Luật sư Ngô Ngọc Trai
gửi
cho BBC từ Hà Nội
3 tháng 3 2019
Ý
kiến nói việc yêu cầu trại giam đảm bảo cung cấp nước nóng và đồ ăn nóng cho
người bị giam giữ, sẽ siết chặt trách nhiệm của các nhân viên quản giáo tại các
trại giam, củng cố tinh thần giá trị nhân đạo của luật pháp chính sách nhà nước.
Do đặc điểm khí hậu thời tiết, ở miền Bắc của Việt
Nam có một mùa đông rét mướt kéo dài ba bốn tháng mà nhiệt độ nhiều khi chỉ vài
độ C.
Điều kiện thời tiết như vậy có ảnh hưởng nghiêm trọng
tới thói quen sinh hoạt giữ gìn sức khỏe của người dân nói chung và trong đó có
cả những người bị giam giữ phục vụ quá trình điều tra hình sự nói riêng.
Mới đây khi vào làm việc với một bị can đang bị giam
tại Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội, có địa chỉ tại huyện Thường
Tín, Hà Nội, bị can phản ánh cho luật sư biết là quá trình giam giữ không được
trại cung cấp cho nước nóng, không có nước nóng để tắm và không có nước nóng để
uống.
Về cơm ăn thì cũng chỉ được ăn đồ nguội, vì cơm canh
được trại chuẩn bị từ sớm do các phạm nhân được phân công nấu nướng và phân
phát, đến khi giao nhận đến tay người ăn thì qua nhiều khâu vận chuyển không được
bảo quản nên cũng là cơm canh nguội.
Trong khi đó, thời gian giam giữ phục vụ cho hoạt động
điều tra thường kéo dài từ nhiều tháng đến cả năm.
Thời gian kéo dài và điều kinh sinh hoạt như vậy kết
hợp với nhau gây ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe của những người bị giam giữ.
Trại giam Hoàng Tiến, Chí Linh, Hải Dương. HOANG DINH NAM/AFP/Getty
Images
Họ rất cần được sử dụng nước nóng, một điều giản dị
đối với người tự do nhưng người bị giam giữ lại không có được, trong khi điều
này đặc biệt quan trọng bởi thời tiết khí hậu miền Bắc có nhiều tháng mùa đông
rét mướt và nước nóng là thứ quan trọng để đảm bảo sức khỏe con người.
Mấy năm trước trong quá trình bào chữa minh oan cho
tử tù Hàn Đức Long ở Bắc Giang, ông này đã được trả tự do năm 2016 sau 10 năm bị
bắt giam oan với 4 bản án tử hình và đã được trả tự do xin lỗi công khai.
Quá trình làm việc ông Hàn Đức Long cũng nhiều lần
kêu ca phản ánh cho luật sư biết về tình trạng thiếu nước nóng trong Trại giam
Kế của tỉnh Bắc Giang.
Ông Long kể việc đun nước nóng dấu diếm trong sự
thèm khát trong trại giam như sau: dùng những chai nước nhựa để đun, bôi một ít
kem đánh răng vào đít chai sẽ giúp chai nhựa có thể đun sôi được nước, hoặc túi
giấy bóng đựng đường khi lộn ngược ra ngoài cũng có khả năng đựng nước và đun
sôi.
Chất đốt là những thùng đựng nước bằng nhựa được cho
đem vào phục vụ sinh hoạt trong phòng giam, khi gói vào trong chăn rồi dẫm cho
dập nát thành từng mảnh nhỏ sẽ trở thành chất đốt. Khi đun nước, chai nước hoặc
túi giấy bóng đựng nước được đưa dần từ trên cao xuống cho nóng từ từ rồi nước
sẽ sôi.
Tình trạng không được sử dụng nước nóng để sinh hoạt
ăn uống làm tăng thêm phần nghiệt ngã cho môi trường giam giữ.
Trong khi theo luật những người bị giam giữ phục vụ
điều tra vẫn chưa bị coi là tội phạm và chịu hình phạt, vì chưa có bản án tuyên
họ có tội có hiệu lực pháp luật, và do vậy đáng ra họ cần được đối xử với tương
đối đầy đủ quyền công dân.
Thực thi Công ước Quốc tế
Năm 2013 Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước chống
tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục
con người, công ước này được Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu
lực từ ngày 26/6/1987.
Sang năm 2014 Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước
chống tra tấn và đến ngày 17/3/2015 Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt
Nam.
Tiếp thu và triển khai những nội dung của Công ước
chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc
hạ nhục con người, cuối năm 2015 Quốc hội ban hành Luật thi hành tạm giữ tạm
giam năm đã quy định:
Điều 4. Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm
giam
Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục
hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của
người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức
đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức
nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm
giam.
Song quy định của luật là một chuyện, còn thực tế vẫn
tồn tại những sự việc cho thấy pháp luật nhân đạo phòng ngừa bị vi phạm.
Việc không cho người bị giam giữ được tiếp cận sử dụng
nước nóng, đồ ăn nóng chính là một hình thức đối xử vô nhân đạo.
Bản thân những người bị giam giữ lại không thể phản
ánh khiếu nại những việc đó trong trại giam.
Nhận thấy đây là một vấn đề bức xúc thiết thân của
hàng nghìn hàng vạn người bị giam giữ, cho nên tôi là luật sư bào chữa đã soạn
một đơn kiến nghị gửi tới các lãnh đạo nhà nước đề nghị giải quyết.
Đơn kiến nghị đã được gửi tới Tổng bí thư, Chủ tịch
nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng công an Tô Lâm.
Trong đơn đã đề nghị các Cơ quan có thẩm quyền tổ chức
tiến hành kiểm tra vấn đề về nhu cầu được sử dụng nước nóng, ăn cơm canh nóng của
người bị giam giữ trong các trại giam hiện nay, và đánh giá mức độ ảnh hưởng tới
sức khỏe từ sự thiếu vắng này.
Đơn cũng đề nghị các cơ quan nhà nước lên chương
trình chính sách, yêu cầu các trại giam giữ phải đảm bảo cung cấp nước nóng để
uống, cơm canh nóng cho người bị giam giữ, nhất là ở các tỉnh miền Bắc vào những
ngày tháng Mùa Đông.
Các quy định pháp luật hiện nay với tinh thần nhân đạo
không cản trở việc đó, cơ sở vật chất trong trại giam cũng không phải là không
đáp ứng được, mà đó chỉ là do lề thói lười nhác, vô trách nhiệm, cẩu thả, lâu
nay vẫn kém coi trọng nhân phẩm con người trong các trại giam giữ mà thôi.
Việc yêu cầu trại giam đảm bảo cung cấp nước nóng và
đồ ăn nóng cho người bị giam giữ, sẽ siết chặt trách nhiệm của các nhân viên quản
giáo tại các trại giam, củng cố tinh thần giá trị nhân đạo của luật pháp chính
sách nhà nước.
Việc này phải được thực hiện cũng để đảm bảo sự thực
thi các nội dung trong Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng
phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
No comments:
Post a Comment