Văn
Lan/Người Việt
March 8, 2019
WESTMINSTER,
California (NV) – Đã lâu lắm rồi mới có một buổi ra mắt sách
thú vị đến như vậy, từ nội dung đến cách sắp đặt trình bày, bàn luận sôi nổi, tất
cả đã tạo nhiều cảm hứng cho một đề tài thuộc loại kén người đọc.
Buổi ra mắt sách, từ
trái, nhà báo Lê Phan, Sử Gia Lê Mạnh Hùng, Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng. (Hình:
Văn Lan/Người Việt)
Đó là hai tác phẩm “Văn Minh-Con Đường Tới Xã Hội
Hiện Đại” và “Phiếm Luận Về Tam Quốc Chí” của Sử Gia-Tiến Sĩ Lê Mạnh
Hùng, vừa diễn ra lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật, 3 Tháng Ba, tại trụ sở đài Little
Saigon Radio, Westminster. Cùng thời điểm, Hồn Việt TV và Little Saigon Radio
“livestream” trên Internet từ 10 sáng đến 12 giờ trưa.
Chương trình được mở ra cho độc giả đến dự, trao đổi
với tác giả của hai tác phẩm trên, Sử Gia Lê Mạnh Hùng, và phu nhân của ông, bà
Lê Phan, cựu xướng ngôn viên tiếng Việt đài BBC Luân Đôn, cũng là người giúp
ông biên soạn hai tác phẩm này, với phần dẫn chương trình của Luật Sư Nguyễn
Hoàng Dũng.
Tác phẩm “Văn Minh-Con Đường Tới Xã Hội Hiện Đại”
dày 467 trang, gồm năm chương với các nội dung: Nền văn minh Lưỡng Hà; Ai Cập:
Nền văn minh có những kiến trúc vỹ đại nhất; Văn Minh Ấn Độ và những đóng góp về
tôn giáo; Đại cương về lịch sử và giáo lý Phật Giáo; Trung Quốc từ khởi thủy đến
hết đời Tống.
Tác phẩm này gồm hai phần, phần thứ nhất gồm hai quyển,
nói về các nền văn minh từ cổ đại cho đến hết thời Trung cổ (khoảng 1,300 năm
Sau Công Nguyên), và phần thứ hai viết tiếp từ thế kỷ 14 cho đến ngày nay, được
biên soạn công phu, cho thấy tiến trình văn minh của nhân loại qua nhiều thế kỷ.
Theo bộ sách này, chữ viết bắt đầu là nền văn minh đầu
tiên của nhân loại, có trên 5,000 năm xảy ra tại vùng hiện nay là Iraq (còn gọi
là vùng Lưỡng Hà-Mesopotamia). Chữ viết đầu tiên đặt ra rất bình thường, nhưng
khi con người biết đo đếm phức tạp, cần có chữ viết để giữ lại những hồ sơ, đó
là mục đích đầu tiên của chữ viết dùng để ghi chép và liên lạc.
Có hai loại văn minh vật chất và văn minh tinh thần,
với sự tiến dần lên của những mục tiêu văn học, khi có một số tác giả và độc giả,
và sau đó có những mục tiêu khác nhau nữa. Theo đó thì giá trị văn minh tinh thần
được tạo thành từ các yếu tố: thành thị, tức là nơi mà con người có điều kiện sống
trật tự an ninh qua những bộ luật; giá trị đạo đức xã hội; và các ngành văn học
nghệ thuật khác cùng lúc phát triển.
Quang cảnh buổi ra
mắt sách của Sử Gia Lê Mạnh Hùng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Một người lính già tên Hiền, sau khi nghe truyết
trình tác phẩm “Văn Minh-Con Đường Tới Xã Hội Hiện Đại,” đóng góp ý kiến: “Nếu
viết sử mà chỉ để trình bày những những sự kiện đã xảy ra, đó là một sự thiếu
sót. Viết sử cũng nên có sự phê bình để thấy cái hay dở, chứ độc giả như chúng
tôi thì già lắm rồi, chỉ trông mong ở thế hệ sau. Nếu thế hệ sau cũng không biết
gì hơn thế hệ trước thì rất là uổng. Các học giả hoặc sử gia nên có một lời giải,
hay một giải pháp nào, thí dụ như cho trường hợp Việt Nam, thì hay hơn!”
Trả lời, Sử Gia Lê Mạnh Hùng cho rằng: “Công việc của
sử gia không phải chỉ ghi lại sự kiện và cần phải giải thích cái gì dẫn đến sự
kiện xảy ra. Công việc của sử gia lại càng không phải là việc đưa ra một giải
pháp, mà là đưa ra một câu chuyện trong quá khứ, nói rõ những nguyên nhân và hậu
quả của những quyết định đó.”
“Ở Anh hay Mỹ có quy định, việc gì xảy ra 30 năm trước
là công việc thuộc sử, việc xảy ra trong vòng 30 năm là việc của nhà chính trị.
Tôi cũng đồng ý với đề nghị của ông Hiền, nhưng vai trò của sử gia không phải
là người đưa ra giải pháp,” sử gia nói tiếp.
Bà Phương Khanh thì cho rằng người viết sử chỉ viết
sự kiện thôi, còn nếu có thêm ý kiến vào, hóa ra mình không công bằng, viết
theo thiên kiến, viết theo kiểu “văn nô” hoặc tiểu thuyết gia.
Để trả lời câu hỏi “Ngoài chữ viết, khi nói đến
thành tích phát triển về vật chất của văn minh nhân loại thì những gì nên quan
tâm đến?” Sử Gia Lê Mạnh Hùng cho biết: “Tiến trình tiến hóa của xã hội loài
người như một tấm vải dệt bởi những sợi đủ màu khác nhau, thành ra muốn hiểu,
chúng ta cần phải tìm những cơ cấu tạo thành, những di sản nhận được từ quá khứ,
cũng như ảnh huởng của quá khứ lên suy tư và hành động của con người trong hiện
tại hay tương lai.”
Phần thứ hai của chương trình giới thiệu tác phẩm
“Phiếm Luận Về Tam Quốc Chí” cũng sôi nổi không kém với nhiều câu hỏi và nhận
xét thú vị của độc giả như: Tào Tháo có đúng là kẻ gian hùng không; Tam Quốc
Chí có thổi phồng Khổng Minh quá hay không; hay nói về giai thoại “Tam Cố Thảo
Lư” khi Lưu Bị ba lần đến tận lều tranh để cầu Khổng Minh Gia Cát Lượng, cũng
chính là khía cạnh quan trọng của nhà lãnh đạo…
Sử Gia Lê Mạnh Hùng cho rằng: “Bốn bộ truyện cổ điển
được coi là bất hủ nhất của Trung Quốc là Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Tây
Du Ký, và Hồng Lâu Mộng, được nhà phê bình đời Thanh của Trung Hoa, ông Kim
Thánh Thán nhận định rằng: ‘Cả bốn cuốn này về phương diện văn học cũng như nghệ
thuật đều có thể xứng danh với thế giới, nhưng nếu chỉ dùng một chữ để mô tả
toàn bộ tư tưởng và nghệ thuật của mỗi tập thì Thủy Hử phải dùng chữ ‘Nghĩa’ để
làm chủ đề tạo ra nhân vật, Tây Du Ký thì dùng chữ ‘Ảo,’ trong khi Hồng Lâu Mộng
có thể tóm tắt lại bằng một chữ ‘Tình.’ Riêng Tam Quốc Chí thì chủ đề chính là
chữ ‘Tài.’”
Trao đổi sôi nổi giữa
Sử Gia Lê Mạnh Hùng (thứ ba, trái) và người tham dự trong buổi ra mắt sách.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Buổi ra mắt sách ngắn gọn trong hai giờ, ắt hẳn vẫn
chưa đủ lý giải hết một công trình đồ sộ như vậy, khiến người tham dự với nhiều
cảm hứng, đành phải hẹn lại lần sau.
Sử Gia Lê Mạnh Hùng chào đời năm 1942 tại Hà Nội,
nhưng trải qua những năm thơ ấu tại Hải Phòng. Năm 1954 cùng gia đình vào Nam định
cư ở Nha Trang. Vào Sài Gòn học tiếp ở trường Chu Văn An, tốt nghiệp Tú Tài năm
1960.
Mặc dầu mơ ước gia nhập binh chủng Hải Quân, nhưng
tình cờ thi đậu cuộc thi tuyển du học tại Hoa Kỳ năm 1961, đã theo học và tốt
nghiệp kỹ sư hải dương tại Học Viện Kỹ Thuật Massachutsetts (MIT) với hai bằng
BS và MS năm 1965.
Về nước, ông làm việc tại Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ
Nghệ (sau trở thành Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ), sau làm việc tại Trung Tâm
Quốc Gia Kỹ Thuật và trở thành giám đốc trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ năm
1969. Giữ chức vụ phụ tá tổng giám đốc Công Ty Tài Chánh Sofidiv (sau trở thành
Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển). Năm 1974, giữ chức Trưởng Khối Ngoại Viện Bộ Kế
Hoạch.
Sau năm 1975, bị bắt đi học tập đến 1982. Bị trưng dụng
làm việc cho Ủy Ban Khoa Học Nhà Nước (phân hiệu B), tham gia vào các công
trình nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long và phát triển khu tứ giác Long Xuyên.
Di dân sang Úc năm 1990 và chuyển sang làm báo. Năm
1992 cùng gia đình chuyển sang Anh làm việc cho Ban Việt Ngữ, Thế Giới Vụ đài
BBC. Năm 2000 tốt nghiệp tiến sĩ sử học tại trường Đông Phương và Phi Châu Học
(School of Oriental and African Studies) Viện Đại Học Luân Đôn.
Năm 2001 sang Mỹ làm việc cho Ban Việt Ngữ đài Á
Châu Tự Do. Về hưu năm 2003, tập trung vào viết sách và viết báo, hiện đang định
cư tại Luân Đôn, Anh Quốc.
Độc giả đặt mua hai cuốn sách trên, xin liên lạc
(714) 933-7888 hoặc địa chỉ 13749 Beach Blvd., Westminster, CA 92683; hoặc gặp
gỡ Sử Gia Lê Mạnh Hùng qua số (714) 933-7877. (Văn Lan)
No comments:
Post a Comment