RFA
03-04-2019
Đối
thoại nhân quyền Liên Minh Châu Âu và Việt Nam lần thứ 8 theo kế hoạch diễn ra
hôm nay tại Brussels, nước Bỉ. Nhân dịp này Human Rights Watch, Liên Đoàn Nhân
Quyền Quốc Tế và Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam ra thông cáo kêu gọi EU thúc ép Việt
Nam tôn trọng nhân quyền.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ra
thông cáo kêu gọi Liên Minh Châu Âu hãy thúc ép chính phủ Hà Nội trả tự do ngay
cho những tù nhân chính trị, những người đang bị bắt giữ; chấm dứt đàn áp tự do
ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp và đi lại; cho phép tự do thông tin;
ngưng can thiệp vào hoạt động tôn giáo; và có những biện pháp cụ thể chặn đứng
nạn bạo hành của công an.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phụ Trách Khu Vực
Châu Á của HRW, nêu rõ trong thông cáo báo chí ra ngày 4 tháng 3 rằng ‘Việt Nam
tăng cường đàn áp trong vài năm qua đối với giới vận động cho những quyền chính
trị và dân sự căn bản của người dân; trừng phạt giới này với những bản án nặng
nề.
Ông Phil Robertson kêu gọi Liên Minh Châu Âu cần nhắc
cho Việt Nam rằng khối này mong muốn có những tiến bộ nhân quyền có ý nghĩa để
cho mối quan hệ kinh tế và chính trị song phương đôi biên tiến triển.
Quan hệ EU-Việt Nam được điều chỉnh theo Hiệp Định
Khung về Hợp tác và Đối tác năm 2012; trong đó nêu rõ ‘việc tôn trọng các
nguyên tắc dân chủ và nhân quyền là một thành tố thiết yếu của hiệp định.’ Việt
Nam cũng được hưởng lợi từ Hệ thống Ưu Đãi Thuế Quan Chung của EU, cho phép giảm
thuế nhập khẩu từ các nước đã thông qua và tuân thủ các công ước quốc tế cơ bản
về nhân quyền và lao động.
HRW cho rằng đối thoại nhân quyền là một công cụ
quan trọng để EU thể hiện với Việt Nam về mức độ nghiêm túc về trách nhiệm thúc
đẩy nhân quyền, nhưng đó không phải là cơ hội duy nhất một lần rồi xong.
Thống kê của
HRW cho thấy trong năm 2018, Việt Nam kết án tù ít nhất 42 bloggers và nhà hoạt
động nhân quyền trong nước theo những điều luật hà khắc. Số này gấp ba lần các
bản án trong năm 2017. Trường hợp bị án nặng nhất là nhà hoạt động nhân quyền
và môi trường Lê Đình Lượng với bản án 20 năm; Ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù, nhà
hoạt động công đoàn và môi trường Hoàng Đức Bình 14 năm tù…
Một trường hợp đang bị mất tích sau khi đến Thái Lan
xin qui chế tị nạn là blogger Trương Duy Nhất được HRW nêu ra; theo đó việc đột
ngột mất tích của blogger và nhà báo độc lập này gợi đến vụ cựu quan chức dầu
khí Trịnh Xuân Thanh bị các nhân viên công quyền Việt Nam bắt cóc ở Đức rồi đưa
về Việt Nam vào tháng 7 năm 2017.
Liên đoàn Nhân Quyền Quốc Tế và Ủy Ban Nhân Quyền Việt
Nam vào ngày 4 tháng 3 cũng ra thông cáo kêu gọi Liên Minh Châu Âu-EU, phải
thúc giục chính phủ Việt Nam chấm dứt tình trạng đàn áp đang tiếp diễn đối với
những nhà hoạt động ôn hòa, bãi bỏ những đạo luật mang tính đàn áp, và trả tự
do ngay cho những tù chính trị.
Thông cáo nêu rõ quan ngại về tình trạng nhân quyền
tại Việt Nam trong 4 lĩnh vực chính. Đó là những vi phạm quyền tự do biểu đạt,
bày tỏ ý kiến; thứ hai là tình trạng đàn áp quyền tự do hội họp trong ôn hòa;
thứ ba là giới hạn quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; và cuối cùng là biện pháp
sử dụng ngày càng tăng án tử hình.
Tổng thư ký Liên Đoàn Nhân quyền Quốc Tế, Bà Debbie
Stothard, trong thông cáo nêu rõ ‘tình trạng tấn công đang tiếp diễn của chính
quyền Việt Nam đối với các quyền chính trị và dân sự phá vỡ khả năng là một đối
tác kinh tế bền vững của EU. Chính vì quyền lợi của EU nên cần phải thúc ép Hà
Nội chấm dứt biện pháp đàn áp xã hội dân sự và cấp thiết tiến hành cải cách thể
chế và tư pháp.
Theo Liên Đoàn Nhân Quyền Quốc Tế và Ủy Ban Nhân Quyền
Việt Nam thì kể từ cuộc đối thoại nhân quyền EU- Việt Nam vào năm ngoái cho đến
nay tình trạng đàn áp các tiếng nói chỉ trích chính phủ, các bloggers, các nhà
hoạt động, và những người bảo vệ nhân quyền tiếp tục gia tăng.
Kể từ cuộc đối thoại nhân quyền EU- Việt Nam vào năm
ngoái cho đến nay tình trạng đàn áp các tiếng nói chỉ trích chính phủ, các
bloggers, các nhà hoạt động, và những người bảo vệ nhân quyền tiếp tục gia
tăng.
Thống kê của
hai tổ chức vừa nêu nói rõ tính đến nay có ít nhất 150 tù chính trị tại Việt
Nam. Riêng trong thời điểm từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 2 năm 2019, có ít nhất
40 cá nhân, trong đó có 8 phụ nữ bị bắt giữ tùy tiện chỉ vì thực thi các quyền
tự do biểu đạt và hội họp một cách ôn hòa.
Ngoài ra còn
có 60 cá nhân, trong đó có 14 phụ nữ, bị kết án tù nặng; có 8 người phải nhận
án tù từ 13 đến 20 năm.
Luật An Ninh Mạng bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm
2019 cũng giáng một đòn nặng vào quyền tự do Internet.
Đối với quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng, kể từ khi
Luật Tín Ngưỡng- Tôn giáo có hiệu lực từ tháng giêng năm 2018, các tôn giáo lớn
gồm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Công Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin
Lành, Hồi Giáo và nhóm thực hành Pháp Luân Công đếu báo cáo bị cơ quan chức
năng nhắm đến.
No comments:
Post a Comment