Lê Phan
January 19, 2020
Có lẽ ngay đến
cả người Anh cũng phải rối trí khi được hỏi khi nào thì Liên Hiệp Vương Quốc
chính thức rời khỏi Liên Hiệp Âu Châu. Thực ra, trên
nguyên tắc, Liên Hiệp Vương Quốc sẽ chia tay với Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 31
Tháng Giêng này. Khổ một nỗi cái ngày đó không có ý nghĩa gì cả vì cho đến ngày
31 Tháng Mười Hai năm 2020, trên mọi hình thức cũng như thực tế, Liên Hiệp
Vương Quốc vẫn còn dính chặt vào với Âu Châu.
Và khi vào cuối tháng này, Anh Quốc, cái tên mà người
Việt chúng ta thường quen gọi nước Anh, mà thực sự chỉ là phiên âm của chữ
England, một phần trong bốn vương quốc kết hợp thành Liên Hiệp Vương Quốc,
chính thức rời Liên Hiệp Âu Châu, công việc khó khăn điều đình một liên hệ mậu
dịch với thị trường lớn nhất của mình cũng như lục địa to lớn mình sống cạnh,
thay đổi các luật lệ về di dân mà phe Brexit đã mơ ước, và làm lại liên hệ với
các đối tác toàn cầu như Hoa Kỳ chẳng hạn. Đó chỉ là một danh sách sơ khởi của
những gì cần phải thực hiện.
Nhưng những chuyện quan trọng đó đã bị gác sang một
bên trong khi điều đang làm bận tâm những ủng hộ viên cho Brexit là liệu vào
giây phút ra đi đó, tiếng chuông đồng hồ Big Ben có điểm giờ hay không?
Tháp đồng hồ Big
Ben đang được trùng tu. (Hình: Adrian DENNIS/AFP/Getty Images)
Điều bất tiện là vì cái đồng hồ nổi tiếng nhất nước
hiện đang được sửa chữa. Sau mấy trăm năm, đã đến lúc phải đại tu sửa nếu không
thì có ngày nó không còn rung chuông được nữa. Cũng như tòa lâu đài Westminster
vốn là trụ sở Quốc Hội Anh, mọi sự đang rất cần phải đóng cửa để bảo trì nếu
không thì tòa nhà quốc hội lâu đời này sắp sụp xuống sông Thames mất. Nhưng điều
đó không làm cản trở cho một chương trình ồn ào đòi mang nó hoạt động trở lại
chỉ để đánh dấu giây phút ngắn ngủi của lịch sử mà có khá nhiều người Anh muốn
quên.
“Big Ben Must Bong for Brexit,” tờ báo lá cải The
Daily Express la lớn trên trang nhất, đè lên một tấm hình đồng hồ không có những
giàn giáo và các ông thợ leo trèo khắp nơi đang che kín nó. Nhưng vấn đề là tiền
đâu, vì muốn Big Ben Bong thì phải chi ra 500,000£ (cỡ $650,000).
Hôm Thứ Ba tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với
đài BBC, Thủ Tướng Boris Johnson đã đề nghị là chi phí tái dựng tạm đồng hồ để
nó có thể rung vào đêm hôm đó có thể đạt được qua gây quỹ online. Nhưng văn
phòng ông sau đó bẽn lẽn công nhận là không có cách chính thức nào cho công
chúng đóng góp.
“Boris’ bonkers ‘bung a bob for Big Ben Brexit
bongs’ bid bombs,” là lời phê bình chế nhạo của một tờ báo lá cải khác. The
Daily Mirror, vốn dĩ nhiên không ủng hộ Brexit. (Xin tạm dịch để cho quý vị độc
giả khỏi thắc mắc: Điên cuồng của Boris cho đề nghị ‘nộp một đồng cho Brexit
bong của Big Ben’ đã bị chìm xuồng).
Trong khi đó, những tay Brexit điên cuồng tức giận lầm
bầm là có một âm mưu chống lại họ và đề nghị các chuông nhà thờ reo thay. Hội Ðồng
Trung Ương Những Người Rung Chuông Nhà Thờ đã bày tỏ nghi ngờ. Vâng, chuông nhà
thờ thì phải có người rung chứ không tự động bởi nhà thờ ở Anh cả trăm năm,
chuông vẫn là chuông cổ, không có chuông điện.
Cuộc tranh luận này đã cho thấy rõ sự vụng về đáng
ngạc nhiên của chính phủ về cách nào để đánh dấu việc chấm dứt 47 năm liên kết
với Âu Châu, một tham vọng đã đưa ông Johnson lên nắm quyền nhưng vẫn tiếp tục
chia rẽ đất nước.
Cũng phải thêm là tuy ông Johnson đã thắng một cách
đáng kể một đa số trong quốc hội trong cuộc bầu cử hôm tháng rồi, ông đã đạt được
điều đó bằng một chiến lược khôn ngoan đoàn kết phe ủng hộ Brexit theo một cách
bảo đảm chiến thắng theo lối bỏ phiếu kẻ thắng ăn cả của hệ thống bầu cử của
Anh.
Thực sự, đa số cử tri ủng hộ những đảng muốn hoặc là
một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit hay bỏ Brexit luôn cho rồi. Họ chỉ không
đồng ý nổi cùng một đối thủ nên ông Johnson mới thắng.
Trong nhiều ngày qua, số 10 đường Downing đã tìm
cách chần chờ khi được hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi Anh Quốc chính thức rời khỏi
khối, không phải vào nửa đêm ngày 31 Tháng Giêng mà vào lúc 11 giờ tối. Thời
gian đã bị áp đặt, như tất cả hầu hết những điều đình khác về Brexit cho đến nay,
bởi Brussels, vốn có múi giờ khác múi giờ Luân Đôn.
Ông Johnson lại còn đang lo là giây phút đó sẽ bị
đánh cắp bởi ông Nigel Farage, lãnh tụ đảng Brexit, bạn thân của Tổng Thống
Donald Trump, vốn đang dự định tổ chức một cuộc ăn mừng bên ngoài tòa nhà Quốc
Hội.
Nhưng ông cũng có vẻ còn không biết chọn một thái độ
như thế nào về một vấn đề đã chia rẽ đất nước trong ba năm. Brexit nguyên thủy
đáng lẽ xảy ra hôm Tháng Ba năm ngoái, và những chuẩn bị trước đã bị hủy bỏ, với
ngay cả đồng tiền kỷ niệm cũng đã phải nấu chảy đúc lại khi Anh quốc đã bị buộc
phải yêu cầu thêm hai lần gia hạn nữa.
Những người chỉ trích cái ý kiến cho Big Ben kêu
nghĩ là nó chứng minh cho họ điều họ sợ nhất về Brexit: đó là nó bị thúc đẩy bởi
hoài niệm của quá khứ và một sự mơ tưởng đến hào quang của một đế quốc Anh đã mất
hơn nửa thế kỷ nay.
Một số những người ủng hộ Brexit quả là mong ước tái
lập lại quá khứ. Họ đang đòi chính phủ quay trở lại thông hành màu xanh mà họ
đã mang thời thập niên 1970. Ngày nay, Anh Quốc, cũng như các quốc gia Âu Châu
khác, đã chọn màu nâu hạt dẻ. Có người còn vận động xây lại một du thuyền cho
hoàng gia.
Dân biểu Neil Gray, thuộc đảng Scottish National
Party, đảng chống kịch liệt Brexit, tweet “Ám ảnh với Big Ben kêu cho Brexit thực
sự làm nổi bật sự nông cạn của chiến dịch Vote Leave. Big Ben kêu (nhờ tiền
công chúng đóng góp), nhưng không có bảo đảm cho các công dân EU, không bảo đảm
Erasmus…” Cũng xin mở ngoặc Erasmus là một chương trình học bổng xuyên EU dành
cho các sinh viên trong liên hiệp đi học cũng như các học giả đi làm việc ở các
quốc gia trong liên hiệp.
Hầu hết các nhà phân tích đều nói họ tin là lá phiếu
cho Brexit năm 2016 là về cá tính và cảm tưởng mất chủ quyền hơn là kinh tế, dầu
ông Johnson có hứa hẹn giàu có hơn xưa. Một cuộc nghiên cứu của Bloomberg
Economics đã cho thấy chi phí cho Brexit đã lên đến 130 tỷ bảng Anh, và thêm 70
tỷ nữa dự trù cho đến cuối năm nay.
Và chính vì vậy biểu tượng quan trọng cho những người
ủng hộ Brexit, và những ai muốn Big Ben kêu, lý luận là mặc dầu đang sửa chữa,
cái chuông đã rung trong những dịp quan trọng, kể cả đón năm mới.
Vài chục dân biểu, kể cả ông Mark Francois, mỉa mai
thay, lại là ông dân biểu chủ trương Brexit ồn ào nhất, đã ký một bức thư ngỏ
đăng trên tờ The Telegraph, tờ báo bảo thủ ủng hộ Brexit, yêu cầu đừng để Big
Ben im tiếng vào ngày 31 Tháng Giêng.
Họ viết “Chúng tôi tin là điều này sẽ làm đau lòng
những người trên toàn nước Anh muốn chào đón giây phút quan trọng này.” Ông
Farage cũng nhảy vào, nói là cho cuộc ăn mừng dự trù của ông bên ngoài Điện
Westminster, ông có thể phải chơi một bản thu thanh tiếng bong. Ông Farage bảo
với đài phát thanh LBC Radio là nếu Big Ben không kêu thì thật là một trò hề
làm nhục đất nước.
Nhưng Hạ viện nói bộ máy của cái đồng hồ vốn thường
điều khiển cái búa khổng lồ đánh vào cái Chuông Lớn, như Big Ben thường quen được
gọi, đã bị gỡ xuống để sửa. (Cũng xin thêm Big Ben là cái nickname của Cái
Chuông Lớn, dựng trên đỉnh cái tòa tháp mà chính thức được gọi là Tòa Tháp
Elizabeth, chứa nguyên hệ thống đồng hồ này).
Để cho chuông có thể kêu, một cái sàn tạm phải được
dựng lên, chi phí làm sàn tạm và đặt, thử Big Ben tạm sẽ tốn 120,000£. Thêm vào
đó, nó sẽ làm trì hoãn việc sửa chữa thêm hai đến bốn tuần, mà chi phí trì hoãn
mỗi tuần là 100,000£.
Vả lại chỉ có mấy người Brexit mới làm ồn lên chứ đối
với đại đa số dân chúng, nhất là dân Luân Đôn vốn bỏ phiếu áp đảo chống Brexit,
chuyện có gì mà làm ầm ĩ. Sau ngày 31 Tháng Giêng, Anh Quốc sẽ vẫn còn trong
Liên Hiệp Âu Châu cho đến cuối năm cơ mà. Có lẽ vì vậy ông Boris Johnson cũng
không muốn làm ồn.
Nhưng những người Brexit vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Tuy
có một vài hứa hẹn ồn ào nhưng cho đến nay trên trang quyên góp chỉ mới
có 425£. Trong khi đó, ông Francois bảo với đài ITV là nếu cần ông và các dân
biểu ủng hộ Brexit, “sẽ leo lên và đánh vào nó để đỡ tốn tiền.” Văn phòng Quốc
Hội chỉ ra là nếu ông muốn làm vậy cũng không được vì không có sàn nên chả có
chỗ nào cho ông đứng để mà “đánh vào nó” cả. (Lê Phan)
No comments:
Post a Comment