Trung Nguyễn
08/01/2020
Tổng
bí thư đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có một bài trả lời
phỏng vấn rất dài trên báo Dân Tộc nhân kỷ niệm 90 năm thành lập đảng Cộng sản
Việt Nam. Ngoài những câu tự sướng thường thấy thì bài phỏng vấn này cũng bộc lộ
rõ sự bế tắc trong lý luận của đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó bộc lộ rõ sự sụp
đổ sắp tới của đảng cộng sản.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Báo cáo trình ra
Đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà phải phân tích đánh giá
tình hình hiện nay và sắp tới, dự báo đến năm 2030, năm
2045 địa phương ta, đất nước ta sẽ là như thế nào? Cứ nói thành
phố thông minh, thành phố xanh, vậy nội hàm cụ thể là gì? Hoặc
nước ta đến năm 2030 sẽ là nước công nghiệp phát triển hay là
một nước phát triển, hay là một nước công nghiệp theo hướng
hiện đại, nội hàm của nó là gì? Từ năm 2001, chúng ta đã xác định đến
năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giờ
đã cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa?”
Ở đây, không còn lời gì để miêu tả về “giáo sư, tiến
sĩ ngành xây dựng đảng” Nguyễn Phú Trọng. Quan chức cộng sản liên tục hô hào
xây dựng những thứ nghe rất kêu như “thành phố thông minh“, “thành phố xanh”, “nước phát triển”, “nước công nghiệp”,…
nhưng đến nay chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng chẳng hiểu những khái niệm đó
nghĩa là gì. Tức là quan chức cộng sản chỉ giỏi dùng những ngôn từ sáo rỗng để
mị dân.
Đòi làm lãnh đạo mà toàn đi hỏi
Cũng qua câu nói trên của ông Trọng, ông đã bộc lộ
kiểu lãnh đạo đặc trưng của cán bộ cộng sản, đó là họ phát biểu chỉ đạo nhưng thực tế thì không hề chỉ
đạo hay giải thích cách làm cho cấp dưới mà còn hỏi ngược lại cấp dưới.
Người dân Việt Nam chăm xem các kênh truyền hình nhà
nước như VTV chắc chắn rất quen thuộc với cái kiểu “chỉ đạo nhưng hỏi” của
các ông bà cai trị cấp trung ương về thăm các tỉnh thành: các đồng chí phải làm
thế nào để tỉnh nhà phát triển, các đồng chí phải làm sao để phát triển nông
nghiệp, v.v…
Không thể không nhắc đến Tổng bí thư đảng cộng sản
trước ông Trọng là ông Nông Đức Mạnh với câu “chỉ đạo nhưng hỏi” nổi tiếng
của ông Mạnh khi đến các tỉnh thành là “các đồng chí phải nuôi con gì, trồng
cây gì”… Đến hết buổi họp, các ông bà cai trị tỉnh thành cũng chẳng biết phải
“nuôi con gì, trồng cây gì”.
Ông Nông Đức Mạnh lúc làm việc ở Khánh Hòa năm
2003, có phát biểu như sau: “Tôi ví dụ như để phát triển
du lịch thì nông nghiệp phải phát triển theo hướng nào để hỗ trợ? Ngoại thành
Nha Trang phải trồng loại rau gì để cung cấp cho các khách sạn, Diên Khánh phải
trồng cây gì và các huyện trong tỉnh phải trồng thứ gì, nuôi con gì, quy hoạch
ra sao để có nền nông nghiệp sạch.
Ở các nước thật sự “dân chủ, công bằng, văn minh”,
người dân bầu ra lãnh đạo từ rất nhiều ứng cử viên, thuộc nhiều đảng phái khác
nhau. Điều người dân nhìn vào là giải pháp của các ứng cử viên cho các vấn đề
xã hội để bầu chọn. Ứng cử viên nào có giải pháp tốt hơn, hợp lòng dân hơn sẽ
được dân bầu.
Còn ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo “sáng suốt”, “tài
tình” của đảng Cộng sản Việt Nam, các quan chức cộng sản hoàn toàn không có giải
pháp gì ngoài những lời nói sáo rỗng, thậm chí đi hỏi ngược lại người dân hay cấp
dưới về giải pháp.
Đó là lý do tại
sao tôi không dùng từ “lãnh đạo” để mô tả đảng Cộng sản Việt Nam. Các quan chức cộng sản thật sự chỉ là những kẻ cai trị đất nước và nhân
dân Việt Nam. Hai người lãnh đạo cao nhất của đất nước trong khoảng 20 năm trở
lại đây, nhưng toàn đi hỏi những câu ngớ ngẩn thì đất nước Việt Nam này đi về
đâu? Và dĩ nhiên là làm gì có chuyện đảng Cộng sản Việt Nam có thể thực hiện
thành công công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước.
Không công nghiệp hóa được là trọng tội của đảng
cộng sản với dân tộc
Ông Nguyễn Phú Trọng băn khoăn tự hỏi, không biết Việt
Nam đã trở thành một “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” hay chưa, nhưng thực
tế là Chủ tịch Quốc hội khóa 14 của đảng cộng sản, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, vào
tháng 4/2016, đã chính thức thừa nhận đảng Cộng sản Việt Nam đã thất bại trong công cuộc công nghiệp
hóa đất nước.
Thế nhưng đến giờ này ông Trọng vẫn còn băn khoăn
thì có vẻ như ông đang mơ ngủ. Toàn dân đều biết là đảng Cộng sản Việt Nam đã
thất bại từ bốn năm trước, nhưng có lẽ ông Trọng vẫn đang bị ảo giác (dân gian
gọi là “ngáo đá”) với cảnh tượng “mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng tại
Việt Nam”?
Như thế, đảng Cộng sản Việt Nam không hề “sáng suốt”,
“tài tình”, đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác như Ban tuyên
giáo “tự sướng”, mà thật sự đó chỉ là một tập đoàn bất tài. Chính vì đảng cộng
sản bất tài trong phát triển kinh tế – xã hội nên mới phải quay sang “tự sướng”
về những thứ mơ hồ, giả trá như “đạo đức cách mạng”.
Hàn Quốc không có sự lãnh đạo của đảng cộng sản,
không có chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đưa đường dẫn lối, đất nước
lại đang trong tình trạng chiến tranh với cộng sản Bắc Hàn, vậy mà họ đã công
nghiệp hóa thành công đất nước chỉ trong 30 năm.
Hàn Quốc và cộng sản Bắc Hàn đình chiến vào năm
1953, đến năm 1988 Hàn Quốc đã tổ chức thành công Olympic Seoul 88, một cách
không chính thức để tuyên bố với toàn thế giới rằng Hàn Quốc đã là một nước
công nghiệp.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, cựu Ủy viên Trung ương đảng cộng
sản, cựu Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã nêu bật tài đức của lãnh đạo
Hàn Quốc và sự bất tài của đảng cộng sản đang cai trị Việt Nam:
“… Năng suất lao động [của Việt Nam] quá thấp, chỉ bằng
1/5 so với Thái Lan và Malaysia, 1/10 Hàn Quốc và 1/15 Singapore.
…Khoảng 50 năm trước, Hàn Quốc và Việt Nam có trình
độ phát triển tương tự nhau, sau chiến tranh 1953, họ là nước nghèo nhất thế giới,
có lúc bị đói phải ăn vỏ thông, vậy mà đến nay kinh tế Hàn Quốc đã bỏ Việt Nam
rất xa, đến mức không tưởng tượng nổi.
Đến nay đã có hơn 10 vạn người Việt Nam sống ở Hàn
Quốc, và hơn 10 vạn người Hàn Quốc sống ở Việt Nam (năm ngoái tôi có nói con số
này là 9 vạn, năm nay đã phát triển lên trên 10 vạn).
Nhưng khác một điều: Người Hàn Quốc làm ông chủ ở
Hàn Quốc và làm ông chủ kể cả ở Việt Nam, còn người Việt Nam thì làm thuê ở Hàn
Quốc và làm thuê cả ở Việt Nam…”
Biết bao người
đã ngã xuống vì cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam – Bắc để phục
vụ cho sự nghiệp “thống nhất đất nước” của đảng cộng sản, thế nhưng đến nay đã
45 năm trôi qua, nghĩa là gần nửa thế kỷ, đất nước vẫn đắm chìm trong tụt hậu,
từ kinh tế đến chính trị. Do đó, việc đảng cộng sản độc quyền cai trị và thất bại trong công cuộc
công nghiệp hóa đất nước là một trọng tội đối với dân tộc Việt Nam.
Các nhà cai trị cộng sản phải giải trình thất bại cay đắng này trước quốc dân,
đồng bào, chứ không phải nói kiểu ỡm ờ như ông Trọng.
Chỉ biết bắt chước Trung Cộng
Thiếu tướng Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND
TPHCM, đã than phiền về Lực lượng 47 như sau: ”Vào
lực lượng này cứ xin ý kiến chỉ đạo riết rồi có làm gì được đâu. Chúng ta như
con gà công nghiệp, trong khi họ là gà ta, chạy khắp nơi và rất linh hoạt”.
Thật sự lực lượng 47 này cũng chỉ là nạn nhân của chế
độ giáo dục cộng sản, một nền giáo dục nhồi sọ, buộc học sinh phải phục tùng lý
lẽ của đảng cộng sản. Do đó lực lượng 47 do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân
dân Việt Nam dựng lên, đã quen với việc tụng những câu trả lời đã có sẵn chứ
không hề biết sáng tạo, suy nghĩ, tìm tòi câu trả lời để đối đáp với “thế lực
thù địch”.
Nhưng bản thân giới cai trị cộng sản Việt Nam cũng
là nạn nhân của chế độ giáo dục do chính họ dựng nên. Ông Trọng và giới cai trị
cộng sản hiện nay hay nói nhiều về mục tiêu năm 2030 (là năm kỷ niệm 100 năm
thành lập đảng Cộng sản Việt Nam), và mục tiêu năm 2045 (là năm kỷ niệm 100 năm
thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa).
Những mục tiêu 100 năm đó đều học từ cộng sản Trung
Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc đã vẽ ra cái gọi là “lưỡng cá nhất bách niên” (两个一百年), nghĩa là hai lần
100 năm, từ năm 1997 bởi Giang Trạch Dân và được nhấn mạnh từ năm 2012 thời Tập
Cận Bình.
Theo đó, vào năm 2021 kỷ niệm 100 năm thành lập đảng
cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc sẽ đạt được “xã hội tiểu khang”, nghĩa là tương
đối sung túc. Còn vào năm 2049 kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa, Trung Quốc sẽ là một quốc gia “hùng mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa
và xã hội chủ nghĩa hiện đại”.
Có thể kể thêm một ví dụ là trước đó, giới cai trị cộng
sản Việt Nam cũng bắt chước chính sách “tam nông” của cộng sản Trung Quốc, hay
luật An ninh mạng cũng sao chép rất nhiều điều khoản của luật An ninh mạng
Trung Quốc. Từ đó cho thấy bản
thân giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng không thể suy nghĩ độc lập, tự chủ được
mà cần phải tụng thuộc lòng những câu mà đảng cộng sản Trung Quốc mớm cho.
Đòi cai trị quốc gia mà đầu óc ù lì, bạc nhược, chỉ
biết học vẹt chính sách của “bạn vàng” mà không cần biết chúng có phù hợp với
Việt Nam hay không thì rõ ràng làm sao giới cai trị cộng sản có thể công nghiệp
hóa Việt Nam?
Nguy hại hơn, tư duy chính trị bị phụ thuộc vào cộng sản Trung
Quốc như vậy thì làm sao người dân Việt
Nam có thể tin giới cai trị cộng sản có thể giữ vững độc lập, chủ quyền quốc
gia trước cộng sản Trung Quốc?
Kết luận
Thời gian dành cho đảng Cộng sản Việt Nam đã hết.
Người dân Việt Nam không thể cứ kiên nhẫn chờ đến năm 2030 hay 2045 để lại tiếp
tục chứng kiến giới lãnh đạo cộng sản lờ đi những lời hứa ở năm 2020 và lại hứa
hẹn những mục tiêu xa vời khác.
Tiếp tục lặp lại chế độ chính trị độc đảng toàn trị,
chế độ kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay thì kết quả vào năm
2030 không khó đoán. Việt Nam lúc đó vẫn sẽ là một quốc gia có thu nhập trung
bình hoặc thấp. Lúc đó thì tài nguyên đã khai thác cạn kiệt hết rồi, người giỏi
cũng như người nào có cơ hội đã bỏ nước mà đi rồi, nợ công lúc đó càng cao hoặc
thậm chí đã vỡ nợ trước đó rồi, môi trường đã ô nhiễm đến mức không thể sống được
rồi. Vì cũng một nguyên nhân “độc đảng toàn trị” thì chỉ tiếp tục dẫn đến
cùng một kết quả là lạc hậu.
Điều khôn ngoan dành cho giới cai trị cộng sản là hãy chủ động
dân chủ hóa, tổ chức bầu cử tự do và công bằng với nhiều đảng phái tham dự để
nhân tài có thể ra giúp nước. Còn nếu không, chính nhân dân Việt Nam sẽ đòi lại
sòng phẳng món nợ xương máu mà đảng cộng sản đã mắc nợ nhân dân Việt Nam.
No comments:
Post a Comment