằng chứng rằng cô Chu có suất trong đội tuyển Olympic Trung Quốc nhờ
vào danh tiếng của cha cô, nhà khoa học máy tính chuyển đến Đại học Bắc Kinh từ
Mỹ, theo New York Times.
Người được tung
hê, kẻ bị chỉ trích
Những công kích nhằm vào cô Chu trái ngược
hoàn toàn với sự yêu mến của công chúng Trung Quốc dành cho cô Eileen Gu (Cốc
Ái Lăng), một nữ vận động viên khác cũng sinh ra ở Mỹ và thi đấu cho màu cờ
Trung Quốc tại Thế vận hội Bắc Kinh 2022. Cô được chấp nhận ở Trung Quốc nhưng
đã khiến một số người Mỹ nổi giận.
Hôm 8/1, cô Cốc đã giành được huy chương vàng
Olympic đầu tiên, và Tân Hoa Xã đã mô tả chiến thắng này là lịch sử. Sau màn
tranh tài, hơn một nửa trong số mười chủ đề thịnh hành hàng đầu trên Weibo là về
màn trình diễn của cô Cốc.
Nữ vận động viên 18 tuổi này đã quyến rũ công
chúng Trung Quốc bằng tiếng Quan Thoại lưu loát và sự quen thuộc với văn hóa
Trung Quốc do cô thường nghỉ hè ở Bắc Kinh. Cô đã trở thành gương mặt không
chính thức của Trung Quốc tại Thế vận hội Mùa đông, xuất hiện nhiều trên truyền
thông nhà nước để quảng bá các môn thể thao mùa đông, cũng như quảng cáo cho
các thương hiệu Trung Quốc.
Phản ứng này cho thấy con đường hẹp mà các vận
động viên như cô Chu và cô Cốc phải đi qua. Một mặt, họ đối mặt với sự phản đối
ở Mỹ vì chọn tranh tài cho Trung Quốc. Mặt khác, sự chào đón của công chúng
Trung Quốc tùy thuộc vào việc họ có duy trì phong độ đỉnh cao hay không.
Sự ác cảm đối với các vận động viên đứng hai
hàng giữa Mỹ và Trung Quốc càng được đẩy mạnh bởi căng thẳng địa chính trị.
Quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức xấu nhất trong nhiều thập kỷ khi Bắc Kinh nỗ lực trở
thành siêu cường đã dẫn đến va đụng trên diện rộng với Washington trên các vấn
đề từ quốc phòng đến thương mại và ảnh hưởng văn hóa.
Đối với cô Chu, cô chịu áp lực là người duy nhất
của Trung Quốc thi đấu ở nội dung đơn nữ. Trung Quốc đã không giành huy chương
trượt băng nghệ thuật đơn nữ tại Thế vận hội kể từ năm 1998.
Trước buổi tranh tài, cô Chu đã được truyền
thông trong nước tung hê là ‘thần đồng trượt băng’ – người chọn Trung Quốc thay
vì chọn Mỹ. ‘Một trái tim yêu nước chân thành, một vũ công trên băng thanh
thoát’, một bài báo trên truyền thông nhà nước ca ngợi cô Chu hồi tuần trước.
Kêu gọi cảm thông
Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập có ảnh hưởng
của tờ Global Times, đã có bài viết bảo vệ cô Chu trên Weibo. “Cộng đồng mạng
Trung Quốc chủ yếu thích Cốc Ái Linh, nhưng ngày nay một số lời chỉ trích nhằm
vào Chu Dị là thô lỗ, và không ai muốn có,” ông Hồ viết trong bài đăng nhận được
131.000 lượt thích
Ông Hồ nói thêm rằng người hâm mộ Trung Quốc cần
làm quen với các vận động viên sinh ra ở nước ngoài như cô Chu khi Trung Quốc
ngày càng tuyển mộ nhân tài từ nước ngoài. “Nhập cư ngược vì thể thao là sản phẩm
mới của thời đại,” ông Hồ viết.
Sau khi giành được quyền đăng cai Thế vận hội
2022, Trung Quốc đã bắt tay thực hiện nỗ lực toàn cầu để tuyển mộ các nhân tài
thể thao mùa đông đầy hứa hẹn, những người có thể giúp Trung Quốc tăng số huy
chương. Nhiều môn thể thao mùa đông, chẳng hạn như trượt tuyết và trượt băng,
chỉ mới bắt đầu trở nên phổ biến với công chúng ở Trung Quốc, và có rất ít người
trẻ được tập luyện từ nhỏ.
“Trút giận lên vận động viên trẻ này, sử dụng
mạng xã hội để ném đá khi cô ấy phạm sai lầm – đó là bắt nạt trên mạng, và cho
dù là gì đi nữa nó cũng đang đi quá xa,” ông Hồ Tích Tiến viết trong bài đăng
được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Cô Trần Lộ, vận động viên trượt băng nghệ thuật
đã giành huy chương đồng tại hai kỳ Thế vận hội trong những năm 1990, nói rằng
những sai lầm của cô Chu phản ánh áp lực biểu diễn tại một sự kiện thể thao
toàn cầu trước khán giả Trung Quốc.
“Đối với Chu Dị, thách thức lớn nhất là thiếu
kinh nghiệm trong các cuộc tranh tài lớn,” cô Trần được trang Sohu dẫn lời nói
“Cô ấy chưa bao giờ có kinh nghiệm thi đấu trên sân nhà, và áp lực là rất lớn.”
‘Ảnh hưởng tiêu cực’
Cô Chu nói trước báo giới hôm 6/1 rằng cô rất
buồn và cảm thấy áp lực vì cô biết nhiều người ở Trung Quốc ngạc nhiên khi thấy
cô là lựa chọn đơn nữ tranh tài cho đội Trung Quốc.
“Tôi chỉ thực sự muốn cho họ thấy tôi có thể
làm được gì, nhưng không may tôi đã làm không được,” cô Chu được Reuters dẫn lời
nói.
Bài đăng mới nhất của cô Chu trên Instagram là
từ cuối tháng trước. Cô viết rằng cô rất biết ơn khi được đại diện cho Trung Quốc
tại Thế vận hội.
“Nhất là sau khi có một vài năm khó khăn, tôi
rất biết ơn những người đã giúp tôi vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và chấn
thương; giúp tôi trưởng thành hơn trong hành trình này,” cô viết.
Cô Chu nói rằng những lời chửi bới trên mạng đổ
lên đầu cô đã ảnh hưởng đến màn trình diễn của cô, một sự thừa nhận hiếm hoi về
tác động tiêu cực của tình cảm dân tộc nhiệt tình đối với các vận động viên.
Cô Chu nói với Tân Hoa Xã hôm 7/1 rằng cô cảm
thấy áp lực sau khi đọc những bình luận chê bai trên mạng xã hội Trung Quốc.
“Tôi muốn chứng tỏ bản thân, bởi vì tôi không làm tốt ngày hôm qua, và những gì
mọi người nói trên mạng thực sự ảnh hưởng đến tôi,” cô nói. “Tôi đã tập luyện rất
chăm chỉ. Vấn đề bây giờ là tâm lý. Tôi sẽ cố gắng để không bị bên ngoài ảnh hưởng”.
“Có một số sai lầm, nhưng nó đã qua. Tôi hy vọng
có thể điều chỉnh để thi đấu tốt,” cô Chu nói với China News Service sau cuộc
tranh tài. “Tôi đã rất xúc động và phấn khích. Ngay cả trong màn thi đấu, tôi
đã rất xúc động và muốn khóc. Tôi không thể kìm nén, vì vậy tôi đã khóc. Tất
nhiên, cũng có những hối tiếc."
-----------
Liên quan
Vận
động viên quần vợt Trung Quốc Bành Súy phủ nhận cáo buộc bị tấn công tình dục
Chủ
nhà Trung Quốc đoạt huy chương vàng Olympic Bắc Kinh đầu tiên
No comments:
Post a Comment