Tuesday, January 14, 2020

ĐỒNG TÂM ĐAU THƯƠNG (Nguyễn Tường Thụy)




NỘI DUNG :

Thiện Tùng
.
.
=============================================
.
Thiện Tùng  -  HUỲNH NGỌC CHÊNH’S  BLOG
12/01/2020

Cuộc “nồi da xáo thịt” xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ven đô Hà Thành bắt đấu lúc 4 giờ sáng ngày 9/1/2020 dẫn đến hậu quả nát ruột tan lòng. 

Theo Bộ Công an thông báo (xem nguyên văn trích đoạn)

Theo đó, Bộ này cho hay đây là vụ việc “Chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.”

Thông báo này cũng cho biết:  “Một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, TP. Hà Nội  theo kế hoạch từ ngày 31/12/2019”.

Ngày 9 tháng 1 lúc 4 giờ sáng. Chính quyền điều quân đi giết người, cướp đêm. Đèn pha tỏa sáng trên bầu trời Đồng Tâm

Thông báo nói sáng 9/1, đã có một số người ở Đồng Tâm: “Có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng”.  

Bộ Công an thông báo rằng: “đã có bốn người chết trong vụ đụng độ tại Đồng Tâm rạng sáng 9/1, trong đó có ba cảnh sát và một dân thường”. Bộ cũng cho biết:“Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi  tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch - thông báo cho hay”. (hết trích)

Bản đồ tổng quát


Vụ đụng độ ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020, chỉ mới 4 ngày thôi mà gây chấn động không chỉ trong nước. Qua thực tế cho thấy, xem mòi phần lớn người ta thông cảm và đứng về phía nhân dân Đồng Tâm. Ngoài “cái nóng” toát ra từ nơi đụng độ, còn cái nóng tỏa ra từ  độc quyền thông tin, thông tin một chiều có nhiều mâu thuẫn, giành phần phải về mình của Bộ Công an… Người viết ghi lại những thắc mắc mà mình nghe thấy, một mặt phục vụ bạn đọc, mặc khác để Bộ Công an làm cơ sở trả lời trước công luận. 


1/ Thắc mắc từ nhiều nguồn


 - Không cho báo chí nói chung vào cuộc, chỉ một mình Bộ CA độc quyền thông tin khiến dư luận  cho rằng những gì Bộ CA thông báo chưa chắc là sự thật, giành phần phải về mình, thậm chí có người còn nói CA “vừa ăn cướp vừa la làng”. (hoặc vừa giết người vừa la làng – BBT HNC)


-  Phần lớn dư luận cho rằng CA gây sự “tra giáo tiên" trước, dân Đồng Tâm hành động tự vệ sau?. 


- Ngoài kiến nghị, thỉnh nguyện thư… gởi các cấp các ngành, trước cỗng vào làng, dân Đồng Tâm thường xuyên treo cái băng với nội dung: “Nhân dân Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước”. Chứng tỏ họ tin tưởng, tôn trọng Đảng và Nhà nước? Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, buộc họ phải chống chỏi, tự thủ giữ đất để mưu sinh. Là nông dân, mất đất là đói khổ?. Thà chết sướng hơn nên họ sẵn sàng đổ máu để giữ đất của cha ông để lại?.


- Ông Lê Đình Kình… là đảng viên với hơn 50 tuổi đảng, tại sao không đứng về phía Đảng mà đứng về phía Nhân dân bị cướp đất ?.  


-  Chỉ là vùng đất  lâu nay giao cho bộ đội Phòng không đóng quân chớ phải nào sân bay, bộ gấp tết hay có chuyện gì mờ ám sao mà  phải xây tường vào ban đêm?.



-  Đồng Tâm cách chỗ xây tường khoảng hơn 2km, sao đạo binh Công an (CA) không ra đó trị bọn “phá đám” (nếu có) mà lại tấn công vào ngõ thôn Hoành  rồi  mở rộng ra cả xã Đồng Tâm? 
   

- Theo điều 70 luật đất đai 2013: “… Cưỡng chế đất đai phải có công lịnh và trong giờ hành chánh”. Hàng ngàn Công an, 4 giờ đêm, không trình công lịnh cho chính quyền sở tại, tùy tiện xông vào làng truy đuổi, đánh đập, bắn giết nhân nhân như lính Lê Dương thời Pháp thuộc. Vậy CA có vi hiến, vi luật không?  


-  Điều 71 luật đất đai ghi rõ: “Lực lượng CA có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong q trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất” – Không có quy định nào cho phép CA quyền tấn công  người bị cưỡng chế trừ khi họ manh động. Vậy thì tại sao CA tấn công toàn xã Đồng tâm không có công lịnh, không ở hiện trường đang xây tường mà xông vào làng trong khi dân chúng còn đang say giấc ngũ, dùng hơi cai, lựu đạn, chó Cảnh sát… truy đưi đánh đập, bắn giết không phân biệt nam nữ, già trẻ, thiếu niên, nhi đồng?!


- Thữ hỏi cụ già Lê Đình Kình 84 tuổi, bị CA+QĐ đánh gãy chân cách đây 3 năm, phải ngồi xe lăn, chỉ ở trong nhà thì làm sao ban đêm ban hôm trở thành “một đối tượng chống đối” tại nơi lực lượng chức năng đang xây tường cách nhà ông hơn 2 km ?


 2/ Nhà báo Mạc văn Trang thắc mắc: 


- Gây rối trật tự công cộng gì mà lúc 4 giờ sáng, dân còn ngủ trong nhà họ? Mà nếu “gây mất trật tự” ở trong làng/xóm của họ thì công an xóm/làng họ xử lý, chớ sao lại phải kéo hàng ngàn quân từ Hà nội về trấn áp?.


  - Nếu “chống người thi hành công vụ” thì “Công vụ” gì trong đêm tối? Mà người Dân đang ngủ,  lực lượng chức năng vào “công vụ” nhà người ta bất ngờ, không có lệnh, không báo trước, thì người ta ở trong nhà chống lại kẻ xâm nhập, là chống CƯỚP hay chống người CÔNG VỤ?


- Thông báo cho biết: “…Lực lượng chức năng xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn…sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng”. Ô hay, sao lại “xây tường” lúc 4 giờ sáng? Sao tường sân bay Miếu Môn lại ở trong làng Hoành? Sao một số đối tượng có hành vi chống đối lực lượng xây tường lại không bắt ngay các đối tượng tại chỗ mà lại tấn công vào làng Hoành, vào nhà dân gây thương vong cho cả người già và trẻ em đang ngủ?


- Tại sao lại gọi là “xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn?”. Trên thực tế, “sân bay Miếu Môn” chỉ là dự án trên giấy (từ 1980), lấy đất rồi sau đó không làm sân bay. Nay đất sử dụng làm gì, của doanh nghiệp nào thì phải nói chính xác, không thể lặp lờ, đem sân bay Miếu Môn ra làm lá chắn được.


- “Hậu quả: 3 cán bộ, chiến sĩ CA  hy sinh, một đối tượng chống đối chết, một đối tượng khác bị thương”. Tại sao “3 cán bộ chiến sĩ CA hy sinh” chưa thấy nêu danh tính hay hình ảnh ngay? Trong khi đó, “1 đối tượng chống đối” chết đã được thông báo chính thức là cụ Lê Đình Kình?

 Bản đồ chi tiết; 14 xanh là đất nông nghiệp đang tranh chấp. 14 đỏ  là đất quốc phòng có đóng cột móc xung quanh, Bộ đội Phòng không  đang trú đóng. Bức tường đang xây giữa 14 xanh và 14 đỏ.

 - Thật không công bằng, cũng là con dân đất Việt, khi CA và dân xung đột, Công an chết thì  gọi là”hy sinh”, phát “Huân chương Chiến công”. Còn dân chết còn bị hành xác?!


Về cái chết của 3 viên Công an, nhà báo Việt Hương viết đăng trên trên Báo Tiếng Dân: “… Ngay sau đó, sáng ngày 11/01/2020, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 cảnh sát tử vong khi đàn áp tại xã Đồng Tâm. Quyết định khen thưởng nêu rõ: Cả 3 chiến sĩ công an đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.   

Thủ tướng Chính phủ đề  nghi khen thưởng 3 viên CA “hy sinh” trận Đồng Tâm hôm 9/1/2020

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định khen thưởng “Huân chươngChiến  công” cho 3 viên  CA “hy sinh” ở trận Đồng Tâm

Về cái chết của ông Lê Đình Kình, nhiều nguồn tin từ Dân Đồng Tâm cho biết ông bị CA hạ sát  tại nhà rồi đùm xác khiêng đi. Nhà báo Trịnh Bá Phương ghi lại lời kể của cô Thoa, vợ Lê Đình Công, dâu của ông Kình:  “Hồi  9 giờ 25 phút ngày 10/1/2020, xác ông Kình vẫn còn nằm ở nhà xác chớ chưa đem về nhà. Nguyên nhân gia đình chưa nhận xác vì tờ biên nhận xác đã được làm sẵn, có nội dung: Công nhận đất Đồng Sênh là đất quốc phòng và ông Kình bị chết tại khu đất đó.

Được biết, những năm 1980-1981, trong khi chiến tranh biên giới giữa VN và TQ căng thẳng, ông Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Thủ tướng) chủ trương lập sân bay Miều Môn để dự phòng khi sân bay Nội Bài có “sư cố”, chủ trương ấy hợp lòng dân nên dân sẵn sàng giao đất  cho Nhà nước làm chuyện ích nước lợi dân ấy. Khi tình hình Việt-Trung bớt căng thẳng, nhứt là sau mật nghị Thành Đô giữa 2 nước, việc xây dựng sân bay  Miêu Môn hoản lại không thời hạn. Vùng đất rộng định xây sân bay Miếu Môn ấy chỉ cần 47, 36 mẩu (héc-ta) để làm căn cứ cho dơn vị Quân đội Phòng không (xem cột móc trên bản đồ).Thế là 59 mẫu  đất nông nghiệp  thuộc xã Đồng Tâm do dân Đồng Tâm sử dụng cho tới ngày nay.

Thử hỏi: Viettel chỉ là tập đoàn làm kinh tế cho quan chức quân đội. Nó như những tập đoàn hay doanh nghiệp tư nhân, nhiều lắm là nó đóng đủ thuế cho Nhà nước theo quy định. Cớ sao Nhà cầm quyền phải quyết sống chết xua  hàng ngàn quân trấn áp dân Đồng Tâm để  lấy (cướp) cho kỳ được 59 ha đất nông nghiệp của dân do tiền thân để lại và đang canh tác để mưu sinh nầy giao cho Viettel?. Nếu Viettel cần đất thì thương lượng vời dân bồi thường thỏa đáng cho họ. Và nếu Đảng và Nhà nước có “cưng” Viettel quá thì  âm thầm, lạm quyền  xuất  tiền ngân sách bồi thường thỏa đáng cho dân thì chắc tạm yên – cũng tiền của cộng đồng dân tộc chớ phải tiền túi của riêng ai đâu?. Vì lợi ích toàn thể hay tập thể mà bắt dân Đồng Tâm gánh chịu riêng thì còn bất công nào hơn?!.

Không chỉ  trong nước, người ta chán ghét kiểu “lấy thịt đè người”. Ai đời Công  an mang tên Nhân dân, được nhân dân đóng thuế nuôi dưỡng mà, dùng số đông với mọi khí tài, trấn áp dân lành, dầu có thắng, gẫm ra cũng chẳng vinh quang gì – nếu không nói là phản tặc?.   

Không biết Đảng và Nhà nước nghĩ sao mà đem “sinh mạng” chính trị của mình đổi lấy 59 ha đất của dân Đồng Tâm”. Đó là chưa nói, khi chưa cầm quyền Đảng luôn rao giảng “người cày có ruộng”, khi cầm quyền thì câu nói ấy chỉ còn là chót lưỡi bờ môi?. Người ta thường nói “dùng bạo lực là hạ sách, biểu hiện thế yếu”.

Hảy chờ xem Bộ Công an giải đáp những thắc mắc vừa nêu trên như thế nào. Nếu Bộ CA giải đáp không đạt lý thấu tình, tránh sao khỏi người đời cho là ngụy biện, dối trá… theo lối “vừa ăn cướp vừa la làng”.  -/-

-----------------------------------------------------------------------

13/01/2020

Chiến dịch tìm diệt

Vụ thảm sát ở Đồng Tâm ngày 9/1/2020 vượt qua tất cả trí tưởng tượng của mọi người dù là phong  phú đến mấy. Không ai có thể ngờ rằng, nhà cầm quyền dám làm một chuyện tày đình như vậy. Độ ngang ngược, trắng trợn và ngang nhiên vi phạm pháp luật là chưa từng có.

Thông điệp của họ là dùng sức mạnh của quân số và vụ khí đè bẹp mọi sự phản kháng, bất chấp sự phản kháng ấy có phù hợp với pháp luật hay không.

Họ gọi những người dân tự vệ là những kẻ chống người thi hành công vụ. Vậy công vụ nào ở đây?

Là cưỡng chế khu 59 héc ta Đồng Sênh ư?

Cưỡng chế là phải có người thi công, có người chống lại và nhiệm vụ của lực lượng cưỡng chế là vô hiệu hóa sự chống lại từ phía người bị cưỡng chế. Sự việc phải xảy ra ở khu đất bị cưỡng chế. Nhưng trên thực tế thì không có chuyện người dân Đồng Tâm có mặt ở khu vực ấy vào lúc 3, 4 giờ sáng mà là họ đang trong giấc ngủ say. Vì không phải là cuộc cưỡng chế nên điều luật “Không thực hiện cưỡng chế đất đai từ 22 giờ đến 6 giờ” là chưa cần thiết phải nêu ra ở đây. Cưỡng chế mà dùng tới một lực lượng hùng hậu như đi đánh chiếm một quốc gia. Lực lượng này là bao nhiêu? Có thông tin 1 nghìn , 3 nghìn và có cả thông tin tới 9 nghìn quân. Không ai xác minh được con số đúng ngoài chính những người tổ chức. Mà nếu họ công bố đi chăng nữa thì mấy ai cho rằng con số ấy là chính xác.

Nó là cuộc tấn công vào nhân dân Đồng Tâm.

Cái gọi là “cưỡng chế” không xảy ra ở hiện trường thi công mà ở thôn Hoành. Lực lượng được gọi là “cưỡng chế” tấn công vào thẳng thôn Hoành lùng sục mà mục tiêu trước hết là nhà Cụ Lê Đình Kình và chết chóc đã xảy ra ở đây. Đạn nổ, lửa cháy náo loạn cả một làng quê khi trời còn đang chìm vào bóng đêm. Chúng đến tận từng nhà gọi hàng. Nhà Cụ Lê Đình Kình bị phá, Cụ bị giết, con cháu Cụ bị trọng thương và bị bắt đi cùng nhiều người khác, hiện giờ chưa biết sống chết ra sao.

Cuộc hành quân khổng lồ tới Đồng Tâm với hàng nghìn quân và phương tiện, vũ khí, khí tài đêm ấy là nhằm tấn công người dân Đồng Tâm chứ không phải phục vụ cho cưỡng chế đất đai. Đó là chiến dịch tìm diệt.

Bưng bít sự thật

Tôi dám chắc tất cả những người tổ chức cuộc tấn công nhằm vào nhân dân Đồng Tâm đều biết sự phi lý và phi pháp của nó. Nếu đàng hoàng, chính đáng thì tại sao công an phải canh chặn những người mà họ cho rằng có thể sẽ đi Đồng Tâm từ nhiều ngày trước và cho đến tận bây giờ? Sao không để cho ai muốn thì cứ đến tận nơi, tìm hiểu và phản ánh sự thật. Nếu lẽ phải, chính nghĩa thuộc về phía nhà cầm quyền thì việc gì phải ngăn cản?

Trịnh Bá Phương bị bắt khi đang live stream phỏng vấn người dân Đồng Tâm lúc sự việc đang diễn ra. Bùi Thị Minh Hằng ở tận Vũng Tàu cũng phỏng vấn người dân Đồng Tâm khi Đồng Tâm đang bị tấn công và bị công an xông vào tận nhà bắt đi ngay sau đó
Cho đến bây giờ, hơn 3 ngày sau vụ tấn công vào Đồng Tâm, tất cả những người bị canh vẫn đang trong vòng vây của an ninh và có dấu hiệu ráo riết hơn.

Việc làm đó nhằm mục đích gì, nếu không phải là để bưng bít sự thật?

Một chiến dịch tuyên truyền khổng lồ nhằm lấp liếm tội ác của họ ở Đồng Tâm, cố làm như vụ tấn công này là cưỡng chế đất, là công việc bình thường theo đúng luật pháp, là người dân tấn công họ chứ không phải họ tấn công người dân. Nó thống nhất từ tuyên giáo đến báo chí, từ dư luận viên đến lãnh đạo cao nhất.

Báo chí, truyền hình chỉ thông tin theo nguồn duy nhất là từ Bộ công an.

Ba cảnh sát cơ động thiệt mạng, chỉ 1 ngày sau đó được Chủ tịch nước huân chương chiến công hạng nhất. Đây là việc làm sốt sắng chưa từng có, vượt qua mọi thủ tục đề nghị, trình duyệt và xem xét. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 3 cảnh sát mà họ cho rằng “đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm tại xã Đồng Tâm”. 2 ngày sau, Bộ trưởng công an đã thăng thêm một cấp quân hàm cho họ.

Cũng ngày 11/1, khi đi kiểm tra công tác của ngành công an, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho họ là là “tấm gương về xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia”. Ông ta “yêu cầu xử lý nghiêm những kẻ chống đối, vi phạm pháp luật”.

Thật là những việc làm phối hợp hết sức nhịp nhàng để tạo dư luận rằng vụ tấn công vào Đồng Tâm là hợp pháp và chính nghĩa, còn nhân dâm Đồng Tâm là những kẻ chống đối cần phải trừng trị.

Còn dư luận viên (mà giới facebooker thường gọi là bò đỏ) thì sao? Cũng chưa cao giờ có chuyện chúng ra quân đồng loạt và đông đến thế. Hàng loạt nick cả cũ và mới lập ào vào các trang đang cố đưa sự thật về Đồng Tâm chửi bới văng tục, viết những lời khả ố, đểu cáng ầm ỹ cả lên. Thầy Đào Tiến Thi than với tôi: “Em không thể xóa kịp còm của chúng”.

Chúng còn lập những nick giả mạo những facebooker nhiều người biết đến rồi đi khắp nới comment bậy bạ, gây nghi kỵ lẫn nhau. nếu bị report thì chúng nhanh chóng lập ra cái khác. Bản thân tôi đã bị giả mạo đến lần thứ 4 gây nên nhiều thắc mắc cho người quen biết. Tôi đã phải nhận những tin nhắn hoặc điện thoại gọi đến quở trách.

Để chứng minh thêm cho nhận định của mình ở trên (“tôi dám chắc tất cả những người tổ chức cuộc tấn công nhằm vào nhân dân Đồng Tâm đều biết sự phi lý và phi pháp của nó”), tôi nhắc lại một chi tiết: Khi họ đưa xác Cụ Kình về ủy ban xã và báo cho người nhà lên nhận, họ bắt người nhà Cụ ký vào biên bản là Cụ chết ở Đồng Sênh và bắt người dân khác cũng xác nhân điều đó. Tất nhiên không ai ký vì thực tế cụ bị bắn tại  nhà. Hiểu điều này thật đơn giản: họ muốn cụ Kình chết ở Đồng Sênh để cho rằng, cụ ra đấy chống đối người “thi hành công vụ” rồi công an “lỡ tay làm chết”, chứ không phải quân cướp xông vào nhà bắn.

Họ đang run sợ. Có câu tục ngữ rằng “chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”.

(Còn tiếp)
12/1/2020

-------------------------------

14/01/2020

(Tiếp theo và hết)

Nỗi đau xé ruột

Khi xem đoạn Video khâm liệm Cụ Lê Đình Kình, tôi bật khóc. Rất nhiều người cho biết họ cũng có trạng thái cảm xúc như vậy. Chị Nguyễn Thị Tâm và nhóm cộng sự ở Dương Nội khi live stream phỏng vấn người dân Đồng Tâm nước mắt ròng ròng. Người xem cũng khóc theo chị.

Chúng tôi, hầu như ai cũng đã đến Đồng Tâm và trực tiếp nói chuyện với Cụ, hiểu về Cụ. Ai cũng cảm phục Cụ tuổi 85 tuổi mà trí tuệ mẫn tiệp, khảng khái, can đảm, tận tụy và trung thành với quyền lợi của dân làng. Nay nhìn thi thể Cụ có nhiều vết đạn, bụng bị mổ phanh không đau đớn sao được. Lý giải thế nào về vết mổ chạy dọc từ cổ xuống đến bụng vì cái chết của Cụ đã rõ bởi những vết đạn, chứ không có điều gì bí ẩn mà phải mổ bụng tìm nguyên nhân. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhớ đến một câu trong quốc ca của nhà nước cộng sản VN: “Thề phanh thây, uống máu quân thù” rồi đặt câu hỏi: “Phải chăng khi nhà cầm quyền coi cụ nông dân Lê Đình Kình là kẻ thù thì họ cũng dùng phương pháp trả thù của giai cấp phong kiến Trung Hoa: Mổ bụng, moi gan, quật mồ, đánh thây, đốt xác, san bằng mồ mả... mà họ giữ lại trong bài quốc ca của nhà nước cộng sản?”

Trưa 12/1, trong một video Trịnh Bá Tư phỏng vấn dẫn lời kể của cụ Dư Thị Thành là vợ Cụ Kình, cho biết Cụ Kình bị bắn 2 phát đạn vào đầu, 1 phát vào tim, 1 phát xé toang chân trái gần đứt lìa. Còn chân phải Cụ đánh gãy từ lần bị bắt trước đây. Cụ Dư Thị Thành là người chứng kiến khi chúng xông vào nhà giết cụ Kình. Lúc ấy là 6 giờ 30 phút.
Có thông tin cho biết gia đình Cụ Lê Đình Kình mất cả két tiền và ô-tô riêng. Theo fb Lã Việt Dũng thì chúng không chỉ lục lấy đồ nhà cụ Kình mà của cả những nhà khác, từ nồi cơm điện.

Trong đám tang cụ Kình hôm nay, một người lọt được vào làng cho biết an ninh chìm nổi dày đặc. Chúng không cho một ai quay phim, chụp ảnh. Người này tiếp cận được với cụ Dư Thị Thành, cụ cho biết máu chảy cả vũng ở nền nhà.

Trong vụ tấn công vào Đồng Tâm, thông tin ban đầu từ báo chí thì có khoảng 30 người đã bị bắt.

Tuy nhiên, tình hình Đồng Tâm vẫn rất căng thẳng. Cũng theo Trịnh Bá Tư được người dân cung cấp thông tin thì Đồng Tâm vẫn tràn ngập không khí khủng bố. Sáng 12/1, chúng bao vây 2 nhà, có thể đã bắt thêm người đi. “Tang thương lắm cháu ạ” - người dân nói với Trịnh Bá Tư. Chúng tiếp tục bao vây dân làng nhưng lại bảo vệ bọn chỉ điểm và bọn tham nhũng ở địa phương, chắc là chúng sợ bị dân làng hỏi tội.

Trước những thông tin đang xuyên tạc về Cụ Lê Đình Kình trên báo chí, Người dân này cũng nói, tổ Đồng Thuận có mấy chục người là những người đầu sóng ngọn gió, còn dân cả làng theo, 10 người thì đến 9 người rưỡi theo, chứ không phải là chỉ một vài người theo Cụ Kình như họ tuyên truyền.

Theo fb Trịnh Bá Tư thì trong đám tang cụ Lê Đình Kình sáng nay, một người dân kể: "Đau thương lắm bác ơi, trong đám tang mọi người chỉ biết khóc nghẹn ngào..., đám tang cụ Kình đông lắm dài lắm, cả đời chưa thấy đám tang nào đông như thế. Dân xã Đồng Tâm, và các các xã bên cạnh Thượng Lâm, Phúc Lâm, cả bà con bên Chương Mỹ giáp Mỹ Đức cũng sang... Bà con đưa tang đều đội khăn trắng, chỉ những người đến sau hết khăn mới không có thôi...”

*
Sau hôm xảy ra biến cố Đồng Tâm, ngày 10/1, Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án với các tội danh giết người, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ. Còn sai phạm về phía nhà cầm quyền, phá nhà bắn chết dân thì họ lại lờ đi.

Điều khó hiểu là không biết hành động tấn công vào Đồng Tâm vào lúc 3,4 giờ sáng hôm ấy là thi hành công vụ gì? Tấn công vào dân đâu phải là công vụ. Còn nếu dân họ chống lại gây ra chết người thì chỉ là tự vệ quá mức cần thiết, chứ sao gọi là giết người?

Theo thông tin báo chí cuối ngày hôm nay, 13/1, Công an Hà Nội đã quyết định khởi tố 20 người với cáo buộc giết người và 2 người với cáo buộc chống người thi hành công vụ. Trong số bị cáo buộc giết người có 3 con trai Cụ Lê Đình Kình là Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy và Lê Đình Quang, Lê Đình Doanh là cháu nội Cụ Kình.

Tôi cho rằng, tấn công vào dân thì họ phải tự vệ. Nếu tự vệ mà làm chết người thì là vượt quá giới hạn phòng vệ.

Còn xông vào nhà bắn chết Cụ Kình thì gọi là gì nếu không phải là hành vi giết người?
Vì vậy, tổn thất của nhân dân Đồng Tâm không chỉ là cái chết của cụ Lê Đình Kình và nhiều người bị trọng thương.  Còn trong vụ án này sẽ có những án rất nặng, thậm chí có thể có án tử hình.

Rồi trong quá trình điều tra, sẽ có chuyện ép cung, tra tấn như đã xảy ra trong nhiều vụ án khác? Về khả năng này, thông tin ban đầu cho biết từ một cuộc phỏng vấn cụ Dư Thị Thành. Cụ kể: “Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân”

Nỗi đau của nhân dân Đồng Tâm chưa dừng lại.

Liệu có điều tra vụ tấn công vào Đồng Tâm 9/1?

So với các vụ việc khác, tính chất của vụ Đồng Tâm khác rất nhiều về qui mô và sự thống nhất từ trung ương trở xuống. Nếu các vụ việc khác, sai phạm có thể ở một địa phương, một đơn vị, còn trông vào bên trên theo kiểu dưới làm sai chứ trên vẫn sáng suốt, bản chất của chế độ vẫn tốt đẹp thì vụ này trông chờ vào đâu? Trông chờ vào đâu khi ông Bộ trưởng công an, Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng đều đã có những động thái khẳng định tính đúng đắn, hợp pháp trong vụ tấn công vào Đồng Tâm như thưởng huân chương, cấp bằng tổ quốc ghi công và qua những lời phát biểu? Trong tứ trụ chỉ còn lại bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội nhưng thử hỏi, nếu trong tâm bà ta hướng về lẽ phải thì liệu bà ta có dám nói gì, làm gì, ví dụ mở một cuộc điều tra?

Tuy vậy, vụ tấn công vào Đồng Tâm không dễ gì bưng bít vì tính chất vô lý, ngang ngược và độ tàn bạo của nó.  Ngay ngày 9/11, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam phải mở một cuộc điều tra công khai và khách quan về sự việc này. Người dân, nếu ai còn tin họ rồi dần dần họ sẽ nhận ra.
Mục đích của vụ tấn công này không chỉ nhằm chiếm đoạt 59 héc ta đất Đồng Sênh mà còn là để tiêu diệt ý chí phản kháng của nhân dân Đồng Tâm, không để tinh thần Đồng Tâm lan sang các địa phương khác trong cả nước.

Vụ việc ở Đồng Tâm chưa bao giờ có bóng dáng của luật pháp. Không có viện kiểm sát, tòa án, cơ quan điều tra. Không hề có lệnh bắt, lệnh khám nhà. Chỉ có công an tấn công vào Đồng Tâm xử Cụ Lê Đình Kình và những người dân Đồng Tâm theo kiểu mạnh được yếu thua theo luật rừng. Có ý kiến cho rằng, cụ Kình bị xử tử không có bản án là vậy.

Đây là sự việc vô cùng nghiêm trọng nhưng lại được sự thống nhất từ Bộ chính trị, Chính phủ, Bộ công an, Chính quyền Hà Nội. Vì vậy, những người đứng đầu những cơ quan trên đều phải chịu trách nhiệm về sự kiện lịch sử bi đát này.

13/1/2020




No comments: