11/01/2020
Như chúng tôi đã đưa tin hôm qua, có ít nhất 5 tàu Trung Quốc đang
quấy phá lãnh hải Việt Nam ở khu vực Nam Biển Đông, gần Bãi Tư Chính, trong đó
có 4 tàu hải cảnh đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN. Hiện tại,
các tàu TQ vẫn tiếp tục thách thức chủ quyền VN, thậm chí đang có dấu hiệu tiến
vào sâu hơn.
Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin: Sáng hôm nay các tàu hải cảnh TQ vẫn tiếp tục hoạt động tại
vùng biển phía nam Bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Cụ
thể, 3 tàu hải cảnh TQ gồm Zhongguohaijing, Haijing 35111 và Zhongguohaijing
5403 vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng biển ở phía Nam Bãi Tư Chính. Trong đó,
tàu hoạt động gần bãi Tư Chính nhất là tàu Haijing 35111, chỉ cách mép Bãi
Tư chính khoảng 23 hải lý.
Ông Nam lưu ý, Bãi Tư Chính “là một bãi đá ngầm,
khá rộng, chạy dài hàng chục km, nên việc xác định khoảng cách từ mép bãi đến
con tàu chỉ có độ chính xác giới hạn. Vả lại các tàu hải cảnh TQ liên tục di
chuyển trên biển”.
Theo ông Nam, lúc 5h24’ sáng 11/1/2020, tàu
Zhongguohaijing cách Côn đảo khoảng 175,6 hải lý, nghĩa là có dấu hiệu lùi xa một
chút vì cũng vào giờ đó, ngày 10/1/2020, tàu này cách Côn đảo khoảng 169,6 hải
lý. Nhưng đó không phải là tín hiệu đáng mừng vì lúc đó các tàu hải cảnh này vẫn
đang quanh quẩn trong khu vực Bãi Tư Chính với tốc độ chậm.
Vị trí các tàu hải cảnh TQ vào thời điểm 5h24’ sáng
11/1/2020. Nhóm 3 tàu TQ ở trông ô chữ nhật màu đỏ, được đánh số gồm: 1.
Zhongguohaijing; 2. Zhongguohaijing 5403 và 3. Haijing 35111. Nguồn: FB Phạm Thắng
Nam
Lúc 15h ngày 11/1, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật diễn biến
đáng lưu ý: “Dường như đang có diễn biến xảy ra trên thực địa. Sau những
ngày đầu chỉ loanh quanh qua lại với vận tốc thấp, trong ngày vừa qua các tàu hải
cảnh Trung Quốc đều đang hoạt động với vận tốc lớn từ 13 – 20 hải lý”.
Bên cạnh thông tin về hai tàu Haijing 35111 và
Zhongguohaijing, trang này cung cấp thêm thông tin về con tàu thứ 4 là China
Coastguard 5302, là con tàu đã được ông Ryan Martinson, GS trường cao đẳng Hải
chiến Hoa Kỳ cung cấp thông tin vào tối ngày 10/1.
Vị trí của tàu Haijing 35111 vào thời điểm 13h53’
ngày 11/1/2020 (6h53’ giờ UTC). Nguồn: Dự án ĐSK BĐ
Vị trí của tàu China Coastguard 5302 vào thời điểm
7h46’ ngày 11/1/2020 (0h46’ giờ UTC). Nguồn: Dự án ĐSK BĐ
Vị trí của tàu Zhongguohaijing vào thời điểm 14h14’
ngày 11/1/2020 (7h14’ giờ UTC). Nguồn: Dự án ĐSK BĐ
Đội hình Haijing 35111, Zhongguohaijing và China
Coastguard 5302 trong vùng biển Bãi Tư Chính. Nguồn: Dự án ĐSK BĐ
Riêng con tàu thứ 5 là tàu Xiang Yang Hong 03 (Hướng
Dương Hồng 03) thì ít người nhắc tới, chỉ được đề cập trong thông tin cập nhật tối ngày 10/1 của ông Ryan
Martinson và trong một bình luận trên trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Thông
tin xung quanh tàu này khá nhiễu, có người nói rằng hoạt động của nó không liên
quan tới nhóm tàu TQ. Có người lại cho rằng nó có liên quan vì Xiang Yang Hong
03 có thể thực hiện chức năng khảo sát.
Về sự thay đổi vận tốc đột ngột của nhóm tàu hải cảnh
TQ, một số bình luận trên mạng cho rằng, có thể một số tàu chấp pháp VN đã tiến
ra và tìm cách ngăn cản tàu TQ. Nhưng có thể do tàu VN không bật hệ thống nhận
dạng tàu thuyền AIS nên nguồn tin của trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông từ dữ liệu
vệ tinh dân sự chỉ hiển thị các tàu TQ đột ngột tăng tốc. Nếu giả thuyết đó là
đúng thì hoạt động ngăn cản này cũng không mấy hiệu quả, vì các tàu TQ chỉ
tránh theo các đường zig zag nhỏ, nghĩa là vẫn quanh quẩn trong khu vực Bãi Tư
Chính.
Có lẽ diễn biến căng thẳng mới trên Biển Đông đã
đánh động sự chú ý của một số lãnh đạo VN, nên trong cuộc gặp Tổng Thư ký Liên
Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Liên Hợp quốc tiếp tục quan tâm tình hình Biển Đông,
báo Tiền Phong đưa tin.
Trong cuộc gặp song phương với ông Phạm Bình Minh, Tổng
Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, Việt Nam “có vị thế đặc biệt, là nhân
tố quan trọng đóng góp vào hoà bình, ổn định trong khu vực ASEAN; khẳng định ủng
hộ giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp luật
pháp quốc tế”. Còn ông Minh đề nghị LHQ và cá nhân Tổng thư ký “tiếp tục
quan tâm về tình hình Biển Đông, hỗ trợ thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện
pháp hoà bình”.
Nhận định về tình hình Biển
Đông ngày 11/1/2020
Như vậy là hoạt động quấy phá vùng biển Bãi Tư Chính
của nhóm tàu Haijing 35111 đã kéo dài 5 ngày, từ ngày 7 đến 11/1/2020. Điều
đáng lưu ý là TQ đã bắt đầu thách thức chủ quyền VN khi tuần thứ 2 của năm 2020
chưa kết thúc. Bên cạnh lý do chính là tham vọng bá quyền của Bắc Kinh trên Biển
Đông, có lẽ còn một lý do khác là: Các tàu hải cảnh TQ đã thu được nhiều bài học
kinh nghiệm trong cách đối phó với các tàu chấp pháp VN trong chiến dịch “khảo
sát” kéo dài khoảng 4 tháng của tàu Hải Dương Địa Chất 8, với phạm vi trải dài
từ Bãi Tư Chính đến vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ.
Trong chiến
dịch quấy phá EEZ của VN kéo dài khoảng 4 tháng của năm 2019, tàu Hải
Dương 8 và nhóm tàu hộ tống khảo sát từ khu vực Bãi Tư Chính đến vùng biển các
tỉnh từ Đà Nẵng tới Bình Thuận. Theo các thông tin từ các trang tin độc lập,
cũng như của các cá nhân nghiên cứu về Biển Đông, đã có một số tàu chấp pháp VN
tìm cách ngăn cản tàu TQ. Nhưng hoạt động của nhóm tàu Hải Dương 8 cho thấy nỗ
lực ngăn cản đó không hiệu quả, các tàu TQ vẫn thực hiện được các đường “khảo
sát” khá liền mạch.
Với chừng đó kinh nghiệm đối phó với tàu VN, giờ TQ
khởi động chiến dịch quấy phá lãnh hải VN ngay từ đầu tháng Giêng 2020. Trước mắt,
tuy chỉ có một số tàu hải cảnh vào và di chuyển quanh quẩn trong khu vực Bãi Tư
Chính, nhưng nhiều khả năng đây là đội “tiền trạm” để Bắc Kinh tiếp tục triển
khai tàu “khảo sát”, hoặc thậm chí là các thiết bị, phương tiện để chuẩn bị tiến
hành khai thác luôn.
Có ít nhất 5 tàu TQ bật hệ thống AIS, nghĩa là họ chấp
nhận để cho cả hệ thống vệ tinh dân sự cũng có thể theo dõi họ, để họ gửi thông
điệp đến cả thế giới rằng họ đang “ngao du” trong lãnh hải VN như nhà vô chủ. Một
vấn đề nữa là giãn cách giữa các lần quấy phá quá sát nhau, một chiến dịch khảo
sát kéo dài 4 tháng chỉ vừa kết thúc được khoảng 2 tháng rưỡi, họ lại phát động
chiến dịch quấy phá mới, nghĩa là Bắc Kinh đã tạo được tâm lý cho những người
chỉ huy trên biển không ngại vào lãnh hải VN khiêu khích, dần dần xem đây như
“ao nhà”.
Về phía VN, thái độ thụ động và sự hèn hạ vẫn không
thay đổi. Cứ cho rằng một số bình luận trên mạng là đúng, nghĩa là đã có một số
tàu chấp pháp VN ra ngăn cản nhóm tàu Haijing 35111, thì vẫn chưa đủ để buộc
toàn bộ các tàu TQ quay đầu trở lại vùng biển quốc tế. Ở mức độ ngoại giao,
chưa thấy VN gửi công hàm phản đối, kể cả sau khi bà Lê Thị Thu Hằng thừa nhận
hoạt động của TQ trong lãnh hải VN tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9/1.
Phản ứng đáng kể duy nhất tới thời điểm này là vụ
ông Phạm Bình Minh đề nghị Tổng Thư ký LHQ quan tâm tình hình Biển Đông. Tiếc
thay, phản ứng đó càng cho thấy thái độ khuất phục trước Bắc Kinh. Nghĩa là
lãnh đạo VN giờ không tự lên tiếng bảo vệ sân nhà của mình mà phải nhờ người
khác làm thay! Thay vì triệu tập đại sứ TQ tại VN để công khai phản đối, giờ
ông Minh phải chạy tới tận LHQ để nhờ người khác lo việc nhà mình!
Xét về lý lịch thì ông Phạm Bình Minh cũng có thâm
niên làm ngoại giao, chẳng lẽ ông không hiểu rằng khi đề nghị Tổng Thư ký LHQ
như vậy, chẳng khác nào ông nói với LHQ rằng: “Chúng tôi không dám lên tiếng,
nhờ các ông lên tiếng giúp”. Ông Minh và các “đồng chí” của ông cứ yên tâm rằng
với thông điệp như vậy, sẽ không có ma nào dám đổ máu thay người VN để bảo vệ
lãnh hải giùm người VN.
Dĩ nhiên, trong hoạt động ngoại giao thì Tổng Thư ký
LHQ không thể và cũng chẳng có lý do gì nhắc nhở ông Minh, chỉ đáp lại bằng những
lời lẽ ngoại giao vô thưởng vô phạt về “vị thế” của VN. Hết cuộc gặp thì ông
Minh về và đừng hy vọng sẽ có hạm đội hay lực lượng gìn giữ hòa bình nào của
LHQ tới VN giúp đỡ.
____
Mời đọc thêm: Phải chăng Đông Nam Á đang thức tỉnh trước âm mưu của Trung
Quốc? (RFA). – Tổng thống Indonesia buộc phải cứng rắn với Trung Quốc về
Natuna (RFI). – Indonesia mời Nhật đầu tư vào khu vực đang căng thẳng với
Trung Quốc (TT). – Indonesia kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào đảo đang có căng thẳng
với Trung Quốc Natuna (VTC). – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của
Hội đồng Bảo an (TG&VN). – Phó Thủ tướng chủ trì phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của
HĐBA LHQ (TTXVN).
No comments:
Post a Comment