Monday, March 18, 2019

TẠI SAO HOA KỲ KHÔNG THỂ BAY MỘT MÌNH? (Lê Phan)




Lê Phan
March 16, 2019

Từng quốc gia một, các cơ quan thanh tra của thế giới – đau đớn nhất là Trung Cộng cầm đầu, nhanh chóng Liên Hiệp Âu Châu (EU) theo sau – cấm bay cho loại phi cơ 737 Max 8 của Boeing theo sau hai vụ rớt phi cơ tai hại.

Một chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 thử nghiệm động cơ bên ngoài nhà máy của công ty Boeing vào ngày 11 Tháng Ba, 2019, tại Renton, Washington. Cổ phiếu của Boeing đã giảm sau khi một chuyến bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines rớt hôm Chủ Nhật, 10 Tháng Ba, khiến 157 người thiệt mạng là vụ tai nạn chết người thứ hai trong sáu tháng liên quan đến Boeing 737 Max 8. (Hình: Stephen Brashear/Getty Images)

Trước áp lực của Tổng Thống Donald Trump, cơ quan Quản Trị Hàng Không Hoa Kỳ FAA từ chối không chịu theo. Khi Canada, quốc gia quan trọng cuối cùng, đi theo, sự cô lập của Hoa Kỳ đã trở thành hoàn toàn. Lập trường của Tổng Thống Trump đã cho thấy một thí dụ độc đáo khi thế giới bác bỏ sự lãnh đạo của Hoa Kỳ về an toàn không hành. Sự thay đổi thái độ của ông là một giây phút đáng ghi nhớ về thực tại của một thế giới đang nhanh chóng thay đổi.

Không cần một hộp đen để có thể khám phá ra tại sao. Yếu tố lớn nhất cho sự suy giảm niềm tin toàn cầu là vì uy tín của các định chế của Hoa Kỳ. Ngân sách mà tổng thống đưa ra tuần này đã cắt giảm thêm nữa cho FAA mặc dầu sự việc là hệ thống kiểm soát không lưu của họ vẫn còn nhiều năm thua nhiều đối thủ của Hoa Kỳ.

Hơn nữa, FAA không có người cầm đầu. Tổng Thống Trump đã chỉ định phi công riêng của ông, ông John Dunkin – người phi công bay các phi cơ riêng của ông Trump, chứ không phải sĩ quan không quân cao cấp bay Air Force One – để cầm đầu cơ quan.

Khi Thượng Viện đã đồng lòng bật cười nói là ông này không có khả năng để cầm đầu một cơ quan với ngân sách lên đến $18 tỷ, cũng như chịu trách nhiệm cho an toàn không lưu trên toàn Hoa Kỳ, một trách nhiệm có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạnh nhân dân, tổng thống nổi nóng và từ đó không thấy đề cử ai khác. Thế là từ đó đến nay, FAA đã bay mà không có phi công trong hơn một năm nay rồi. Do đó cũng chả có gì lạ khi những partner của Hoa Kỳ mất niềm tin vào chiều hướng hoạt động của một trong những định chế đã từng được kính nể nhất thế giới.

Điều tương tự cũng có thể nói về ngoại giao của Hoa Kỳ. Hơn nửa nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump rồi, nhưng một trong bảy chức vụ đại sứ Hoa Kỳ vẫn còn chưa được chỉ định, kể cả Nam Hàn, Saudi Arabia và Pakistan. Điều tương tự cũng có thể nói cho những chức vụ vẫn còn không có người trong các ban ngành quan trọng trong nước.

Mức độ suy sụp tinh thần đi đến nỗi mà ông William Burns, một cựu thứ trưởng ngoại giao, nói đến “một cuộc tài giảm vũ khí ngoại giao đơn phương” của Hoa Kỳ. Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đang ngày càng thiếu tài nguyên – và niềm tin – để làm công việc kiên nhẫn thuyết phục các quốc gia khác đi theo với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Trong ngân sách đưa ra tuần rồi, tổng thống đề nghị cắt giảm 23% ngân sách vốn đã quá nhỏ nhoi của Bộ Ngoại Giao. Chả trách mà trong những cố gắng ngoại giao gần đây Hoa Kỳ đã thất bại. Hoa Kỳ đã không thuyết phục được một đồng minh nào để tham gia cùng với mình khi rút lui khỏi thỏa Thuận Hạt Nhân Iran, rút khỏi Hiệp Định Về Biến Đổi Khí Hậu Paris, hay yêu cầu những quốc gia khác giúp thay thế Hoa Kỳ ở Syria nơi mà sự rút lui sẽ có hậu quả khôn lường.

Số phận của tập đoàn Hoa Vi (Huawei), tập đoàn Telecom đầy vấn đề, là một trường hợp đang cần sớm giải quyết. Tổng thống đã yêu cầu các đồng minh theo gương Hoa Kỳ cấm Hoa Vi tham gia vào việc xây dựng hệ thống điện thoại di động 5G.

Cách đây vài năm chỉ cần những nghi ngờ có thể tin cậy được về sự thiếu vắng những bức tường giữa Hoa Vi và guồng máy an ninh tình báo của Bắc Kinh là đủ thuyết phục các đồng minh đồng ý ngay. Nhưng nay, nhiều quốc gia, kể cả Anh Quốc và Đức, đã bác bỏ những “chỉ thị” của tổng thống. Ông cũng chẳng giúp cho chính mình khi ông ngầm ý nói là ông sẽ rút yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ cho bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc điều hành của Hoa Vi, để đổi lại cho những nhượng bộ mậu dịch của Trung Quốc.

Qua hành động này, tổng thống có vẻ đã đưa ra chỉ dấu là tòa án Hoa Kỳ không còn độc lập khỏi những đồng bóng chính trị của tổng thống nữa. Đó là loại đề nghị mà trước kia người ta chỉ chờ đợi ở những người như một nhà lãnh đạo của Trung Cộng.

Nhưng có lẽ điều đáng chú ý nhất của vụ tranh cãi quanh Boeing 737 là thực tế của nền kinh tế toàn cầu, theo tờ Financial Times. Khi Trung Cộng và Liên Hiệp Âu Châu đồng ý với cùng một tiêu chuẩn thanh tra, Hoa Kỳ không có bao nhiêu lựa chọn ngoài việc đi theo. Cùng nhau, Trung Cộng và EU chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ chỉ chiếm có 1%. Đáng lẽ phải là ngược lại.

Theo Thỏa Thuận Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà chính phủ tiền nhiệm của tổng thống đã điều đình, Hoa Kỳ và các đồng minh dự định thành lập một tiêu chuẩn toàn cầu mà Trung Cộng phải theo. Thỏa thuận tương tự xuyên Đại Tây Dương nay đã bị bỏ rơi cũng có tham vọng tương tự.

Hành động đầu tiên của tổng thống khi nhậm chức là rút lui khỏi TPP. Thỏa thuận TPP bao gồm những loại luật lệ mà tổng thống nay đang đơn phương tìm cách thuyết phục Trung Cộng tuân thủ với ngay cả một cuộc chiến mậu dịch nhưng vẫn chưa thành công.

Cân bằng quyền lực mà nói, Hoa Kỳ vẫn còn là cường quốc số một của thế giới. Nhưng nó chỉ có hiệu lực trọn vẹn khi quyền lực đi đôi với lẽ phải. Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc chấp thuận dược phẩm, kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường và nhiều thứ khác nữa đang thụt lùi sau những quốc gia khác. Mặc dầu Hoa Kỳ có những công ty hàng đầu về kỹ thuật, Âu Châu nay đang đưa ra những tiêu chuẩn về quyền riêng tư trên Internet, một chuyện mà cách đây chỉ vài năm không ai nghĩ có thể xảy ra.

Điều còn đáng buồn hơn nữa là tổng thống đã làm hại ngay cả uy tín của cơ quan FAA. Trong nhiều ngày sau vụ ở Ethiopia, ông quyền giám đốc FAA đã cố chống cự lại mọi áp lực và tiếp tục khẳng định niềm tin vào Boeing.

Dân Biểu Peter A. DeFazio của tiểu bang Oregon kể lại với tờ New York Times là khi ông bước ra khỏi cuộc điều trần sáng hôm Thứ Tư, 13 Tháng Ba, để nói chuyện với ông Daniel K. Elwell, quyền giám đốc FAA về Boeing 737, ông Elwell trấn an ông là không có gì để lo lắng cả. Chỉ vài giờ sau, tổng thống thông báo là phi cơ bị cấm bay.

Cả ông dân biểu lẫn một phi công của American Airlines, đại diện cho các phi công của hãng ở cơ quan An Toàn Giao Thông NTSB, đặt câu hỏi vậy quyết định cấm bay là của FAA hay là của tổng thống. Điều họ còn thắc mắc hơn nữa là tổng thống làm sao có khả năng chuyên môn của FAA để thẩm định về việc cấm bay.

Liệu tổng thống có thấy được những điều đáng lo cho kinh nghiệm tuần này của cơ quan FAA chăng? Có lẽ không. Hằng ngày ông loan báo về sự khinh thường của ông đối với các chuyên gia. Mới tuần này chẳng hạn ông tweet là ấm nóng toàn cầu là “tin dỏm” và kỹ thuật hàng không hiện đại đã bị đánh giá quá cao. Ông tweet “Tôi không muốn Albert Einstein làm phi công cho tôi.” Nghe ra có vẻ như ông cảm thấy là bản thân ông cũng có đủ khả năng để tự lái phi cơ cho mình.

Là tổng thống Hoa Kỳ, vẫn còn là cường quốc duy nhất của địa cầu, đó là đặc quyền của ông. Nhưng ông không nên ngạc nhiên khi những quốc gia khác từ chối không cho ông vào không phận của họ. (Lê Phan)

------------------------------

VOA Tiếng Việt  |  18/03/2019







No comments: