Dùng
tiếng Ukraine chống Putin
11/02/2022
https://www.voatiengviet.com/a/d%C3%B9ng-ti%E1%BA%BFng-ukraine-ch%E1%BB%91ng-putin/6435896.html
https://gdb.voanews.com/c2ef0000-0aff-0242-05b1-08d9eb02902b_w650_r1_s.jpg
Quân nhân Ukraine tại
một vị trí tiền tiêu gần Zolote, Ukraine, 7 tháng Hai.
Bây giờ mọi người chỉ nói tiếng Ukraine! Một vài bạn
trẻ vô tình xổ ra mấy tiếng Nga đều bị người chung quanh trợn mắt nhìn, phải
ngưng và quay trở lại với tiếng mẹ đẻ!
Ngân hàng Trung ương Âu châu mới báo động các
ngân hàng thương mại phải chuẩn bị đối phó vì tin tặc Nga có thể tấn công phá rối
hệ thống máy vi tính, tin học, theo bản tin Reuters. Trong cuộc đối đầu giữa
Nga với Ukraine, Mỹ và các nước Âu châu không phải chỉ là phô trương quân đội,
vũ khí mà còn mặt trận thông tin.
Tháng trước chính phủ Anh báo động ông Putin
âm mưu lật đổ Tổng thống Volodymyr Zelensky để một chính phủ thân Nga lên cầm
quyền ở Ukraine. Mỹ lại mấy lần báo động quân Nga đã tụ tập đủ 70%, rồi 80% sẵn
sàng tiến sang Ukraine. Sau đó, Mỹ lại cảnh cáo Nga sắp tung ra một video ngụy
tạo cảnh quân Ukraine tấn công quân Nga để ông Putin kiếm cớ đánh trả đũa.
Báo The Wall Street Journal coi các thông tin đó là một món võ
mới của Mỹ: Tiết lộ các tin tức tình báo, để ngăn chặn trước khi ông Vladimir
Putin ra tay. Chiến thuật này có vẻ đạt kết quả. Ông Putin có dịp tố cáo Mỹ
tung tin giả để đánh lừa thế giới, nhưng vẫn điều tra coi tình báo Mỹ lấy các
tin mật đó từ đâu ra!
Dân Ukraine không đủ phương tiện tham dự cuộc
chiến thông tin và tâm lý này. Nhưng họ vẫn lo phòng thủ: Bảo vệ niềm tin vào
dân tộc trước cuộc tấn công của một đế quốc vốn coi là “anh em một nhà.” Một
phương pháp tự vệ là giữ gìn ngôn ngữ! Lớp trẻ tuổi 20 ở Ukraine đang hô
hào sử dụng tiếng mẹ đẻ trên các mạng xã hội.
“Tôi nghĩ rằng bây giờ chỉ còn một vũ khí là
ngôn ngữ. Tôi muốn bảo vệ cá tính cuối cùng của dân tộc,” anh Andrii
Shymanovskiy, một diễn viên 23 tuổi nói. Từ năm ngoái Shymanovskiy đã làm nhiều
video cổ động toàn dân bảo vệ tiếng Ukraine, chương mục của anh trên TikTok được
hàng triệu người ủng hộ.
Bảo vệ tiếng Ukraine cũng khó! Ngôn ngữ hai
dân tộc cùng chung một gốc Tư Lạp Phu (Slavic). Hiện nay 37% người Ukraine thường
xuyên dùng tiếng Nga hoặc tiếng mẹ đẻ, nhiều bằng nhau. Trong công việc hàng
ngày 21% dùng cả hai ngôn ngữ. Chỉ có một nửa dân số dùng tiếng Ukraine trong
gia đình, 30% dùng tiếng Nga từ khi sinh ra, nhiều gia đình dùng cả hai, dân miền
quê nói một thứ tiếng pha trộn, gọi là Surzhyk.
Tiếng Ukraine mới phát triển theo chiều hướng
riêng từ thời Trung Cổ, đến thế kỷ 17 mới thông dụng. Chữ Ukraine dùng mẫu tự
ABC theo lối “Cyrillic”như tiếng Nga. Từ năm 1804 cho đến khi dành được độc lập,
trong đế quốc Nga hoàng tiếng Ukraine bị cấm dùng; chỉ thông dụng trong miền đất
phía Tây; và được duy trì nhờ các bài ca dao, các ca sĩ đi hát dạo và một số
nhà văn.
Những người Ukraine nói tiếng Nga hàng ngày
cũng không phải vì thế mà “thân Nga.” Chính Tổng thống Volodymyr Zelensky, người
đang đối đầu với ông Putin, cũng nói tiếng Nga từ thủa bé, trước đây ông nổi tiếng
trong các màn hài hước toàn tiếng Nga. Trước khi ông Zelensky đắc cử, năm 2019 chính phủ Ukraine
đã ban hành một đạo luật ghi nhận tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính thức, phải
dùng trong việc hành chánh và giáo dục. Trong thương mại, phải dùng tiếng
Ukraine khi tiếp khách hàng trừ khi người ta yêu cầu dùng tiếng Nga. Trong
ngành truyền thông, các đài ti vi và phim ảnh phải dùng tiếng Ukraine.
Chính phủ Nga đã phản đối đạo luật trên, gọi
đó là một chính sách “phát xít” về ngôn ngữ. Ngoại trưởng Sergei Lavrov tố cáo
Ukraine đang tuyên chiến với tiếng Nga! Năm 2014 ông Putin cho quân đánh chiếm
bán đảo Crimea cũng nêu lý do là đa số dân ở đó nói tiếng Nga. Ông quả quyết
trong một bài báo rằng Ukraine và Nga là “một dân tộc!”
Nhưng người Ukraine biết rằng ngôn ngữ là một
yếu tố quyết định hồn tính dân tộc mình. Dân ở thủ đô Kyiv, và các thành phố lớn
như Kharkiv bây giờ ngày càng nhiều người bỏ không dùng tiếng Nga, chỉ dùng tiếng
mẹ đẻ.
Người Việt Nam có thể thông cảm với những người
như anh Shymanovskiy. Chúng ta đều nhớ câu: “Tiếng ta còn, nước ta còn.” Câu
nói của Phạm Quỳnh đã giải thích lịch sử. Các sử gia Lê Thành Khôi, Keith
Taylor và Lê Mạnh Hùng đều công nhận nếu không giữ được tiếng nói trong một
ngàn năm Bắc thuộc, thì chắc bây giờ Việt Nam đã trở thành một tỉnh của Trung
Quốc, như dân Quảng Đông, Vân Nam.
Các dân tộc còn tồn tại đều nhờ giữ gìn được
tiếng nói. Trong cuốn Đứng Vững Ngàn Năm, chúng tôi đã kể
chuyện dân Phần Lan. Họ bị các đế quốc Thụy Điển và Nga thay phiên nhau thống
trị trong gần một ngàn năm, không khác gì người Việt Nam bị nhà Hán, nhà Đường
đô hộ. Nhưng đến thế kỷ 19, 20 họ đã giành được độc lập. Yếu tố quan trọng nhất
là các nông dân vẫn dùng tiếng nói của tổ tiên. Một phong trào nổi lên tìm cách
phục hồi, phát triển ngôn ngữ, trở thành động cơ đoàn kết dân tộc. Giữa thế kỷ
18, dân số Phần Lan là 428,000 người (hiện nay đã lên 6 triệu dân). Với một số
dân nhỏ như thế, họ vẫn giữ được tiếng nói để xây dựng một quốc gia tồn tại đến
bây giờ.
Trong nước Nam Tư trước đây, người Serb chiếm
đa số và nắm hết quyền hành; họ cũng muốn phổ biến tiếng Serb trong cả liên
bang. Khi Nam Tư tan vỡ từ 1991, dân Bosnia tách ra, cổ động cho “quốc ngữ” của
mình. Sau hiệp ước Dayton năm 1995, tiếng Bosnia được công nhận ngang hàng với
tiếng Serbo-Croat, ngay trong các vùng có người Bosnia cư ngụ ngoài lãnh thổ của
họ. Khi Montenegro tách ra khỏi Nam Tư, dân bắt đầu bỏ tiếng Serb, chỉ nói tiếng
mẹ đẻ. Cùng thời gian đó, dân Moldova muốn tách ra khỏi Romania, cũng nêu lý do
họ nói một ngôn ngữ khác; mặc dù tiếng họ nói cũng không khác tiếng Rumania bao
nhiêu.
Lịch sử còn cho thấy những dân tộc bị mất tiếng
nói thì cũng tan biến. Như người Mãn Châu, giỏi chiến trận, đã nhiều lần xâm
chiếm và cai trị phần phía Bắc Trung Hoa. Lần sau cùng vào thế kỷ 17 họ chiếm
ngôi hoàng đế Trung Quốc. Họ từng sáng tạo lối viết chữ riêng cho tiếng nói của
mình, khác chữ Hán. Trong ba thế kỷ cai trị Trung Quốc, các ông hoàng người Mãn
phải kết hôn với các cô gái Mãn, bảo đảm chủng tộc thuần nhất. Vậy mà khi nhà
Mãn Thanh sụp đổ, năm 1911 ở Mãn Châu còn hàng chục triệu người nói tiếng Mãn.
Ông vua cuối cùng là Phổ Nghi sau này không còn nói thông thạo tiếng mẹ đẻ của
mình nữa. Theo tuần báo The Economist đến năm 2011 thì thế hệ
những người biết nói tiếng Mãn đang chết dần. Ở làng Sanjiazi, vào năm 1979 còn
50 người nói thông thạo tiếng Mãn; đến năm 2011 chỉ còn có 2 người; cả hai đều
86 tuổi. Một dân tộc không giữ được tiếng nói thì mất nước.
Một luận điệu tuyên truyền của ông Vladimir Putin
là tất cả những người nói tiếng Nga đều thuộc cùng một khối văn hóa, một dân tộc,
nước Nga phải bảo vệ. Đó cũng là lối nói của Hitler khi xâm lăng Tiệp Khắc năm
1938, nhân danh dân nói tiếng Đức ở Sudetenland.
Anh Andrii Shymanovskiy đang cổ động đồng bào
dùng tiếng Ukraine để giữ nền độc lập. Trong các video anh truyền đi trên mạng
TikTok, Shymanovskiy không nhắc gì đến mối đe dọa bị quân Nga xâm chiếm mà chỉ
chiếu cảnh anh ca hát, nhảy múa, tặng hoa cho những người tuyên bố sẽ chỉ dùng
tiếng mẹ đẻ! Công việc anh làm đã có hiệu quả. Trong khu các hàng quán đông người
ở Kyiv, với những thanh niên vẽ tatoo đầy mình ngồi uống bia, báo Wall
Street Journal kể, bây giờ mọi người chỉ nói tiếng Ukraine! Một vài bạn
trẻ vô tình xổ ra mấy tiếng Nga đều bị người chung quanh trợn mắt nhìn, phải
ngưng và quay trở lại với tiếng mẹ đẻ!
Dân tộc Ukraine đang sử dụng món võ cuối cùng
để tự vệ!
No comments:
Post a Comment