Friday, February 18, 2022

43 NĂM SAU (Thiên Hạ Luận)

 



43 năm sau

Thiên Hạ Luận

18/02/2022

https://www.voatiengviet.com/a/n%C4%83m-sau/6447534.html

 

https://gdb.voanews.com/27217866-FC65-46DE-8F13-063B6D69E7A0_w650_r1_s.jpg

Khoảng 10 nhà hoạt động biểu tình về vụ Bãi Tư Chính ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 6/8/2019. Hình minh họa.

 

43 năm là một khoảng thời gian không ngắn nhưng so với chiều dài lịch sử của xứ sở hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương thì chẳng đáng gì song hiểu biết của rất nhiều người ở độ tuổi dưới 50 dường như rất khiêm tốn.

Trân Văn

 

                                                                 *

 

Tuần này nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ viết và chia sẻ những suy nghĩ, những cảm xúc về sự kiện xảy ra cách nay tròn 43 năm: 17/2/1979 – 17/2/2022, ngày Trung Quốc xua quân tràn sang Việt Nam để... “dạy” cho người Việt một... “bài học”!

 

43 năm là một khoảng thời gian không ngắn nhưng so với chiều dài lịch sử của xứ sở hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương thì chẳng đáng gì song hiểu biết của rất nhiều người ở độ tuổi dưới 50 dường như rất khiêm tốn.

 

Vì sao? Trên website của Dự án Đại sự ký biển Đông (1) giới thiệu một câu trả lời của Travis Vincent trên The Diplomat tuần trước: Đó là chủ trương nhằm xóa bỏ quá khứ. Khơi gợi, tưởng niệm những gì đã qua là... phản động!

 

Vincent đã trình bày khá cặn kẽ về chủ trương xóa bỏ ký ức của hệ thống giáo dục ở Cộng hòa XHCN Việt Nam đối với những gì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã làm với Việt Nam hồi 1979.

 

Học sinh người Việt được dạy rất kỹ về những cuộc chiến khác nhau giữa cha ông của họ với các triều đại khác nhau của Trung Quốc, song cuộc chiến do đảng cộng sản Trung Quốc khởi xướng, chống lại các “đồng chí” – những người cùng tôn thờ chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, vào năm 1979 thì chỉ có... 24 dòng trong sách giáo khoa về lịch sử của lớp 12 ấn bản năm 2001. Sau cải cách giáo dục, ấn bản năm 2018, mô tả về cuộc chiến này trong sách giáo khoa về lịch sử của lớp 12 được... biên tập lại, chỉ còn... 11 dòng!

 

Vincent dự đoán: Cho dù dường như chính quyền Việt Nam cho phép thảo luận cởi mở hơn về cuộc chiến chống cộng sản Trung Quốc xâm lược trên các phương tiện truyền thông chính thức nhưng việc giảng dạy toàn diện hơn về cuộc chiến đó vẫn chưa được thực hiện và có lẽ sẽ vẫn vậy. Việc soạn lại để các thế hệ hậu sinh hiểu và nhớ về cuộc xâm lược của Trung Quốc đòi hỏi phải điều chỉnh chương trình, nội dung sách giáo khoa về lịch sử do đảng CSVN chỉ đạo thực hiện (2).

 

Đó có lẽ cũng là lý do bộ phận điều hành nhiều trang web khác như Tạp chí Luật khoa tổng hợp các điểm cốt lõi chưa nhiều người biết về Chiến tranh biên giới Việt Trung 1979 (3) hoặc dịch – giới thiệu thêm các tài liệu về cuộc chiến này như Tiếng dân (4),...

 

                                                                  ***

Ngoài việc kể lại những trải nghiệm cá nhân xoay quanh cuộc chiến Việt – Trung năm 1979, sự kiện Gạc Ma 1988, nhiều người như ông Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh: Có những cuộc chiến, những cái chết không được phép quên... Lịch sử chống giặc ngoại xâm cần được ghi chép trung thực, chính xác, đúng như những gì đã diễn ra để các thế hệ Việt Nam sau này noi gương cha ông bảo vệ tổ quốc và để tri ân sự hy sinh của những người người Việt đã ngã xuống khi bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.

 

Ông Phước dẫn hai câu trong Đền thơ Hùng Vương: “Ngọn muốn vươn đến tột đỉnh của tương lai. Rễ phải bám chặt tận cùng của quá khứ” để hỗ trợ cho mong muốn từ lâu của nhiều người, phải sớm đưa những sự kiện như thế vào sách giáo khoa (5).

 

Bàn về sự kiện 17 tháng 2, Huy Đức dẫn chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Nhà nước đến dâng hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên hồi tháng 12 năm ngoái và tháng rồi (1/2022) ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng đến dâng hương tại Khu Tưởng niệm các liệt sĩ Pò Hèn như một số dấu hiệu tuy trễ mà tích cực. Facebooker này nhắc lại nhiều dữ kiện để chứng minh: “Ngây thơ, mất cảnh giác, tin vào chủ nghĩa quốc tế vô sản” là niềm tin dễ đổ vỡ nhất.

 

Theo Huy Đức: Việc các nghĩa trang ở biên giới phía Bắc đang được trùng tu và các nhà lãnh đạo trong hàng nguyên thủ lần lượt đến dâng hương, dù muộn, cũng an ủi phần nào cho những người đã hy sinh vì đất nước. Chưa có quốc gia nào nhiều tham vọng thôn tính lãnh thổ và nền độc lập của người Việt Nam như Trung Quốc nhưng, chúng ta vừa ở gần một mối đe dọa vừa ở gần một nền kinh tế lớn... Dân chúng không bao giờ tha thứ cho những ai hèn hạ nhưng dân chúng đã phải trả giá rất đắt với những lãnh đạo chỉ muốn làm người hùng. Dân chúng cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc (6).

 

Cũng nhận định theo hướng như thế, Hiếu Orion cho rằng: Trung Quốc là láng giềng tham vọng và không đáng tin cậy. Đối với Trung Quốc, chắc chắn vừa phải hợp tác, vừa phải đấu tranh. Giang Trạch Dân viết 16 chữ nói về tình hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Quốc không ngượng tay, không thật lòng. Chắc ai cũng hiểu được điều đấy! Ông ấy viết bằng mực đen, bằng suy nghĩ màu đen, chứ không phải bằng vàng! Với Winston Churchill: “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn” – điều đó đã trở thành chủ thuyết của Trung Quốc trong đối ngoại. Việt Nam ở sát nách họ, bởi vậy, cũng vĩnh viễn phải đề phòng (7)!

 

                                                                  ***

Đúng là có vài dấu hiệu cho thấy cách ứng xử với Trung Quốc và với những người Việt đã vị quốc vong thân trong cuộc chiến Việt – Trung bắt đầu từ tháng 2 năm 1979 đến cuối thập niên 1980 đã khác trước, song những dấu hiệu ấy có thật sự tích cực?

 

Sau khi xem chương trình thời sự trên VTV1 tối 17 tháng 2 để quan sát Đài Truyền hình quốc gia ứng xử thế nào, Lê Đức Dục thở dài... Có Lễ dâng hương của anh em đồn Pò Hèn tổ chức tại Khu Tưởng niệm cạnh đồn. Tin ngắn, đưa vào phút cuối cùng giống như: “Bọn mình có tưởng niệm 17 tháng 2 đấy, không phải không nhớ đâu nhé”... Rồi một bài viết công phu về 17 tháng 2 được đưa vào chuyên mục “Văn hóa" và ẩn kín ở đó thay vì cho lên “mặt tiền”. Nhiều điều nữa... Nghe bảo lý do né nhắc là vì hàng ngàn container nông sản vẫn kẹt ở cửa khẩu phía Bắc! Thôi thì hãy như “những bông hoa không cần chỉ thị, cứ ra giêng rụng thắm đất anh nằm” (8)...

 

Bà Đặng Bích Phượng, thành viên của một nhóm vì thường xuyên tổ chức tưởng niệm những người Việt đã vị quốc vong thân khi đối đầu với Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền Việt Nam cả trên đất liền lẫn trên biển, mà bị xếp vào loại... phản động, mới kể chuyện... dân phòng được cử ra... Nghĩa trang Liệt sĩ để... gác nhân dịp... 17 tháng 2, nhằm... ngăn chặn biểu tình chống Trung Quốc, giăng biểu ngữ, chụp ảnh rồi... phóng lên facebook, chuyện một thành viên trong nhóm bị an ninh chặn ở cửa, không cho ra khỏi nhà! Sau khi tường thuật cuộc đối thoại ngắn với những dân phòng này, bà Phương nêu thắc mắc: Tới bây giờ mà chính quyền vẫn sử dụng cái đám ngu dốt đến thế này ư (9)?

 

------------

Chú thích

 

(1) https://dskbd.org/

 

(2) https://dskbd.org/2022/02/16/tai-sao-viet-nam-khong-day-lich-su-chien-tranh-trung-viet/

 

(3) https://www.luatkhoa.com/2022/02/nhung-dieu-can-biet-ve-chien-tranh-bien-gioi-viet-trung-1979/

 

(4) https://baotiengdan.com/2022/02/17/trung-quoc-huy-dong-3-trieu-nguoi-tham-gia-cuoc-chien-bien-gioi-viet-trung-nam-1979/

 

(5) https://www.facebook.com/nguyenvanphuocfirstnews/posts/4826290290817717

 

(6) https://www.facebook.com/hieuorion/posts/5160077774005177

 

(7) https://www.facebook.com/hieuorion/posts/5160077774005177

 

(8) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10219169313560807

 

(9) https://www.facebook.com/phuong.dangbich/posts/4280061792095591

 





No comments: