Thursday, January 2, 2020

VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI VỪA RA ĐI (Nguyễn Thị Từ Huy)




Nguyễn Thị Từ Huy 
27/12/2019

Nhiều việc muốn làm mà chưa làm được. Trong đó có việc viết về những người bạn đã mất.

Thôi đành bắt đầu bằng cách chỉ nói một hoặc một vài chi tiết về họ, khi có thời gian sẽ viết nhiều hơn.

*
Bắt đầu bằng Etienne Tassin, người đã mất một cách đột ngột, ngay trong lúc tôi đang ở đó, ở cùng thành phố với ông, và tôi đã có thể tới đám tang để tiễn biệt ông. Vài tuần nữa là tròn một năm ông mất.

Etienne là thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ về triết học chính trị của tôi (dường như tôi có cung thầy cô rất tốt, vì trong đời đi học tôi toàn gặp những thầy cô tuyệt vời, rồi sẽ có lúc tôi phải trở lại với họ). Ở đây tôi chỉ nói một chi tiết : chúng tôi làm việc với nhau thật quá dễ dàng. Tôi chỉ cần nói nửa câu là ông thêm nốt nửa câu sau, đúng y chang ý của tôi. Lần đầu tiên khi điều đó xảy ra, tôi có sững sờ mất một giây, vì tôi cho là ông ấy ngắt lời tôi và như vậy là thiếu tôn trọng, nhưng sang giây thứ hai thì tôi hiểu rằng không phải ông ấy ngắt lời tôi, mà vì ông ấy đã quá hiểu điều tôi muốn nói. Tôi không dám ngắt lời ông, nhưng ông chỉ nói nửa ý là tôi cũng đã hiểu toàn bộ ý tưởng mà ông muốn nói là gì. Vậy đó.

Còn câu chuyện củ hành, mà vài người bạn của tôi đã chứng kiến, và nhiều chuyện khác, thì phải chờ lúc khác mới viết lại được.


*
Phan Huy Đường cũng ở cùng thành phố Paris với Etienne Tassin, và Đường cũng mất đột ngột như Etienne, dù trong một hoàn cảnh khác. Tôi tiếp nhận tin về cái chết của hai người với cùng một cảm giác y hệt nhau : không thể tin nổi. Đường và tôi gặp nhau rất ít nhưng ông ấy là người, theo một nghĩa nào đó, đã đẩy tôi lên đường ray của triết học. Và tôi có cảm giác rằng, vào thời điểm chúng tôi lần đầu gặp nhau, ông tìm thấy nơi tôi một địa chỉ để trút toàn bộ những đau khổ trong cuộc khủng hoảng trầm trọng của các mối quan hệ văn chương của ông ấy. Tình bạn của chúng tôi cũng đã có lúc trên bờ vực đổ vỡ, nhưng chúng tôi đã giữ nó lại, bởi vì cả hai hiểu rằng, những khúc mắc do hiểu lầm thì chỉ cần giải thích rõ ràng là có thể hiểu đúng về nhau. Tình bạn của chúng tôi không đổ vỡ chẳng phải do một phép màu nào hết, mà chỉ là do hai người có nhu cầu hiểu đúng về nhau mà thôi. Tình bạn, một khi đã suýt tan mà giữ lại được, thì nó trở nên bền vững, không gì xóa bỏ nổi.

Còn cuộc khủng hoảng về quan hệ văn chương của Đường, tôi nghĩ là cần phải viết về những gì tôi đã chứng kiến, nhất định phải có lúc dành thời gian để viết, ít nhất thì cũng để ghi lại chân dung tinh thần của một người đã luôn giữ sự cao thượng, luôn giữ được vẻ đẹp của tình người, trong lúc khủng hoảng nhất. Nhưng bản thân nỗi đau cũng là một cái gì rất đẹp, và có khả năng phát sáng. Đó là điều tôi nhìn thấy từ nỗi đau của Phan Huy Đường.


*
Hoàng Ngọc Biên mất ở Mỹ. Thận Nhiên là người đầu tiên báo tin cho tôi. Hoàng Ngọc Biên chủ động liên lạc với tôi khi tôi mới bắt đầu làm việc ở Đại học SPHN, mới bắt đầu vào nghề, khi tôi công bố bài đầu tiên về Alain Robbe-Grillet. Ông gửi qua bưu điện cho tôi tác phẩm « Chuyến xe », văn phong đẹp như một khoảng nắng loang trên ghế đá nơi công viên vắng người qua lại trong một buổi chiều của ai đó đang mang đầy tâm trạng. Điều làm tôi ngạc nhiên là những dòng văn đẹp như vậy lại được viết ra trong một bối cảnh lịch sử và chính trị khốc liệt, hung bạo.

Hoàng Ngọc Biên đã dùng bức tranh của ông để làm bìa cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi. Chính ông là người thiết kế bìa. Hội họa và văn chương của hai thế hệ người Việt Nam cầm bút, cách xa tuổi tác và không gian địa lý, nhưng cùng một nỗi niềm.


*
Phạm Toàn ngừng hành trình sống của ông tại Hà Nội. Ông là một người mà năng lượng có lẽ chỉ giảm sút vào những thời khắc cuối cùng của cuộc đời. Lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và tràn đầy lạc quan, đó là Phạm Toàn. Ông đã làm nhiều việc, đã bướng bỉnh và bền bỉ giương buồm ra khơi ngay cả lúc (hoặc chọn đúng lúc) thời tiết không thuận lợi. Và đây là một câu chuyện rất ngắn, có vẻ vô nghĩa, nhưng chắc là không vô nghĩa. Mười năm trước, lúc tôi còn sống ở Hà Nội, có lần Phạm Toàn gọi điện cho tôi về một việc gì đó, và cuộc trò chuyện điện thoại lan man từ dây cà ra dây muống, như thường xuyên vốn vậy. Tôi không còn nhớ tôi nói gì, nhưng không quên được cái khoảnh khắc giật mình khi từ đầu dây bên kia, giọng ông Toàn cười khanh khách: « Con chó (là ông gọi tôi đó) ! Lại thêm một đứa chửi bậy ». Câu nói của ông đã cứu cho tôi thoát khỏi bị sa vào tình trạng chửi bậy triền miên. Tôi không nhớ đã chửi bậy gì cho ông Toàn nghe, nhưng từ đó đến nay, không còn chửi bậy nữa.


*
Hạ Đình Nguyên và tôi chỉ gặp nhau có vài lần, cà phê cùng với nhiều người khác. Chưa một lần nào trò chuyện riêng. Và tôi rất ngạc nhiên khi một hôm, ở Paris, tôi nhận được một email từ Sài Gòn, Hạ Đình Nguyên gửi cho tôi một đoạn nhật ký viết dưới dạng tùy bút. Ngạc nhiên, vì những tâm trạng sâu kín như vậy người ta thường chỉ chia sẻ với những người bạn thân thiết nhất, tri kỷ nhất, còn tôi chỉ là người mà anh gặp vài lần giữa rất đông những người khác. Câu chuyện của anh cũng không hề liên quan tới tôi. Anh đã cần tôi như cần một người chứng kiến câu chuyện đó. Và nếu ai đã từng đọc Arendt sẽ hiểu : sống là xuất hiện trên đời này, và khi xuất hiện thì cần tới spectator (khán giả - người chứng kiến). Mọi sự xuất hiện, nếu muốn trở thành một tồn tại thực sự, đều cần được chứng kiến, cần có khán giả của nó.

Dĩ nhiên, tâm sự riêng tư, được chia sẻ theo một cách riêng tư, không thể đưa ra công khai. Tôi chỉ có thể nói rằng, đó là những cảm xúc đẹp, với một sức thanh xuân mạnh mẽ. Điều ấy khiến tôi không thể ngờ rằng mấy tháng sau thì anh mất, đúng lúc anh đang sống một cách mãnh liệt nhất, và đúng vào lúc tôi trở lại Sài Gòn.



Sài Gòn, 25/12/2019
Nguyễn Thị Từ Huy





No comments: