NỘI DUNG :
Thu Hằng | Trọng Thành - RFI
Tú Anh - RFI
.
====================================
Thu Hằng | Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 26/01/2020 - 10:42
Dịch
viêm phổi do nhiễm virus corona ngày càng thêm nghiêm trọng tại Trung Quốc.
Trong thống kê mới nhất ngày 26/01/2020, chính quyền Bắc Kinh nêu 56 trường hợp
tử vong và gần 2.000 người bị nhiễm virus corona. Một ngày trước đó, đích thân
chủ tịch Trung Quốc Tập Bình cảnh báo nguy cơ lây nhiễm gia tăng.
Ảnh minh họa: Xử lý khủng hoảng dịch viêm phổi virus
corona đang là thách thức lớn cho chính quyền Tập Cận Bình. REUTERS
Trong số ca tử
vong, có một trường hợp ở Thượng Hải và là trường hợp đầu tiên nằm ngoài ổ dịch
ở tỉnh Hồ Bắc. Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, kể từ thứ Hai
27/01, các công ty lữ hành không được phép bán các tour du lịch hoặc đặt phòng
khách sạn cho các nhóm du khách. Chính phủ cũng ra lệnh cấm buôn bán động vật
hoang dã cho đến khi dịch bệnh tạm lắng.
Cuộc khủng hoảng virus corona có nguy cơ nghiêm trọng
hơn vì xảy ra vào đúng dịp người dân Trung Quốc di chuyển để đoàn tụ gia đình dịp
Tết Nguyên đán. Trong cuộc họp với Ủy ban Thường trực của bộ Chính trị đảng cộng
Sản Trung Quốc ngày 25/01, chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận « nạn dịch
gia tăng ». Ông trấn an người dân rằng có thể « chiến thắng cuộc chiến
» chống virus nhờ vào việc « tăng cường sự lãnh đạo tập trung
và thống nhất của trung ương đảng ».
Quyền lực của Tập Cận Bình bị khủng hoảng virus corona đe
dọa
Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Angélique Forget
tại Thượng Hải, trong lần thứ hai phát biểu chính thức về tình hình virus
corona, chủ tịch Tập Cận muốn khẳng định là nhà lãnh đạo sáng suốt, nhưng cuộc
khủng hoảng hiện nay có thể sẽ làm suy yếu quyền lực của ông.
Còn hơn cả cuộc chiến thương mại với Mỹ, hay các cuộc
biểu tình khuấy động Hồng Kông, cuộc khủng hoảng virus corona là một thách thức
chính trị chưa từng có đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình… vì lần này,
ông không thể cáo buộc các thế lực nước ngoài thao túng tình hình.
Tất cả những quyết định được đưa ra từ vài ngày nay như
cách ly trong vòng 40 ngày, hủy các hoạt động lễ hội dịp Tết Nguyên đán, đều nhằm
mục đích cho thấy rằng chính quyền trung ương kiểm soát tình hình, nhưng trên
thực tế, cuộc khủng hoảng này cho thấy những hạn chế về công tác quản lý của
chính quyền Tập Cận Bình.
Trước hết, vì kiểm duyệt, báo chí địa phương đã
không thể phổ biến thông tin về những người bị nhiễm virus corona trong khi trường
hợp đầu tiên được phát hiện là vào ngày 08/12/2019.
Tiếp theo, chính quyền địa phương, từng tổ chức một
ngày hội lớn vào đầu tháng Giêng với rất nhiều quan chức cấp cao trong vùng
tham dự, đã giảm thiểu tình hình để tránh phải hứng chỉ trích, phẫn nộ từ chính
quyền trung ương.
Thậm chí cách đây vài tuần, chính quyền địa phương
còn bắt 8 người với cáo buộc đã phát tán tin đồn về loại virus với khẳng định
có liên quan đến dịch SARS năm 2003. Thế nhưng, cuối cùng thông tin này lại được
giới chức y tế xác nhận.
Mỹ, Pháp chuẩn bị sơ tán kiều dân khỏi Vũ Hán
Ngày 26/01/2020, theo AFP, Hoa Kỳ thông báo đang tổ
chức sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao và một số kiều dân khác, bị kẹt tại Vũ
Hán, trung tâm dịch viêm phổi. Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, sẽ có một chuyến bay trực
tiếp đầu tiên từ Vũ Hán về San Francisco vào thứ Ba 28/01.
Pháp dự kiến sẽ đưa người ra ngoài Vũ Hán bằng xe
buýt. Bộ Ngoại Giao Pháp hiện chưa thông báo thời điểm cụ thể. Riêng tập đoàn sản
xuất xe hơi PSA, có một nhà máy ở Vũ Hán, thì các nhân viên PSA sẽ được đưa đến
thành phố Trường Sa, cách Vũ Hán hơn 300 km về phía nam.
Thêm nhiều trường hợp nhiễm virus mới tại một số nước
châu Á
Theo thống kê sơ bộ sáng 26/01, trong những ngày gần
đây, có thêm bốn trường hợp nhiễm virus tại Úc (hôm 25/01), bốn người trở về từ
Trung Quốc. Singapore có thêm một trường hợp được ghi nhận hôm 26/01, từ Trung
Quốc đến đảo quốc hôm 22/01. Nepal hôm 24/01 thông báo có một người nhiễm dịch,
vốn từ Vũ Hán, Trung Quốc, trở về ngày 09/01.
Tổng cộng, gần 10 nước châu Á - châu Đại Dương có
người bị nhiễm virus Vũ Hán, ngoài Úc, Singapore, Nepal, còn có Thái Lan (5 trường
hợp), Nhật Bản (3), Hàn Quốc (3), Malaysia (4), Đài Loan (3) và Việt Nam (2).
Theo báo chí trong nước, hôm 26/01, cục Hàng Không
Việt Nam thông báo phía Trung Quốc đã “nhờ” Việt Nam chở toàn
bộ khách người Vũ Hán về nước. Cơ quan này cũng yêu cầu hủy tất các chuyến bay
giữa các điểm tại Việt Nam với các điểm phát hiện có dịch bệnh do virus corona
gây ra, ngoài Vũ Hán.
BBC Tiếng Việt
26 tháng 1 2020
-------------------------------
Tú Anh - RFI
Đăng ngày: 25/01/2020 - 10:33
Donald
Trump, Tập Cận Bình, Vladimir Putin, Kim Jong Un vẫn là những chủ đề làm hao giấy
mực trên báo chí. Nhưng dịch viêm phổi cấp tính với con siêu vi corona xuất
phát từ Hoa lục mới là « mối đe dọa » tiềm tàng cho thế giới.
Trung Quốc « kiên quyết chặn dịch »
Một tháng sau khi dịch viêm phổi lạ phát sinh và phải
chờ có người chết, chính quyền Trung Quốc mới có thái độ nghiêm túc. Với tựa
: « Bắc Kinh cuối cùng xử lý nghiêm túc dịch bệnh tại Vũ Hán », tuần
báo Courrier International điểm qua một loạt báo chí Hoa lục sau khi Tập Cận
Bình, trước thềm năm mới, chỉ thị « ngăn chặn dịch bệnh quái ác lan rộng
».
Trong suốt tháng 12/2019, báo chí Trung Quốc tránh đề
cập đến dịch bệnh bí ẩn này để không làm dân chúng lo âu. Các cột báo tập trung
vào sinh hoạt đón Tết Âm lịch. Thậm chí, trong số báo ngày 20/01/2020, Hồ Bắc
Nhật Báo (Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc) còn chạy tựa lớn : « Vũ
Hán phát động chiến dịch vệ sinh yêu tổ quốc » nhưng hoàn toàn không
có một chữ về dịch bệnh. Nhưng cùng ngày 20, từ Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình
kêu gọi « mỗi cá nhân phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao vì y tế cộng
đồng… chiến thắng dịch bệnh quái ác ». Thế là sáng hôm sau, ngày 21, tuyên
truyền đổi giọng ! Vũ Hán Nhật Báo « động viên toàn lực » trên
trang nhất : « Kiên quyết chặn dịch ». Cũng tờ báo chính thức này,
ngày hôm trước không một câu về con siêu vi corona.
Báo chí trung ương cũng tham gia « xử lý » thông
tin. Tân Kinh Báo đặt câu hỏi : Liệu Vũ Hán có đủ sức đối phó với dịch hay
không ? Khu chợ bán sỉ hải sản đến từ đảo Hải Nam đã bị cô lập, hàng chục người
có triệu chứng bị cách ly trong bệnh viện.
Trong khi đó, ở Quảng Đông, nơi xuất phát dịch viêm
phổi cấp tính năm 2003 làm gần 800 nạn nhân, trong đó hơn 600 người Trung Quốc
tử vong, trang mạng của báo Tài Tân (Caixin), qua một bài báo dài, phân tích
hai yếu tố làm dịch lan rộng : Thứ nhất, nhà ga xe lửa Vũ Hán là trạm trung
chuyển của 5,5 triệu hành khách trong mùa Tết, lại nằm gần ổ dịch khu chợ hải sản.
Thứ hai, theo chuyên gia bệnh SARS, Chung Nam Sơn, siêu vi corona có khả năng
truyền nhiễm từ người qua người, và do không thuốc trị liệu hiệu nghiệm, siêu
vi cứ thế mà lây lan.
Cuối cùng, trên Wall Street Journal, các nhà khoa học
nêu lên hai yếu tố đáng ngại khác : Siêu vi corona có cấu trúc tương tự như
siêu vi bệnh viêm phổi cấp tính, đến từ một loài dơi. Thứ hai, con siêu vi này
rất thích hợp với môi trường đông dân cư và chăn nuôi đại trà.
Donald Trump muốn làm Nga hoàng ?
Donald Trump (cũng) muốn làm tổng thống mãn đời ?
Putin làm thế nào để duy trì quyền lực ? Courrier International trích các bài
phân tích trên báo Anh và Nga.
Tuy không phải là Putin, càng không thể so sánh với
Tập Cận Bình, nhưng Donald Trump của nước Mỹ bị phê phán gắt gao như một nhà độc
tài thứ thiệt. Với câu hỏi
: Trump làm tổng thống trọn đời ? Financial Times cảnh giác độc giả là
nên để ý những lời tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng thường ca ngợi những nhà độc
tài như Putin và Tập Cận Bình : « Lãnh đạo trọn đời rất tuyệt vời, có lẽ
chúng ta cũng nên thử ». Nhà báo Edward Luce đưa ra kịch bản đảng Cộng Hòa
sẽ ủng hộ con trai trưởng Donald Trump Jr., hoặc cô con gái Ivanka ra tranh cử
vào năm 2024.
Chắc chắn Donald Trump sẽ không bị truất phế. Nếu
ông tái đắc cử vào tháng 11/2020 thì nước Mỹ sẽ bị lôi vào một tương lai bất định.
Donald Trump thêm kinh nghiệm muốn làm gì thì làm mà không bị trừng phạt. Một
khi cảm thấy an tâm trong địa vị thì đó là lúc các nhà độc tài đánh rơi mặt nạ.
Narendra Modi của Ấn Độ chuyển hướng độc đoán sau khi đảng của ông thắng lớn hồi
tháng 5/2019, Putin của Nga cũng xoay chiều độc tài vào đầu nhiệm kỳ hai năm
2004.
Còn Donald Trump, ông sẽ làm gì trong nhiệm kỳ hai ?
Theo nhà báo Edward Luce, nếu dựa vào những lời tuyên bố, ưu tư số một của
Trump là « tính sổ với các kẻ thù chính trị ». Lịch sử nhân loại chứng
minh bệnh hoang tưởng là đặc tính của những nhà độc tài. Điều ám ảnh Donald
Trump là lo sợ ngày bị lôi ra tòa. Nhưng bản án công chính nhất vẫn là lá phiếu của cử tri.
Tại Nga, với dự luật tu chính Hiến Pháp, chủ nhân điện
Kremlin bắn phát súng khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực. Bài phân tích
của báo mạng Vedomosti từ Matxcơva đánh cược là Putin sẽ duy trì quyền lãnh đạo
trên chiếc ghế chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước : Chỉ cần nhìn thẩm quyền rộng rãi từ
đối ngoại, đối nội, kinh tế, xã hội là đủ thấy « tính chất Putin » trong
định chế tương lai này, và có thể suy đoán không sợ lầm là « chiếc ghế
này dành cho ai ».
Dân Iran xứng đáng có một số phận tốt hơn
Iran cần một chính quyền thật sự vì dân hơn là một
chế độ tham vọng nhưng lừa dối. Lãnh đạo tối cao từ nay bị dân chúng công khai
công kích. Người dân Iran đã đoạn tuyệt với giới lãnh đạo chính trị. Đó là nhận
định dứt khoát của Al Araby al Jadid của The New Arab, trụ sở Luân Đôn về những
biến động tại Iran.
Là một dân tộc ý thức có một lịch sử hào hùng, dân
Iran không chấp nhận được đường lối bi đát của chế độ Cộng Hòa Hồi Giáo. Điều
làm dân Iran bất bình xuống đường tố cáo là căn bệnh trầm kha của chế độ giáo
quyền. Từ sau thảm nạn máy bay Ukraina mà thủ phạm là quân đội Iran được che giấu
cả tuần lễ, sự nói dối và lừa bịp của các giáo sĩ mà người đứng đầu là giáo chủ
Khamenei, đã đổ thêm dầu vào lửa .
Từ nhiều năm nay, chính quyền Iran lo bành trướng
vùng ảnh hưởng tại Trung Đông, trong khi ở trong nước, thực trạng ngày càng tồi,
ngày càng áp bức, bần cùng và tuyệt vọng. Teheran tiếp tục đưa quân can thiệp
bên ngoài rồi bắt dân trả hóa đơn quân sự. Người nào từ chối sẽ bị xem là phản
quốc, xứng đáng ngồi tù hay bị treo cổ.
Al Araby al Jadid tiếc cho nghịch cảnh của người dân
Iran. Tự xem là dòng giống của một dân tộc có nền văn minh sáng chói nhất của
nhân loại, dân Iran đôi khi tỏ ra kiêu ngạo nếu không muốn nói là kỳ thị. Nhưng
chính tinh thần dân tộc này đã làm cho người Iran, mỗi sáng khi nhìn mặt trời mọc
trên quê hương, không khỏi tủi thân. Lẽ ra Iran phải được may mắn hơn thay vì
phải chịu số phận hẩm hiu với một chế độ bất tài và lừa dối.
Trước làn sóng phản kháng của người dân, giáo chủ
Khamenei, trong bài thuyết giảng đầu tiên kể từ 2012, bốn lần phê phán «
nhân dân » hành động sai bậy, thậm chí không phải là « người
Iran » khi lên án chính sách can thiệp tại Liban và Palestine, khi xé
chân dung tướng Qassem Soleimani, khi tin vào truyền thông quốc tế… Thái độ này
của lãnh đạo tối cao Iran được trang mạng của Radio Prahah bình luận với tựa «
Khamenei chống đường phố ».
Còn nhìn từ Israel, nhật báo Ha’Aretz nhấn mạnh vào
các nhược điểm của Iran. Bên dưới tranh biếm họa « năm cảnh sát chống bạo
động Iran đứng sau lá chắn là tờ giấy bạn 1 đô la Mỹ với chân dung tổng thống
Washington » là nhận định : Chế độ không có phương tiện để thực hiện
tham vọng địa chiến lược. Muốn làm đại cường thì kinh tế phải vững chắc, phải
có nền công nghiệp cao. Thế mà, Cộng Hoà Hồi Giáo Iran đang bên bờ sụp đổ.
Kim Jong Un không gửi « quà Giáng sinh »
Nói đến xung khắc Mỹ-Iran không thể bỏ quên khẩu chiến
Washington-Bình Nhưỡng. Vì sao mấy tuần nay, lãnh đạo Bắc Triều Tiên có vẻ nhu
mì. Lời giải thích nằm ở trang Châu Á-Thái Bình Dương của tuần báo Express .
Vì sao Kim
Jong Un không gửi « quà Giáng sinh » cho Donald Trump như đã từng
hứa hẹn với giọng điệu hù dọa ? Noel, Tết Dương lịch đã qua mà
Bắc Triều Tiên vẫn im thin thít. Theo thông tín viên của L’Express tại Tokyo, bị
Donald Trump làm thất vọng, Kim Jong Un tìm cách tranh thủ thời gian, chuyển hướng
canh tân kinh tế. Trong khi tập trung vào kinh tế, trong bối cảnh vẫn vị Mỹ trừng
phạt, Kim Jong Un sẽ giữ thái độ nhún nhường.
Một chuyên gia của Crisis Group phân tích : Lãnh đạo
Bắc Triều Tiên sẽ âm thầm thực hiện chương trình hạt nhân quân sự nhưng tránh
chọc giận Donald Trump. Quyết định chiến lược chuyển hướng này có thể rút từ
bài học vụ Mỹ oanh kích giết tướng Iran Qassem Soleimani : « Lãnh đạo Bắc
Triều Tiên đã thấy những lời đao to búa lớn của Donald Trump không phải chỉ là
đe dọa suông ».
Bắc Triều Tiên sẽ làm gì ? Một cách thực tế, Bình
Nhưỡng chờ qua bầu cử tháng 11/2020, nối lại đối thoại với Washington trên một
sơ sở mới. Không phải để phi hạt nhân hóa, mà là để thương lượng một hiệp định «
hạn chế » vũ khí hạt nhân, như Mỹ-Nga đàm phán với nhau từ… hàng thập
kỷ, tức là ngang cơ với Mỹ, chuyên gia Hàn Quốc Kim Duyeon dự đoán.
Muốn ăn phải lăn vào bếp
Ngày Tết, ngày lễ hội, đoàn tụ và ẩm thực. Courrier
International, với ảnh một quả chuối hấp dẫn trên trang bìa, giới thiệu công
trình nghiên cứu của một nữ sử gia Mỹ Susan Pedersen : Làm cách nào chống thói
quen ăn đồ béo ? Độc giả được đến với bếp Mỹ, bếp Nhật, bếp Tàu. Lý tưởng nhất
vẫn là « muốn ăn (ngon), phải lăn vào bếp ».
Theo Susan
Pedersen, công nghệ thực phẩm chế biến, đường, chất béo, ăn uống thất thường, gấp
rút, vừa nhai vừa làm việc… là những thói quen xấu. Hệ quả là hiện tượng béo
phì lan rộng hơn là tình trạng suy dinh dưỡng.
Phương cách hay nhất để chặn đứng thói quen ăn tạp
gây tổn hại cho sức khỏe là phải biết nấu nướng, biết tác dụng của từng loại thức
ăn, phải có tinh thần trách nhiệm không hoang phí và phải dạy ý thức này cho
con cái từ thơ ấu.
Nhật Bản đã đi trước với kế hoạch bài bản. Nhật báo
Nihon cho biết cụ thể : Với nhịp độ của cuộc sống ngày nay, các món ăn truyền
thống ngày càng bị xao lãng. Lo ngại các món ăn truyền thống từ từ biến mất, từ
9 năm qua, các nhà bếp danh tiếng của Nhật, ngành công nghiệp nông sản và nhà
nước cùng tham gia chiến dịch nấu ăn và truyền bá các món ăn Nhật ở các trường
trung, tiểu học. Rất nhiều trẻ em lần đầu tiên mới thấy tận mắt một món gia vị
hay tỏ ra ngạc nhiên trước những điều rất căn bản, như nêm nếm, mà thế hệ phụ
huynh xem là chuyện đương nhiên.
-------------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
No comments:
Post a Comment