Monday, January 13, 2020

ĐÀI LOAN, MỘT VỐ ĐAU ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC (Thanh Hà - RFI / ĐIỂM BÁO)




Thanh Hà  -  RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày: 13/01/2020 - 15:27

Tổng thống Đài Loan tái đắc cử, đảng Dân Tiến bài Bắc Kinh chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc Hội là một vố đau đối với Trung Quốc. "Chính sách hù dọa và cô lập Đài Loan của Bắc Kinh thất bại", "Thắng lợi vẻ vang của nữ tổng thống Thái Anh Văn là một cái tát tai" cử tri Đài Loan giáng cho Hoa Lục, "Đài Bắc nói không với Trung Quốc cộng sản" ... là một số nhận định trên các báo Pháp hôm nay 13/01/2020.

Le Figaro mở đầu bài báo : "Sau Hồng Kông, đến lượt Đài Loan cưỡng lại trước móng vuốt của Tập Cận Bình. Tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử với hơn 57 % cử tri ủng hộ, đảng Dân Tiến của bà giành được đa số tại Quốc Hội". Về tỷ lệ cử tri tham gia cuộc tổng tuyển cử cuối tuần qua, tác giả bài báo nói đến hiện tượng "làn sóng thủy triều, thể hiện ý chí của toàn dân ủng hộ đường lối cứng rắn của tổng thống Đài Loan đối với Hoa Lục". Lá phiếu của cử tri biến Đài Loan thành "thành trì dân chủ".

Đặc phái viên báo Les Echos lưu ý, giữa Đài Loan và Hoa lục là một eo biển chỉ rộng có 130 cây số, nhưng chưa bao giờ khoảng cách giữa Đài Bắc và Bắc Kinh lại xa đến ngàn trùng như vậy. "Thái Anh Văn không sợ Bắc Kinh". Dorian Malovic của tờ La Croix phác họa sơ qua chân dung bà Thái Anh Văn và nhắc lại, "từ năm 2016, nữ tổng thống Đài Loan liên tục ghi những bàn thắng quan trọng, từ việc điện đàm với tổng thống Mỹ tân cử, Donald Trump, cho đến việc bà ủng hộ phe dân chủ Hồng Kông trong những tháng gần đây. Nhờ vậy, bà Thái Anh Văn thuyết phục được giới trẻ Đài Loan, vốn rất tự hào về bản sắc và đặc thù chính trị" của hòn đảo này.

Nguy cơ Trung Quốc siết chặt gọng kềm

Đối với Bắc Kinh, tất cả các báo Paris đều nói đến "hiệu ứng boomerang", "thất bại", cú "revers" vỗ vào mặt chính quyền của ông Tập Cận Bình. Theo quan điểm của Mathieu Duchâtel, giám đốc khoa châu Á, Viện nghiên cứu Montaigne, "khủng hoảng tại Hồng Kông lót đường cho thắng lợi vừa qua của đảng Dân Tiến Đài Loan. Về Trung Quốc, các thế hệ ở Đài Loan có quan điểm rất khác nhau. Các đợt đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương khiến giới trẻ Đài Loan lo sợ cũng sẽ chịu chung số phận, bị cướp đoạt tự do".

Chuyên gia Pháp Jean-Yves Heurtebise giảng dậy tại Đại Học Công Giáo Phụ Nhân (Fu Jen University), trên tờ Les Echos cho rằng, kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm 11/01/2020 tại Đài Loan là một thất bại kép đối với "quyền lực mềm - soft power - của Bắc Kinh, cũng như đối với các chiến dịch nhằm thao túng công luận - sharp power - mà Hoa Lục đã đặc biệt nhắm vào Đài Loan". Các đòn đó đều "phản tác dụng". Theo ông Heurtebise, nếu đủ khôn ngoan thì chính quyền Trung Quốc phải hiểu được rằng "chủ trương hù dọa, cô lập Đài Bắc và cắt đứt quan hệ với đảng Dân Tiến Đài Loan đã thất bại. Nhưng có nhiều khả năng, Bắc Kinh sẽ đi đến những kết luận khác hẳn hoàn toàn với logic đó, và sẽ quyết định gia tăng áp lực với chính quyền ở Đài Bắc".

(...) Vấn đề đặt ra là Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều hồ sơ nóng cùng một lúc, từ khủng hoảng tại Hồng Kông đến những cáo buộc tống giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong các nhà tù khổng lồ hay chiến tranh thương mại với Mỹ, sự kháng cự của nhiều nước Đông Nam Á ở Biển Đông từ phía các quốc gia như Việt Nam hay Indonesia". Trong hoàn cảnh đó, chính quyền Tập Cận Bình có còn khả năng chi phối Đài Loan nữa hay không ?

Trên ấn bản internet được cập nhật của tờ Le Monde, chuyên gia Heurtebise cho rằng bầu cử Đài Loan lần này là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy, "một quốc gia có thể tự do và thịnh vượng, một nền dân chủ và những giá trị văn hóa Trung Hoa hoàn toàn có thể đi đôi với nhau. Đấy là điều khiến Bắc Kinh đang đau đầu nhất". Trường hợp của Đài Loan đi ngược lại với những gì đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn hô hào từ năm 1949. Do vậy, theo chuyên gia này, Đài Loan là cái gai trong mắt giới lãnh đạo Cộng Sản tại Bắc Kinh và Trung Quốc "có lẽ đang tìm cách để gạt trường hợp của Đài Loan sang một bên, thậm chí là loại bỏ hẳn mô hình Đài Loan".

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hạ nhiệt chảo lửa Libya

Nhìn đến những điểm nóng khác trên thế giới, Le Monde và báo La Croix xoáy vào sự kiện : Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang nổi lên như hai đối tác quan trọng trong cuộc nội chiến tại Libya. Bằng chứng rõ rệt nhất là thủ tướng đứng đầu chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc và lãnh đạo lực lượng Quân Đội Quốc Gia Libya cùng đến Matxcơva đàm phán về một thỏa thuận vãn hồi hòa bình.

Trước đó, Quân Đội Quốc Gia trong tay thống chế Khalifa Haftar thông báo chấp nhận lệnh ngừng bắn. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia bảo trợ cho lệnh ngừng bắn đó, trong lúc Ankara đứng về phía chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc, còn nước Nga thì đã ngầm đưa hàng trăm lính đánh thuê sang Libya yểm trợ cho tướng Haftar.

Libya được tạm im tiếng súng là nhờ có sự dàn xếp giữa hai tổng thống Putin và Erdogan. Còn Ý đang mất hẳn vai trò và ảnh hưởng đối với một quốc gia từng là thuộc địa của mình, như báo kinh tế Les Echos phân tích.

Le Monde không vòng vo : "Putin và Erdogan, hai người cha đỡ đầu mới của Libya" khiến châu Âu "ngỡ ngàng" và lo ngại việc đưa Libya ra khỏi khủng hoảng càng thêm "phức tạp". Tờ báo có uy tín của Paris nhận định : Liên Hiệp Châu Âu phải đối mặt với ba đám cháy cùng một lúc. Đó là căng thẳng leo thang giữa Iran với Mỹ có nguy cơ làm tan vỡ liên minh chống khủng bố Hồi Giáo, thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ còn là cái vỏ rỗng, và thứ ba là tình hình Libya. Trên cả ba hồ sơ này, Liên Hiệp Châu Âu bất lực và phải thu mình làm những diễn viên phụ. Riêng trong trường hợp cuộc xung đột tại Libya, Bruxelles buộc phải nhường cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga các vai diễn chính.

Pháp và mặt trận chống khủng bố tại châu Phi

Một chủ đề quốc tế lớn khác trong ngày, là thượng đỉnh 5 nước châu Phi trong vùng Sahel với Pháp họp tại Pau. Từ năm 2013, Pháp điều 4.500 lính sang châu Phi trong khuôn khổ chiến dịch quân sự Bakhane với mục đích giúp châu Phi tiêu diệt khủng bố. Tới nay, 41 lính Pháp tử vong và các tổ chức khủng bố có khuynh hướng mở rộng ảnh hưởng tại châu lục này. Tại một số nơi, tinh thần bài Pháp gia tăng.

Trong bối cảnh đó, tờ Le Figaro nhấn mạnh thượng đỉnh tại Pau, miền nam nước Pháp, là cơ hội để các đối tác châu Phi "làm sáng tỏ lập trường về sự hiện diện của quân đội Pháp tại vùng Sahel và định nghĩa lại khuôn khổ can thiệp của chiến dịch Barkhane", chống khủng bố Hồi Giáo đe dọa châu Phi.

Thiệt hại quân sự không chỉ nhắm vào lính Pháp ở châu Phi. Quân đội của 5 nước châu Phi tại Sahel, một dải đất trải dài từ đông sang tây châu Phi ở giữa khu vực sa mạc Sahara, liên tục bị tấn công, từ Burkina Faso đến Mali. Trong bài viết mang tựa đề "Tại Sahel, Paris và đồng minh ngày càng phải cấp bách đối mặt với nạn khủng bố của quân thánh chiến Hồi Giáo". "Sahel, Paris muốn đồng minh trong thế sẵn sàng chiến đấu", tựa một loạt bài chiếm 3 trang báo Libération. Tờ báo trích lời một chuyên gia cho rằng, chống khủng bố là giải pháp đang nằm trong tay 5 nước châu Phi và có lẽ đã đến lúc châu Phi cần năng động trên hơn trong mục đích tiêu diệt quân thánh chiến.

Cải tổ hưu trí : đòn ngoạn mục của thủ tướng Pháp

Cũng về Pháp, liên quan đến kế hoạch cải tổ hưu trí, thủ tướng Edouard Philippe thông báo tạm thời rút lại biện pháp gây tranh cãi nhiều nhất liên quan tới ngưỡng 64 tuổi. Đây là ngưỡng tuổi cho phép lãnh đầy đủ lương hưu cơ bản.

Báo La Croix xem chiến lược chìa bàn tay thân thiện của chính phủ là một cơ may cho "đối thoại trong xã hội". Libération thiên tả đặt câu hỏi : Đó là "màn ảo thuật hay bước nhượng bộ thực sự ?".

Ở trang trong, tờ báo này nhấn mạnh đến một quyết định gây chia rẽ giữa các công đoàn bảo vệ người lao động. Trong bài xã luận, Laurent Joffrin cho rằng "còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, cho nên hơn bao giờ hết, các công đoàn cần hợp lực với nhau". Le Figaro thân hữu thận trọng cho rằng bước nhượng bộ của thủ tướng Philippe khiến "các công đoàn ôn hòa hài lòng, nhưng còn quá sớm để khép lại cuộc đọ sức với phe chống đối kế hoạch cải tổ hưu trí" của Pháp.

Nhật báo kinh tế Les Echos tán đồng chính phủ, vẫn coi mục tiêu cân bằng quỹ hưu trí của Pháp là một ưu tiên, đồng thời ý thức được rằng cần có thêm thời gian hoàn thành mục tiêu đó. Trong ấn bản được cập nhật trên internet, tờ báo cho rằng thủ tướng Pháp đã khéo léo tìm ra ngõ thoát, nhưng vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi ông Edouard Philippe. Khó khăn lớn nhất là làm thế nào để lấy lại cân bằng cho quỹ hưu trí đang bị thâm hụt 12 tỷ euro. Dù vậy, tác giả bài viết đánh giá là chính phủ đã nhượng bộ, giờ đây, đến lượt các công đoàn cũng phải biết điều. Thái độ cực đoan nhất có nguy cơ dẫn tới những tình huống "đáng tiếc".

Vai trò xã hội của các trung tâm thương mại

Cuối cùng, cũng về Pháp, hai tờ Les Echos và Libération cùng bất ngờ nhận thấy rằng, các trung tâm thương mại thu hút trở lại người mua bán trong lúc mà ai cũng tưởng rằng, các dịch vụ giao dịch trên mạng có nguy cơ từng bước khai tử các thương xá - nơi tập trung nhiều cửa hàng và rất sầm uất vào mỗi cuối tuần, trước những dịp lễ lạt hay vào mùa bán hàng đại hạ giá.

Libération trích dẫn phân tích của nhà xã hội học Vincent Chabault, theo đó, các siêu thị lớn hay những cửa hàng, ngoài việc mua bán còn là điểm hẹn của những người cần có một đời sống hàng ngày, cần có quan hệ với đồng loại. Trong điều kiện đó, các dịch vụ mua bán trên mạng có được phát triển đến đâu đi chăng nữa, lượng người lui tới các trung tâm thương mại vẫn không giảm.

Còn theo báo Les Echos, trào lưu giảm tiêu thụ để bảo vệ môi trường, các đợt biểu tình của phong trào Áo Vàng năm ngoái hay những ngày đình công kéo dài hiện tại không ảnh hưởng đến số người lui tới các trung tâm thương mại. Hơn thế nữa, những khu vực này đang trở thành một nét tiêu biểu của đời sống tại các thành phố lớn ở Pháp.






No comments: