Wednesday, January 15, 2020

CÔNG DÂN & HIẾN PHÁP (Trần Công Lân - Ngàn Lau)




Trần Công Lân

Kể từ 1975 khi người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do nơi xứ người đã có nhiều tổ chức, phong trào, sinh hoạt hướng về một nước Việt sau thời cộng sản. Tuy chưa có dấu hiệu gì cộng sản VN sẽ từ bỏ quyền lực hay chấp nhận thay đổi Hiến Pháp nhưng phía người Việt tự do đã có năm, bảy bản Hiến Pháp được làm sẵn để chờ thời cơ. Những tác giả của các bản Hiến Pháp trên đều hy vọng một khi cộng sản "biến mất" thì toàn dân Việt sẽ bàn "Hiến Pháp" làm sẵn của họ.

Khi nước Mỹ rơi vào khủng khoảng chính trị dưới thời Tổng Thống Trump thì người Mỹ gốc Việt cũng rơi vào một khủng khoảng: nhận diện vấn đề. Đa số chạy theo tình cảm, xung động, thiên kiến... mà quên đi những căn bản của vấn đề: con người và nguyên tắc căn bản. Một quốc gia dân chủ là quốc gia thượng tôn pháp luật. Bộ luật tối cao của quốc gia là Hiến Pháp. Hiến Pháp Mỹ xác định sự phân quyền, kiểm soát và cân bằng (check and balance) của ba ngành: Hành Pháp, Lập Pháp và Tối Cao Pháp Viện.

Khi người Mỹ gốc Việt sống trên 40 năm tại Mỹ thì không ai dám bảo là không đủ trình độ để hiểu các cuộc tranh luận đang xảy ra. Nhưng đa số người Mỹ gốc Việt đã để tình cảm chi phối lý trí khi nhận định về những việc làm và hành động của Tổng Thống Trump. Ít nhất chúng ta đã sống qua thời kỳ của các Tổng Thống Kennedy, Johnson, Nixon, Ford khi còn VNCH và sống với Tổng Thống Carter, Reagan , Bush I , Clinton, Bush II và Obama để biết tư cách, hành xử của một nguyên thủ quốc gia, một cường quốc trên thế giới có ảnh hưởng rất lớn đến hòa bình thế giới. Vậy chúng ta thấy gì nơi con người, tư cách cá nhân của các vị này?

Xin đừng nói trắng trợn là bạn không quan tâm đến tư cách cá nhân của một vị Tổng Thống chỉ vì ông ta "đánh Tàu" và Tàu đang uy hiếp cộng sản Việt Nam.

Khi một xã hội do con người kết tụ lại với nhau qua một "xã ước" (social contract) mà điển hình là Hiến Pháp. Mọi người dân đều phải tôn trọng luật lệ mà Hiến Pháp qui định cho dù sau đó một công dân trong số chúng ta sẽ trở thành Tổng Thống thì vẫn không thể ngồi trên đầu Hiến Pháp (above the law).

Vậy khi Tổng Thống làm chuyện mờ ám thì Quốc Hội có quyền điều tra. Nếu Tổng Thống nhận thấy mình vô tội thì tại sao lại ngăn chặn cuộc điều tra? Cấm nhân chứng ra điều trần trước Quốc Hội? Quốc Hội không thể buộc tội Tổng Thống nếu không có bằng chứng nhưng ít nhất Quốc Hội phải thực hiện vai trò kiểm soát Hành Pháp vì đó là Hiến Pháp quy định.

Bạn sẽ nghĩ sao khi Thượng Viện và Tối Cao Pháp Viện đồng lõa tha tội cho Tổng Thống dù có bằng chứng lạm quyền và cản trở sự điều tra của Quốc Hội?

Chúng ta đi tìm tự do, dân chủ để định cư. Vậy nếu nước Mỹ mất dân chủ thì chúng ta đi đâu?

Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2019 (Việt Lịch 4898)





No comments: