Tuesday, January 7, 2020

PHÁ ĐỀN ĐẬP TƯỢNG (Trần Giao Thủy)




Trần Giao Thủy
Posted on January 7, 2020 

Hình tượng Hồ Chí Minh có còn ở đỉnh cao chói lọi?

Hình tượng Hồ Chí Minh ở Nga (từ 1990). Nguồn: Legion Media

Nhân vụ Mỹ vừa thanh toán/ám sát viên tướng chỉ huy lực lượng Quds của Ba Tư bằng máy bay không người lái và mâu thuẫn giữa 2 tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và của ông Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper về việc tấn công và những mục tiêu văn hóa nói chung (hay những mục tiêu khác như nhà thờ, đền chùa, cơ sở tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật, khoa học hoặc các mục đích từ thiện, hoặc các di tích lịch sử) làm người viết chợt nghĩ tới câu chuyện Việt Nam cũng liên quan đến đền đài và hình tượng.

Trước nhất ông Esper bảo Mỹ sẽ tuân theo quy ước chiến tranh của thế giới (nghĩa là theo Hiệp ước Hague 1954 và nghị quyết của Liên Hiệp Quốc năm 2017, trong chiến tranh, không đánh vào những mục tiêu văn hóa). Trong lúc đó ông Tổng thống Mỹ đã tweet rồi lại tweet, đại ý nói là ông đánh tất. Nó đánh mình thì mình đánh nó. Đó là chuyện Mỹ-Ba tư hôm nay.

Qasem Soleimani, viên tướng Ba Tư vừa bị Mỹ ám sát. Nguồn: WSJ.

Ngày xưa, khi phong trào đập đổ thần tượng Hồ Chí Minh đang ở cao điểm, những trang báo mạng ở nước ngoài, bất kỳ một bài viết nào đề cập đến Hồ Chí Minh đều có cả ngàn lượt đọc, lẫn nhận xét, phê bình, không khác gì một cuộc đánh hội đồng một tên cộng sản dù y đã tắt thở từ năm 1969, tức  là từ đời tám hoánh. Một trong những tác giả phê bình một cách nghiêm túc và viết nhiều về Hồ Chí minh là Minh Võ.  Ông đã xuất bản một số sách như “Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản”, “Ngô Ðình Diệm, Lời Khen Tiếng Chê”, “Phản Tỉnh Phản Kháng, Thực Hay Hư?”, “Ai Giết Hồ Chí Minh” và “Hồ Chí Minh, Nhận định Tổng hợp”.

Ngoài Minh Võ còn nhiều tác giả khác cũng viết về Hồ Chí Minh nhưng không ở cùng một giai điệu hay nội dung mang tính nghiên cứu như Minh Võ. Và những bài viết ngắn, dài của những tác giả viết báo mạng này có thể được coi là những bài viết “đập đổ thần tượng Hồ Chí Minh”.

Một tác giả khác cũng viết về cộng sản và Hồ Chí Minh, đơn giản vì ông đã có thời sống rất gần với ông trùm cộng sản này và ông có vấn đề với đảng cộng sản Việt Nam. Đó là Vũ Thư Hiên, tác giả cuốn “Đêm Giữa Ban Ngày”.

Người viết có cơ hội trao đổi với cả hai tác gỉa, Minh Võ và Vũ Thư Hiên.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ hăm dọa tấn công vào những cơ sở văn hóa của Ba Tư hôm nay làm người viết chợt nhớ chuyện ngày chưa xưa lắm.

Ngày đó tác giả Vũ Thư Hiên có lần đã chia sẻ đại ý nhiều người thích đập tượng, nhưng ông nghĩ, phá đền có lẽ có hiệu quả hơn. Tác giả Vũ Thư Hiên khéo léo không chê  người đi đập (thần) tượng, riêng ông chỉ nghĩ rằng phá đền sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

(Thần) Tượng ở đây là hình ảnh Hồ Chí Minh trong tâm thức của tuyệt đại đa số người dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trước 1975) và chính sách của đảng cộng sản Việt Nam cho đến hôm nay vẫn đem Hồ Chí Minh làm hình tượng che chắn.

Đền, trong chia sẻ của Vũ Thư Hiên, là cái đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong bài điếu Hồ Chí Minh, Lê Duẩn nói,

“Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hi sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân. Xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ Tịch.”
Lê Duẩn

Và những năm sau đó, khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” với yêu cầu học tập và làm theo gương Hồ Chí Minh đã được toàn Đảng nêu cao thực hiện.

Còn toàn dân? Dù không nêu cao công tác thực hiện hàng ngày như đảng cộng sản nhưng thần tượng Hồ Chí Minh dường như cũng chỉ phai nhạt và chết dần theo những thế hệ U70, U80, U90. Những thế trẻ hôm nay có lẽ vì bận rộn suy tôn siêu sao Hong Kong, Đài Loan, hay Đại Hàn hay “bóng đá”, hoặc hoa hậu nhiều hơn là còn nằm mơ thấy ông Hồ như những năm sau 1975, khi cả nước còn hừng hực lên đồng chiến thắng.

Hơn bốn mươi năm đã qua kể từ 30 tháng 4, 1975. Hơn bốn mươi lần Đảng Cộng sản Việt Nam mừng chiến thắng 30 tháng 4.  Hơn 40 năm, cộng đồng của những người Việt tị nạn cộng sản ở nước ngoài đương nhiên cũng thay đổi: những người hăng hái đi đập tượng Hồ Chí Minh lần lượt về bên kia thế giới; Hơn bốn mươi năm đã qua dù những bài viết đập tượng hay phá đền không còn nhiều như trước, nhưng không có nghĩa là người ta đã quên Hồ Chí Minh. Ví dụ, một bản tin – không thể xếp vào loại nghị luận đập tượng hay phá đền – vẫn là một bài được bạn đọc đọc nhiều nhất. Đó là bản tin của UPI, tựa đề Hồ Chí Minh bị nói phải ngưng ngay chuyện ôm hôn con gái…”

Hồ Chí Minh lên báo vì chuyện ôm hôn con gái vị thành niên… Nguồn: The Straits Times (SG), 8 March, 1959.

Một hệ luận khá ngạc nhiên là một số bạn đọc trong nước tin rằng tờ báo đăng bản tin của UPI phải là “người trong đảng” không thì không thể biết những  chuyện “thâm cũng bí sử đó”. Điều này cho thấy khả năng truy cập thông tin của bạn đọc trong nước còn rất giới hạn. Đó không phải là điểm tích cực của một xã hội đã có hơn 40 năm hòa bình, bơi ra biển lớn.

Thế hệ trẻ gốc Việt có những ưu tiên khác, trực tiếp liên quan đến đời sống ở Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Úc, Canada và những nước khác ở Đông Âu. Cộng đồng gười tị nạn cộng sản và hậu duệ của họ đang không còn là đa số trong nhưng cộng đồng người Việt ở nước ngoài nữa vì số người Việt Nam di cư sang Âu Mỹ sinh sống ngày càng nhiều. Sau 30 tháng tư, cộng sản Việt Nam gọi người tị nạn cộng sản là bọn tị nạn kinh tế, bám gót giầy đế quốc, bọn ăn bơ thừa sữa cặn của Mỹ, v.v..

Tờ New York Times ngày 18 tháng Tám, 1979 đăng lời tuyên bố của Ngoại trưởng nước CHXHCNVN Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương) – bố ông đương kim Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh – cho rằng đa số dân tị nạn là người Sài Gòn và đã hợp tác với quân đội Mỹ. Thạch nói,

“Họ là những người đầu cơ, lười biếng, không muốn lao động để kiếm sống. Họ có mặc cảm tội lỗi, và họ phải kể những chuyện kinh hoàng để nói được với các ông họ không phải là người tị nạn kinh tế mà là những người tị nạn chính trị.”
Nguyễn Cơ Thạch

Chối, không nhận trách nhiệm về nạn đuổi người ra biển, Bộ Ngoại giao CHXHCNVN phủ nhận tất cả những tố giác của các quốc gia trong khối ASEAN.

Với những người Việt mới di cư ra sinh sống ở Âu Mỹ, có ai còn có thể dán cho họ cái nhãn bọn tị nạn kinh tế, bám gót giầy tư bản hay không? Họ hẳn không phải là người tị nạn (chính trị) cộng sản rồi.

Trở lại chuyện đập tượng, phá đền. Ngộ nhỡ mai đây đảng Cộng sản Việt Nam ra nghị quyết 2020 xếp tất cả tượng xi măng, tượng đồng, tượng thạch cao, tượng đất sét của Hồ Chí Minh và cả cái nhà mồ xám xịt ở Hà Nội vào hàng di sản văn hóa thì chúng đương nhiên trở thành bất khả xâm phạm trong tất cả mọi cuộc chiến tranh quy ước, dù vẫn có thể là mục tiêu bị tấn công trong những trận bút chiến? Dĩ nhiên không có luật lệ quốc tế nào có thể ngăn cản người Việt Nam đập đổ cái tượng, hay giật sập cái nhà mồ không hợp thời, hợp cảnh ở giữa thủ dô Hà Nội trong thời đại của hòa bình, dân chủ, văn minh.
Hình tượng Hồ Chí Minh có còn ở đỉnh cao chói lọi?

Và cái đền cộng sản Việt Nam đến nay đã sứt mẻ mấy viên gạch, dậu đã đổ bìm đã leo chưa hay đó vẫn là cái đảng của giai cấp vô sản liên minh với nông dân và công nhân, là chính đảng duy nhất cai trị Việt Nam?

Montréal, đầu năm 2020.
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: DCVOnline hiệu đính và minh họa.





No comments: