Saturday, September 5, 2020

TÀN PHÁ THIÊN NHIÊN, LOÀI NGƯỜI ĐANG PHẢI TRẢ GIÁ (BTV Tiếng Dân)

 


Tàn phá thiên nhiên, loài người đang phải trả giá

BTV Tiếng Dân

05/09/2020

https://baotiengdan.com/2020/09/05/tan-pha-thien-nhien-loai-nguoi-dang-phai-tra-gia/

 

Môi trường sống khắp nơi trên thế giới đang bị tàn phá dữ dội. Nhân loại đã và đang phải trả giá cho thảm họa môi trường do chính chúng ta gây ra. Báo Xây Dựng có bài: Hà Nội đang thiếu hụt nghiêm trọng diện tích mặt nước để điều hòa khí hậu. Bài báo cung cấp các số liệu, “vào năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước, sụt giảm chỉ còn khoảng 1.165ha vào năm 2016 và ngày càng có xu hướng giảm…”. 

 

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng, từ năm 2010-2017, “Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn nhưng chỉ bổ sung 7 hồ mới… Khi diện tích đất đô thị ngày càng được phục vụ cho nhu cầu nhà ở, chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại – giải trí thì quỹ đất xây dựng công viên cây xanh, hồ điều hòa ngày càng giảm”.

 

Còn ở miền Trung: 13 công an viên, cán bộ xã đoàn, giáo viên… tham gia chặt, phá trắng rừng phòng hộ, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Vụ việc xảy ra ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, hơn 53ha đất rừng, gồm 42,16ha rừng sản xuất, 11,48ha rừng phòng hộ, thuộc xã Phú Mỡ quản lý, đã bị 40 người chặt và phá trắng, nhằm chiếm đất.

 

Ông Phạm Trung Chánh, phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “UBND huyện đã làm việc với 13 cán bộ đã tham gia chặt, phá rừng trên. Tại buổi làm việc cả 13 người đã thừa nhận có sai phạm trong việc phát dọn, lấn chiếm rừng. Tập thể, lãnh đạo UBND xã Phú Mỡ cũng đã tổ chức kiểm điểm và nhận khuyết điểm”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/Img4-2-1024x575.jpg

Núi đồi trọc lóc dưới sự tàn phá của 40 đối tượng chủ mưu chiếm đất. Ảnh: TT

 

Hơn 4 năm sau khi Formosa gây ra thảm họa môi trường đầu độc biển miền Trung, các nhà quản lý môi trường mới nhìn lại: Formosa nguồn thải lớn nhưng không đánh giá tác động môi trường trước phê duyệt đầu tư, theo báo Thanh Niên.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thừa nhận, “rất nhiều dự án cấp tỉnh phê duyệt như Formosa, Lee&Man… nguồn thải rất lớn nhưng do quy mô đầu tư tư nhân nên Chính phủ, Thủ tướng, Quốc hội không phê duyệt (chủ trương đầu tư) và cũng không tính toán, đánh giá tác động môi trường sơ bộ”.

 

                                                     ***

 

Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt Ân cho biết: GS Paul Beckwith mô tả lại nguy cơ, bang California của Mỹ có thể bị nhấn chìm do các cơn đại hồng thủy xảy ra bởi hiện tượng “Dòng sông Khí quyển” (Atmospheric Rivers). Cụ thể, “hiện tượng này đã từng xảy ra vào tháng 11/1861, khi trời bắt đầu mưa xối xả (torrential rain) trong vòng 45 ngày, nước dâng ngập tràn Central Valley, nhấn chìm các thành phố – ví dụ như Sacramento – dưới 4 – 6 mét nước lũ”.

 

Video clip của GS Paul Beckwith giải thích hiện tượng “Dòng sông khí quyển” có thể tạo ra lũ lịch sử nhấn chìm bang California:

 

VIDEO :

How Atmospheric Rivers Will Cause a Biblical Flood that will Drown California: Part 1 of many

https://www.youtube.com/watch?v=OxA26VrnGMs&feature=emb_logo

 

Ông Nguyễn Đạt Ân cảnh báo thêm, “nghiên cứu lịch sử địa chất ở California cho thấy những trận lũ megaflood như thế luôn xảy ra trong mỗi chu kỳ 100-200 năm. Nhưng điều đáng lo ngại hơn chính là do biến đổi khí hậu với bầu khí quyển chứa đầy hơi nước và tích lũy năng lượng”, hiện tượng “Dòng sông khí quyển” có thể diễn ra sớm hơn.

 

Trang Hành Tinh Titanic cho biết: Ngày 4/9/2020 là một mốc lịch sử về nền nhiệt Trung Đông và Địa Trung Hải: “Israel chạm mức nhiệt 48,9°C (120°F). Jordan chạm mức nhiệt 48,2°C (118,8°F). Đảo Cyprus chạm mức nhiệt 45,8°C (114,4°F)”. Hơn 3 tuần trước, thế giới ghi nhận mức nhiệt cao nhất từng được đo đạc trong lịch sử nhân loại, lên đến hơn 54°C ở Thung Lũng Chết, bang California bên Mỹ.

 

Trang Doanh Nghiệp VN có bài: NASA tung bộ ảnh về sự thay đổi chóng mặt của Trái Đất, khiến cả thế giới phải lo lắng cho tương lai. Bài báo cung cấp một loạt cặp ảnh chụp một số địa điểm trên Trái đất trong quá khứ và hiện tại, cho thấy thiên nhiên đã thay đổi thế nào. Đáng lưu ý là một số cặp ảnh cho thấy, tốc độ tan băng ở Bắc Cực.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/Img2-4.jpg

Sông băng Pedersen tại Alaska thập niên 1920. Ảnh: NASA

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/Img3-2.jpg

Sông băng Pedersen tại Alaska năm 2006. Ảnh: NASA

 

____

 

Mời đọc thêm: Nhiều cán bộ, đảng viên phát dọn, lấn chiếm rừng phòng hộ (PLTP). – 13 cán bộ tham gia phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở Phú Mỡ (NNVN). – Formosa Hà Tĩnh ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống cho hơn 7.000 lao động (HT). – Băng biển mùa đông ở Biển Bering giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thiên niên kỷ (Swiss Info). – ‘Nữ chiến binh’ chống biến đổi khí hậu Greta Thunberg – Một góc nhìn khác (TG&VN). – Thế giới cần nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu (CNTN).

 

 

 

 

 


No comments: