Thursday, January 2, 2020

THẤY GÌ Ở VIỆT NAM NĂM 2020? (Phạm Trần)




1/02/2020  8 Comments

Có ba sự kiện quan trọng đối với Việt Nam năm 2020, nhưng ánh sáng tương lai vẫn chưa lóe lên ở cuối đường hầm. 

Về mặt đối ngoại, kể từ ngày 01/01/2020, Việt Nam luân phiên giữ chức Chủ tịch ASEAN (The Association of South East Asia Nations, Hiệp hội các nước Đông Nam Á). Cũng từ ngày đầu năm, Việt Nam chính thức hành sử vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021.


Đối nội, Việt Nam sẽ tổ chức đại hội đảng bộ các cấp từ tháng 4 đến trước ngày 30 tháng 6 để bầu đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào tháng 01/2021. Nhưng, theo các tin từ Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Chính trị đương nhiệm khóa XII đã “quy hoạch” được khoảng 250 cán bộ đảng viên có đủ tiêu chuẩn và điều kiện trở thành cán bộ “cấp chiến lược” của Khóa đảng XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Như vậy, chuyện bầu cử đang được ráo riết tuyên truyền phải thật sự dân chủ, trong sáng và ”chống chạy chức, chạy quyền, lơi ích nhóm” có ý nghĩa gì không, hay chỉ làm để đăng báo, chụp hình, quay phim ?

Khóa đảng XII, nguyên thủy có 180, nay còn 174 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.

Nhìn gà hóa cuốc

Nhưng trước hết hãy bàn về hai nhiệm vụ quốc tế đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khoe trong Thông điệp đầu năm.

Ông nói: "Quyết tâm đảm nhiệm thành công cả hai trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 thể hiện sự nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại." (VTC News, ngày 02/02/2020)

Ông Trọng “khoe vậy mà không phải vậy”, bởi vì việc Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN chỉ là luân phiên đương nhiên theo vần tên nước trong số 10 quốc gia hội viên, theo nguyên tắc mỗi nước làm một năm. Có quyết tâm hay không cũng xẩy ra, không phải tranh dành với ai.

Chuyện Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA-LHQ) nhiệm kỳ 2020 – 2021 cũng vậy, không phải ganh đua với ai vì Việt Nam là ứng viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương. 

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 07/06/2019, tổng cộng có 192/193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu cho Việt Nam. Ban Tuyên giáo đảng đã khoe ầm lên đây là “thành tích ngoại giao” quan trọng.

Trước Việt Nam đã có Nam Dương, thay mặt khu Á Châu-Thái Bình Dương giữ nhiệm kỳ 2018-2019 nhưng báo đài nước này đã “dửng dưng như người Sài Gòn”.

Do đó, ông Nguyễn Phú Trọng, nay sang tuổi 76, đã hồ hởi tự khoe trong Thông điệp rằng: "Những sáng kiến, ưu tiên mà chúng ta đề ra tại ASEAN và Hội đồng Bảo an phản ánh mẫu số chung lợi ích của tất cả các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đồng thời bảo đảm hài hòa với lợi ích của các đối tác khu vực và quốc tế."

“Sáng kiến” gì và “ưu tiên” nào, và đã được đưa ra từ bao giờ trong khi Việt Nam chỉ được nhận trách nhiệm tại ASEAN và HĐBA-LHQ từ ngày 01/01/2020? Ai trong Ban Đối ngoại Trung ương hay Bộ Ngoại giao đã viết những điều bịa chuyện này?

Vì vậy, cũng thử hỏi ông Trọng: Với lợi thế quốc tế mới, liệu Việt Nam có dám đưa hành động chống phá của Trung Cộng ở Biển Đông ra hai diễn đàn ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không, hay ông chỉ biết nói cho sang miệng già?

Hỏi chơi vậy thôi chứ ai chả biết trong đầu ông vẫn nghiêm trang nghĩ gì về những người Tầu Bắc Kinh mà từ thời ông Hồ Chí Minh, đã tâng bốc “vừa là đống chí, vừa là anh em”. Bằng chứng trong suốt thời gian từ ngày 03/07 đến 24/10/2019, khi Trung Cộng đem tầu khảo sát dầu khí Hải Dương 8 vào tự do tìm dầu ở bãi Tư Chính, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số hướng Đông Nam, ông Trọng đã không dám nói một câu chỉ trích hành động của Trung Cộng.

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương đảng kỳ 11, ngày 13/10/2019, ông Trọng chỉ nói mấy chữ: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế."

Nhưng đấu tranh với ai và tại sao phải tranh đấu? Cả thế giới có nước nào, ngoài Trung Cộng là nước duy nhất đã xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông?

Tiếp theo câu nói vu vơ của ông Trọng, Ban Chấp hành Trung ương gồm 174 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết, cũng chỉ nói rập khuôn: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc."

Sau đó, vào ngày 21/10 (2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ấm ớ hội tề trong báo cáo trước Quốc hội rằng: "Tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng."

Ông Phúc nói to nhưng thùng rỗng vì ông cũng sợ không dám nói thẳng với Quốc hội và Quốc dân rằng Trung Cộng là thủ phạm?

Đến phiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ ú ớ trong Diễn văn khai mạc Quốc hội ngày 21/10 (2019). Bà nói: "Tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta."

Lãnh đạo mà ngọng miệng như mắc câu trong lưỡi khi phải nói đến chủ quyền lãnh thổ trước hành động xâm phạm trắng trợn của Tầu như thế thì bản lĩnh cầm quyền và nô lệ có gần nhau không?

Làm được gì?

Phản ảnh “giống Tầu như đúc”, ông Nguyễn Phú Trọng còn rao hàng ngoại giao “đa phương” trong Thông điệp gửi Thế giới như Tập Cận Bình, Lãnh đạo Trung Cộng vẫn làm khi có cơ hội. Ông nói Việt Nam: "Thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn. Đặc biệt, nhân dịp này, tăng cường hiệu quả hợp tác và quan hệ Đối tác toàn diện giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc, vì lợi ích chung của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế."

Cũng là thừa vì từ ngày thành lập tại Bangkok, Thái Lan ngày 08/08/1967, ASEAN đã có truyền thống hợp tác chặt chẽ và sát cánh với Liên Hiệp Quốc trong mọi hoạt động. Nhưng vì ASEAN, tuy là một khối 10 nước nhưng rất hiếm đạt được đoàn kết thống nhất lập trường với Trung Cộng, nhất là trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông của Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á và Brunei. Lý do vì có một số nước không có tranh chấp với Trung Cộng gồm Thái Lan, Lào, Cao Miên, Miến Điện và Nam Dương, vì được ưu đãi viện trợ và đầu tư, đã có lập trường “đứng giữa” mỗi khi bỏ phiếu chống lại lợi ích của Trung Cộng.

Dù vậy, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn phô trương trong Thông điệp Việt Nam muốn: "Chủ động và tích cực đóng góp vào việc giải quyết các thách thức chung của toàn cầu và khu vực, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các nước và của khu vực như hoà bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết hậu xung đột..."

Nhưng kinh nghiệm quá khứ đã cho thấy Việt Nam, tuy đông dân ngót 100 triệu người và có quân đông trên 5 triệu, kể cả lực lượng dự bị, nhưng chưa tạo được ảnh hưởng thực lự trên chính trường quốc tế và khu vực như Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Thái Lan và Tân Gia Ba.

Hơn nữa, với vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tuy Việt Nam sẽ có thêm cơ hội hiện diện với tiếng nói tại diễn đản quan trọng này, và có quyền bỏ phiếu với 14 nước khác, nhưng sẽ rất khó mà đạt ý muốn, vì Trung Cộng và Nga có quyền “phủ quyết” bình đẳng như 3 Ủy viên thường trực là Hoa Kỳ, Pháp và Anh.

Do đó, bất cứ đề xướng nào về tình hình Biển Đông do Việt Nam đưa ra trước Hội đồng này, nếu có, cũng sẽ gặp khó khăn với Trung Cộng. Khi phủ quyết, chỉ cần một trong 5 Ủy viên thực hiện quyền này là Nghị quyết tiêu tan.

Dù vậy, người đứng đầu đảng CSVN vẫn nuôi hy vọng rằng: "Với thế và lực mới của đất nước sau gần 35 năm Đổi mới; với sức mạnh đoàn kết, ý chí thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; với sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của các nước ASEAN, bạn bè và cộng đồng quốc tế, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, góp phần quan trọng vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới."

Tự tin như thế là ông Trọng đã lạc quan tếu, vì ngay trong nội bộ ASEAN cũng có nước không đứng về phía Việt Nam trong tranh chấp biển đảo với Trung Cộng.

Bằng chứng, trong Thông cáo chung công bố ngày 31/07/2019 tại Bangkok, Thái Lan, tổ chức ASEAN đã không dứt khoát ủng hộ Việt Nam, nặc dù Phó Thủ tướng, Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh đã kêu gọi ASEAN lên án Bắc Kinh trong vụ HD-8. 

ASEAN chỉ tuyên bố trống không rằng: 

"Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và công nhận lợi ích khi có Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác tiếp tục được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc, được thúc đẩy bởi tiến trình đàm phán thực chất hướng tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất ở Biển Đông (COC).

Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC, do đó hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra sự cố, hiểu lầm và tính sai.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng lòng tin và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số bộ trưởng đã lo ngại về việc cải tạo đất đai, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.” (VNNET, ngày 01/08/2019)

Viễn ảnh xấu của đại hội đảng

Về tình hình nội bộ, đảng CSVN đang phải đối diện với các tệ nạn nói mãi vẫn còn nguyên, bao gồm: "Chạy chức, chạy quyền; suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.” 

Vì vậy, ngày 30/5/2019, ông Nguyễn Phú Trọng đã viết bài “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Điều đầu tiên ông chỉ thị là phải "Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chủ trương của Đảng.”

Thứ đến, khẳng định: "Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu…”

Ngoài ra ông Trọng còn kêu gọi: "Phát huy dân chủ rộng rãi, tập hợp cao độ trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội... Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Đặt lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân lên trên hết.” 

Toàn là những vấn đề nan giải vẫn còn tồn tại từ các khóa đảng trước, bằng chứng như Ban Bí thư đã ta thán trong Kết luận ngày 15/08/2019.

Theo đó: "Qua nắm tình hình, ý kiến phản ánh của một số cấp uỷ, tổ chức đảng và thực tiễn công tác cán bộ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy: Mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ", "cục bộ", "thân quen", "lợi ích nhóm", mất dân chủ, thiếu gương mẫu, "nể nang, dễ dãi", "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau" trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ...”

Như thế đã nát chưa, hay còn vá được?

Hỏi cho biết vậy thôi chứ Ban Bí thư đã xả hết các chứng thói xấu xa cho toàn dân biết như là: "Bên cạnh đó, có nơi, cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp uỷ còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ "mất phiếu", ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Cá biệt có nơi người đứng đầu đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không chủ động chuẩn bị người thay thế; có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền..."

Rõ ràng là hết thuốc chữa, thế mà, tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 30/12/2019, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn chỉ đạo:

- “Công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Cấp uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, có đức, có tài, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Không để lọt vào cấp uỷ những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cục bộ, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu.”

- Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm. Tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; đồng thời, phải tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn.”

Cũng toàn là những vấn đề “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, nghe hoài mệt nghỉ mà cứ phải nói đi nói lại không biết mỏi miệng thì có khổ cho một Lãnh đạo già 76 tuổi như ông Nguyễn Phú Trọng không?

Vậy đó là niềm vui hay mối lo cho Việt Nam năm 2020? 

01/01/2020





No comments: