Monday, January 6, 2020

TRUNG ĐÔNG ĐI VỀ ĐÂU? (Lê Phan)




Lê Phan
January 5, 2020

Hôm Thứ Sáu, 3 Tháng Giêng năm 2020, chỉ mới ngày thứ ba của năm mới, Tổng Thống Donald Trump ra lệnh quân đội Hoa Kỳ hạ sát Trung Tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds của Iran.

Giải thích quyết định giết ông Soleimani, Ngũ Giác Đài không chỉ tập trung vào những hành động quá khứ của Soleimani nhưng cả quyết là cuộc tấn công này có tính ngăn ngừa.

Tuyên bố của Ngũ Giác Đài viết, tướng Soleimani đã “tích cực phát triển những kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và các quân nhân ở Iraq và trong vùng.”

Quyết định của Tổng Thống Trump đã là một điều tạo sửng sốt cho toàn thế giới và nhất là cho vùng Trung Đông. Cho đến nay, có một điều mà tất cả mọi nhà ngoại giao và bình luận đều đồng ý là nếu có một chủ thuyết Trump về ngoại giao thì đó là sự hoàn toàn không muốn vướng mắc quân sự, đặc biệt là về vùng Trung Đông.

Ông đã từng chê bai các vị tổng thống tiền nhiệm, Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, là đã sa lầy vào những trận đánh không thể thắng được trong vùng. Mới Tháng Mười vừa qua, ông đã khẳng định rõ ràng “Chúng ta sẽ rút ra. Để cho ai đó chiến đấu trên những bãi cát vướng máu này.”

Nhưng nếu tổng thống tính rút lui khỏi vùng Trung Đông thì ông đã chọn rút lui một cách ồn ào thay vì lặng lẽ chăng? Bởi trong vòng tuần lễ qua, viện cớ một cuộc pháo kích của một nhóm dân quân được Iran ủng hộ vào một căn cứ của Hoa Kỳ làm một nhân viên dân sự hợp đồng thiệt mạng, Hoa Kỳ tổ chức một loạt các cuộc không kích vào nhóm dân quân mà họ nói là thủ phạm, Katai’ib Hizbollah, làm 25 người thiệt mạng và 50 người bị thương trong đó có thường dân.

Phe dân quân nổi giận tổ chức biểu tình tấn công tòa đại sứ Hoa Kỳ, trước sự làm ngơ của chính phủ Iraq, được thành lập với bao nhiêu sinh mạng quân nhân Hoa Kỳ và trên nguyên tắc là đồng minh của Hoa Kỳ. Hai ngày sau họ rút lui. Phía Hoa Kỳ một lần nữa leo thang, và lần này leo thang tột bực, sử dụng phi cơ drones hạ sát tướng Soleimani ở ngay phi trường quốc tế Baghdad.

Tướng Suleimani không phải là một ông tướng bình thường. Ở Iran, ông được coi là nhân vật thứ nhì, chỉ đứng sau có Giáo Chủ Ali Khamenei, và có triển vọng sẽ là tổng thống tương lai của Iran nếu ông ta muốn. Sự trầm trọng của hành động này phản ảnh trong phản ứng của Iran. Lần đầu tiên, Giáo Chủ Khamenei triệu tập và chủ trì một phiên họp của hội đồng an ninh quốc gia ngay hôm Thứ Sáu để bàn về phản ứng. Ông cũng ngay lập tức chỉ định phó tư lệnh của lực lượng Quds, Chuẩn Tướng Esmail Ghaani, lên thay Tướng Suleimani. Một hàng lãnh đạo Iran đang chia rẽ về tham vọng hạt nhân bỗng nhiên đoàn kết trong sự tức giận trước sự ám sát này.

Những phụ tá của Tổng Thống Trump đang lý luận là chúng ta không có gì phải sợ, rằng một người xấu mà bàn tay đã vấy máu vô số quân nhân Hoa Kỳ đáng bị hạ sát. Họ cũng nói là khả năng của Iran trả đũa đã bị giảm thiểu phần lớn là vì cấm vận đã bóp nghẹt nền kinh tế họ và cũng vì người có nhiều khả năng nhất có thể làm được việc trả đũa là tướng Suleimani, người đã bị giết chết. Hơn thế, hành động này sẽ gia tăng vị thế của Tổng Thống Trump ở vùng Trung Đông, nơi mà bạo lực là ngôn ngữ ai cũng hiểu. Và rằng rồi ông sẽ thắng như ông đã thắng khi dời trụ sở Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ vào Jerusalem. Như ông ngoại trưởng của tổng thống đã tuyên bố, vụ ám sát ông tướng là để “giảm căng thẳng trong vùng.”

Nhưng Giáo Sư Soraya Lennie, một chuyên gia về Iran của trường Đông Phương và Phi Châu học (SOAS) của Viện Đại Học Luân Đôn thì triển vọng giảm căng thẳng trong vùng không còn bao nhiêu.

Trả lời Đài Euronews, bà giải thích:

“Iran là một quốc gia hành động theo lý trí. Tuy nhiên, trước áp lực kinh hồn từ những kẻ chủ trương cứng rắn trong nước, và có lẽ cũng ở ngoại quốc nữa từ những nhóm như Hezbollah chẳng hạn, Iran sẽ thực sự phải đi dây về cách họ trả đũa. Ai cũng nghĩ là không ai muốn chiến tranh nhưng có một số quốc gia trong vùng thực sự đang thúc đẩy Hoa Kỳ đến chiến tranh và thực tế đó đã đến gần hơn với việc ám sát Qasem Soleimani.”

“Iran không thể chống lại Hoa Kỳ bằng chiến tranh quy ước, họ không thể đối đầu được với Hoa Kỳ về khả năng quân sự. Tuy nhiên điều mà Iran làm rất giỏi, đó là chiến tranh không cân xứng. Iran đã trải qua nhiều năm, đặc biệt từ sau cuộc “Cách Mạng 1979,” xây dựng những khả năng ở những quốc gia như Lebanon, Syria và Iraq, ở những nơi mà Hoa Kỳ, dù có bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu loại vũ khí tối tân, không thể xây dựng được khả năng ở hiện trường. Iran có thể sử dụng nó. Thành ra nếu có chiến tranh, tôi không chờ đợi nó sẽ là chiến tranh quy ước trừ phi Hoa Kỳ đưa quân vào xâm lăng Iran.”

Và bà kết luận “Chờ đợi Iran sẽ dùng những tay chân của họ để gây áp lực với các tài sản của Hoa Kỳ trong toàn vùng và tôi nghĩ là Hoa Kỳ cũng đã hiểu điều đó. Tòa đại sứ ở Iraq đã yêu cầu nhân viên và công dân rời khỏi xứ này.”

Chuyện gì sẽ xảy ra là câu hỏi mà ai cũng muốn có câu trả lời. Tổng Thống Trump hẳn hy vọng là một hành động phủ đầu đầy kịch tính như vậy sẽ uy hiếp Iran và chứng tỏ cho những đồng minh trong vùng như Israel và Saudi Arabia là khả năng ngăn ngừa của Hoa Kỳ có thực. Nhưng Jonathan Marcus, thông tín viên quốc phòng đài BBC thì nghĩ “Hầu như không thể nghĩ là sẽ không có một trả lời mạnh mẽ từ phía Iran, ngay cả nếu nó không tức thời.”

Tổng Thống Trump nói Hoa Kỳ không muốn “bắt đầu một cuộc chiến” với Iran qua việc ám sát ông Soleimani, mà nói việc giết người mà ông ra lệnh là một tấn công phủ đầu để phá hủy những cuộc tấn công “tức thời và kinh khủng” vào nhân sự của Hoa Kỳ.

Có thể Tổng Thống Trump quả thực tin là điều ông làm sẽ không dẫn đến chiến tranh. Nhưng cái chết của một ông tướng, vốn kiểm soát ảnh hưởng rộng rãi của Tehran trên toàn vùng Trung Đông từ Lebanon đến Iraq, Syria và Yemen qua lực lượng Quds của vệ binh Cộng Hòa, đại diện cho một sự gia tăng trong cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Iran dưới thời của tổng thống. Các nhà ngoại giao lâu nay đã sợ là một sự tính toán sai của một trong hai bên có thể làm bùng nổ chiến tranh trong vùng.

Cuộc tấn công, mà trong đó những lãnh tụ dân quân Iraq cũng bị hạ sát, kể cả tư lệnh cao cấp Abu Mahdi al (Muhandis) đã dẫn đến kêu gọi tự chế từ Âu Châu và ngay chính trong vùng Trung Đông.

Ngoại Trưởng Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) Anwar Gargash, tweet “Tiếp cận hữu lý đòi hỏi một tiếp cận bình tĩnh và không cảm tính.” UAE đáng lẽ phải ăn mừng vì ông tướng đã lâu nay là cái gai trước mắt của họ nhưng họ không dám ăn mừng sợ quá sớm.

Bà Helima Croft, một cựu phân tích gia của CIA, nay cầm đầu ban chiến thuật nguyên liệu của công ty tư vấn RBC Capital Markets, nói cuộc tấn công này gia tăng nguy cơ cho những công ty dầu khí Hoa Kỳ như ExxonMobil và Chevron vốn đang hoạt động tích cực ở Iraq, nếu Iran trả đũa.

Bà thêm: “Nhưng không phải chỉ ở Iraq. Người Iran có khả năng tấn công vào người Mỹ bất cứ nơi nào mà các nhóm đại diện của họ hoạt động.” (Lê Phan)






No comments: