Wednesday, January 8, 2020

XUNG ĐỘT MỸ - IRAN SẼ LEO THANG ĐẾN ĐÂU? (Phạm Phú Khải)




06/01/2020

Năm 2019 là năm có nhiều biến cố và tưởng niệm [1]. Nhiều người trông chờ qua năm 2020, tuy cũng chỉ là một con số thôi, nhưng được xem là con số cân bằng và tròn trịa hơn, do đó có thể may mắn hơn chăng!

Tuy nhiên, chỉ vào ngày thứ ba của đầu năm 2020, xung đột tại vùng vịnh Ba Tư đã leo thang và có thể đưa đến những xung đột khác; hoặc, tệ hơn, chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran. Hay rộng hơn nữa.

Sáng sớm ngày 3 tháng Giêng, Tổng thống Donald Trump đã cho tiến hành cuộc không kích gần sân bay quốc tế ở Iraq, tiêu diệt một trong các tướng lãnh cao cấp nhất của Iran Qassem Suleimani, cũng như Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy của Lực lượng Dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn [2].

Qassem Suleimani là vị tướng chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Quds (Islamic Revolutionary Guard Corps Quds Force), một trong những khuôn mặt ảnh hưởng nhất và được tôn thờ nhất tại Iran. Theo Ilan Goldenberg (Giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông của Trung Tâm An ninh Hoa Kỳ Mới) thì Suleimani là người lãnh đạo chiến dịch trang bị vũ khí và huấn luyện dân quân Iraq chống lại Mỹ; là người chịu trách nhiệm cho cái chết của khoảng 600 lính Mỹ từ năm 2003 đến 2011; là người đàng sau chính sách của Iran để trang bị vũ khí và ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đưa khoảng 50 ngàn dân quân Shiite đến đây; là người kết nối quan hệ giữa Iran và tổ chức Hezbollah tại Lebanon, trang bị nhóm này vũ khí kể cả tên lửa và hỏa tiễn để đe dọa Do Thái; giúp trang bị vũ khí cho nhóm Houthis tại Yemen [3]. Với những lý do này, Suleimani được xem là một anh hùng được sùng bái không những tại Iran mà còn ở khu vực này.

Tóm lại, Suleimani là cái gai lâu nay trong mắt Mỹ. Giữa Suleimani và Mỹ không có điểm nào khác nhau, ngoại trừ duy nhất là hai bên đều muốn tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo ISIS, kẻ thù chung. Về mặt này, kẻ thù của kẻ thù không hề là bạn. Hồi giáo, phái Shiite hay Sunni, đều có những giáo phái và quốc gia chống Mỹ tận cùng, và cũng có những quốc gia coi Mỹ là đối tác, hay đồng minh, tạm thời.

Mỹ và Iran có một quan hệ quá khứ lâu dài [4]. Mỹ chính thức đảm nhận lấy vai trò mà trước đây thuộc về Anh kể từ sau Thế Chiến II, đặc biệt vì lợi ích về dầu hỏa. Nhưng quan hệ 40 năm qua phần lớn là thù nghịch, mặc dầu có những nỗ lực đối thoại [5]. Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 lật đổ vua Mohammad Reza Pahlavi, người được Mỹ ủng hộ, giáo chủ Shiite Ayatollah Ruhollah Khomeini, lãnh tụ tối cao của Iran (Supreme Leader), xem Mỹ và tất cả những gì thuộc Mỹ và phần lớn Tây phương là đế quốc chỉ muốn trục lợi Iran, và đã từng ví dân chủ là tương đương với mãi dâm [6]. Ngược lại, Washington cũng xem Iran sau Cách mạng 1979 là đối thủ thù nghịch và nguy hiểm. Khomeini chết sau 10 năm cai trị sắt máu, và lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã tiếp nối vai trò này cai trị Iran trong suốt 30 năm qua. Mục tiêu chính của Iran kể từ đó đến nay là xây dựng và mở rộng vòng ảnh hưởng của Shiite, trãi dài từ Iraq, Syria cho đến Điạ Trung hải (the Mediterranean). Thực ra đứng ở góc nhìn của Iran thì họ không thể làm khác đi, vì Shiite là thiểu số của Hồi giáo, và vì Iran muốn độc lập và không muốn bị các thế lực khác đe dọa sự tồn tại của mình. Họ vận dụng các chính sách khắc nghiệt nhất để cai trị người dân, loại bỏ tất cả các yếu tố có khả năng đe dọa họ, từ văn hóa, tôn giáo, chính trị, đến các sắc tộc thiểu số. Tổng thống Iran, tuy được dân trực tiếp bầu lên, nhưng không có thực quyền bao nhiêu cả. Trong khi lãnh tụ tối cao, tuy không được dân bầu, vẫn là vị quốc trưởng nắm giữ vai trò tổng tư lệnh quân đội, và có tiếng nói sau cùng trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế chính trị đến đối ngoại v.v...

Theo báo cáo 2019 của tổ chức Freedom House thì Iran đứng hạng gần chót về tự do: Iran được tổng cộng 18 điểm; Việt Nam 20 điểm; Trung Quốc 11 điểm; Syria 0 điểm; Úc 98 điểm; Finland 100 điểm [7]. Có cơ hội tiếp chuyện với người Iran tị nạn tại Úc, chúng ta có thể thấy mọi thứ tự do ở Iran đều không hiện hữu [8]. Người ta có thể bị bắt bớ tùy tiện, bị hình phạt quất roi, bị tù đầy và hành quyết với những tội hoàn toàn bất công phi lý. Như: uống rượu; để tóc dài hay kiểu cách tân tiến; ăn mặt kiểu Tây phương, như áo tay ngắn quần ngắn; phụ nữ không mặt khăn choàng đầu/cổ; trai gái chưa cưới hỏi cầm tay nhau trên đường v.v... Đó là chưa kể những tội nặng nề có thể bị tra tấn, quất roi hàng trăm cái, nằm tù mục xương và cả hành quyết, như thay đổi tôn giáo. Mặc dầu Hiến pháp Iran công nhận các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo (ngoại trừ Baha’i), người Iran nào sinh ra là đạo hồi thì phải giữ như thế, nếu đổi sang Thiên Chúa giáo, hay đạo Baha’i, hay ngay cả vô thần (atheism), hay dám nói xấu giáo chủ Mohammad, hay các lãnh đạo tối cao, thì bị cho là phản đạo (apostasy) và xúc phạm/bất kính (blasphemy). Sự vi phạm này có thể bị gán ghép tội liên luỵ đến vấn đề an ninh quốc gia. Đổi hệ phái từ Shiite, chiếm đa số tại Iran, sang Sunni, thiểu số tại đây, cũng có thể bị tù đầy và bị hành quyết. Nói chung, Iran là một chế độ thần quyền độc tài toàn diện, tham nhũng, và cực kỳ vô luân [9]. Tuy vô cùng tàn ác, đối với dân mình cũng như các sắc tộc thiểu số khác, động cơ chính yếu của họ vẫn là chủ nghĩa dân tộc, mà tôn giáo chỉ là phương tiện. Theo Đại sứ Hoa Kỳ Ryan Crocker tại Iraq từ năm 2007 đến 2009 thì Suleimani không phải là người sùng đạo, mặc dầu đến đền thờ theo định kỳ, nhưng động cơ chính của Suleimani không phải là tôn giáo, mà là chủ nghĩa dân tộc, và ham muốn chiến đấu [10].

Để có thể kiểm soát hành động của Iran, nhất là về vũ khí hạt nhân cũng như các nỗ lực ủng hộ khủng bố chống Mỹ, cựu Tổng thống Obama chủ trương tiếp cận và tìm cách ràng buộc Iran phải cam kết và tôn trọng các hiệp ước về vũ khí hạt nhân [11]. Với tất cả sự cân nhắc và tính toán thiệt hại, chính quyền Obama vẫn tin rằng giải pháp tốt nhất trong những chọn lựa khó khăn nhất là tiếp cận và ràng buộc Iran vào các quy định và chuẩn mực chung, thay vì đối đầu và leo thang căng thẳng mà Mỹ không thể kiểm soát hoàn toàn, để qua đó Obama có thể tập trung chuyển trục sang châu Á Thái Bình Dương, vận dụng chính sách và nguồn lực đối phó với chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.

Nhưng Tổng thống Trump chủ trương xóa bỏ các chính sách tiếp cận của người tiền nhiệm Barack Obama, và đã áp đặt tối đa áp lực lên Iran, đặc biệt muốn xiết cổ nền kinh tế của nước này. Phần nào đó, chính sách của ông Trump có hiệu quả. Với nền kinh tế trì trệ và giá dầu gia tăng khoảng 50 phần trăm, người Iran xuống đường biểu tình rầm rộ cả nước vào giữa tháng 11 năm ngoái, và chế độ đã đàn áp một cách thô bạo nhất trong 40 năm qua (chỉ thua những gì xảy ra sau cuộc Cách Mạng 1979), giết chết trên 180 mạng người, và quyết định cắt đứt mạng Internet trong nhiều ngày để người dân không thể tiếp xúc và đưa thông tin với thế giới bên ngoài [12]. Ngoài ra, Iran cũng không khoan nhượng trong hành động kể từ tháng 5 năm 2019, trả đũa bằng tấn công các tàu thuyền vận chuyển dầu qua Vùng vịnh Ba Tư, bắn rớt một máy bay không người lái của Mỹ, và tấn công Abqaiq (và Khurais) tại Saudi Arabia vào tháng 9 năm ngoái nơi sản xuất dầu hỏa lớn nhất trên thế giới [13]. Xung đột đã gia tăng vào cuối năm qua, và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ buộc tội Suleimani là người chấp thuận sự tấn công vào Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở thủ đô Baghdad vào ngày 27 tháng 12 năm 2019 [14]. Vì lý do đó mà ông Trump ra lệnh triệt hạ Suleimani và còn viết trên Twitter rằng lẽ ra Suleimani phải bị triệt hạ nhiều năm trước kia.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif gọi việc Hoa Kỳ giết Tướng Suleimani là “sự leo thang cực kỳ nguy hiểm và ngu xuẩn”. Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei và các tướng lãnh quân sự Iran thề sẽ trả đũa.

Nhưng họ sẽ hành động như thế nào là điều khó tiên đoán [15].

Goldenberg cho rằng cách hành xử của Iran trong thời gian qua và với lịch sử lâu dài của họ cho thấy họ sẽ không vội trả đũa. Thay vào đó thì Iran sẽ cẩn trọng và kiên nhẫn chọn phương thức mà họ thấy hiệu quả nhất, và tránh một cuộc chiến toàn diện với Hoa Kỳ. Ngược lại, ông Trump cũng không muốn bị sa lầy vì một cuộc chiến khác nữa tại Trung Đông, nhưng quyết định giết Suleimani đã đưa hai nước đến bờ vực thẳm căng thẳng. Tuy thế, ông Trump ra vẻ rất cương quyết rằng Hoa Kỳ không muốn nghe bất cứ đe dọa nào nữa; ngược lại, ông Trump đe dọa Iran rằng Hoa Kỳ đã nhắm đến 52 địa điểm mang tính cao cấp và quan trọng đối với Iran và văn hóa Iran, mà chúng sẽ bị đánh sập rất nhanh và rất mạnh [16].

Phản ứng của quốc tế thì sao? Nhiều đồng minh của Hoa Kỳ tuy không ủng hộ hành động này hoàn toàn, vì sự leo thang có khả năng đưa đến chiến tranh vùng vịnh là điều không ai muốn, nhưng họ cũng thấy được những nguy hại mà Suleimani đã đem đến trong thời gian qua, và sắp tới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn [17]. Còn Trung Quốc và Nga là hai quốc gia mạnh mẽ phản đối Mỹ hạ sát Tướng Suleimani, là điều dễ hiểu [18]. Phần lớn các nước còn lại quan ngại rằng việc hạ sát Tướng Suleimani có thể châm lửa vào toàn Trung Đông. Nhiều chuyên gia về Trung Đông kêu gọi sự kiềm chế, và sự xuống thang, của hai bên để tránh cuộc khủng hoảng toàn diện.

Tuy rất mạnh miệng, ông Trump công khai không muốn chiến tranh với Iran. Quyết định hạ sát Suleimani là một tiến trình không dễ dàng, dù Hoa Kỳ đủ khả năng quân sự và đủ tin tình báo, nhưng nếu nó có khả năng đưa đến chiến tranh thì quốc hội Hoa Kỳ cần phải nắm rõ thông tin và được chuẩn bị để hậu thuẫn [19]. Sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ thì Iran không thể nào so sánh được. Nhưng Goldenberg biện luận rằng ngay cả khi chế độ này sụp đổ, lãnh đạo chuyển đổi từ giới tu sĩ/thần quyền sang độc tài quân sự không phải là giải pháp tối ưu cho Hoa Kỳ. Tệ hơn, nó có thể đưa đến nội chiến, gây thêm làn sóng tị nạn và trở thành nơi trú ẩn cho các phiến quân và kẻ khủng bố. Có những khi hai bên không hề muốn chiến tranh nhưng nếu giải quyết không khéo thì có khi họ sẽ không tránh được hệ quả leo thang. Nó có thể tốn hàng trăm tỷ đô la và làm sa lầy không chỉ Trump mà các tổng thống Hoa Kỳ tương lai. Nếu điều này xảy ra, chính sách đối phó về thương chiến với Trung Quốc hiện nay và sự tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga về chính trị quyền lực sẽ phần nào ảnh hưởng, cũng như trói tay, các biện pháp của Hoa Kỳ về sau này.

Nên nhớ hai vị tiền nhiệm George W Bush và Barack Obama, tuy hiểu rõ vai trò và ảnh hưởng của Suleimani rất tai hại cho Hoa Kỳ, nhưng quyết định rằng triệt hạ Suleimani có tính cách khiêu khích (provocative). Cho nên hành động quyết đoán của ông Trump hạ sát Tướng Suleimani nói riêng, và ngăn chặn các ảnh hưởng của Iran lên toàn vùng nói chung, không những cần thiết cho lợi ích Hoa Kỳ mà còn là quyết định gan dạ, tuy không kém liều lĩnh. Theo báo The New York Times thì nhiều giải pháp được chọn để đề nghị lên tổng thống, kể cả tấn công thuyền Iran hoặc các địa điểm dung chứa hỏa tiễn hoặc các nhóm dân quân ủng hộ Iran tại Iraq [20]. Thoạt đầu, ông Trump từ chối chọn giải quyết hạ sát Suleimani vào ngày 28 tháng 12, nhưng sau khi Toà Đại sứ Hoa Kỳ bị tấn công mà được biết có bàn tay Iran, nhất là Suleimani đứng sau, ông Trump đã chọn lấy giải pháp hạ sát Suleimani, tuy có làm cho nhiều nhân viên Lầu Năm Góc sửng sốt.
Hành động của ông Trump là quyết liệt, nhưng cái giá phải trả cho nó cũng không hề nhỏ.

Một, quan hệ giữa Mỹ và Iraq sẽ tồi tệ hơn, vì Mỹ đã ra tay đơn phương hành động hạ sát Suleimani mà không hề tham khảo hay thông báo cho nội các chính quyền Iraq. Quyết định này được xem là vi phạm chủ quyền của Iraq [21]. Các thành phần đối nghịch với Mỹ sẽ tìm mọi cách khai thác yếu tố này để kích động người dân Iraq, nhất là thành phần dân quân Shiite chịu ảnh hưởng của Iran. Iraq cũng không muốn đứng giữa lằn đạn của Mỹ và Iran trong thời gian tới. Quốc hội Iraq hiện nay đa số là Shiite, không muốn thấy chủ quyền quốc gia của mình bị xúc phạm, cho nên qua vụ này, sự hiện diện của Mỹ tại đây có còn khả thi hay không là một câu hỏi mở lúc này.

Hai, nếu Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Iraq, nó sẽ đưa đến những thử thách mới cho nước này, khi lực lượng an ninh và quốc phòng Iraq chưa đủ khả năng để vừa chống cự lại ISIS, vừa ngăn chặn các lực lượng Shitte ủng hộ cho Iran. Theo tin mới nhất thì quốc hội Iraq vừa mới thông qua nghị quyết, tuy không ràng buộc, trục xuất quân đội Hoa Kỳ và đồng minh sau sự kiện Suleimani vừa qua [22]. Điều này làm cho Úc và các đồng minh Hoa Kỳ lo ngại vì các nhóm khủng bố ISIS và Daesh có thể tận dụng cơ hội này để trở lại gây bất ổn tình hình tại đây. Thêm vào đó, Iran sẽ tìm các thế lực khác để ủy quyền cho họ sẵn sàng chiến đấu chống Mỹ, và sẽ theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ cũng không thể đứng ngoài các diễn biến này trong thời gian tới, nhưng nếu rút quân thì có nắm được sự chủ động phần nào như hiện nay không? Theo Emma Sky thuộc đại học Yale thì chính quyền Trump có thể đã quyết định rằng sự hiện diện của quân lực Hoa Kỳ tại Iraq không thể biện minh kéo dài nữa, và mặc dầu Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều vào quốc gia này trong gần hai thập niên qua và tất nhiên không muốn mất hết ảnh hưởng và quyền lợi tại đây; nhưng bằng việc hạ sát Suleimani, chính quyền Trump đã làm cho kết quả như thế có khả năng hơn [23].

Sau cùng, điều ông Trump muốn lâu nay là Hoa Kỳ không bị sa lầy vì một chiến tranh mới tại Trung Đông để có thể tập trung vào châu Á Thái Bình Dương, nhất là Trung Quốc. Nhưng đây là điều khó thực hiện. Ông Trump hiện đang đối phó với bao thử thách cùng lúc: Thương chiến Mỹ - Trung chưa đi đến kết quả nào thật sự có lợi hoàn toàn cho Mỹ; chủ trương tách rời để không lệ thuộc kinh tế Trung Quốc (decoupling) nói thì dễ, làm thì khó; các liên minh của Mỹ, kể cả Úc, lo ngại sự leo thang xung đột tại vùng vịnh sẽ tổn hại đến chiến lược chung. Những chiến lược ưu tiên hiện nay vẫn là tập trung vào nỗ lực kiềm chế sự trổi dậy của Trung Quốc để họ trở thành một quốc gia biết tôn trọng quy luật quốc tế, nhất là tại Biển Đông, biết tôn trọng tự do và nhân quyền của người Hán và các sắc tộc thiểu số như Duy Ngô Nhĩ, và đặc biệt chấm dứt các hành động ăn cắp tài sản trí tuệ, chuyển nhượng công nghệ cao cấp v.v…

Hoa Kỳ sẽ không thể thực hiện cùng lúc các mục tiêu chiến lược này nếu bị sa lầy vào một cuộc chiến mới tại Vịnh Ba Tư. Nếu Iran có được sự hậu thuẫn ngấm ngầm của Trung Quốc và Nga để từng bước kéo ông Trump vào vũng lầy thì thật là điều đáng quan ngại. Quyết đoán và quyết liệt của lãnh đạo Hoa Kỳ là cần thiết để Iran, Trung Quốc và Nga không liều lĩnh bước qua lằn ranh. Tuy nhiên điều chính quyền Trump phải làm trước mắt là nỗ lực xây dựng lại quan hệ ngoại giao tốt đẹp và bền vững với các đồng minh cũ và các quốc gia khác, và phải xem họ là những đối tác quan trọng và cần thiết nhất cho hòa bình và an ninh trong vùng và thế giới. Hoa Kỳ không nên và không thể thực hiện một mình, dù có hùng mạnh và chính nghĩa đến mấy!

------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Phú Khải, “Thế giới và những sự kiện quan trọng năm 2019”, VOA Tiếng Việt, 28 tháng 12 năm 2019.


3. Ilan Goldenberg, “Will Iran’s Response to the Soleimani Strike Lead to War?”, Foreign Affairs, 3 January 2020.

4. Monique Ross and Annabelle Quince, “Why America and Iran hate each other”, ABC News, ABC Radio National, 4 January 2020.

5. Daniel Benjamin and Steven Simon, “America’s Great Satan”, Foreign Affairs, November/December 2019.

6. Youssef M. Ibrahim, “THE WORLD: Khomeini vs. Hussein; Mideast's Contenders for Nasser's Mantle”, The New York Times, 31 July 1988.

7. “Freedom in the World Countries”, Freedom House, 2019; Accessed on 6 January 2020.

8. “DFAT Country Information Report - IRAN”, Department of Foreign Affairs and Trade, 7 June 2018.

9. David A. Graham, “Iran’s Beleaguered Sunnis”, The Atlantic, 6 January 2016.
10. Dexter Filkins, “The Shadow Commander”, The New Yorker, 23 September 2013.


12. Farnaz Fassihi and Rick Gladstone, “With Brutal Crackdown, Iran Is Convulsed by Worst Unrest in 40 Years”, The New York Times, 1 December 2019.

13. David Reid, “Saudi Aramco reveals attack damage at oil production plants”, CNBC, 20 September 2019.




17. “Tổng thống Pháp và Mỹ điện đàm về Iran”, VOA Tiếng Việt, 6 Junuary 2020.


19. Jonathan Lemire and Matthew Lee, “From his exclusive resort amid palm trees, Trump settled on Iran strike”, The Age, 5 Junuary 2020.

20. Helene Cooper, Eric Schmitt, Maggie Haberman and Rukmini Callimachi, “As Tensions With Iran Escalated, Trump Opted for Most Extreme Measure”, The New York Times, 4 January 2020.

21. Ian Parmeter, “Will Trump win big from killing Soleimani?”, The Interpreter, Lowy Institute, 6 January 2020.


23. Emmy Sky, “The Death of the U.S.-Iraqi Relationship”, Foreign Affairs, 3 January 2020.





No comments: