Chớ Coi
Thường Tụng Kinh, Niệm Phật, Nghe Pháp
08/02/2022
https://vietbao.com/a311087/cho-coi-thuong-tung-kinh-niem-phat-nghe-phap
Hiện nay phong trào tu thiền nở rộ nhất là Thiền
Chánh Niệm, Thiền Vipassana khiến cho một số người coi thường pháp môn tu tập
có tính truyền thống. Thậm chí một số cho rằng lối tu truyền thống bao gồm tụng
kinh, niệm Phật trở nên lỗi thời, chỉ có tu theo Thiền Chánh Niệm mới giải
thoát mà thôi. Quan niệm đó hoàn toàn sai, trái với lời Phật dạy. Trong Kinh
Kim Cang Đức Phật dạy rằng, “Pháp của ta không có thấp có cao”. Trong
Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật lại dạy rằng “vạn pháp bất tịnh, bất cấu, bất
tăng, bất giảm” và diễn rộng là là “bất thấp, bất cao, bất đúng, bất sai”.
Tất cả tùy căn cơ của mỗi chúng sinh mà thôi.
Ngoài ra, Đạo Phật khi vào bất cứ quốc gia nào
cũng khế hợp với văn hóa truyền thống vốn có trước đó của dân tộc đó. Lối tu của
Phật tử Việt Nam khác với lối tu của Phật tử tại các quốc gia theo Nam Tông như
Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Căm Bốt. Và hiển nhiên lối tu tập của Phật
tử tại các quốc gia Phương Tây và Hoa Kỳ cũng khác với lối tu của Nam Tông và Bắc
Tông. Điều đó không có gì xa lạ vì văn hóa, cuộc sống và lối suy nghĩ của họ
khác với Đông Phương. Căn cơ của Tây Phương thích hợp với lối tu Thiền và Mật
Tông điển hình là Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Tuy nhiên không phải tất cả người tu Thiền đều
thành công. Cũng có nhiều vị tu thiền “tẩu hỏa nhập ma” tức mắc bệnh tâm thần.
Nhưng có rất nhiều vị tu theo pháp môn tụng kinh, niệm Phật lại đắc quả. Xin nhớ
cho có rất nhiều thiền sư lỗi lạc đắc đạo trong quá khứ đều tụng kinh, niệm Phật.
Trong pháp hội ở Núi Kỳ Xà Quật, Đức Phật dạy Phật tử Diệu Nguyệt như sau:
“Muốn hàng phục và chuyển
biến cái sát-na tâm sanh diệt ấy, thì không có pháp nào hơn là
pháp niệm Phật. Này Diệu Nguyệt cư sĩ, nếu có thiện nam tử, thiện
nữ nhân nào, đủ lòng tin, thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh
hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không
thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được y
báo và chánh báo của Phật A-Di-Đà ở cõi Cưc Lạc.” Và Đức Phật nhấn
mạnh thêm “Đây là môn tu Đại Oai Lực, Đại Phứơc Đức.” (2) Ngay các bậc thượng
thủ như Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền cũng đều niệm
Phật. Còn thiền sư Bách Trượng (720-814) cũng phải nhận định rằng
“Tu hành, dùng pháp môn niệm Phật là vững vàng nhất.”
Là người học Phật, tôi kính trọng pháp môn tu
Thiền nhưng cũng rất tin tưởng vào pháp môn tụng kinh, niệm Phật và nghe pháp.
Pháp môn tu hành truyền thống này của người Việt Nam đã có gần hai ngàn năm nay
thật vi diệu. Dùng trí tuệ mà suy xét chúng ta thấy trong tụng kinh có
cả Giới-Định- Huệ:
– Trước khi tụng kinh, chư tăng ni tại chùa
hay Phật tử tại gia đều đánh răng súc miệng sạch sẽ, quần áo chỉnh tề, cử chỉ trang
nghiêm cung kính. Mọi động tác đều nhẹ nhàng, không hấp tấp, vội vã. Nhang đèn
được thắp lên tạo thành một không khí thật trang nghiêm. Theo tôi nghĩ đó là Giới.
Giữ thân trang nghiêm là giữ giới. Và cử chỉ trang nghiêm chính là Giới.
– Trong khi tụng kinh, khi chú tâm hết vào lời
kinh, tiếng chuông, tiếng mõ thì không còn vọng niệm nảy sinh. Đó là Định.
– Tụng kinh và ghi nhớ lời kinh, kinh thấm vào
đầu óc mình lúc nào không hay, nhờ đó trí tuệ mở mang. Đó là Huệ.
Vậy xin chớ coi thường việc tụng kinh.
Còn công năng của niệm Phật xin đọc bài viết “Sự
Màu Nhiệm và Nét Đẹp Của Niệm Phật” có đăng trên Thư Viện Hoa Sen.
Còn về nghe thuyết pháp:
Trong rất nhiều pháp hội, nhiều vị chỉ nghe Phật
thuyết pháp không thôi mà chứng quả. Nghe giảng sư chân chính thuyết pháp, giảng
dạy cách tu tập hay những lời Phật dạy là phước báu vì chủng tử lành theo nhĩ
căn thấm vào A Lại Da Thức lúc nào không hay. Ngoài công việc mưu sinh, trách
nhiệm trong gia đình chu toàn. Nếu có thời giờ nên tham dự các buổi thuyết pháp
thay vì tham gia vào các hoạt động vô bổ. Nghe pháp trên Youtube hay nghe băng
cũng tốt nhưng không bằng trực tiếp nghe pháp trong các pháp hội. Bầu không khí
trong các pháp hội khác hẳn nghe pháp bằng các cách nói trên. Sự đông đảo của đại
chúng, sự chứng kiến hoặc chứng minh hộ trì của các tăng ni khiến cho buổi thuyết
pháp long trọng khác thường. Nghe pháp là cơ hội tốt làm quen thiện tri thức
hay các người cùng sở thích với mình. Bạn đạo rất quan trọng trong việc tu hành
và giúp giữ gìn tâm Bồ Đề kiên cố.
Vậy xin quý đạo hữu nào đang tu hành theo pháp
môn truyền thống của đạo Phật Việt Nam bao gồm tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp
xin chớ nao núng. Xin chớ ngã lòng hay “Đứng núi này trông núi nọ.” Trong Kinh
Viên Giác, Đức Phật dạy các bồ tát rằng phải chọn pháp môn phù hợp với mình mà
tu bởi vì căn cơ mỗi người mỗi khác và sở nguyện mỗi người mỗi khác.
Hãy chọn một pháp môn thích hợp và quyết tâm
tu hành theo pháp môn đó, chắc chắn sẽ thành công. Hiện nay tại Trung Hoa có
pháp môn tu hành rất khắt khe giống như Luật Tông. Ai dám đứng ra tuyên bố rằng
tu Thiền Chánh Niệm chứng đắc, giải thoát hơn Luật Tông? Và ai dám nói pháp môn
chẳng tu thiền gì cả mà chỉ “Đối cảnh vô tâm” (Ưng vô sở trụ) của
Vua Trần Nhân Tông thua kém Thiền Chánh Niệm hay Thiền Vipassana? Theo tôi
nghĩ, “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà Đức Phật dạy Ngài Huệ Mạng Tu Bồ
Đề trong Kinh Kim Cang chính là chỗ chứng đắc của “Như Lai tối thượng thừa thiền”
mà không có bất thứ một thứ thiền nào qua nổi. Đối Cảnh Vô Tâm là tâm Phật, tâm
như như bất động. Còn Thiền Chánh Niệm hiện đang phổ biến ở Hoa Kỳ và Tây
Phương vẫn chỉ là thiền của chúng sinh còn ngụp lặn trong sinh tử luân hồi.
– Thiện Quả Đào Văn Bình
=====================
MỘT CHÚT LIÊN TƯỞNG
Nếu người ta tin vào luật nhân quả, người ta có nghĩ rằng Thiền Sư Nhất
Hạnh cuối đời phải chịu đựng cấm khẩu và toàn thân bất toại là bị “tẩu hỏa nhập
ma” vì hành trì sai đường chăng?
No comments:
Post a Comment