Monday, March 11, 2019

'TIN VUI' NÀO CHO EVFTA SAU ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN EU - VN? (Phạm Chí Dũng)




11/03/2019

“Vậy là phải chờ Quốc hội mới quyết định phê chuẩn Hiệp ước hay không”…

*

‘Câm như hến’

Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Việt Nam đã hoàn tất tại Brussels, Bỉ - nơi đặt trụ sở của EU - vào ngày 4/3/2019 mà không khác gì 7 lần trước đó, tức đã chẳng nhận được bất kỳ phản hồi tích cực nào của đoàn Việt Nam, bất chấp phía EU đã nêu ra rất nhiều vi phạm nghiêm trọng quyền con người mà Hà Nội là tác giả.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi luật nhân quả từ thói ‘câm như hến’ của phía Việt Nam trong suốt 8 lần đối thoại nhân quyền với EU đã tất yếu dẫn đến “Vậy là phải chờ Quốc hội mới quyết định phê chuẩn Hiệp ước hay không” - một xác nhận chính thức của ông Umberto Gambini, Chánh Văn phòng Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa và là người đã ký chung thư với 32 Dân biểu đại diện mọi khuynh hướng chính trị kêu gọi Liên Âu thúc đẩy việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam, cho câu hỏi của đài RFA về tương lai của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) sau cuộc ‘đối thoại’ này.

Thực ra thêm một lần nữa, phía EU lại phải ‘độc thoại’ trong cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam. Bởi hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần trong những cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm trước đó.

Trong hầu hết các cuộc đối thoại nhân quyền với EU, chính quyền Việt Nam chỉ cử quan chức là một vụ trưởng, hoặc quyền vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam làm trưởng đoàn, mà về thực chất quan chức này không có bất cứ quyền hạn nào để quyết định bất cứ nội dung chính nào mà đoàn đàm phán EU đòi hỏi.

Thậm chí ngay cả cấp trên và cao hơn hẳn của trưởng đoàn đối thoại Việt Nam là Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, thân là ủy viên bộ chính trị, cũng không thể quyết định những vấn đề mà EU nêu ra, mà phải hỏi ý kiến… Bộ Chính trị, hay cụ thể hơn là ý kiến của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.

Bản độc thoại của EU

Cuộc đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam vào đầu tháng 3 năm 2019 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: vào giữa tháng 11 năm 2018, lần đầu tiên Nghị viện châu Âu tung ra một bản nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền với nội dung rất rộng và sâu, lời lẽ rất cứng rắn; và vào tháng 2 năm 2019, Hội đồng châu Âu đã thẳng tay quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA khiến chính quyền Việt Nam ‘mất ăn’ khi tưởng như đã nuốt trôi mọi thứ.

Bối cảnh trên là khác hẳn với những cuộc đối thoại nhân quyền trước đây mà EU thường bị giới quan chức Việt Nam khôn lỏi và ranh ma ăn hiếp. Vào lần này, tình thế và tương quan lực lượng là “châu Âu nắm đằng chuôi”. Chiến thuật câu giờ nhân quyền và chỉ hứa không làm của chính thể độc đảng ở Việt Nam đã không còn ma mị được EU theo cái cách mà họ đã qua mặt Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) để được tham gia vào tổ chức này vào năm 2007. Quá nhiều “thành tích nhân quyền” của chính thể Việt Nam trong một thập kỷ qua, đặc biệt vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” đã khiến cả Châu Âu được “sáng mắt sáng lòng.”

Trong khi toàn bộ phái đoàn của Việt Nam vẫn ‘cấm khẩu’, điểm nhấn lớn nhất của cuộc đối thoại nhân quyền ở Brussels là “chúng tôi không chỉ đối thoại mà thôi, mà chúng tôi còn yêu sách áp lực cho nhân quyền tại Việt Nam” - theo bà Maya Kocijancic, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liên Âu về Chính sách An ninh.

Vào lần này, những vấn đề nhân quyền mà EU nêu ra liên quan tới quyền tự do biểu đạt (trực tuyến và ngoại tuyến), an ninh mạng, án tử hình, quyền lao động, môi trường… EU đã chỉ ra sự gia tăng các vụ bắt giữ và kết án cũng như những hạn chế trong quyền tự do đi lại của những nhà bảo vệ nhân quyền kể từ năm 2016. Cùng với việc đề cập tới một số trường hợp cá nhân cụ thể, EU cũng đưa ra tuyên bố về kỳ vọng rằng tất cả các quyền của những người bị giam giữ cần được tôn trọng phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều khoản về nhân quyền quốc tế, đồng thời nhắc lại rằng tất cả những cá nhân bị bắt giam vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa trên mạng hay không qua mạng phải được trả tự do.

Liên minh châu Âu cũng nhắc lại vai trò rất quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người cũng như trong việc tăng cường sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Trước cuộc đối thoại nhân quyền đã diễn ra các cuộc tham vấn với xã hội dân sự tại châu Âu và Việt Nam.

Vậy lộ trình nào dành cho EVFTA sau cuộc đối thoại nhân quyền ở Brussels?

EVFTA thậm chí còn chưa được ký kết!

Trong trường hợp lạc quan nhất và như dự liệu cho chính thể Việt Nam, EVFTA sẽ được ký kết và phê chuẩn ngay sau đó tại Hội đồng Châu Âu vào tháng 3 năm 2019.

Hoặc Hội đồng Châu Âu ưu ái ký EVFTA trước khi cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu diễn ra, nhưng chưa phê chuẩn, mà nghị viện mới sẽ tiếp tục xem xét có phê chuẩn hay không hiệp định này, có thể vào nửa cuối năm 2019 hoặc sang năm 2020.

Tuy nhiên, một trong hai kịch bản trên chỉ có thể xảy ra với một điều kiện đã vọt lên hàng đầu: Việt Nam phải cải thiện nhân quyền. Nhưng điều trớ trêu là trong khi Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phải đi điều đình ở Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh và đoàn Việt Nam im như thóc tại cuộc đối thoại nhân quyền với EU, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng, đàn áp người dân mà chưa có bất kỳ biểu hiện nào sẽ ‘cải thiện nhân quyền’ như bao lần hứa hẹn, khiến Hội Đồng Châu Âu vẫn chẳng có lý do xác đáng nào để phê chuẩn EVFTA trước tháng Năm.

Tương lai của EVFTA hiện thời là cực kỳ bấp bênh.

Xác nhận chính thức của ông Umberto Gambini về EVFTA phải chờ nghị viện mới của châu Âu là dấu chấm hết cho hy vọng của Thủ tướng Phúc, Bộ Chính trị và chính thể độc đảng chỉ muốn ‘ăn sẵn’ khi ‘mong EU linh hoạt ký kết và phê chuẩn EVFTA trong quý 1 năm 2019’.

Thậm chí ngay cả kịch bản ‘ký trước tháng Năm và thông qua sau tháng Năm’ cũng gần như bị dập tắt.

Mà chưa ký và không biết chừng nào mới ký EVFTA thì không thể hình dung ra tương lai hiệp định này khi nào mới được đưa vào lịch trình làm việc của Hội Đồng Châu Âu để phê chuẩn. Càng không thể mơ màng đến việc bản hiệp định này được tiến hành bước tiếp theo là trình ra Nghị Viện Châu Âu để bỏ phiếu thông qua.

Chưa kể đến một thủ tục khác và quan trọng không kém vai trò phê chuẩn của Hội Đồng Châu Âu: Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Châu Âu – một cơ quan tham mưu cho Nghị Viện Châu Âu về EVFTA. Thậm chí ngay cả trường hợp Hội Đồng Châu Âu muốn phê chuẩn EVFTA nhưng ủy ban này phản đối thì cũng rất khó để Nghị Viện Châu Âu gật đầu cho hiệp định này “qua đò.”

Vào tháng Giêng, 2019, bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ tục hiệp định này của một số nghị sĩ và doanh nghiệp Châu Âu, cùng sự vận động ráo riết của giới quan chức Việt Nam, Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU – tuy là người được xem là ôn hòa, đã phản ứng cứng rắn hiếm thấy: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc Hội Châu Âu thông qua hết.”

Bây giờ thì đã rõ mồn một, nếu vẫn không chịu cải thiện nhân quyền, tương lai của EVFTA sẽ chính là kịch bản tồi tệ nhất, đen tối nhất cho nền chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam mà đang quá cần ngoại tệ để trả nợ nước ngoài. Không có bất kỳ bảo chứng nào hay chữ ký nào của những người tiền nhiệm, các thành viên mới của Nghị Viện Châu Âu mới sẽ thật khó để tìm ra lý lẽ dù thuyết phục khiến họ mau chóng gật đầu với EVFTA, để khi đó chủ đề ‘đàm phán EVFTA’ sẽ phải nhai lại từ đầu.

Khi đó, toàn bộ trách nhiệm lịch sử sẽ phải quy cho đảng CSVN - một chính đảng mà bằng thói đàn áp nhân quyền bất chấp đã bít luôn cửa vào thị trường châu Âu của hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam.






No comments: