12/03/2019
Hơn
hai năm trước, một văn bản của Vinastas (Hội tiêu chuẩn và bảo vệ
người tiêu dùng Việt Nam) cho rằng105/150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu
do Vinastas lấy mẫu trên thị trường có chứa hàm lượng arsen tổng hợp (thạch
tín) cao hơn mức cho phép. Tiếp theo sau là hàng loạt bài báo công kích nước mắm
truyền thống và tuyên dương nước mắm công nghiệp. Báo Thanh Niên không ngần ngại
bên cạnh bài viết về arsen đi quảng cáo nước mắm Chinsu và Nam Ngư có slogan:
"phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn".
Hơn
hai năm sau, nước mắm truyền thống tiếp tục bị tấn công. Lần
này rất bài bản, được che chắn kỹ lưỡng hơn trước và núp dưới hình thức “Tiêu
chuẩn quốc gia” khi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất
nước mắm 2019 gọi là TCVN1260-2019.
Dự thảo này ngay lập tức bị phản ứng dữ dội không những
của chính các nạn nhân của bản dự thảo là các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống
mà đa số người dân biết chuyện đều cho rằng đây là hành vi nhằm triệt hạ nước mắm
truyền thống bằng chi phí, bởi nếu dự thảo này được thông qua thì chi phí để thỏa
mãn yêu cầu trong dự thảo sẽ nâng giá thành nước mắm truyền thống lên cao, và
rõ ràng kẻ có lợi không ai khác hơn là các thương hiệu nước chấm công nghiệp.
Nếu như hơn hai năm trước Vinastas lập lờ thông tin
arsen trong nước mắm truyền thống gây ung thư thì dự thảo TCVN1260-2019 đưa ra
tiêu chuẩn histamin để làm chao đảo người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất
nước mắm truyền thống. Histamin có đặc tính chịu nhiệt, thậm chí khi được nấu
chín cũng không bị phá hủy, vì vậy, nếu cá biển có chứa lượng histamine cao vẫn
không mất đi trong quá trình đun nấu. Độc tính của histamine phụ thuộc
vào tổng lượng histamine ăn phải.
Mặc dù cho tới nay chưa có một phát hiện nào trong
nước mắm có chứa hàm lượng histamine gây nguy hiểm cho người tiêu dùng nhưng bản
dự thảo vẫn cố o ép doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống phải chứng minh
trong khi ủ cá thì lượng histamine vẫn trong vòng kiểm soát. Đây là một thách
thức cho người làm nước mắm và không ngoa khi nói rằng dự thảo đang làm khó hơn
2.800 doanh nghiệp vốn đã chịu mọi thứ lao đao.
Bản dự thảo đề nghị thay đổi tiêu chuẩn Codex để phù
hợp với tiêu chuẩn chung của các nước và dựa vào đó khi trao đổi hàng hóa. Tuy
nhiên theo TS Nguyễn Thị Dung, một chuyên gia về nước mắm cho biết tiêu chuẩn Codex là của Thái Lan
đặt ra cho nước mắm của họ, mà nước mắm Thái chỉ là nước mắm công nghiệp không ủ
cá tươi làm nước mắm vì vậy tiêu chuẩn này chỉ phù hợp cho loại nước chấm có
mùi vị giống như nước mắm nhưng hoàn toàn không có con cá nào được chế biến để
hoàn thành sản phẩm.
Trong
khi các nước có quyền ra tiêu chuẩn Codex cho riêng sản phẩm của mình thế thì tại
sao bản dự thảo lại đề nghị lấy tiêu chuẩn của Thái để áp dụng vào Việt Nam?
Bản dự thảo cũng yêu cầu các thùng chứa nước mắm
truyền thống phải có màu sáng. Tuy nhiên ai cũng biết các bể ủ nước mắm đều làm
bằng xi măng, hay thùng gỗ, còn gọi là thùng liều làm sao có màu sáng được? Màu
sáng như yêu cầu của bản dự thảo có hai mục đích, thứ nhất làm ra vẻ công nghiệp
hiện đại, thứ hai nhằm làm kiệt quệ các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống vì
nếu thay đổi toàn bộ các thùng chứa theo như yêu cầu thì các cơ sở này sẽ phá sản.
Dáng vẻ công nghiệp hiện đại sẽ giết chết hình ảnh
truyền thống của một sản phẩm, bất cứ sản phẩm nào. Chẳng hạn như rượu vang,
hàng trăm năm nay các hãng rượu danh tiếng thế giới không nổi tiếng vì hiện đại
mà nổi tiếng về cách ủ rượu trong các thùng gỗ truyền thống. Nếu bị thay đổi chắc
chắn các hãng rượu này sẽ phá sản vì tính cách duy mỹ của bản dự thảo.
Nếu nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng thì các đại
gia nước chấm công nghiệp không hề tổn hại một đồng nào vì đơn giản họ chỉ pha
chế nước lạnh và hóa chất, được che đậy bằng mỹ tự phụ gia, để thành “nước mắm”
nên không cần thùng để ủ trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm để cho ra sản phẩm.
Từ hơn mười năm nay, nhiều nhà thùng ở Phú Quốc hay
Phan Thiết đã xuất khẩu nước mắm truyền thống sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc… là những
thị trường khó tính, hàng rào kỹ thuật rất nghiêm ngặt song nước mắm Việt Nam
chưa hề gặp phải bất cứ cảnh báo nào về an toàn thực phẩm, và chẳng ai yêu cầu
Việt Nam phải thay đổi thùng liều có màu sáng mới cho bán nước mắm tại nước của
họ.
Hiện nay có khoảng 2.800 cơ sở chế biến và doanh
nghiệp chế biến nước mắm truyền thống. Nhìn vào các kệ hàng nước mắm trong các
siêu thị là thấy sự đa dạng của các thương hiệu đã dày công vun xới cho sản phẩm
của họ trong nhiều năm qua. An toàn thực phẩm chưa bao giờ liên quan đến nước mắm
ngoại trừ chúng bị cáo gian như vụ Vinastas.
Bản dự thảo nếu được thông qua bất kể sự chống đối của
các doanh nghiệp chế biến nước mắm truyền thống sẽ tạo ra nhiều hậu quả nghiêm
trọng. Thứ nhất, một ngành nghề truyền thống vốn không được nhà nước tạo
cơ hội thăng tiến nay sẽ phá sản và biến mất trên thị trường thế giới. Thứ hai, chấp nhận thông qua dự thảo là
chấp nhận hành vi tham nhũng chính sách của Cục Chế biến và Phát triển thị trường
nông sản, nơi phác thảo bản dự thảo có lợi cho các nhóm lợi ích núp bóng dưới
các công ty sản xuất nước chấm công nghiệp. Thứ ba, người dân sẽ
tẩy chay nước chấm công nghiệp để ủng hộ các thương hiệu nước mắm truyền thống
mà họ đã dùng trong gia đình suốt bao năm qua, từ khi nước chấm công nghiệp
chưa xuất hiện. Việc tẩy chay này sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều người, nhiều công
ty và nhà nước sẽ không có một chút lợi lộc gì. Thứ tư, kể từ nay hai chữ
“truyền thống” sẽ trở thành khôi hài khi áp dụng vào bất cứ lãnh vực nào do sự
vấy bẩn mà bản dự thảo đã cố tình bức tử hai chữ “truyền thống” đối với nước mắm
Việt Nam.
Nhiều dấu hiệu cho thấy đang có vài cơ quan nhà nước
dùng thẩm quyền của mình để đưa ra định nghĩa mập mờ ranh giới giữa nước mắm
truyền thống với nước mắm pha chế. Cái được gọi là nước mắm công nghiệp chỉ là
xảo ngôn của các công ty sản xuất vì trong đó không có “mắm” mà chỉ có nước mắm
được mua từ các thùng liều mang về pha thêm nước, chất phụ gia rồi mang ra thị
trường tiêu thụ.
Bênh vực và ủ mưu cho việc làm trái đạo đức này là
các “chuyên gia” của các cơ quan “thẩm quyền.” Ông PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch
Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm,
Bộ Y tế là một trong các thành phần này khi phát biểu trong một cuộc họp báo:
"Anh dựa vào đâu mà phân biệt nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp?
Tiêu chuẩn của Nhà nước người ta chỉ gọi là nước mắm và nước mắm nguyên chất. Tại
sao phải phân ra nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp để gây mất đoàn
kết trong ngành nước mắm của mình”.
No comments:
Post a Comment