Monday, January 20, 2020

BIỂN ĐÔNG VẪN LÀ DẤU HỎI TRƯỚC THỀM NĂM MỚI (Trân Văn)




17/01/2020

Vừa có thêm hàng loạt diễn biến liên quan đến tình hình biển Đông nhưng đối chiếu các diễn biến này với nhau, rõ ràng rất khó xác định tình hình biển Đông sẽ như thế nào…

***
Tuy hoạt động của các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở châu Phi trở nên đáng ngại hơn (hồi thượng tuần tháng này, một nhóm khủng bố Hồi giáo vừa tấn công vào phi trường quân sự ở vịnh Manda - Kenya, khiến một quân nhân Mỹ và hai công dân Mỹ làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ tại đó thiệt mạng) (1) nhưng cách nay vài ngày, một số cơ quan truyền thông am tường lĩnh vực quốc phòng cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn tiếp tục xem xét kế hoạch cắt giảm quân số trú đóng tại châu Phi, tái phối trí lực lượng này cho việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương (2).

Toàn châu Phi chỉ có chừng 6.000 quân nhân Mỹ trú đóng. Họ đảm trách hai nhiệm vụ: Vừa huấn luyện cho quân đội nhiều quốc gia ở châu Phi vừa hỗ trợ chính phủ nhiều quốc gia ở châu Phi nâng cao khả năng kiểm soát – ngăn chặn hoạt động của phiến quân thuộc nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan. Dẫu Bộ Chỉ huy khu vực châu Phi của quân đội Mỹ cảnh báo, việc cắt giảm quân số đồn trú ở châu Phi có thể khiến các nhóm khủng bố phát triển mạnh hơn, nguy hại cho an ninh quốc gia nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn khẳng định, kiềm chế Nga (ở châu Âu) và Trung Quốc (ở châu Á) là ưu tiên hàng đầu.

Ý tưởng giảm quân số ở châu Phi, tập trung sức mạnh quân sự vào khu vực châu Âu, đặc biệt là châu Á đã được Ryan McCathy – Bộ trưởng Lục quân Mỹ, giới thiệu khá cặn kẽ vào cuối tuần trước với cử tọa của Viện Brookings. Lục quân Mỹ hiện có 85.000 quân nhân ứng trực ở nhiều vị trí khác nhau (bang Alaska, bang Washington, bang Hawaii, Nhật, Nam Hàn) và sẵn sàng hành động bất kỳ lúc nào ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Để gia tăng khả năng ứng phó, lục quân Mỹ sẽ tăng số lượng quân nhân tham gia vào những cuộc tập trận thường niên với quân đội các quốc gia trong vùng.

Lục quân Mỹ cũng sẽ gia tăng cả phương tiện quân sự lẫn khả năng phối hợp tấn công trên bộ, trên không, trên biển, trên Internet giữa các đơn vị với nhau và giữa lục quân, không quân, hải quân, thủy quân lục chiến (vốn cũng đã có những kế hoạch riêng để gia tăng sức mạnh và khả năng ứng phó tại châu Á – Thái Bình Dương). Mc Cathy nhấn mạnh, tất cả những nỗ lực này là nhắm vào Trung Quốc – quốc gia đang tìm mọi cách, từ viện trợ đến sức mạnh quân sự để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Theo Mc Cathy, Mỹ không muốn chiến tranh nhưng phải sẵn sàng để đáp ứng ngay lập tức (3)…

***
Không chỉ có Mỹ kiềm chế sự hung hăng và nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á. Giữa tuần này, ông Toshimitsu Motegi - Ngoại trưởng Nhật và ông Carlos Dominguez – Bộ trưởng Tài chính Philippines, chính thức loan báo: Nhật sẽ là quốc gia hỗ trợ Philippines cải tạo hải cảng, phát triển các dịch vụ hàng hải tại nơi vốn là quân cảng cũ của Mỹ ở vịnh Subic (4). Subic nằm một bên biển Đông, gần như đối diện với vịnh Cam Ranh ở bờ bên kia. Tuy Mỹ giao trả quân cảng ở vịnh Subic cho Philippines năm 1992 nhưng từ đó đến nay, Subic vẫn là nơi nhiều chiến hạm của Mỹ chọn thả neo và Thủy quân lục chiến Mỹ đổ đến tập luyện với quân đội Philippines.

Năm ngoái, hải quân Mỹ loan báo, sau khi khảo sát, họ nhận thấy hệ thống doanh nghiệp của Philippines hoạt động tại khu vực vịnh Subic có khả năng cung cấp dịch vụ bảo trì và tiếp liệu cho những chiến hạm của Mỹ thực hiện các đợt tuần tra ở biển Đông và Thái Bình Dương. Song cũng năm ngoái, một trong những doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ bảo trì tàu của Philippines tại vịnh Subic tuyên bố phá sản. Có đến hai doanh nghiệp của Trung Quốc cùng ngỏ ý mua lại toàn bộ doanh nghiệp đã phá sản này ngay lập tức!

Trung Quốc đã từng bỏ ra 987 triệu Mỹ kim, tài trợ cho việc xây dựng một tuyến đường sắt dài khoảng 70 km, nối Clark Freeport với vịnh Subic. Clark Freeport là một đặc khu kinh tế của Philippines hình thành sau khi Mỹ bàn giao cả căn cứ không quân Clark (Clark Air Base) cho Philippines hồi đầu thập niên 1990. Tuy nhiên đề nghị mua doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ bảo trì tàu tại vịnh Subic của hai doanh nghiệp Trung Quốc khiến cả Philippines lẫn nhiều quốc gia… giật mình. Giờ, Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật (JICA) sẽ đứng ra hỗ trợ chính Philippines phát triển vịnh Subic.

***
Tuần này, tại Việt Nam, một số cơ quan truyền thông thuộc chính quyền, công bố thêm một số thông tin, hình ảnh về Gạc Ma. Bãi đá mà Trung Quốc từng thảm sát 64 người lính Hải quân nhân dân Việt Nam rồi chiếm đóng từ năm 1988 đến nay đã được bồi đắp thành một hòn đảo nhân tạo, diện tích khoảng 13 héc ta. Gạc Ma hiện có một cao ốc tám tầng, có hệ thống điện tử giám sát hoạt động hàng hải ở biển Đông, có quân cảng cho những con tàu tải trọng 4.000 tấn ra vào, có bãi đáp trực thăng và rõ ràng là một căn cứ hỏa lực rất mạnh (5).

Cũng tuần này, “nhân dịp Tết cổ truyền Canh Tý và kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung”, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Việt Nam đã gọi điện thoại cho ông Tập Cận Bình – người đồng nhiệm phía Trung Quốc. Ông Trọng “Chúc mừng đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc về những thành tựu trong xây dựng, phát triển đất nước… Chúc nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục giành được những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” (6).

Suốt 70 năm bang giao giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có bao nhiêu người Việt thiệt mạng, bao nhiêu gia đình ở Việt Nam tan nát vì sự trịch thượng và tham vọng vô lối của đảng, chính phủ Trung Quốc? Trước nay, đảng, chính phủ Trung Quốc vẫn xem việc cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, chiếm đóng bảy bãi đá của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, bao gồm Gạc Ma thuộc nhóm “thành tựu trong xây dựng, phát triển đất nước”. Chẳng lẽ Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Việt Nam chúc mừng cả những… “thành tựu” này?

Ngoài tham vọng vô lối, sự càn rỡ và vô số thủ đoạn nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới nói chung, tại châu Á nói riêng và đặc biệt là ở biển Đông đang làm cộng đồng quốc tế lo ngại. Giữa lúc cộng đồng quốc tế công khai bày tỏ sự lo ngại ấy và giữa lúc càng ngày càng nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế “chỉ mặt, gọi tên” Trung Quốc, có nên xem việc “Chúc nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục giành được những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” là một biểu hiện “tài tình, sáng suốt” về đối ngoại?

***
Các diễn biến như đã thấy tại biển Đông, sự chênh lệch về khả năng, sức mạnh ở nhiều khía cạnh khác nhau giữa Việt Nam, Trung Quốc, khiến nhiều người ở cả bên trong lẫn bên ngoài Việt Nam liên tục thúc giục hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “quốc tế hóa vấn đề biển Đông”. Mãi đến gần đây, đảng, nhà nước Việt Nam mới thôi xem khuyến cáo này là “âm mưu, luận điệu của các thế lực thù địch, phản động”. Đáng ngạc nhiên là cho dù phản ứng của cộng đồng quốc tế về hiện trạng biển Đông đã khác trước nhưng Việt Nam vẫn thế, vẫn “tranh thủ tất cả các bên”.

Trong bang giao quốc tế, vì nhiều lý do (lợi ích quốc gia, tình thế, tương quan giữa thế và lực,…) không thể xem thường “khéo léo, mềm mỏng” nhưng nếu “khéo léo, mềm mỏng” vì Trung Quốc không thôi vỗ về như ông Tập Cận Bình vừa vỗ về ông Nguyễn Phú Trọng khi cả hai điện thoại chúc mừng nhau nhân dịp Tết cổ truyền (chỉ có Tân Hoa Xã tường thuật, không thấy báo chí Việt Nam đề cập): “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng chung tay nỗ lực với Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng sự nghiệp xã hội chủ nghĩa hai nước và quan hệ song phương trong thời đại mới lên tầm cao mới” - thì hành xử của Việt Nam trong vấn đề biển Đông vẫn là một dấu hỏi (7)!

----------------------------

Chú thích












No comments: