Monday, January 27, 2020

NÓNG BỎNG CUỘC TRANH LUẬN VỀ HUAWEI Ở ĐỨC (The Economist)




Phan Nguyên chuyển ngữ
27/01/2020

Đa phần người Đức đều biết đến sự ức chế gây ra bởi Funklöcher, hay các vùng chết trong mạng viễn thông nơi điện thoại thông minh không có sóng hoặc các kết nối internet bị biến mất. Sau nhiều năm bị mắc kẹt trên làn đường chậm của mạng viễn thông các nước giàu, Đức quyết tâm không bị bỏ lại phía sau khi các mạng thế hệ thứ năm (5G) chuẩn bị kết nối các nhà máy, xe hơi và thiết bị với nhau. Nhưng các kế hoạch của chính phủ gặp phải một rào cản bất ngờ.

Giống như các quốc gia giàu có khác, Đức đã dằn vặt về việc có nên để Huawei, một công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, được tham gia đấu thầu để giành các hợp đồng xây dựng mạng lưới 5G của mình hay không. Huawei mang lại kinh nghiệm, chuyên môn và giá trị; các thiết bị của công ty này chiếm tới 70% mạng lưới 4G của Đức.

Nhưng các chuyên gia an ninh lo ngại rằng các gián điệp của Trung Quốc có thể khai thác các “cửa hậu” hoặc các lỗ hổng an ninh khác được cho là cài sẵn trong các thiết bị của Huawei. Những người khác thì lo lắng về việc phải dựa vào các nhà cung cấp có mối quan hệ chặt chẽ với một đối thủ tiềm tàng. Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Trung Quốc cấm Huawei xuất khẩu các bản vá phần mềm quan trọng khi có một cuộc tranh chấp thương mại với châu Âu? Chính phủ Mỹ, vốn đã cấm Huawei vào năm 2011, đã đe dọa sẽ hủy các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với các chính phủ phương Tây nếu họ không làm theo lời Mỹ.

Cuộc tranh luận về Huawei ở Đức đã trở thành cuộc tranh luận lớn nhất ở Châu Âu về chính sách đối với Trung Quốc. Nó đụng đến một vài điểm nhạy cảm. Khu vực xuất khẩu lớn của Đức khiến nước này dễ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại; Trung Quốc và Mỹ là các đối tác thương mại lớn thứ nhất và thứ ba của Đức. Đức muốn sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu về viễn thông. Nhưng họ không muốn có một mối bất hòa nữa với Mỹ sau khi đã chia rẽ về các vấn đề Iran, quốc phòng, năng lượng và nhiều thứ khác.

Không có gì ngạc nhiên khi chính phủ bị chia rẽ. Thủ tướng Angela Merkel và Peter Altmaier, bộ trưởng kinh tế của bà, muốn giữ cánh cửa mở cho Huawei bằng cách để các cơ quan kỹ thuật ra quyết định cuối cùng; Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo thì phản đối. Ngay cả sự kháng cự mạnh hơn cũng đã xuất hiện trong Bundestag (quốc hội liên bang). Đảng Dân chủ Xã hội, đối tác nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền với Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) trung hữu của bà Merkel đã đưa ra một lập trường cứng rắn bất ngờ chống lại việc để các “cơ sở hạ tầng trọng yếu” bị chi phối bởi Huawei. Các đảng đối lập, chẳng hạn như Đảng Xanh, cũng nghi ngờ về Huawei.

Điều đó khiến đảng CDU đóng vai trò quyết định. Các nghị sĩ đảng này thường trung thành với bà Merkel, nhưng đối với nhiều người, Huawei đã chạm vào lằn ranh đỏ. Norbert Röttgen, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Quốc hội, đang cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp trong CDU của mình ủng hộ một nghị quyết nhằm thúc giục chính phủ buộc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài phải vượt qua bài kiểm tra về mức độ “đáng tin cậy”. Nếu xét mối liên hệ với nhà nước Trung Quốc, Huawei có thể không vượt qua được bài kiểm tra này.

Bà Merkel, đang trong những năm cuối của nhiệm kỳ thủ tướng của mình, đang dần mất quyền kiểm soát cuộc tranh luận. Nhưng bà không chịu xuống nước. Bà lo ngại một lệnh cấm đối với Huawei sẽ gây ra sự trả đũa đối với các lợi ích sâu rộng của Đức tại Trung Quốc. Janka Oertel, một nhà phân tích tình hình châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nói rằng Bắc Kinh có rất nhiều lựa chọn để trả đũa. Bà Merkel cũng lo lắng về một cuộc hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc mà bà sẽ chủ trì tại Leipzig vào tháng 9 tới. Các tranh cãi về Huawei có thể làm thất bại các mục tiêu như việc ký một hiệp định đầu tư song phương.

Nhưng bà Merkel cũng lưu tâm về vấn đề địa chính trị. Bà muốn tránh phải chọn phe trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ – Trung đang leo thang. Một lệnh cấm Huawei ở Đức, đặc biệt nếu được các nước châu Âu khác áp dụng theo, có thể khiến rạn nứt lan rộng. Bà Merkel đã chọn một dịp lễ trao giải Âu – Mỹ trong tuần này để lập luận rằng Trung Quốc nên được gắn vào chứ không phải loại trừ khỏi trật tự đa phương.

Nhưng các nghị sĩ không bị thuyết phục. Sau khi không thể giành được sự ủng hộ của họ, bà Merkel có thể muốn trì hoãn việc đưa ra quyết định về Huawei cho đến sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo EU vào tháng 3 tới. Một chiến lược chung của châu Âu có thể giúp mỗi nước tự bảo vệ trước sự trả đũa của Trung Quốc. Cuộc tranh luận cũng phù hợp với những người muốn có một chính sách công nghiệp châu Âu tích cực hơn. Kể từ khi nhà nước Trung Quốc trợ cấp cho các công ty của mình, nhiều người cho rằng EU nên hỗ trợ các nhà sản xuất thiết bị 5G của châu Âu như Nokia và Ericsson.

Nhưng sự trì hoãn cũng có thể gây tác dụng ngược. Vào ngày 29 tháng 1, Ủy ban Châu Âu sẽ đề nghị các chính phủ xem xét việc cấm các nhà cung cấp thiếu tin cậy như là một trong số các kiến nghị về an ninh 5G nhằm thuyết phục những nhà hoạch định chính sách vẫn còn do dự. Bà Merkel có thể tìm cách thỏa hiệp bằng cách chặn Huawei không được tham gia các phần lõi của mạng 5G của Đức nhưng không ngăn họ tham gia cung cấp các ăng-ten ngoại vi (vốn mang lại nhiều lợi nhuận hơn). Tuy nhiên, điều đó vẫn không đủ đối với những người chỉ trích bà, những người nói rằng công nghệ 5G khiến sự khác biệt giữa các thiệt bị lõi và ngoại vi không còn rõ ràng. Bà Merkel không muốn phải chọn (bên). Nhưng có thể bà phải làm như vậy.

Nguồn:
Jan. 23rd 2020






No comments: