Lê Phan
March 9, 2019
Không có một cái tweet nào của Tổng Thống Donald
Trump lại có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán mạnh bằng cái tweet của ông về
thuế quan với Trung Cộng hôm cuối tháng trước.
Sau khi tổng thống xác nhận là ông hoãn việc nâng
thuế quan lên mức trừng phạt 25% cho $200 tỷ hàng xuất cảng của Trung Cộng sang
Hoa Kỳ nhờ điều đình mậu dịch “có kết quả,” mọi thứ từ gia cổ phần toàn cầu đến
giá dầu thô và đồng đô la Úc tăng vọt. Tiến bộ đi đến một thỏa thuận đều được
chào đón. Nhưng điều đó không thể là kết thúc câu chuyện.
Có lẽ khi ông Trump
gặp ông Tập ở Mar-a-Lago trong Tháng Ba này chúng ta sẽ thấy một cuộc ngưng bắn,
nhưng nó sẽ khó bền. Trong hình, cờ Mỹ và cờ Trung Quốc bên ngoài một cửa hàng ở
Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Bất cứ một thỏa thuận nào có thể chấm dứt bảy tháng
đụng trận mậu dịch giữa hai bên về những cáo buộc của Hoa Kỳ là Trung Cộng buộc
các công ty phải trao những bí mật mậu dịch cho họ và ăn cắp kỹ thuật ngoại quốc
đều là một điều tích cực. Ngay cả một thỏa thuận xấu, nếu nó có thể tránh được
một cuộc chiến mậu dịch, còn tốt hơn là không có thỏa thuận. Với dấu hiệu là cả
hai nền kinh tế đang đi vào giai đoạn trì trệ, thật là trong quyền lợi của cả
ông Trump lẫn ông Tập Cận Bình ở Trung Cộng tìm cách chế ngự căng thẳng.
Nhưng cũng có lý do cho thị trường chứng khoán giới
hạn sự ăn mừng. Một là, ngoài sự việc là những “văn bản ghi nhớ” (memorandum of
understanding) đang được bàn thảo bao gồm những khu vực căn bản – tuy tổng thống
công khai ra lệnh cho ông đại diện thương mại, ông Robert Lighthizer, rằng ông
muốn một “hợp đồng” – chi tiết của một thỏa thuận vẫn còn chưa ai biết. Mức độ
mà nó có thể giải tỏa được căng thẳng lâu dài giữa Washington và Bắc Kinh còn
tùy thuộc vào chi tiết, và liệu nó có thể được thực thi và theo dõi hay không.
Trên thực tế, bất cứ một thỏa thuận nào cũng không
hơn không kém chỉ là một cuộc ngưng bắn trong một cuộc chiến còn kéo dài. Các
thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư và các công ty đã đánh giá quá thấp mức
độ mà Hoa Kỳ và Trung Cộng đã đi vào một thời đại mới của cạnh tranh chiến lược
vốn sẽ bao trùm tất cả mọi khía cạnh trong liên hệ song phương. Nó sẽ có những
tiềm ẩn đáng kể cho chu trình cung cấp cho toàn Á Châu, và thế giới và mang lại
những dao động trong thị trường chứng khoán cho một vùng vốn đã là động cơ
chính thúc đẩy kinh tế toàn cầu trong thập niên qua.
Sự việc Tổng Thống Trump bị thăng bằng mậu dịch ám ảnh
là một điều lạc hướng ngắn hạn. Cuộc đụng độ thực sự đến từ mục tiêu mà Trung Cộng
đã công bố về chế ngự kỹ thuật cũng như chế ngự vùng và việc Hoa Kỳ cương quyết
duy trì vị thế là cường quốc hàng đầu về kỹ thuật.
Trung Cộng có thể dễ dàng thỏa mãn đòi hỏi thăng bằng
mậu dịch của tổng thống bằng cách mua thêm đậu nành – mà họ hứa sẽ mua thêm 10
triệu tấn nữa – thêm nhiều phi cơ Boeing và microchip nữa. Phải nói là đứng về
phương diện chính trị, và có lẽ ngay cả vật chất nữa, ông Tập Cận Bình không thể
chịu thua về mục tiêu lâu dài và rộng lớn hơn của Trung Cộng. Sau khi đã hứa hẹn
“sự hồi sinh của nước đại Trung Hoa,” bất cứ một sự sẵn sàng nào để trì hoãn
hay giảm thiểu những tham vọng của ông đối diện với những đe dọa của Hoa Kỳ, sẽ
là một mối nguy cho ông chủ tịch nước Trung Cộng.
Thái độ của cả hai bên đã căng thẳng vượt mức mà
liên hệ có thể trở lại mức độ bình thường trước đây. Ở Bắc Kinh, một chính quyền
ngày càng độc tài đang khoe khoang một chế độ tư bản nhà nước độc đáo như là một
giải pháp thay thế cho điều được gọi là đồng thuận Washington của một chế độ tư
bản dân chủ. Chế độ tư bản nhà nước này tìm cách viết lại những luật lệ và định
chế toàn cầu theo chiều hướng của nó.
Ở Washington, trong khi đó, chủ nghĩa cô lập vốn là
phản xạ của tổng thống bị mọi người chống đối, trừ có trường hợp khi cố gắng của
ông để lập lại một sân chơi cân bằng với Trung Cộng. Không có điều gì đoàn kết
giới lãnh đạo Hoa Kỳ xuyên qua mọi khác biệt đảng phái như là mối lo sợ về đe dọa
của Trung Cộng cho trật tự thế giới mà Hoa Kỳ đã xây dựng. Ngay cả các nhà kinh
doanh Hoa Kỳ, vốn đã hưởng lợi vì nhiều thập niên chuyển việc sản xuất sang
Trung Cộng, nay đang lặng lẽ khuyến khích tổng thống trong hy vọng ông sẽ giải
quyết những khó khăn mà họ đang gặp làm ăn với Trung Cộng.
Có lẽ khi ông Trump gặp ông Tập ở Mar-a-Lago trong
Tháng Ba này chúng ta sẽ thấy một cuộc ngưng bắn, nhưng nó sẽ khó bền. Trung Cộng
vốn có thành tích chưa bao giờ tôn trọng một thỏa thuận nào cả. Thỏa thuận mà
ông Lighthizer soạn thảo rồi thể nào cũng có những điều khoản để “đóng lại” vốn
cho phép Hoa Kỳ tái áp dụng thuế quan lên hàng Trung Cộng.
Ấy là chưa kể một thỏa thuận mà phía Trung Cộng
không thực sự đầu hàng sẽ khiến bên Dân Chủ có cớ để nói là tổng thống “yếu với
Trung Quốc.” Sau khi được bầu lên vì ông hứa sẽ cứng rắn với Trung Cộng, bất cứ
một điều gì khiến đối thủ có thể đổ cho là ông “yếu với Trung Cộng” sẽ làm cho
tổng thống cảm thấy khó khăn hơn trong việc lờ đi một khi Trung Cộng lại chứng
nào tật nấy không thi hành những điều họ đã ký.
Cách đây một năm, Tổng Thống Trump tuyên bố “chiến
tranh mậu dịch là tốt và dễ thắng lắm.” Cuối Tháng Hai vừa qua, một cuộc nghiên
cứu mới của Viện Tài Chánh Quốc Tế (Institute of International Finance-IIF) cho
thấy là trả đũa của Trung Cộng về thuế quan đã tạo nhiều khó khăn cho các nhà
xuất cảng Hoa Kỳ hơn là so với những đối tác của họ ở phía Trung Cộng. Theo cuộc
khảo sát này thì trả đũa của Trung Cộng có ảnh hưởng trầm trọng hơn cho xuất cảng
của Hoa Kỳ. Con số thiệt hại tính cho toàn năm 2018 theo IIF lên đến $40 tỷ, gần
một phần ba con số $130 tỷ mà Hoa Kỳ xuất cảng sang Trung Cộng năm 2017.
Trong hoàn cảnh đó, hẳn là rồi sẽ có một thỏa thuận
ngưng bắn. Nhưng thỏa thuận đó kéo dài bao lâu và rồi khi bùng nổ lại cuộc chiến
sẽ mang hình thức nào thì chúng ta còn phải chờ xem. (Lê Phan)
--------------------------------
XEM
THÊM
Ngô Nhân Dụng
March 8, 2019
Kết thúc năm 2018, số khiếm hụt mậu dịch của nước Mỹ
là $621 tỷ, tăng thêm $70 tỷ, tức 12.5% so với năm 2017. Khiếm hụt mậu dịch là
khác biệt khi tổng số tiền chi ra mua hàng nhập cảng cao hơn tiền thâu vào nhờ
xuất cảng.
Riêng với Trung Quốc, mức thâm thủng lên tới $419 tỷ,
tăng thêm $44 tỷ. Chính phủ đánh đòn thuế quan và Trung Cộng trả đũa; nhưng số
hàng Mỹ nhập cảng vẫn tăng thêm 11.3%, còn hàng bán qua Trung Quốc chỉ tăng
0.7%.
Trước những con số đó, nhiều người Mỹ lo lắng. Nước
Mỹ đang thua nước Tàu trong cuộc chiến tranh thương mại này chăng?
Không có gì đáng lo. Người ta sẽ không lo sợ khi biết
những lý do nào đưa tới khiếm hụt mậu dịch.
Thứ nhất, trong năm 2018 kinh tế Mỹ vẫn phát triển mạnh
hơn trong khi Trung Quốc đi chậm lại. Kinh tế lên là một tin mừng cho dân Mỹ. Họ
nhiều tiền hơn, tiêu thụ nhiều hơn. Tổng Thống Donald Trump đánh thuế quan 10%
trên $250 tỷ hàng nhập cảng từ Trung Quốc, giá bán những món hàng đó tăng.
Nhưng người tiêu thụ ở Mỹ chưa giảm bớt việc mua sắm, vì lợi tức của nhiều người
cũng tăng nhờ kinh tế lên. Ngược lại, dân Trung Hoa lo sắp mất việc hoặc lợi tức
sụt giảm, họ chi tiêu dè sẻn hơn. Lý do chính khiến Trung Quốc có thể bán hàng
giá rẻ là người lao động ở bên đó lãnh lương rất thấp. Bây giờ họ lại còn lo lắng
cho tương lai khi thấy kinh tế chậm lại; các xí nghiệp và các ông bà chủ cũng
lo, cho nên cả nước bớt nhập cảng.
Hơn nữa, một nguyên nhân chính gây ra khiếm hụt
thương mại của Mỹ là dân Mỹ tiết kiệm rất ít. Từ bao lâu nay vẫn như thế rồi. Một
dấu hiệu hiển nhiên cho thấy Mỹ tiết kiệm ít, chi tiêu nhiều, là số khiếm hụt
ngân sách. Chính phủ Mỹ chi ra nhiều hơn số thâu vào. Phòng Ngân Sách Quốc Hội
Mỹ (CBO) ước tính trong năm 2019 ngân sách chính phủ sẽ thâm thủng $900 tỷ. Năm
2016 số khiếm hụt chỉ có $620 tỷ, tăng gần một nửa trong ba năm.
Khiếm hụt ngân sách lên cao phần lớn là do đạo luật
cắt giảm thuế cho các công ty và những người có lợi tức cao trong năm 2017. Đạo
luật này cũng góp phần làm khiếm hụt mậu dịch lên theo, vì khi người ta đóng
thuế ít hơn thì họ cũng dư tiền để tiêu thụ nhiều hơn, kể cả hàng nhập cảng.
Yếu tố thứ ba làm cho Mỹ khiếm hụt mậu dịch nhiều
hơn là đồng đô la tăng thêm giá trị so với đồng tiền các nước khác. Chẳng hạn,
khi đô la lên giá so với đồng bạc Việt Nam, một đô la có thể mua được nhiều
hàng từ Việt Nam hơn. Cùng lúc đó, một đồng Việt Nam mua được ít hàng của Mỹ
hơn. Tự nhiên là Mỹ sẽ nhập cảng thêm còn Việt Nam bớt mua hàng Mỹ, con số khiếm
hụt mậu dịch của Mỹ sẽ tăng.
Giữa tiền Mỹ và tiền Trung Quốc thì tỷ lệ trao đổi
hơi phức tạp. Chính phủ Mỹ, từ nhiều đời tổng thống, vẫn tố cáo chính quyền Cộng
Sản Trung Hoa cố ý dìm giá đồng nguyên của họ xuống, để hàng hóa của họ hạ giá
khi tính ra Mỹ kim, sẽ bán được nhiều hơn. Họ giữ hối suất giữa hai thứ tiền cố
định, không để thị trường tự do lên xuống.
Trung Cộng làm cách nào giữ cho hối suất thấp cố định
theo ý họ muốn, thí dụ, một đô la ăn 6.1 đồng nguyên? Họ đem đồng nguyên đi mua
đô la, ngày càng mua nhiều. Trong thị trường cái gì nhiều người mua thì lên
giá, nhiều người đem bán thì giá xuống. Trung Cộng mua đô la về rồi đem mua
công trái, giấy nợ của chính phủ Mỹ, tức là đem tiền cho Mỹ vay. Vì vậy, nước
Tàu trở thành chủ nợ lớn nhất của Washington. Tháng Chín, 2018, chính phủ Mỹ nợ
Tàu $1,150 tỷ, bằng 18% tổng số nợ Mỹ nợ nước ngoài.
Các chính quyền Mỹ từ nhiều đời tổng thống vẫn đòi
Trung Cộng phải nâng giá trị đồng nguyên so với đô la; nói rằng họ ấn định hối
suất thấp quá. Người Mỹ tính hối suất đồng nguyên giả tạo thấp hơn 15% đến 40%
so với giá thật, nếu được trao đổi tự do trong thị trường.
Nhưng điều này chỉ đúng hồi đầu năm 2000. Năm 2006,
Bộ Trưởng Tài Chánh Mỹ Hank Paulson đã ép Trung Cộng phải chịu tăng giá trị đồng
nguyên thêm 2% đến 3% một năm, liên tiếp trong ba năm. Nhưng sau đó giá trị của
đồng đô la tăng lên đều đều, so với mọi thứ tiền tệ khác. Trong ba năm, từ 2013
đến 2015, đồng đô la lên giá thêm 25%.
Khi đô la tăng giá, đồng nguyên cũng tăng theo vì
dính vào hối suất cố định. Hậu quả là giá đồng nguyên lên cao so với tiền tệ
các nước khác, nhất là vùng Đông Nam Á. Nghĩa là, khi tính ra Mỹ kim, hàng hóa
Trung Quốc tự nhiên tăng giá so với hàng các nước đang cạnh tranh với họ.
Trung Cộng lo ngại, từ năm 2015 đã thay đổi, không
áp đặt đồng nguyên một giá cố định so với đô la nữa. Ngay sau đó, giá trị đồng
nguyên đã tụt xuống trên thị trường tiền tệ thế giới! Nhờ thế, hàng Trung Quốc
lại giảm giá, và xuất cảng dễ hơn.
Nhiều người lại lo chính quyền Trung Cộng cho Mỹ vay
nhiều quá, nếu đòi hết nợ ngay thì sao? Muốn “đòi nợ” họ chỉ có một cách là đem
bán các công trái Mỹ trên thị trường thế giới. Nhưng hành động đó không ích lợi.
Khi một món gì được đổ ra bán nhiều quá tức là món
đó ế ẩm, giá xuống thấp. Chính Trung Cộng sẽ thiệt, vì các công trái Mỹ họ đang
bán bị tụt giá! Một hậu quả khác là khi chính phủ Mỹ muốn bán thêm công trái
thì sẽ phải trả lãi suất cao hơn mới lôi cuốn được nước khác mua. Hệ quả là lãi
suất ở nước Mỹ sẽ tăng lên, có thể làm cho kinh tế Mỹ suy thoái. Nhưng nước Mỹ
mà nghèo đi thì Trung Cộng không có lợi gì, vì dân Mỹ sẽ bớt nhập cảng! Cho nên
Trung Cộng không bao giờ tính đem công trái Mỹ đi bán hàng loạt..
Nhưng nếu nước Mỹ cứ chịu cảnh khiếm hụt mậu dịch
khi mua bán với Trung Quốc thì tiền của Mỹ cứ thế chạy sang bên Tàu, chẳng phải
là thiệt hại cho dân Mỹ hay sao? Phần lớn người ta suy nghĩ giản dị như thế
này: Nước Mỹ nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, chênh lệch tới $620 tỷ, tức là năm
ngoái dân Mỹ đã “bị mất” $620 tỷ cho nước khác, $419 tỷ vào tay người Tàu!
Nhưng sự thật không phải như vậy. Trong giao dịch
thương mại và tài chánh thế giới, số tiền ra và tiền vào một quốc gia bao giờ
cũng cân bằng. Người Mỹ đem tiền trả cho nước khác khi nhập cảng thì lại có một
dòng tiền từ các nước khác đổ vào nước Mỹ. Dòng tiền vào Mỹ dưới hình thức cho
vay, đầu tư trong chứng khoán, mua bất động sản hoặc các cơ sở làm ăn. Nhiều
người muốn đầu tư vào nước Mỹ chứng tỏ là kinh tế Mỹ mạnh nên hấp dẫn họ!
Tổng Thống Donald Trump đang lạc quan tin rằng sẽ thỏa
hiệp với Chủ Tịch Tập Cận Bình để Trung Cộng mua nhiều thứ của Mỹ hơn, từ nông
sản đến dầu, khí và máy bay. Cam kết này sẽ giúp cho số thâm thủng mậu dịch của
Mỹ giảm bớt, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Nước Mỹ vẫn nhập cảng nhiều, nếu không
mua từ Trung Quốc thì cũng mua của nước khác. Vì khi nào dân Mỹ chưa tiết kiệm
nhiều hơn, bớt tiêu thụ đi, ngân sách chính phủ Mỹ cứ thiếu hụt năm này qua năm
khác, thì nước Mỹ sẽ tiếp tục thâm thủng mậu dịch.
Nhưng mậu dịch khiếm hụt là một thứ “xa xỉ phẩm” mà
chỉ một nước giàu như Mỹ mới được hưởng. Vì kinh tế Mỹ mạnh nên tiền vốn từ các
nước khác đổ vào nước Mỹ. Người Mỹ tiết kiệm ít thì đã có tiền từ các nước khác
bù vào. Người nước khác tiết kiệm nhiều hơn nhưng thiếu cơ hội đầu tư nên họ
đem qua Mỹ.
Dân Trung Quốc bị chính quyền bắt buộc phải tiết kiệm
mà không biết, khi họ được trả lương rất thấp. Những đồng đô la đem được về nước
Tàu nhờ xuất cảng thì được dùng để nuôi bộ máy cai trị của đảng Cộng Sản, thay
vì tăng lương cho công nhân. Trong khi đó, dân Mỹ được trả lương cao nên tiêu
xài thong thả. Số tiền tiết kiệm để đầu tư nếu có thiếu thì đã có người nước
khác đem tới.
Nếu được lựa chọn thì người ta thích làm dân Mỹ hay
dân Tàu? (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment