NỘI DUNG :
Mai Vân - RFI
Thụy My - RFI
Tú Ánh - RFI
/ ĐIỂM BÁO
==================================
Mai Vân - RFI
Đăng ngày: 14/01/2020 - 14:20
Tổng
thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 13/01/2020, lại phải giải thích một lần
nữa vì sao ông bật đèn xanh cho việc tiêu diệt viên tướng Iran Soleimani.
Theo ông
Trump, nhân vật này là mối đe dọa lớn đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, tổng
thống Mỹ vẫn không giải thích rõ là mối đe dọa cụ thể ra sao. Ngoài ra, dù khẳng định rằng đe dọa cận kề nhưng ông Trump cũng
cho là điều đó không quan trọng.
Thông
tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet cho biết thêm chi tiết:
"Như thường lệ, khi phải trả lời thắc mắc về
hành động của chính quyền của mình, tổng thống Trump đã tấn công ngược lại.
Vào hôm qua, ông đã cáo buộc đảng Dân Chủ thông đồng với chế độ Iran. Trên
Twitter ông đã chia sẻ một tấm ảnh ghép cho thấy hai lãnh đạo đảng Dân Chủ ở
Quốc Hội Mỹ, bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và ông Chuck Shumer,
trưởng nhóm nghị sĩ Dân Chủ ở Thượng Viện, một người đầu quấn khăn, một
người choàng tchador, với cờ Iran ở phía sau.
Và ông viết : Giới truyền thông (đưa) tin giả và đối
tác Dân Chủ của họ làm việc căng thẳng để xem cuộc tấn công của kẻ khủng bố
Soleimani có cận kề hay không, xem ê-kíp của tôi có đồng ý hay không. Điều này
không quan trọng do quá khứ ghê gớm của hắn.
Thật vậy, báo chí Mỹ và đảng Dân Chủ đã tự hỏi về
tính xác thực của mối đe dọa mà chính quyền nêu lên để biện minh cho việc ám
sát viên tướng Iran. Hơn nữa, cuối tuần qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã nói
ngược lại quan điểm của tổng thống liên quan đến âm mưu tấn công bốn đại sứ
quán Mỹ. Ông Mark Esper đã tuyên bố thẳng thừng: Tôi không thấy thông tin về vụ
này.
Theo đài truyền hình NBC, tổng thống Trump đã bật
đèn xanh về nguyên tắc cho việc ám sát tướng Soleimani từ cách đây 7 tháng,
nếu một cuộc tấn công của Iran gây tử vong cho một người Mỹ."
Ngoại trưởng Mỹ : Vụ ám sát tướng Soleimani nằm trong một
chiến lược răn đe mới
Vào hôm qua, 13/01/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
đã tuyên bố là quyết định ám sát viên tướng Iran Soleimani được đưa ra trong
khuôn khổ một chiến lược răn đe tổng thể. Lập luận này có phần trái ngược với giải thích
trước đó của chính quyền Mỹ, theo đó phải tiêu diệt tướng Iran vì những
đe dọa tấn công sắp xẩy ra.
Phát biểu tại viện Hoover, đại học Stanford,
California, ông Pompeo đã nói đến một chiến lược nhằm “răn đe thật sự”
nhắm vào Iran. Theo ông chiến lược các chính quyền Mỹ trước đây, Cộng Hòa cũng
như Dân Chủ, ngược lại đã khuyến khích các hành vi thù nghịch của Iran.
--------------------------------------
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 14/01/2020 - 17:19
Sau
thời kỳ đoàn kết ngắn ngủi trước việc Mỹ trừ khử tướng Ghassem Soleimani đêm 2
rạng 3 tháng Giêng, sự dối trá của chính quyền về vụ bắn rơi chiếc máy bay
Boeing của Ukraina một lần nữa đã đẩy người dân Iran xuống đường.
Làn sóng phẫn nộ mới bất chấp đàn áp
Cái chết của 176 hành khách đa số là người gốc Iran,
rồi sự tiết lộ về vai trò của Vệ binh Cách mạng Iran đã làm dấy lên một làn
sóng phẫn nộ mới, bất chấp các cuộc biểu tình hồi tháng 11/2019 đã bị đàn áp đẫm
máu làm khoảng 500 người chết.
Đã ba ngày liên tiếp, các sinh viên biểu tình tại
Teheran, hô vang : « Họ đã sát hại giới tinh hoa, hãy đưa các giáo sĩ
trở về chỗ của mình ». Tối thứ Bảy 11/1, hàng ngàn người còn dám hô «
Kẻ độc tài đáng chết ! » - ám chỉ giáo chủ Ali Khamenei.
Ngay cả Iran, một tờ báo thân chính phủ
cũng chạy tựa « Không thể tha thứ ! », và đăng danh sách tất cả
các nạn nhân thiệt mạng. Nhật báo tiến bộ Etemaad đòi hỏi «
Hãy từ chức », còn tờ Javan thân Vệ binh Cách mạng tỏ
ý tiếc về một « sai lầm đau đớn ». Điều hiếm hoi là truyền
hình nhà nước cũng chiếu cảnh đám đông biểu tình.
Les Echos ghi nhận các
đơn vị cảnh sát cơ động trang bị vòi rồng được triển khai hàng loạt tại một quảng
trường lớn và ba trường đại học ở thủ đô Teheran. Le Monde dẫn
lời một người dân cho biết : « Vệ binh Cách mạng không cho phép tụ tập
trên 20 người, có nhiều người biểu tình bị bắt ». Những video quay tại
Teheran và nhiều nơi khác cho thấy lựu đạn cay được sử dụng rộng rãi, có những
tiếng súng nổ rải rác, người biểu tình bị đối xử thô bạo.
Xuống đường, tẩy chay, từ chức…Nội tình Iran rối loạn
Hôm Chủ nhật, tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter
bằng chữ in hoa, cảnh cáo « Không được giết hại người dân biểu tình !
». Trước đó một hôm ông cũng đã nhắc nhở : « Hàng ngàn người
đã bị quý vị sát hại hoặc cầm tù, thế giới đang nhìn vào quý vị và nhất là Hoa
Kỳ ». Trước sự phẫn nộ của dân chúng, rốt cuộc hôm qua 13/1 cảnh sát
được lệnh « kềm chế » - theo thông báo của chỉ huy trưởng lực lượng là tướng
Hossein Rahimi.
Gần đến liên hoan nghệ thuật lớn Fajr vẫn diễn ra mỗi
mùa đông trước ngày kỷ niệm cuộc cách mạng Hồi giáo 11/2, nhiều giám khảo và nghệ
sĩ sân khấu, điện ảnh loan báo không tham dự, vừa để tang cho các nạn nhân vừa
phản đối chính quyền. Cú sốc còn ảnh hưởng cả đài truyền hình công Iran : ít nhất
hai nhà báo nữ dẫn chương trình từ chức để phản đối việc đưa tin dối trá về vụ
rơi máy bay. Nữ võ sĩ judo Kimia Alizadeh, huy chương thế vận duy nhất của Iran
tuyên bố rời khỏi đất nước vì không còn chịu đựng được một chế độ chỉ gây «
nhục nhã ».
Cũng chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử Quốc Hội
21/2, vụ bắn hạ chiếc phi cơ Ukraina đã làm tan vỡ sự đoàn kết nội bộ sau vụ
Soleimani bị ám sát. Trước mắt đã có vài chục dân biểu đa số thuộc phe cải cách
bị loại ra khỏi danh sách ứng cử, và nếu tiếp tục, có nguy cơ chỉ còn lại những
ứng cử viên bảo thủ.
Các nhà hoạt động biểu tình trước bộ Ngoại Giao Đức
chống chính quyền Iran ngày 13/01/2020 sau vụ máy bay Ukraina bị bắn
rơi. REUTERS/Hannibal Hanschke
Thảm họa khiến Iran rơi vào thế yếu trước Mỹ
Trong bài « Thảm họa máy bay đã đặt Iran vào
thế yếu so với Hoa Kỳ », Les Echos nhận định sau khi thú
nhận « sai lầm không thể tha thứ » qua việc bắn hạ chiếc phi
cơ bằng hỏa tiễn, chế độ Iran bị chỉ trích cả trong lẫn ngoài nước. Tai nạn này
cũng đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột với Washington.
Teheran không còn cách nào khác ngoài việc phải thú
nhận sai lầm. Ngoài những tố cáo của nhiều quốc gia châu Âu và của Mỹ, việc
phân tích các video phổ biến trên internet đã chứng minh rất rõ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đòi hỏi tổng thống
Iran, Hassan Rohani làm rõ và hoàn toàn chịu trách nhiệm về thảm kịch đã làm 57
người mang quốc tịch Canada thiệt mạng. « Tôi nói với ông ấy, lời thú
nhận của Iran là một bước quan trọng nhằm mang lại câu trả lời cho thân nhân những
người bị nạn, nhưng nhấn mạnh rằng còn phải có những biện pháp khác ».
Về phía tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên
bố : « Chúng tôi chờ đợi Iran đưa các thủ phạm ra trước công lý và phải
bồi thường ». Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào tám
quan chức cao cấp của chế độ Teheran và các nhà sản xuất lớn về nhôm, thép, đồng,
sắt của Iran.
Chế độ Teheran tẽn tò, căng thẳng giảm xuống
Có một nghịch lý là vụ Teheran bắn lầm máy bay dân sự
đã mở ra khả năng giảm thang xung đột. Trong một thông cáo chung hiếm hoi tối
Chủ nhật 12/1, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh đòi hỏi Iran « hủy bỏ tất
cả những biện pháp không phù hợp với hiệp ước nguyên tử », « tránh mọi hành động
bạo lực mới hoặc leo thang ».
Thông cáo cũng nhấn mạnh vai trò gây bất ổn trong
khu vực của Vệ binh Cách mạng và lực lượng Al-Qods, hàm ý việc Iran giựt dây
các lực lượng dân quân tại các nước láng giềng. Và hôm nay 14/1, ba nước châu
Âu tham gia hiệp ước nguyên tử nói trên đã kích hoạt cơ chế giải quyết bất đồng
quy định trong văn bản, để gây áp lực tối đa lên Iran.
Không chỉ tai nạn này đã làm đảo ngược thế cờ, mà việc
Mỹ trừ khử Soleimani trước đó cũng khiến cho mọi tính toán chiến lược của Iran
trở nên vô dụng. Nhà báo Georges Malbrunot trên Le Figaro dẫn
một nguồn tin thân cận với chế độ Iran cho biết, Mỹ ra tay trả đũa quá sớm
trong khi Teheran dự định chờ đến mùa hè mới leo thang xung đột.
Kịch bản phá rối để Trump thất cử
Các nhà lãnh đạo Iran tin rằng ông Donald Trump
không muốn chiến tranh. Các vụ tấn công vào tàu dầu ở vùng Vịnh, việc phá hủy một
máy bay không người lái của Mỹ và nhất là vụ oanh kích dữ dội các nhà máy lọc dầu
của Ả Rập Xê Út hôm 14/09/2019 được coi như những thắng lợi, vì Mỹ không có phản
ứng trả đũa.
Từ sáu tháng qua, Teheran nhận định ông
Trump có nhiều khả năng tái đắc cử. Nguồn tin trên nói rằng chiến lược của Iran
là phá hoại chiến dịch tranh cử của Donald Trump bằng cách gây áp lực thật lớn
vào khoảng ba, bốn tháng trước cuộc bầu cử tổng thống.
Iran đưa dần tỉ lệ làm giàu uranium lên 20%, ngưỡng
có thể dùng cho mục đích quân sự. Mỹ và Israel sẽ phải tấn công vào các cơ sở của
Iran để ngăn chận việc chế tạo bom nguyên tử, và Teheran sẽ dùng Hezbollah đánh
vào Israel. Một sự hỗn loạn như thế trước cuộc bầu cử ba tháng sẽ giúp đối thủ
Dân Chủ chiến thắng Donald Trump.
Trump ra lệnh hạ sát Soleimani, chiến lược Iran phá sản
Iran biết rõ về quân sự thì không thể đọ sức nổi với
Mỹ, như vậy chỉ có thể dùng mối đe dọa nguyên tử để gây rối loạn vùng Trung
Đông. Tuy nhiên tính cách không thể đoán định của ông Trump đã khiến Teheran bị
bất ngờ, lọt vào chiếc bẫy do chính mình giăng ra.
Chính Iran đã làm gia tăng căng thẳng khi tấn công
vào đồng minh Ả Rập Xê Út của Hoa Kỳ, cho rằng Washington sẽ không trả đũa.
Đúng vậy, nhưng tiếp đến họ đã đi quá xa, khi cho dân quân bao vây tòa đại sứ Mỹ
ở Irak.
Nhà ngoại giao Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại
Washington nhận định trên Le Point, Teheran đã sai lầm trong phân
tích « lằn ranh đỏ » của Mỹ, và nay đã phải trả giá, trước hết
là sinh mạng của Soleimani. Nay thì các giáo sĩ Hồi giáo đã hiểu rằng Donald
Trump sẵn sàng bất ngờ sử dụng vũ lực bất kỳ lúc nào.
« Người tính không bằng trời tính ». Bốn mươi năm sau cuộc cách mạng Hồi giáo, cuộc khủng hoảng lòng tin
ở Iran chưa bao giờ sâu sắc như bây giờ : kinh tế suy sụp, chính sách gây ảnh
hưởng trong khu vực mà Soleimani là nhân tố quan trọng tạo ra nhiều bất bình.
Và diễn biến thời cuộc không ai có thể đoán trước được, với một tổng thống Mỹ
khó đoán mà Iran muốn triệt, nay uy tín lại lên như diều.
--------------------------------------------------
Tú Ánh - RFI
/ ĐIỂM BÁO
Đăng ngày: 14/01/2020
Chiến
thắng của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, chế độ giáo quyền Iran tự đánh mất
uy tín, Nga muốn làm « sen đầm » ở Libya, Pháp khẩn cấp điều chỉnh chiến lược
chống khủng bố ở Châu Phi… là những chủ đề quốc tế trên báo chí Pháp hôm nay
14/01/2020.
Biểu tình chống chính quyền Iran tại Teheran ngày
11/01/2020. Ảnh từ mạng xã hội. REUTERS
Iran trong mê hồn trận : Tướng chết, bắn lầm máy bay, dân
căm giận
Sau vụ máy bay Ukraina trúng tên lửa Iran, phong
trào phản kháng chế độ bùng trở lại. Không hẹn, Le Monde và Le Figaro, Les
Echos cùng chú ý đến cuộc xuống đường của sinh viên và giới trẻ Iran lên án chế
độ tìm cách che giấu sự thật, tấn công thẳng vào lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali
Khamenei.
Le Monde tập trung vào cuộc biểu tình bước sang ngày
thứ ba ở quảng trường Tự Do, làn sóng phẫn nộ lan rộng đến tận đài truyền hình
nhà nước. Hai nữ ký giả truyền hình từ chức để phản đối việc loan tải các bản
tin tuyên truyền theo lệnh của chế độ. Nhật báo thiên hữu Le Figaro, với bức ảnh
một phụ nữ cầm biểu ngữ tố cáo chính quyền nói dối trong vụ bắn lầm vào máy bay
dân dụng của Ukraina, cho biết thêm là giới nghệ sĩ Iran tẩy chay Liên hoan nghệ
thuật Teheran.
Một nhà trí thức tại Teheran tỏ hy vọng « thảm
nạn này, biết đâu sẽ giúp khai trừ thành phần cực đoan trong lực lượng vệ binh
cách mạng ». Bài phân tích « Iran trúng kế Donald Trump », dựa
theo một nguồn tin thân cận với trung tâm quyền lực Teheran, còn đi xa hơn :
Iran dự kiến sẽ đặt Donald Trump ngồi vào bàn đàm phán trong thế yếu. Nếu Trump
muốn yên thân tranh cử thì phải bỏ trừng phạt. Ngược lại, Iran sẽ dùng đòn bẩy
tinh lọc uranium và kích động chiến tranh ở Trung Đông để làm « ô nhiễm » chiến
dịch tái tranh cử của Donald Trump.
Thế nhưng, toàn bộ mưu kế của chế độ sử dụng áp lực
hạt nhân và xung đột tại Trung Đông để làm Donald Trump thất cử đã bị tổng thống
Mỹ phá hỏng, qua quyết định hạ sát tướng Qassem Soleimani.
Chiến lược gia quân sự bị giết trong khi kế hoạch
chưa kịp thi hành. Kịch bản được dự kiến khởi động vào mùa hè theo trình tự :
Iran tiếp tục tinh lọc Uranium để chế tạo được bom trong một năm nữa, Mỹ hoặc
Israel sẽ ra tay tấn công trước để triệt hậu họa, Iran sẽ xúi Hezbollah phản
công trả đũa, chiến tranh nổ ra… thế là Donald Trump thất cử, một tổng thống
Dân Chủ lên thay, dễ thuyết phục hơn.
Kế hoạch bị hỏng do Iran chủ quan nhưng nguồn tin kể
trên cảnh báo : lực lượng Hezbollah tại Irak đã thông báo sẽ mở chiến dịch « đuổi
Mỹ ra khỏi nước » nếu chính phủ không thành công buộc Washington rút quân. Điều
mà cánh tay nối dài của giáo quyền Iran tại Irak gọi là « vận động ngoại giao
», cho phép suy đoán tình hình sẽ tạm lắng dịu từ nay cho đến mùa hè.
Chủ nghĩa dân tộc hồi sinh tại Irak
Bị dân trong nước chống đối, bị Mỹ chận kế hoạch câu
giờ, tham vọng địa chính trị của phe Shia tại Iran còn bị giáo hội Shia và tín
đồ Irak cản đường. La Croix nhận định qua bài « Chủ nghĩa dân tộc hồi
sinh tại Irak ».
Với khẩu hiệu "Không để Irak trở thành
chiến trường của Iran và Mỹ", Teheran bị xem là xâm lược ngang
hàng với Hoa Kỳ.
Thái độ nổi giận của Hồi giáo Irak, công khai lên án
chính sách can thiệp của Iran vào nội tình Irak chỉ mới bắt đầu trong một tháng
gần đây khi hàng trăm thanh niên biểu tình chống tham nhũng bị bắn chết. Đối với
người Hồi giáo Shia, tuy cùng hệ phái với giáo quyền Iran, thì chính giáo chủ
Ali Khamenei đã tìm cách áp đặt người của Iran vào ghế lãnh đạo Irak. Chính
Iran đã ủng hộ và bảo vệ chế độ tham nhũng tại Bagdad. Lực lượng dân quân võ
trang Shia, từng được xem là anh hùng chống Daech, nay bị gọi là công cụ đàn áp
của chính phủ. Thủ lĩnh của phe này bị giết cùng với tướng Qassem Soleimani hồi
đầu năm.
Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ sẽ rút bỏ Irak ? Câu trả lời
là không, theo giới phân tích và chính phủ Israel trên Le Monde. Trong bài «
Israel chuẩn bị thời hậu Soleimani », nhật báo độc lập đưa ra một số lập luận
: Mỹ không bỏ Irak vì mất Irak là mất một lá chủ bài trừng phạt kinh tế Iran.
Irak là thị trường, là nguồn đô la của Iran trong thế bị Mỹ bao vây. Cũng theo
giới phân tích Israel, trong giai đoạn này, có thể tin rằng Mỹ không bỏ gọng kềm
vừa kinh tế vừa quân sự.
Cú tát vào mặt Tập Cận Bình
Dư âm chiến thắng của đảng Dân Tiến tại Đài Loan và
của tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn tiếp tục được Le Monde dành cho hai bài
phân tích dài : « Cú tát vào mặt Tập Cận Bình » và chân
dung « Người phụ nữ phi thường ».
Trong bốn năm qua, Bắc Kinh đã sử dụng mọi áp lực
bao vây Đài Loan, từ quân sự cho đến ngoại giao, kinh tế mua chuộc truyền thông
tuyên truyền ủng hộ chính sách nhất quốc lưỡng trị của Hoa lục, nhưng hải đảo vẫn
vững như sắt thép. Theo chuyên gia Pháp Jean-Yves Heurtebise tại Đài Bắc, trong
hai năm qua, Mỹ đã bốn lần ra luật tăng cường hậu thuẫn chiến lược Đài Loan về
quân sự cũng như ngoại giao. Một đạo luật khác nhằm yểm trợ tài chính cho các đồng
minh của Đài Loan đang bị Bắc Kinh tìm cách mua chuộc.
Kết quả bầu cử, theo chuyên gia Jacques de Lisles,
cũng ở Đài Bắc cho thấy người dân Đài Loan nghiêng về chính sách « nguyên trạng
». Quan điểm của Quốc Dân Đảng muốn tỏ ra hòa dịu với Bắc Kinh để được yên thân
không còn được dân ủng hộ. Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng cứng rắn mà Quốc
Dân Đảng không để ý.
Hãy nhìn Hồng Kông, đừng tưởng lầm là sau khi thất bại,
Bắc Kinh sẽ rút tỉa bài học, chấp nhận cải tiến. Trung Quốc bổ nhiệm đại diện mới
là Lạc Huệ Ninh, một nhân vật có kinh nghiệm trấn áp nhân công nổi dậy ở Liêu
Ninh. « Trong chế độ Tập Cận Bình, một biện pháp cứng rắn thất bại thì
thay bằng một biện pháp cứng rắn hơn », chuyên gia Mỹ Jude Blachette kết
luận bài « Cú tát vào mặt Tập Cận Bình » của Le Monde.
Quá trình học tập ở các trường đại học danh tiếng Mỹ,
Anh, Đài Loan cũng như con đường tranh đấu chính trị và cá tính cương cường của
bà Thái Anh Văn được Le Monde lược thuật trong bài « Người phụ nữ phi
thường », so sánh những khác biệt với lãnh đạo Trung Quốc .
Thái Anh Văn là người phụ nữ bảo vệ các giá trị dân
chủ Tây phương trong lòng thế giới Trung Hoa, trong bàn tay Tập Cận Bình.
Nhỏ người nhưng không sợ thách thức. Nền độc lập của
một quốc gia là độc lập thực sự về kinh tế trước đã. Thái Anh Văn không chống
Trung Quốc nhưng bà muốn Đài Loan phải có chỗ đứng trong nền kinh tế toàn cầu.
Libya và cảnh sát Putin
Vì sao Nga có thể hất chân Tây phương để can thiệp
vào tình hình Libya như một cảnh sát quốc tế ? Les Echos, La Croix nhấn mạnh đến
ưu thế của Putin, trong khi Le Figaro dự báo con đường quanh co trước mắt.
Theo nhận định của một chuyên gia quốc tế, Putin và
Erdogan đã đồng thuận với nhau chống lại Tây phương, loại các nhà ngoại giao
châu Âu để làm lãnh đạo. Còn theo Le Figaro, hai phe tranh chấp tại Libya, phe
thân Nga và phe được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đến Matxcơva để ký hòa ước nhưng vẫn
kình địch nhau, khiến bầu không khí rất buồn cười với hai chiếc ghế bỏ trống.
Chiến dịch Barkhane : Lực bất tòng tâm
Cũng chông gai không kém, Pháp khẩn cấp điều chỉnh
chiến dịch chống thánh chiến ở châu Phi.
Theo nhật báo thiên hữu, không nên phóng đại sức mạnh
của thánh chiến Hồi giáo Châu Phi bởi vì họ không là Taliban, không có hậu cần ở
Pakistan.
Quân đội Pháp, đã huấn luyện sĩ quan và binh sĩ cho
Mali, nhưng đứng trước hai bất cập. Một là quân Pháp luôn ở tuyến đầu, và thứ
hai, cuộc chiến chống khủng bố bị suy diễn là cuộc chiến da trắng đánh da đen .
Để thành công, Pháp phải thắng được hai thách thức :
chuẩn bị cho các nước bạn Phi Châu dần dần tham dự nhiều hơn trong các cuộc
hành quân, và được các đồng minh châu Âu gia tăng đóng góp tài chính. Cả hai
thách thức này đều lớn nhưng không phải là không vượt qua được, theo Le Figaro.
*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
No comments:
Post a Comment