Christopher
Goscha
Minh Toàn
dịch
Viet-Studies
05/01/2020
Cựu hoàng
của Việt Nam biết rằng : họ sẽ đến gõ cửa nhà ông. Đó là điều họ vẫn làm. Việc
Bảo Đại thoái vị năm 1945, việc ông đã năn nỉ Charles de Gaulle đừng dùng vũ lực
tái chinh phục nước Việt Nam và việc ông vẫn là cố vấn trong chính phủ quốc gia
mới của Hồ Chí Minh, thành lập năm 1945, cũng không làm họ ngừng lại. Những người
này muốn có được từ ông chính xác cùng một thứ mà người Pháp đã thao túng ông từ
khi ông còn tấm bé : hoàng đế là hiện thân của một vũ khí thuộc địa để chống lại
những người quốc gia và những người cộng sản, một biểu tượng sống động cho sự hợp
tác Pháp-Việt. Ông là gương mặt hoàng gia cho phép người Pháp huy động quần
chúng nông dân, là công cụ hành chính cho phép cai trị gián tiếp đất nước này.
Tuy nhiên, "giải pháp Bảo
Đại" không sinh ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mà đã ra đời ngay sau
Chiến tranh thế giới thứ nhất (1). Léon Pignon, Cao ủy Pháp ở Đông Dương trong
khoảng từ năm 1948 đến 1950, do kinh nghiệm lâu năm của mình trước chiến tranh ở
thuộc địa, ông cũng biết rất rõ là Bảo Đại sẽ được huy động lần nữa. Tuy nhiên,
ba khía cạnh phân biệt giải pháp Bảo Đại được hình dung bởi Pignon với những
phiên bản trước đó là : người Pháp hiện tại chấp nhận mở rộng nền quân chủ ra
toàn cõi Việt Nam; vua Việt Nam làm việc sóng đôi với các quốc vương ở Lào và ở
Campuchia dưới sự kiểm soát của Pháp, trong khuôn khổ một giải pháp Đông Dương;
người Pháp làm thích nghi ba nhà nước liên kết này với phương Tây, nhằm dùng
Chiến tranh lạnh để gián tiếp kéo dài quyền lực thuộc địa ở Đông Dương (2).
Cuối cùng, Pignon tìm kiếm hậu
thuẫn quốc tế cho nền quân chủ thuộc địa. Việc người Pháp nghĩ đến việc kêu gọi
Mỹ để giữ Đông Nam Á là sự thực được biết rõ. Người Anh làm y hệt. Đối mặt với
các cuộc nổi dậy do cộng sản lãnh đạo ở Mã Lai và ở Việt Nam, Pháp và Anh thúc
giục Mỹ, ban đầu còn do dự, vượt qua sự ngập ngừng của họ để tham gia bảo vệ an
ninh ở Đông Nam Á chống lại một tai họa còn lớn hơn chủ nghĩa thực dân : đó là
sự bành trướng của cộng sản Trung-Xô. Từ năm 1948, người Pháp, được người Anh hỗ
trợ, bắt đầu đưa ra giải pháp Bảo Đại trong các cuộc đối thoại với các nhà ngoại
giao Mỹ, trong khi các chiến lược gia ở Washington ra sức tài trợ việc tái thiết
nhanh chóng Nhật Bản, là bộ phận chủ đạo trong việc ngăn chặn của Mỹ ở Châu Á,
đặc biệt nhờ vào thu nhập của xuất khẩu ở Đông Nam Á. Giải pháp Bảo Đại ngày
càng trở nên hấp dẫn (3).
Về phần mình, người Mỹ thấy
trong việc Pháp đề nghị được trợ giúp về ngoại giao và quân sự một cơ hội gián
tiếp kiềm chế chủ nghĩa cộng sản Á Âu. Đặc biệt, điều này đúng là như vậy kể từ
năm 1950, sau chiến thắng của cộng sản Trung Quốc vào năm 1949 và sự phát động
chiến tranh Triều Tiên sau đó một năm. Kể từ đó, người Mỹ đặt nặng vào cán cân
giải pháp Bảo Đại. Họ công nhận các quốc gia liên kết của Việt Nam, Lào,
Campuchia và bắt đầu đem đến sự giúp đỡ quân sự cho người Pháp, trên danh nghĩa
là sự nỗ lực toàn cầu mà họ tiến hành để ngăn ngừa việc phát tán chủ nghĩa cộng
sản Á Âu. Trong khoảng từ tháng sáu 1950 đến tháng bảy 1953, họ tham chiến trực
tiếp chống Trung Quốc và Bắc Hàn. Nhưng nếu năm 1954 chấm dứt chiến tranh do
người Pháp chỉ đạo ở Đông Dương, thì điều này không đúng với Mỹ. Những người
này nhanh chóng tìm kiếm để thay thế người Pháp bằng một đồng minh khác nhằm
theo đuổi chiến lược ngăn chặn gián tiếp ở Đông Dương. Washington tìm thấy đồng
minh này nơi Ngô Đình Diệm và Việt Nam Cộng Hòa. Người Mỹ, nói cách khác, không
"thay thế" người Pháp ở Đông Dương - họ đã có mặt tại chỗ rồi. Những
năm 1953-1954, chính Ngô Đình Diệm là người thay thế người Pháp bằng người Mỹ.
Một nhà nước liên kết của
Việt Nam
Léon Pignon, tại vị trong chính
quyền Đông Dương kể từ đầu những năm 1930, là đầu não của "giải pháp Bảo Đại"
sau chiến tranh. Ngay từ tháng bảy 1946, ông đã khiển trách bộ chỉ huy quân đội
Pháp vì đã kết hợp lực lượng của họ với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) nhằm
trục xuất những người quốc gia không cộng sản của Việt Nam bằng cách lợi dụng sự
rút lui của quân đội Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Đừng tin vào giọng điệu kịch liệt
chống Pháp mà những người này có thể công khai nhận vào, vị cố vấn chính trị
cho Cao ủy tuyên bố như thế. Họ chống chủ nghĩa cộng sản còn mạnh hơn chống chủ
nghĩa thuộc địa. Do đó người Pháp phải khai thác sự đối lập của những người quốc
gia chống cộng sản để đánh lại kẻ thù thực sự của Pháp, đó là VNDCCH. Một cách
ngắn gọn, năm 1946, Pignon trình bày chiến lược của mình với cấp trên như sau :
"Phe đối lập với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hiện tại phải phục
vụ quyền lợi thường trực của Pháp ở đất nước này. Phải lợi dụng điều đó, bất kể
đặc tính hay bản chất của khuynh hướng bề ngoài của nó đối với chúng ta có là
gì đi nữa" (5). Ông khuyên Cao ủy nên dựa vào nền quân chủ để tập hợp
những người quốc gia không cộng sản quanh một giải pháp thân Pháp. Tháng một
1947, Cao ủy Georges Thierry d'Argenlieu tán thành và đề nghị chính phủ của
mình tiến hành khôi phục "thể chế quân chủ truyền thống" (6). Không
chậm trễ hơn nữa, ông sai các cựu quan chức đã làm việc trước chiến tranh ở
Đông Dương liên lạc với Bảo Đại tại miền nam Trung Quốc và bắt đầu đàm phán.
Tuy chấp nhận mở ra các cuộc
thương lượng với Emile Bollaert người kế vị của Thierry d'Argenlieu, nhưng Bảo
Đại từ chối trở về Việt Nam, trừ phi người Pháp thực hiện nghiêm túc việc thống
nhất đất nước và chấp thuận cho nước ông độc lập. Người Pháp thất bại trong mưu
toan của họ nhằm phá hủy chính phủ Hồ Chí Minh trong chiến dịch Việt Bắc
(l'Opération Léa) vào mùa thu 1947, nhắm tới việc mở đường cho một chính phủ
không cộng sản có vua đứng đầu. Bảo Đại giữ vững lập trường của mình. Năm 1947
và 1948, nhiều người quốc gia không cộng sản, trong và ngoài nước, khuyến khích
Bảo Đại theo đuổi đòi hỏi của mình, tin chắc rằng họ có thể dựng lên nền quân
chủ chống Pháp và cộng sản, thậm chí còn đạt được cả ủng hộ của Mỹ cho kế hoạch
của họ. Nhiều cuộc họp đã diễn ra, ở mọi phía (bao gồm cả với người Mỹ ở Trung
Quốc), nhưng chúng không đạt được bất kỳ tiến triển đáng kể nào.
Tuy nhiên, đối với người Pháp,
thất bại là ngoài dự kiến. Vào tháng mười 1948, khi họ gia tăng nỗ lực xây dựng
một nhà nước quanh Bảo Đại, chính phủ của Phong trào cộng hòa nhân dân bổ
nhiệm Léon Pignon vào vị trí Cao ủy cho Đông Dương (7). Với sự ủng hộ của chính
phủ của mình, Pignon ngay lập tức huy động các mạng lưới Đông Dương và dành hết
năng lượng của mình để giải quyết vấn đề Việt Nam bằng phương tiện là giải pháp
Bảo Đại. Hơn nữa, vị tân Cao ủy là một nhà quan sát tinh tế chính trường quốc tế.
Ông chăm chú theo dõi cách mà cuộc khủng hoảng ở Berlin, cú Praha, và kế hoạch
Marshall dẫn những đại cường đến bờ vực thẳm ở Châu Âu. Sự phân cực của định chế
quốc tế sau chiến tranh thành hai khối là rõ rệt, cũng như việc tham gia ngày
càng tăng của Mỹ vào Tây Âu, tượng trưng bằng việc thành lập Tổ Chức Hiệp Ước Bắc
Đại Tây Dương (NATO) vào tháng tư năm 1949. Ở Châu Á, Pignon hiểu rằng những sự
kiện ở Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của Đông Dương thuộc Pháp. Mà
đầu năm 1949 này khởi đầu không có gì là tốt đẹp : Mao Trạch Đông sửa soạn đánh
Tưởng Giới Thạch và, không còn nghi ngờ gì nữa, để ký kết một liên minh với
Liên Xô mà có thể sẽ có hiệu ứng kéo dài khối cộng sản đến tận biên giới phía bắc
Đông Dương. Một tiến triển khác cũng đáng lo ngại manh nha ló dạng : đó là sự
phi thuộc địa hóa đang diễn ra ở Châu Á - Miến Điện, Ấn Độ và Philippines kể từ
nay giành được độc lập. Pignon cũng theo dõi lĩnh hội cách thức người Hoa Kỳ,
Liên Hiệp Quốc và Ấn Độ gây sức ép lên người Hà Lan để họ buông hẳn Indonesia
ra.
Trái với mọi mong đợi, Cao ủy,
ê-kíp của ông và chính phủ Pháp vẫn tin chắc rằng việc duy trì Đông Dương thuộc
Pháp (và Châu Phi) là cốt yếu cho lợi ích của Pháp và giải pháp Bảo Đại là
phương tiện tốt nhất để bảo toàn điều này. Như thế Pignon tạo ra một chiến lược
gồm ba khía cạnh nhằm làm dịu một số đề nghị từ phía những người Việt Nam không
cộng sản, nhưng không vì thế chấm dứt việc cai trị thuộc địa gián tiếp của Pháp
ở Đông Dương. Khía cạnh thứ nhất, Cao ủy hủy bỏ khuôn khổ năm bên của Liên Bang
Đông Dương (đã tồn tại de facto [trên thực tế] từ năm
1945) để thuận lợi cho việc tạo thành các quốc gia liên kết của Đông Dương : là
Việt Nam, Lào và Campuchia. Với Việt Nam điều này có nghĩa là người Pháp chấp
nhận chấm dứt tình trạng thuộc địa của Nam Kỳ và họ công nhận việc thống nhất
nó với các vùng đất bảo hộ An Nam và Bắc Kỳ, với điều kiện duy nhất là Bảo Đại
quay về lãnh đạo Nhà nước liên kết này trong Liên Hiệp Pháp. Sự
"liên kết" này che đậy hai khía cạnh. Việt Nam của Bảo Đại sẽ liên kết
với hai Nhà nước khác của Đông Dương là Lào và Campuchia, cả ba nước này cùng
liên kết với Liên Hiệp Pháp do Paris lãnh đạo. Người Pháp sẵn sàng chấp thuận
cho ba nước Đông Dương này một sự độc lập rộng lớn hơn, nếu mỗi nước này chấp
nhận cho Pháp tiếp tục đóng vai trò của thành viên "thứ tư", trên
danh nghĩa là nước lãnh đạo Liên Hiệp, chịu trách nhiệm về quan hệ giữa các nước
này với nhau, cũng như các hoạt động quân sự và công việc ngoại giao. Đó là ý
nghĩa của thuật ngữ chủ nghĩa bốn bên được đưa vào từ vựng luật
mới của ê-kíp Pignon : nước Pháp được tính là một thành viên, thêm vào trong ba
Nhà nước liên kết. Với danh nghĩa ngày, Pháp định nhận lấy những phần việc liên
bang - thuế quan, nhập cư và tiền tệ lưu hành, đồng bạc Đông Dương.
Đại chiến lược các Nhà nước
liên kết Đông Dương chỉ có thể hoạt động với điều kiện mỗi nước tỏ ra trung
thành với nền quân chủ của chính quốc gia họ. Đó là khía cạnh thứ hai của chiến
lược này dưới mắt của Cao ủy. Pignon, giống những cộng tác thân cận của ông,
tin chắc rằng quần chúng nông dân Đông Dương vẫn còn trung thành với vua của họ
và phương tiện tốt nhất để làm đổi hướng sự tuyên truyền cộng sản, mà vẫn giữ
được kiểm soát trên họ, là hành động thông qua trung gian những vị vua này. Vị
vua trẻ tuổi Campuchia, Sihanouk, đã ngả theo người Pháp năm 1946, về phần đồng
cấp Lào của ông, Sisavang Vong thì vẫn luôn tỏ ra trung thành với họ. Để hậu
thuẫn các vua này và củng cố tính chính danh của họ, Pignon mở ra các cuộc
thương lượng để tập hợp các nhóm ly khai theo chủ nghĩa quốc gia trong mỗi nước
của ba nước này. Nói cách khác, nhằm đạt được hậu thuẫn của các nhóm Khơ-me và
Lào theo chủ nghĩa quốc gia mà các lãnh đạo của họ ẩn náu ở Thái Lan và không
thừa nhận chính quyền Pháp kể từ Chiến Tranh Thế Giới thứ hai. Những người Lào
Tự Do (Laos Issara) đã thành lập một chính phủ lưu vong ở Băng Cốc ngay
từ năm 1946. Còn đối với phong trào của những người Khơ-me Tự Do (Khmer
Issarak), họ cũng thành lập một chính phủ kháng chiến năm 1948. Các chính
phủ lưu vong này, riêng sự tồn tại của họ (và cũng do phẩm cách các nhà lãnh đạo
của họ) đã đe dọa tính chính danh của các nền quân chủ Khơ-me và Lào. Sau một
loạt những nỗ lực có trả chi phí, Pignon và ê-kíp của ông đạt được việc tập hợp
phần lớn các lãnh đạo ly khai cho đại chiến lược quân chủ ở Đông Dương của mình
(8). Việt Nam là cái chốt chính của kế hoạch. Mà không có Bảo Đại thì không thể
có giải pháp bảo hoàng và họ bắt đầu thiếu thời gian. Vào tháng tư 1949, lúc Hồng
Quân Trung Quốc băng qua sông Dương Tử đi về hướng Đông Dương, chính phủ chấp
nhận việc thống nhất Nam Kỳ với An Nam (Trung Kỳ) và Bắc Kỳ. Đổi lại, Bảo Đại
phải về nước đứng đầu Nhà nước liên kết của Việt Nam cộng tác với Sisavang
Vong, Sihanouk và Léon Pignon, là người tạo ra các vua Đông Dương. "Chúng
tôi cũng cần một người hùng", một ngày nọ ông thổ lộ với Lucien
Bodard, ông nói thêm : "để chống lại Hồ Chí Minh, chúng tôi cần phải có
một người chống-Hồ Chí Minh"(9).
Khía cạnh thứ ba trong chiến lược
của Pignon là nhằm lấy được sự ủng hộ quốc tế cho chế độ bảo hộ bốn thành phần ở
Đông Dương, do người Pháp soạn thảo. Kể từ 1948, người Pháp đã bắt đầu xem xét
lại cuộc chiến chống VNDCCH và vai trò của các Nhà nước liên kết như là thành
phần tham dự của cuộc đấu tranh rộng lớn hơn do Phương Tây cầm đầu, trong khuôn
khổ của Chiến tranh lạnh, chống lại sự đi lên của chủ nghĩa cộng sản Á Âu. Như
Mark Lawrence đã chứng minh, mục đích nhằm huy động sự ủng hộ của Tây Dương
quanh giải pháp Bảo Đại. Pignon đánh cược rằng ý muốn chiến lược của Hoa Kỳ nhằm
ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản rốt cục sẽ thắng sự do dự của họ có từ năm 1945. Sự
lưỡng lự này được giải thích bởi việc họ e ngại sẽ gây ấn tượng là nước ủng hộ
chế độ thuộc địa Pháp lỗi thời. Người Pháp lặp đi lặp lại cho những người muốn
nghe - tức cho các văn phòng Châu Âu và Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở
Washington, với các lãnh sự ở Hà Nội và ở Sài Gòn, cũng như đại sứ Mỹ ở Paris -
rằng Pháp (Tây Âu) và Đông Dương thuộc Pháp (Đông Nam Á) là những mắt xích trọng
yếu cho chiến lược ngăn chặn toàn cầu của Hoa Kỳ. Và việc lập luận tiếp tục
lôgíc của nó : khả năng nước Pháp làm thành con đập ngăn chủ nghĩa cộng sản ở
Châu Âu sẽ gắn liền với cuộc chiến mà nó đứng đầu chống lại những người cộng sản
ở Đông Dương. Hồ Chí Minh không còn là mối đe dọa quốc gia chủ nghĩa chống lại
trật tự thuộc địa, nhưng là một mắt xích của mối đe dọa cộng sản quốc tế lên
Phương Tây. Vì chiến tranh kéo dài và một cuộc xung đột còn rộng lớn hơn manh
nha xuất hiện, bộ tư lệnh tối cao ở Đông Dương, nơi hết sức cần sự gia tăng trợ
giúp quân sự đã gióng lên cảnh báo cho các bên thân cận. Năm 1949, do Anh thúc
đẩy, người Mỹ chấp nhận cấp viện trợ cho chế độ bảo hộ ở Đông Dương của Pignon.
Ngày 8 tháng ba 1949, những nỗ
lực bền bỉ của Pignon đã được đền đáp (10) : Bảo Đại ký Hiệp định Élysée với tổng
thống Vincent Auriol, đóng dấu sự ra đời của Nhà nước liên kết Việt Nam. Các hiệp
định tương tự theo ngay sau đó cho Lào và Campuchia. Những trở ngại về hiến
pháp dường như chặn lại theo kiểu không vượt qua được việc thống nhất của Nam Kỳ
với Việt Nam. Điều đó biến mất khi vào tháng năm Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu cho
sự hợp nhất này, là việc bị làm lu mờ đi trong những năm 1860 và như thế được lần
đầu tiên khôi phục lại. Vài tuần sau, Bảo Đại, được ủng hộ, hay chính xác hơn
là bị liên minh Đại Tây Dương thúc đẩy, quay về Việt Nam nơi ông chủ trì chính
thức việc thành lập Nhà nước liên kết Việt Nam ngày 2 tháng bảy 1949. Chúng tôi
đã đề cập : sự hiện hữu chủ nghĩa bốn bên của Pháp và việc nằm trong Liên hiệp
Pháp có nghĩa rằng các Nhà nước liên kết không thể hưởng được trọn vẹn độc lập
của mình trên phương diện tài chính, thương mại, quân sự và ngoại giao. Ngắn gọn
và sáng suốt, Lucien Bodard đã viết "‘chủ nghĩa bốn bên’ là sự kéo dài của
Đông Dương dưới một hình thức gián tiếp"(11).
Tuy nhiên cũng phải ghi nhận rằng
người Pháp không phải là những người duy nhất tiến hành theo thể thức ấy. Cùng
thời điểm, phản ứng lại việc tạo lập các "Nhà nước liên kết ở Đông
Dương" do Pignon điều khiển, chính phủ của Hồ Chí Minh tạo ra các Nhà nước
liên kết riêng của mình vào những năm 1949-1950, bằng cách tổ chức các chính phủ
kháng chiến và các mặt trận quốc gia của Lào Issarak và của Khơ-me Issarak. Như
thế "cộng sản Việt Nam" đáp lại "thực dân Pháp" bằng cách
đưa ra quyền lực gián tiếp riêng của họ ở Đông Dương. Thực tế họ đã thêm vào
hai nhà nước mới trong cuộc tranh giành chủ quyền hậu thuộc địa. Bằng cách
không chấp nhận từ bỏ Đông Dương, người Pháp cũng như người Việt, đã tạo điều
kiện cho nội chiến bao trùm toàn bộ lãnh thổ Đông Dương.
Sự quốc tế hóa chủ nghĩa bốn
bên của Pháp lên Đông Dương muốn bởi Pignon đạt tới đỉnh điểm vào tháng một năm
1950, khi Mao và Stalin công nhận VNDCCH. Sợ sự hỗ trợ của Trung-Xô dành cho
VNDCCH có thể đảo ngược tương quan quân sự chống lại người Pháp, Cao ủy lặp đi
lặp lại không quanh co với chính phủ của mình là tại sao hiện nay Pháp phải quốc
tế hóa chiến tranh. Người Pháp tiếp tục vật lộn để giữ Đông Dương khỏi gọng kìm
cộng sản Á Âu, nhưng bù lại Anh và Mỹ phải gia tăng sự trợ giúp quân sự của họ,
công nhận về mặt ngoại giao các nhà nước liên kết của Đông Dương và chấp nhận sự
hiện diện kéo dài của thuộc địa Pháp. Bản chất của trao đổi không thể rõ ràng
hơn, như Pignon đã lặp lại với chính phủ của ông "vì đó là cái giá duy nhất
mà chúng ta có thể chấp nhận sức nặng của nó" (12). Tháng hai 1950, Anh và
Mỹ thực hiện hợp thức hóa việc công nhận các quốc gia liên kết Đông Dương.
Tháng chín, trong khi người Mỹ gửi các đội quân chiến đấu bảo vệ Nam Hàn,
Washington cho phép thành lập ở Sài Gòn Phái bộ Cố vấn Quân sự (Military
Assistance Advisory Group – MAAG), có nhiệm vụ dẫn dắt và phối hợp
giúp đỡ quân sự cho các quốc gia liên kết của Việt Nam, Lào và Campuchia thông
qua trung gian người Pháp. Đó cũng là khuynh hướng của chủ nghĩa bốn bên -
Pignon viết vào tháng một : "Sự giúp đỡ nếu có cho các quốc gia liên kết
cũng phải thông qua trung gian chúng ta để đến với họ". Người Pháp đi
chinh chiến, thậm chí có thể cho người Việt nhập ngũ để giữ chủ nghĩa cộng sản
dưới sự kiểm soát ở Đông Nam Á, nhưng đổi lại người Mỹ phải công nhận rằng người
Pháp giữ dây cương quyền lực, chứ không phải là người Đông Dương. Washington chấp
nhận giao kèo và như thế bước vào cuộc chiến ngăn chặn gián tiếp ở Đông Dương,
đồng thời chỉ huy trực tiếp cuộc chiến ở Triều Tiên và bằng cách thiết lập hàng
loạt các căn cứ quân sự, các trợ giúp kinh tế và các liên minh an ninh với Tây
Âu (Đức) cho đến tận Đông Á (Nhật). Pháp tiếp tục lãnh đạo gián tiếp Đông Dương
trong khi Mỹ đảm bảo rằng người Pháp ở tại chỗ tiếp tục đi theo hướng chiến lược
ngăn chặn toàn cầu của họ. Điều làm các chiến lược gia Mỹ quan tâm nhất ở Đông
Dương là sự có mặt của hải quân, không quân và nhất là quân đội viễn chinh Pháp
ở Bắc Bộ, còn việc độc lập tức thì cho Việt Nam thì ít hơn. Nhìn trong một viễn
cảnh toàn cầu, ta có phải thực sự ngạc nhiên khi biết rằng sự phát triển của
"chiến tranh tâm lý" Pháp kể từ năm 1950, cũng như việc thành lập Lực
lượng Biệt kích Không vận Hỗn hợp (Groupement de Commandos Mixtes
Aéroportés - GCMA) nổi tiếng là các tác phẩm của Pháp-Mỹ không? (13)
Cuộc chiến của Mỹ ở Đông Dương
tuy gián tiếp nhưng đã bắt đầu vào năm 1950, chứ không phải năm 1954. Về nhiều
mặt, sự ngăn chặn gián tiếp ít tốn kém hơn là gửi quân đội Mỹ đến, điều khiển một
quốc gia mới ló dạng và huấn luyện quân đội bản địa. Người Pháp có thể lo liệu
được việc này. Cũng không nên phóng đại sự bài chủ nghĩa thuộc địa của Mỹ. Nhà
Trắng không có chút đắn đo nào để chuyển sự giúp đỡ của họ đến thông qua người
Pháp. Trong giai đoạn quyết định và nóng bỏng của Chiến tranh lạnh, các nhà
lãnh đạo Mỹ cũng không ngại ngần kêu gọi những người quốc gia không cộng sản
bình tĩnh. Đây là những người đòi hỏi to và rõ việc phi thuộc địa hóa đối với
người Pháp. Khi thủ tướng của Bảo Đại, Nguyễn Phan Long, thử đạt được sự giúp đỡ
từ Mỹ nhằm thúc đẩy Pháp chấp thuận độc lập cho Việt Nam, ông này đơn giản đã bị
gạt ra khỏi quyền lực và bị thay thế. Người Mỹ nhắm mắt làm ngơ. Các nhà ngoại
giao và nhà báo chống thuộc địa có hối tiếc chính sách này đi nữa thì điều này
không hề có hiệu ứng lên chiến lược Pháp-Mỹ. Nhân dịp thăm Việt Nam cuối năm
1953, phó tổng thống Richard Nixon đề nghị những người Việt Nam quốc gia đừng
quấy rối người Pháp quá khi họ đang đi đến việc chạm trán ở Điện Biên Phủ. Và
cùng năm, lúc Norodom Sihanouk trình bày với người Mỹ cuộc thánh chiến đòi độc
lập, John Foster Dulles tức giận, quở trách vị vua này khi tuyên bố với ông rằng
giờ không phải là thời điểm để đòi độc lập với người Pháp.
Tuy nhiên có những tiếng nói ly
khai của người Mỹ. Trước hết là tiếng nói của thượng nghị sĩ dân chủ bang
Massachusetts, John F. Kennedy. Chính ông đã đến Việt Nam vào năm 1951 và đã gặp
một số lớn các thành phần những nhân vật Pháp và Việt Nam ở đó. Tuy rằng người
Pháp đảm bảo với ông mọi thứ đều ổn, Kennedy rời đất nước này với ấn tượng rõ
ràng rằng Pháp không sẵn sàng từ bỏ quyền lực thuộc địa của họ và bằng việc hậu
thuẫn người Pháp thay vì người Việt Nam, những người có trách nhiệm của Mỹ đã
gây tổn hại đến chiến lược của chính họ về Chiến tranh lạnh bằng cách mạo hiểm
chơi trò chơi của những người cộng sản. Thượng nghị sĩ dân chủ Mike Mansfield,
người cũng đến Việt Nam vào năm đó, đã đi đến những kết luận tương tự (14). Có
thế mạnh với vị trí của họ bên trong Ủy ban Quan hệ Quốc tế ở Thượng viện, họ
kêu gọi Nhà Trắng gây áp lực lên người Pháp để những người này chấp thuận độc lập
hoàn toàn cho Việt Nam. Theo họ, đó là phương tiện tốt nhất để đánh lại chính
phủ cộng sản của Hồ Chí Minh. Tháng bảy năm 1953, Kennedy nhận xét rằng
"Những nhượng bộ của Pháp cho một sự độc lập hạn chế đối với dân tộc Việt
Nam vẫn quá nhỏ và quá muộn" (15). Những người cộng hòa phản đối các điểm
sửa đổi bổ sung của họ, tin chắc rằng sự ràng buộc như thế có thể khiến người
Pháp rút quân khỏi Đông Dương. Chiến lược của Pignon, nhắm đến việc loại người
Pháp khỏi những dự định phi thuộc địa hóa của Mỹ, đã hoạt động mỹ mãn.
Ít nhất giả dụ là Ngô Đình Diệm
- người mà Pháp thải hồi trong những năm 1930, trong giải pháp Bảo Đại lần thứ
nhất, rồi thêm lần nữa năm 1948 - không quyết định đích thân đứng ra bênh vực
cho chủ đích không cộng sản với người Mỹ. Tuy họ không có bất kỳ kế hoạch dứt
khoát nào khi rời khỏi Việt Nam năm 1950, anh em ông và chính ông muốn ít ra
xoay chuyển những ủng hộ của Mỹ mang lại cho Pháp để hướng chúng về những người
quốc gia Việt Nam không cộng sản, còn không thì hướng về trực tiếp cho chính họ.
Diệm bắt đầu cho Hoa Kỳ nghe thấy chủ ý của mình nơi nhiều nhân vật thuộc các
lĩnh vực ngoại giao, chính trị, tôn giáo, đại học và báo chí của đất nước. Khi
chủ nghĩa McCarthy làm rung chuyển sâu sắc trật tự chính trị Mỹ, Ngô Đình Diệm
nói đi nói lại với những người đối thoại với ông rằng bằng cách từ chối buông
Đông Dương ra, người Pháp tham gia trò chơi của những người cộng sản trong một
thế giới đang phi thuộc địa hóa nhanh chóng. Ông không bao giờ quên nhấn mạnh
là Pháp dùng Mỹ để duy trì quyền lực thuộc địa của họ (17).
Tuy gặp khó khăn, đặc biệt là
người ta đã không ngớt khuyên ông đừng quá thúc giục người Pháp chấp thuận cho
nước ông độc lập, Diệm chậm mà chắc, xây dựng mạng lưới ủng hộ cho chủ định của
mình mà nó vượt xa những mối quan hệ công giáo. Đầu năm 1954, những tiếp xúc của
ông mở rộng đến những người Mỹ có ảnh hưởng nhất thời ấy : thượng nghị sĩ
Kennedy và Mansfield, chính khách Dean Acheson, William O. Douglas ở Tòa án tối
cao, William Donovan phục vụ trong tình báo và hồng y có ảnh hưởng Francis
Spellman. Sự hình thành mạng lưới này đã khiến ông trở nên đúng là người cho vị
trí này, trong khi ngày càng nhiều nhà chức trách Mỹ nghi ngờ tính thích đáng
sách lược của việc ủng hộ chủ nghĩa thuộc địa Pháp, thì họ cũng tỏ ra lưỡng lự
với ý tưởng can thiệp trực tiếp ở Đông Dương. Tháng năm 1953, Mansfield sau buổi
ăn tối với Diệm kết luận rằng ông "cảm thấy nếu ai đó có thể nắm miền
Nam Việt Nam thì đó chính là người như Ngô Đình Diệm" (18).
Tại chỗ ở Việt Nam, các thành
viên của gia đình Diệm, chủ yếu em của ông là Ngô Đình Nhu, phổ biến chủ định
quốc gia ra trong giới chính trị Việt Nam, các tổ chức thanh niên, công giáo,
công đoàn và trong giới lao động. Nhu, bản thân là một người tranh đấu, là người
gầy dựng một đảng chính trị mới được biết đến dưới tên gọi Cần lao nhân
vị cách mạng. Ảnh hưởng bởi học thuyết của triết gia Pháp Emmanuel
Mounier, "chủ nghĩa nhân vị", giống như một bộ phận đạo Công giáo
Pháp đổi hướng sang cánh tả hướng về hành động xã hội và chống chủ nghĩa thực
dân, Nhu nhập cảng tư tưởng của thuyết nhân vị vào Việt Nam. Gia tộc họ Ngô
nghĩ rằng những tư tưởng này hợp làm một với tư tưởng chủ nghĩa quốc gia sẽ đặt
Việt Nam vào đường ray của kỷ nguyên hậu thuộc địa và có thể quyến rũ người
công giáo cũng như người không công giáo.
Chiến lược của anh em họ Ngô -
đặt họ và chủ đích của họ đứng về phía người Mỹ và phía những người Việt bất
mãn - rốt cục đưa họ lên đằng đầu khi tình thế Đông Dương và quốc tế tiến triển
nhanh chóng vào năm 1953 và 1954. Ở bình diện địa phương, sự thụ động của Bảo Đại
đã thuyết phục hơn một người quốc gia là họ phải nắm chủ đích của mình trong
tay hoặc sẽ bị biến thành con rối. Hơn nữa, sự ức chế ngày càng lớn này biểu lộ
ở ước muốn ngày càng mãnh liệt nhằm tạo ra những đảng phái chính trị thực thụ,
một quốc hội, một nền cộng hòa, đến nỗi những người quốc gia có thể huy động
các đảng phái chính trị và nền dân chủ chống lại Bảo Đại, các bộ trưởng của ông
và những người bỏ ra vốn liếng thuộc địa cho họ. Cuối cùng, quyết định của
chính phủ Pháp đơn phương phá giá đồng Đông Dương vào tháng năm 1953 là quá thể
đối với tất cả họ. Quyết định này đóng vai trò là tiếng thét tập hợp những người
quốc gia giận dữ, nếu cần, là một minh chứng nhục nhã của tính chất thuộc địa
mà mối quan hệ Pháp-Việt bảo tồn. Khi chính phủ mới của Pháp do Joseph Daniel đứng
đầu hứa "hoàn thiện" nền độc lập của Nhà nước liên kết Việt Nam, anh
em họ Ngô rốt cục đã sẵn sàng và nhất quyết đạt được mục đích của họ.
Tuy nhiên, diễn tiến dồn dập của
tình hình quốc tế năm 1953-1954 có thể đe dọa nặng nề tới những người ủng hộ
Ngô Đình Diệm cũng như tới VNDCCH : cái chết của Stalin đến bất ngờ vào tháng
Ba năm 1953, sự đổi hướng nhanh chóng của Trung-Xô tiến tới chung sống hòa bình
đạt đến đỉnh cao với việc ngưng bắn ở Triều Tiên được ký kết vào tháng bảy, sự
gia tăng những trao đổi quốc tế nhằm thương lượng kết thúc chiến tranh Đông
Dương, và tuyên bố của Laniel hứa hẹn thương lượng một sự "rút lui vẻ
vang" khỏi xung đột Đông Dương. Miễn là Pháp chưa thuận tình cho nhà nước
liên kết Việt Nam độc lập trọn vẹn, thì không có gì chính thức ngăn trở người
Pháp thương lượng trực tiếp với khối cộng sản, đặc biệt là với VNDCCH, lẫn việc
ký kết một hòa ước quốc tế trên đầu những nhà lãnh đạo quốc gia liên kết Việt
Nam. Trong mọi điều, viễn cảnh này là hiểm họa lớn nhất cho những người quốc
gia không cộng sản. Khi những đàm phán quốc tế được tiến hành vào tháng chín
năm 1953 để chấm dứt xung đột ở Triều Tiên và Đông Dương, anh em họ Ngô quay
sang tấn công chống lại người Pháp, Bảo Đại và các bộ trưởng của ông. Vào tháng
chín, dựa vào nhiều giao thiệp, Nhu chủ trì đại hội Đại đoàn kết.
Trong đại hội này, họ đã chú trọng
mời Bảo Đại và nội các của ông để làm nổi bật sự không chính danh quốc gia chủ
nghĩa của những người này, làm cho người Pháp bất ngờ. Đại hội này tập hợp những
nhà lãnh đạo đến từ mọi nhóm xã hội chính trị và tôn giáo của đất nước. Trong
khi những đại diện của họ chia sẻ sự ức chế của mình đối với Bảo Đại và người của
ông, đại hội kêu gọi Laniel mở ra ngay lập tức những cuộc thương lượng về độc lập
hoàn toàn cho đất nước. Thông điệp như thế là rõ ràng : nếu Bảo Đại không muốn
lãnh đạo thì những người khác sẽ làm thay ông. Nhất là đại hội này cho phép anh
em họ Ngô trở thành những gương mặt sáng giá và quảng bá hình ảnh họ là kiến
trúc sư của một giải pháp thay thế đích thực cho chủ nghĩa quốc gia. Trong một
vài tháng, sau khi chuyển phong trào Cần Lao thành một đảng chính trị, Nhu dựa
vào cấu trúc này cũng như vào những giao thiệp công đoàn để xây dựng một mạng
lưới ủng hộ trung thành cho anh của ông, được giới thiệu như là người quốc gia
duy nhất chân thành có thể chống lại người Pháp, có khả năng hợp nhất những người
quốc gia không cộng sản và thuyết phục người Mỹ chấm dứt chính sách hỗ trợ nền
bảo hộ của Pháp. Nhà họ Ngô lên án những khái niệm "Nhà nước liên kết",
"chủ nghĩa bốn bên" và "Liên hiệp". Họ kêu gọi người Pháp
thiết lập một "Commonwealth" (thịnh vượng chung) theo
kiểu Anh.
Đại hội tháng chín thúc đẩy Bảo
Đại hành động. Vào tháng mười, Quốc trưởng tập hợp những liên minh của mình
trong một hội nghị được tổ chức riêng biệt trong đó các nghị quyết giờ đây đòi
hỏi độc lập toàn bộ. Người Pháp lình xình không dấn bước, hứa hẹn thương lượng,
nhưng từ chối đương đầu giải quyết những phức tạp về mặt thể chế và về chính
sách đối nội là điều đã ngăn họ phản ứng nhanh hơn. Trên tất cả, họ sợ rằng bằng
cách chấp thuận độc lập toàn bộ cho Nhà nước liên kết của Việt Nam năm
1953-1954, thì dưới hiệu ứng domino Liên Hiệp Pháp của họ sẽ sụp đổ. Trong lúc
Diệm và Sihanouk ở nước ngoài bênh vực cho chủ trương độc lập của mình, thì người
Pháp đã tham dự vào một cuộc chiến pháp lý rộng lớn hơn với những người quốc
gia chủ nghĩa ở Tunisie, Maroc, Madagascar và ở Algérie. Thậm chí sau thất bại
Điện Biên Phủ, người Pháp không thể tự cho phép giải phóng Việt Nam khỏi quy chế
"liên kết" hoàng gia vì e ngại trường hợp này có thể tái diễn ở những
nơi khác trong Liên Hiệp Pháp.
Hội nghị Genève vừa sắp sửa mở
ra vào năm 1945 thì Bảo Đại và Ngô Đình Diệm đến Châu Âu, quyết tâm buộc tay
người Pháp. Vì nguy cơ thấy toàn bộ đất nước chuyển sang khối cộng sản, nên phải
thuyết phục các nhà ngoại giao Mỹ thay đổi chính sách hỗ trợ Pháp của họ. Đầu
tháng sáu 1954, khi Trung Quốc của Chu Ân Lai nỗ lực đạt được thỏa thuận với
Pierre Mendès France, Bảo Đại huy động Ngô Đình Diệm cho vị trí thủ tướng.
Trong cuộc đối thoại tiền định này giữa hai người, ở Pháp, Bảo Đại đưa Diệm đến
một căn phòng có treo thập giá trên tường. Đứng trước thập giá, ông tuyên bố với
Diệm : "Đây là chúa của ông. Ông hãy thề trước chúa sẽ giữ gìn lãnh thổ
mà ông được trao phó. Ông bảo vệ nó chống lại những người cộng sản và nếu cần
thì chống lại người Pháp". Diệm đã thề (19). Người Pháp, liên minh Việt
Nam của họ và VNDCCH đã có mọi lý do để diễn giải cử chỉ này mà thực chất nó là
: một hành động thù địch hiển nhiên.
Bảo Đại quyết định chọn Ngô
Đình Diệm chủ yếu để xoay chuyển sự giúp đỡ của Mỹ cho người Pháp để hướng nó về
những người quốc gia không cộng sản, mục tiêu để đảm bảo rằng Nhà nước liên kết
của Việt Nam sống sót sau các thương lượng quốc tế. Về phía
người Mỹ, họ nhận thấy rõ ràng rằng chính phủ Pháp và quân đội của nó muốn rời
khỏi Đông Dương. Vấn đề chia cắt đất nước đã được đề cập ở Genève, trong khi ở
tại chỗ, các tướng lĩnh rút quân của họ về đồng bằng. Không có khả năng đạt được
phê chuẩn cho hiệp ước thành lập một quân đội Châu Âu, Mendès France đã chỉ khuếch
đại sự ức chế của Mỹ. Dưới mắt nhiều người Mỹ, Pháp từ nay kể như được liệt vào
những đối tác kém tin cậy, ở Châu Âu cũng như ở Châu Á (20).
Chính trong bối cảnh vừa phức tạp
vừa thất thường mà Dulles, được Eisenhower ủng hộ, bắt đầu thật nhanh chóng suy
nghĩ lại điều cần phải là chính sách của Mỹ ở Việt Nam theo những sơ đồ mà
Kennedy ưu tiên. Vào tháng tư năm 1954, Ngoại trưởng đã có chỉ thị nhấn mạnh
"sự cực kỳ quan trọng" của việc thúc đẩy người Pháp ký hiệp ước chấp
thuận độc lập toàn bộ cho Nhà nước liên kết của Việt Nam trước khi mở ra các cuộc
thương lượng về Đông Dương. Nếu Pháp không làm điều này, Mỹ khi đó phải
"giành phần chủ động" trong cuộc xung đột, với điều kiện duy nhất là
có thể hợp tác với "một chính phủ quốc gia Việt Nam thực thụ"
(21). Đó chính xác là điều Diệm mong muốn và đề nghị. Đây là lý do vì sao những
lợi ích của chính quyền Eisenhower và của Diệm rốt cục hội tụ rất nhanh chóng ở
Genève, vào tháng sáu và tháng bảy năm 1954. Khi người Pháp ký hiệp ước ngừng bắn
với các đồng cấp Việt Nam của VNDCCH, là những người được Mátxcơva và Bắc Kinh
hậu thuẫn, thì chính phủ của thủ tướng Ngô Đình Diệm, hoàn toàn được Washington
ủng hộ, dứt khoát từ chối làm điều tương tự. Để ngăn chặn sự sụp đổ toàn bộ chủ
nghĩa quốc gia Việt Nam không cộng sản, Diệm muốn người Pháp phải ra đi, trong
khi người Mỹ tuyệt vọng tìm kiếm một đồng minh mới trong cuộc chiến tranh gián
tiếp của họ chống lại những người cộng sản kiểm soát "lục địa Á Âu"
từ Elbe đến miền nam Trung Quốc.
Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm và
việc hình thành một nước Việt Nam khác (22)
Khi nhìn lại những quan hệ này
một vài tháng trước đó, thì mối quan hệ giữa Mỹ, Pháp và anh em họ Ngô đã thay
đổi sâu đậm sau khi ra khỏi hội nghị lịch sử Genève vào tháng bảy 1954. Hiện tại
khi từ Hà Nội nhà nước của Hồ Chí Minh đã sẵn sàng nắm kiểm soát toàn bộ Bắc Việt,
thì người Mỹ đặt cược toàn bộ vào một "Nam Việt" được hoàn toàn phi
thuộc địa, chống cộng sản, kinh tế thịnh vượng và được vũ trang tận răng, có khả
năng tạo thành một cái đập ngăn ở Đông Dương trong cuộc vật lộn toàn cầu kìm
hãm chủ nghĩa cộng sản. Eisenhower, người xém lao vào cuộc chiến Đông Dương năm
1954 trước khi rút lại, đã chia sẻ ý tưởng xây dựng một Nam Việt (nhà nước Việt
Nam trừ đi miền bắc) và lập một hiệp ước an ninh chung bao gồm nước này cùng với
Lào và Campuchia. Sau khi đưa ra lý thuyết domino nổi tiếng của mình vào tháng
tư năm 1954, tổng thống giao cho Dulles dựng lên cái sẽ trở thành Tổ chức Hiệp
ước Đông Nam Á (SEATO) vào tháng chín. Nó được tạo thành như là một mắt xích gắn
vào việc đan lưới rộng lớn các hiệp ước của Mỹ, trải dài từ Liên minh Đại Tây
Dương ở phương Tây cho đến những hiệp định song phương ở phương Đông với Nhật Bản
và Đài Loan, và chúng buộc lại với nhau ở phía Nam bởi các điểm nối ở Iraq,
Pakistan, Băng Cốc, Úc và New Zealand cũng như ở Philippines. SEATO đóng lại
vành đai phía Nam của việc ngăn chặn do chính quyền Eisenhower mong muốn. Nó
cũng phục vụ cho việc cản trở Trung Quốc công cụ hóa các nước trung lập và
không cộng sản như Ấn Độ, Miến Điện và Indonesia, trong mục đích nhằm chọc thủng
vành đai này. Và vì Chu Ân Lai nghĩ chống lại được người Mỹ bằng việc trung lập
hóa Đông Dương ở Genève, nên Washington mở rộng việc bảo vệ của SEATO cho các
Nhà nước liên kết, nhưng không vì thế mà chính thức chấp nhận họ vào trong tổ
chức này. Những nhà chiến lược Mỹ tin rằng, dù đúng hay sai, hiệp ước Trung-Xô
do Stalin và Mao ký vào năm 1950 đã có hiệu ứng không chỉ củng cố sự thống trị
cộng sản ở "lục địa Á Âu", mà còn cho phép Matxcơva và Bắc Kinh thúc
đẩy lập trường của họ ở Đông Nam Á qua Bắc Kỳ nằm chính giữa, giống như việc
người Nhật đã làm năm 1940. Ra khỏi chiến tranh thế giới thứ hai, người Mỹ thai
nghén chiến lược của họ mang tính chất thực sự quốc tế.
Ngô Đình Diệm đảm bảo với người
Mỹ ông đúng là người cho vị trí này, đồng thời nỗ lực xây dựng và giữ yên ổn
cho một nhà nước độc lập và chính danh, kinh tế khỏe mạnh và chính trị tập
trung. Các anh em của ông và ông có niềm tin vững chắc rằng họ là những người
tài giỏi duy nhất có thể làm điều này. Ít nhất theo mắt họ, quá nhiều nhà quốc
gia chủ nghĩa đã thỏa hiệp bằng cách đặt cược vào người Pháp hoặc bằng việc
không tuyên bố gì : thêm lý do để họ nghĩ mình là những người được chọn của quốc
gia. Không kể đến những thành công giành được năm 1953-1954, là điều đã đóng
góp tương đương làm tăng niềm vững tin của họ. Tuy nhiên, những ý kiến chỉ
trích nổi lên chống đối sự trượt dài nguy hiểm vào quyền lực độc tài và gia
đình trị, được hiện thân bởi Diệm là người ngày càng dựa vào gia đình mình và
các mạng lưới công giáo để cầm quyền. Họ đáp lại rằng đối với gia đình họ Ngô,
điều quan trọng nhất nằm ở chỗ khác : đó là hành động và có được kết quả. Thời
gian sẽ trả lời. Những người thực dân và những người cộng sản đã mặc cả một nửa
đất nước ở Genève, họ thét lại. Bảo Đại hoàn toàn bị vượt qua bởi các sự kiện
này, giữ Diệm làm thủ tướng và cho ông ta điều mà gia đình họ Ngô muốn : tức
toàn bộ quyền lực. Một năm sau, Bảo Đại không còn ở đó. Quân đội Pháp đã rút
đi. Diệm, về phần ông, thành lập Việt Nam Cộng Hòa, củng cố quyền lực cá nhân
và nắm kiểm soát quân đội. Đồng tiền Đông Dương biến mất vào tháng mười hai năm
1955 và với nó, một thế kỷ quyền lực thuộc địa Pháp ở Đông Dương.
Nếu hội nghị Genève năm 1954
đánh dấu rõ kết thúc xung đột của Pháp, nó chỉ là một sự tạm ngưng giữa hai cuộc
chiến, tách biệt và giao nhau, một của Việt Nam và một của Mỹ. Cuộc xung đột Việt
Nam là một cuộc nội chiến, khởi đầu vào những năm 1945-1946 giữa những người cộng
sản do VNDCCH lãnh đạo và những đối thủ không cộng sản của họ, tập hợp lại phía
sau Đại Việt và VNQDD ở phía Bắc cho đến tận các lực lượng tôn giáo Hòa Hảo và
Cao Đài ở phía Nam. Việc hai nước Việt Nam ra đời từ hiệp định Genève tồn tại
càng lâu, từng nước nỗ lực củng cố các phần nước của mình, một ở phía Bắc, một ở
phía Nam, thì việc ngừng bắn được thương lượng quốc tế vào năm 1954 càng có thể
hoặc có lẽ sẽ dễ dàng dẫn tới hai nhà nước Việt Nam tách biệt, như trường hợp
(tồn tại đến ngày nay) ở Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng nếu hai nhà nước Việt
Nam, hoặc một trong hai, lặp lại những đòi hỏi chủ quyền về vùng bên kia, nội
chiến Việt Nam sẽ trở lại thảm khốc hơn, bằng cách kéo dài cuộc xung đột mà những
nguyên nhân của nó bắt nguồn từ bạo lực nội chiến của những năm 1945-1947 (23).
Cùng một thể thức, thay vì thi
hành hiệp định Genève như một dạng chuyển giao quyền lực ở Việt Nam từ người Pháp
cho người Mỹ, thì đúng là phải thấy ở đây sự khởi động lại chiến tranh ngăn chặn
gián tiếp do Washington thực hiện và được khởi đầu ở Đông Dương ngay những năm
1948-1950. Vì nếu người Pháp có thể thao túng chủ nghĩa chống cộng sản của Mỹ
trong viễn cảnh duy trì quyền lực thuộc địa của họ ở Đông Dương, thì không nên
quên rằng người Mỹ, họ cũng sử dụng chính quyền thuộc địa, lực lượng đặc công
và quân đội Pháp trong khuôn khổ cuộc chiến toàn cầu và gián tiếp của họ chống
lại chủ nghĩa cộng sản. Đầu năm 1954, 80% phí tổn của chiến tranh Đông Dương là
do người Mỹ chi trả. Những người này đã không mua cuộc chiến Đông Dương của người
Pháp. Cuộc chiến này cũng là cuộc chiến của họ, và phải trả
giá để duy trì người Pháp trong phần Đông Dương này, tức chiến lược thực sự
toàn cầu. So sánh với giá trị GDP tốn kém để bảo đảm phòng vệ cho Tây Âu, không
nói tới những gì đã chi tiêu cho chiến tranh Triều Tiên và việc đặt căn cứ quân
sự trên thế giới tốn kém nặng nề, chiến lược gián tiếp này - dùng điểm tựa Pháp
ở Đông Dương - về mặt kinh tế tỏ ra là có cơ sở. Những người cộng sản Pháp
không phải là những người duy nhất nhấn mạnh rằng nước Pháp “xuất cảng binh
lính đến Đông Dương để đổi lấy đôla” (24).
Mỹ đã không “thay thế” Pháp năm
1954, như ta thường dám chắc như thế. Một chủ thể khác đã làm điều này và đó là
Việt Nam Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm. Điều này cũng không phải là sự gì ngẫu
nhiên nếu việc sang tay này đã được quyết định trong những thương lượng ở
Genève năm 1954. Miễn là người Mỹ chú ý không giẫm đạp lên chủ quyền quốc gia
Việt Nam (cũng giống như họ đã cẩn thận tôn trọng chủ quyền thuộc địa của Pháp ở
Đông Dương) và miễn là những nhà lãnh đạo Việt Nam chú ý không gây tổn hại đến
sự đầu tư chiến lược của Mỹ ở Việt Nam bằng việc thương lượng với những người cộng
sản sau lưng Washington, thì khi đó một liên minh mới có thể hoạt động ở Đông
Dương.
Ngược lại, người Mỹ đã không lường
trước sự diễn giải mà rốt cuộc Diệm đã đưa ra cho chiến lược ngăn chặn gián tiếp
này. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng đã coi việc này như là một sự bảo hộ.
Thực vậy, năm 1960, hơn một đại diện Mỹ ở Việt Nam hối tiếc là đã không có quyền
lực mà người Pháp từng có trong tay, để xúc tiến các cải cách và những hoạt động
quân sự mà họ mong muốn. Khi những chính sách do Diệm chỉ huy đe dọa làm mất đi
phần lớn giới tinh hoa chính trị Việt Nam ở phía nam và nó đẩy đa phần nông dân
cầm vũ khí đứng về phía cộng sản, do đó khởi động lại nội chiến Việt Nam, thì
chính quyền Kennedy đã ra một quyết định lịch sử vào năm 1963. Nó hậu thuẫn cho
việc lật đổ “miracle men” (người tuyệt diệu) của họ xưa kia, tức Ngô Đình Diệm,
bằng một cuộc đảo chính quân sự. Vì lý do này, năm 1963 cũng mấu chốt như những
năm 1948-1950 hay 1953-1954. Không chỉ vì nó mở đường cho Mỹ can thiệp, nhưng
vì nó còn đánh dấu sự thất bại của mười lăm năm chiến tranh gián tiếp mà người
Mỹ chỉ đạo ở Đông Dương.
Người Mỹ bấy giờ phải quyết định,
và ta thấy rõ toàn bộ sự trớ trêu của việc này, là dựa vào ai họ có thể tiếp tục
đấu tranh cho cuộc chiến ngăn chặn của họ ở Đông Nam Á. Vì không tìm được đối
tác để cùng tiến hành cuộc chiến, họ đành phải ra một quyết định cũng rất lịch
sử, can thiệp trực tiếp ở Việt Nam hoặc rút quân một lần cho xong. Khi Kennedy
thay thế MAAG bằng MACV năm 1962 và yêu cầu một “đối tác hạn chế” với Diệm, người
Mỹ đã hướng về một cuộc chiến trực tiếp hơn ở Việt Nam. Ngô Đình Diệm đã phản đối
việc này. Và ông đã trả giá đắt.
*
(1) Voir mon chapitre "La
fabrique coloniale des rois en Indochine", Agather Larchet Goscha et
François Guillemot, Vietnam. La colonisation des corps, Paris,
Vendémiaire, 2014.
(2) Je m'appuie sur les travaux
novateurs de Laurent Césari, Le problème diplomatique de l'Indochine,
1945-1957, Paris, Les Indes Savantes, 2013 et Pierre Grossier, La
France et l'Indochine (1953-1956). Une "carte de visite" en
"peau de chagrin", Paris, Institut d'études politiques de
Paris, 2002, thèse de troisième cycle.
(3) Mark Lawrence, Assuming
the Burden : Europe and the American Commitment to War in Vietnam,
Berkeley, University of California Press, 2005; Mark Lawrence, 'Recasting
Vietnam : The Bao Daï Solution and the Outbreak of the Cold War in Southeast
Asia', Christopher Goscha et Christian Ostermann, eds., Connecting
Histories : Decolonization and the Cold War in Southeast Asia, (1945-1962), Stanford,
Stanford University Press, 2009, p. 15-38; Andrew Ritter, The Path to
Vietnam : Origins of American Commitment to Southeast Asia, Ithaca, Cornell
University Press, 1989; Andrew Rotter, 'The Triangular Route to Vietnam : The
United States, Great Britain, and Southeast Asia, 1945-1950', The
International History Review, vol 6, no 3 (1984) p. 404-423.
(4) Les accords de Postdam
signés au milieu de l'année 1945 habilitaient les Anglais à recevoir la
capitulation japonaise en Indochine en dessous du 16e parallèle et la
République de Chine au nord de cette ligne.
(5) Cité dans mon mémoire
"Le premier échec contre-révolutionnaire au Vietnam", (Paris :
Mémoire de DEA, Université de Paris VII, 1994), notes 119-120, online at
http://www.er.uqam.ca/nobel/r26645/documents/articles/ContreRevolution_VNQDD.pdf
(6) Cité par Devillers, Histoire
du Vietnam, Paris, Éditions du Seuil, 1952, p. 367.
(7) Sur Léon Pignon, voir :
Daniel Varga, La politique française en Indochine (1947-1950) :
Histoire d'une décolonisation manquée, (Aix-en-Provence : Université
d'Aix-Marseille I, 2004, Thèse de Doctorat) et "Léon Pignon, l'homme-clé
de la Solution Bao Daï et de l'implication des États-Unis dans la Guerre
d'Indochine", Outre-mers, nos. 364-365 (décembre 2009), p.
277-313.
(8) Christopher Goscha,
"Le contexte asiatique de la guerre franco-vietnamienne : réseaux,
relations et économie (1945-1954)", Paris, École Pratique des Hautes
Études, 2000, Thèse de Doctorat, section Indochine.
(9) Bodard, La guerre
d'Indochine, p. 131.
(10) Varga, "Léon Pignon,
l'homme-clé de la solution Bao Daï", p. 277-313.
(11) Bodard, La guerre
d'Indochine, p. 153.
(12) Léon Pignon,
"Reconnaissance de Ho Chi Minh par Mao Tse Tung", p. 10-11, 24
janvier 1950, no 16/PS/CAB, signé Pignon, dossier 6, carton 11, série XIV,
SLOTFOM, Centre des Archives d'Outre-mer.
(13) Christopher Goscha, Historical
Dictionary of the Indochina War (1945-1954), Honolulu, University of
Hawaii Press, 2011, pp. 191-192, 393-394, 424-425 et carton 10H266, Service
historique de la Défense.
(14) Dommen, The
Indochinese Experience, p. 282-283.
(15) Cité par Arthur
Dommen, The Indochinese Experience of the French and the Americans,
Bloomington, Indiana University Press, 2001, p. 213.
(16) Pour cette section, je m'appuie
sur les travaux de François Guillemot, Daï Viet, indépendance et
révolution au Viet-Nam : l'échec de la troisième voie (1938-1955), Paris,
Les Indes Savantes, 2012; Jessica Chapman, Cauldron of Resistance : Ngo
Dinh Diem, the United States, and 1950s Southern Vietnam, Ithaca, Cornell
University Press, 2013; Hellen Hammer, The Struggle for Indochina,
Stanford, Stanford University Press, 1966; Dommen, The Indochinese
Experience; et surtout Edward Miller, 'Vision, Power and Agency : The
Ascent of Ngo Dinh Diem, 1945-54', Journal of Southeast Asian Studies, vol.
35, no. 3, (October 2004), p. 433-458.
(17) Miller, 'Vision, Power,
Agency', p. 446
(18) Miller, 'Vision, Power,
Agency', p. 446
(19) Bao Daï, Le dragon
d'Annam, Paris, Plon 1980, p. 328-329.
(20) Sur la politique française
face au réarmement allemand et l'armée européenne, voir : William
Hitchcock, France Restored, Chapel Hill, University of North
Carolina Press, 1998, chapitres 5-6.
(21) Cité par Philip
Catton, Diem's Final Failure, Lawrence, University Press of Kansas,
2002, p. 7.
(22) Sur les premières années
de la République du Vietnam, je me base sur les études suivantes : Philip
Catton, Diem's Final Failure; Miller, Misalliance;
Dommen, The Indochinese Experience; et Chapman, Cauldron of
Resistance.
(23) Guillemot, Daï
Viet.
(24) C'est ainsi que le formula
Jean-Jacques Servan-Schreiber, fondateur de L'Express et proche de
Mendès France, le 22 juillet 1953. Cité dans le journal Le Monde.
------------------------------------------
Nguồn :
Revue
Historique des Armées, no. 276, (3ième trimestre 2014), pp. 44-56
(Tạp chí Lịch sử quân đội,
số 276, (quý 3 năm 2014), trang 44-56)
No comments:
Post a Comment