Saturday, January 4, 2020

THÙ TƯỚNG IRAQ RA LỆNH TANG LỄ 3 NGÀY CHO 24 NGHĨA BINH TỬ THƯƠNG (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
10/01/2020

Giao tình giữa Mỹ và Iraq đang vô cùng gay cấn, vì Thủ Tướng Abdul Mahdi vừa ra lệnh thực hiện tang lễ (treo cờ rũ, ...) để tang 24 người nghĩa binh bị không quân Mỹ bắn tử thương hôm Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019.

Những người bị không quân Mỹ giết trong 5 cuộc oanh kích thuộc lực lượng Kataib Hezbollah được Iran yểm trợ; việc Iran yểm trợ một đơn vị quân sự Iraq-quả đã trở thành một liên hệ ngược đời, tạo khó khăn cho chính phủ Mỹ.

Lực lượng nghĩa binh Kataib Hezbollah pháo kích vào một căn cứ quân sự, giết một nhân viên dân sự người Mỹ, và gây thương tích cho nhiều quân nhân Mỹ. Mỹ phản công giết nghĩa binh Kataib Hezlollah là việc đương nhiên, không cần giải thích gì cả.

Vậy mà thủ tướng Iraq phản đối cuộc phản công đó, và gọi việc Mỹ sử dụng không quân Mỹ trên chiến trường Iraq là 'không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ' của Iraq; mặc dù việc người Mỹ đã làm những việc đó từ gần 20 năm nay -kể từ 2003.

Nghĩa binh Hezbollah khiêng quan tài của những người đồng đội bị không quân Mỹ bắn chết vào thủ đô Baghdad, làm lễ truy điệu cho những người đó, rồi biểu tình, tấn công và đốt tòa đại sứ Mỹ -thường được gọi là tòa đại sứ lớn nhất, kiên cố nhất trên toàn thế giới.

Nghĩa binh Hezbollah biểu tình đốt tòa đại sứ Mỹ giữa thủ đô Baghdad  trước thái độ 'không can thiệp' của quân đội và cảnh sát Iraq.

Tổng thống Mỹ quy trách cho Iran; ông viết Twitter:
“Iran giết một cán bộ dân sự Mỹ và gây thương tích cho nhiều người khác; quân đội Mỹ trả đũa -việc trả đũa là việc quân đội đã làm, và lúc nào cũng làm. Giờ này Iran còn tổ chức tấn công tòa đại sứ Mỹ tại Iraq. Họ hoàn toàn trách nhiệm trong việc đó.”

Phản ứng tức khắc và tại chỗ của Mỹ rất nhanh chóng và hữu hiệu: trực thăng võ trang cất cánh bay trên không phận tòa đại sứ; nhân viên bên trong tòa đại sứ dùng loa phóng thanh cảnh cáo người biểu tình tránh xa bức tường rào.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark T. Esper ra thông cáo, "Hoa Kỳ đang gửi thêm quân đến tăng cường lực lượng bảo vệ tòa đại sứ. Như thường lệ, tòa đại sứ của chúng tôi được lực lượng của chính phủ địa phương bảo vệ, và chúng tôi yêu cầu chính phủ Iraq nhận trách nhiệm bảo vệ đó như nghĩa vụ quốc tế của họ."

Lần này, vài ngàn người biểu tình, sau khi làm lễ cầu siêu cho những người bị giết trong 5 cuộc không kích của Mỹ, kéo nhau vào khu vực an toàn, được gọi là 'Green Zone', một số là thành phần võ trang của những lực lượng thân chính phủ -đặt dưới quyền của quân đội chính quy Iraq.

Họ kéo nhau đến khu vực tòa đại sứ và dùng những cây xào dài đập phá dàn máy quay phim gắn trên cao. Sau đó, người biểu tình mở cổng ngoài tòa đại sứ đốt trạm gác và đập phá cửa kính. Lính gác trên nóc nhà bắn lựu đạn cay xuống. Theo những video chiếu trên vài mạng xã hội thì người biểu tình bên ngoài và lính gác Mỹ bên trong chỉ còn cách nhau một lớp kính dầy. Tuy nhiên không quân nhân Mỹ nào bị thương.

Cuộc biểu tình này nhắc lại việc sinh viên Iran biểu tình chiếm tòa đại sứ Mỹ tại Tehran, bắt giữ 52 nhân viên ngoại giao Mỹ năm 1979, và cuộc tấn công tại Benghazi giết 4 nhà ngoại giao Mỹ, trong số đó có Đại Sứ Christopher Stevens.

Một điểm khó hiểu về cuộc biểu tình này là sự tham gia của lực lượng bán quân sự, qua câu tuyên bố của ông Yassin al-Yasiri, Bộ Trưởng Nội Vụ Iraq. Ông Yassin nói, "Có một chi tiết nhỏ, nhưng vô cùng nguy hiểm, mà viên chức chính phủ Iraq lo ngại, mà người Mỹ cũng cần lo ngại là thành phần bán quân sự của Iraq."

Thành phần bán quân sự này chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của các thế lực tôn giáo; trong những tháng gần đây họ chống việc Iran can thiệp vào tình hình Iraq; họ xuống đường biểu tình đòi Iran không can thiệp vào chiến tranh Iraq nữa.

Nhưng những cuộc không tập của không quân Mỹ hôm Chủ Nhật giết 24 người chí nguyện quân Iran, và gây thương tích cho 50 người khác làm họ thay đổi quan điểm, xuống đường biểu tình và đốt phá tòa đại sứ Mỹ.

Cũng hôm Chủ Nhật một cuộc họp báo được tổ chức tại tư thất Mar-a-Lago của tổng thống Trump tại Florida, và hai vị bộ trưởng Ngoại Giao, Quốc Phòng cùng với Đại Tướng Mark A. Milley, Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu Hoa Kỳ trình bày tình hình khó khăn với phóng viên truyền thông.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Pompeo nói, "Chúng tôi thực hiện đúng điều mà tổng thống đã nói đi, nói lại nhiều lần là Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên nhìn Iran có hành động gây nguy hiểm cho quân nhân Hoa Kỳ."

Ông cũng hủy bỏ chuyến đi Ukraine để ở lại thủ đô Hoa Thịnh Đốn hầu đối phó với tình hình đang thay đổi tại Baghdad. Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao -cô Morgan Ortagus- nói, "Ngoại trưởng đang bận rộn với những biện pháp cần cấp tốc thực hiện để bảo vệ sự an toàn của người Mỹ tại Trung Đông."

Nếu không bị hoãn lại, chuyến đi của ông Pompeo sẽ kéo dài một tuần với chương trình viếng thăm bốn nước; tại Ukraine, Pompeo dự định sẽ gặp Tổng Thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Sáu, 3/1/2020.

Tình hình Iraq có thể phức tạp hơn mọi ước lượng; tối thiểu những viên chức Mỹ làm việc tại Iraq cũng đã không nắm vững được liên hệ quân sự giữa Iraq và Iran -quốc gia đang có nhiều va chạm với Hoa Kỳ.

Thái độ bất thường của chính phủ Iraq (như đòi Mỹ tôn trọng chủ quyền quốc gia chỉ vì Mỹ phản công sau khi bị tấn công) cũng là điều mà Ngoại Trưởng Pompeo phải làm rõ lại.

Quyết định của ông coi việc gặp tổng thống Ukraine là thứ yếu so với nhu cầu giải quyết tình hình Iraq, là quyết định đúng.




No comments: