18/03/2019
VNTB
- Cũ với cổ mà không có gía trị kinh tế thì cũng đập cho bằng hết. Tỉnh
nào cũng có khu thương mại, quảng trường mấy chục ngàn tỷ! Đà Lạt là đầu tàu du
lịch mà không có mấy trung tâm vậy để phục vụ du khách thì sao xứng là cái đầu
tàu!?
Hình : Khu Hoà Bình nhìn từ dốc Duy Tân - Dalat
năm 1968
Có nhiều người nói rằng cái gì cũ thì phải đập bỏ
đi, xây cái mới để Đà Lạt phát triển. Đúng là cần phát triển, nhưng bỏ đi cái
cũ hết thì hồn phố cũng mất theo.
Hồn phố núi
Hồn Đà lạt là những giọt sương sớm khi thưở Đà Lạt
còn lạnh nhiều, sáng sớm co ro đi trong cái lạnh phà ra hơi thở trắng như
sương, có lúc lại là những hạt sương li ti đọng trên mi mắt.
Hồn Đà lạt là mùi lá và nhựa thông ngai ngái phảng
phất trong nắng sớm khi đường còn vắng lặng, ít xe qua lại, đây đó những người nông
dân gánh rau kĩu kịt ra phố. Mùa khô bắt đầu lại có mùi khen khét của hoa quỳ
vàng rực rỡ, tiếng lá thông reo trên đồi cao.
Hồn Đà Lạt là những con phố nhỏ quanh co, với các
ngôi nhà thâm thấp, mái ngói lô xô màu nâu đậm. Hồn Đà lạt là những biệt thự kiểu
Pháp mà không cái nào giống cái nào nằm rải rác trên những con đường đẹp nhất.
Hồn Đà Lạt là những người ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn và
hiền lành khi xe máy chỉ cần khoá cổ để ngay sau khu Hoà Bình rồi đi xuống chợ
cả buổi rồi quay lại mà xe vẫn còn nguyên ở chỗ cũ.
Khu Hoà Bình, một toà nhà góc cạnh, nằm ở giữa trung
tâm thành phố. Bên trong là rạp chiếu phim, hai bên là những cửa hàng nhỏ nhỏ.
Đằng sau rạp chiếu phim là một phòng triển lãm nho nhỏ đủ loại tuỳ theo dịp lễ
lạt gì đó cần được tuyên truyền trong năm. Khu Hoà Bình chỉ đông trong những dịp
lễ lớn khi du khách đổ về Đà Lạt. Ngay đằng sau khu Hoà Bình là bến xe Tùng
Nghĩa, từ đó có thể đi lên đồi Dinh Tỉnh trưởng được.
Dinh tỉnh trưởng nằm trên một cái đồi có thể nói là
cao nhất Đà Lạt. Từ trên đồi cao có thể phóng tầm mắt nhìn tận ấp Ánh Sáng, Hồ
Xuân Hương, nhà thờ Con Gà, phía bên tay phải có thể nhìn thấy luôn sân bay Cam
Ly.
Đồi thông bao quanh dinh hoang vắng lạ thường, đứng ở
đó chỉ nghe tiếng gió và tiếng thông reo. Người ta có thể đi tắt từ bến xe Tùng
Nghĩa đi lên dinh rồi băng qua một cái xóm nhỏ để đâm ra ngã ba đường Bùi Thị
Xuân và Tăng Văn Danh. Con đường thông lên dinh đã bị người dân bít lại và Đài
Truyền Hình Lâm Đồng xây rào, làm cổng bảo vệ gần 20 năm nay.
Ai nói lãnh đạo ngu dốt?
Ông Đoàn Văn Việt đã ký quyết định phá bỏ khu Hoà
Bình một nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của thành phố và Dinh Tỉnh Trưởng.
Một khi được quy hoạch lại, đồi Dinh Tỉnh Trưởng sẽ là khu thương mại phức hợp
hiện đã có chủ đầu tư.
Theo mô hình toà nhà cao ngất trên đồi cao có mái
vòm xanh mang hơi hướng trung đông. Khu Hoà Bình sẽ trở thành toà nhà kính có
trồng cỏ mang hơi hướng Singapore. Tất cả là để phụ vụ giải trí cho người dân địa
phương và khách du lịch.
Chưa biết là sẽ phục vụ giải trí cho người dân địa
phương bằng cách nào, nhưng chắc chắn một điều đất Đà Lạt đang lên cơn sốt kinh
khủng. Giá đất ở đường Bùi Thị Xuân ngay phía bên kia đồi Dinh Tỉnh Trưởng hiện
đang có giá 150 triệu một mét thì giờ nhờ cái chữ ký cho dự án đập phá này sẽ
tăng cao chóng mặt. Các trục đường và đất đai quanh đó như đường Nguyễn Văn Trỗi,
Phan Bội Châu sẽ trở thành đất vàng.
Lãnh đạo nào không có vài miếng đất lận lưng? Một miếng
đất giờ bán ra khi giá sốt từng ngày, từng giờ sẽ giúp cho lãnh đạo kiếm vài chục
tỷ như trở bàn tay. Chưa kể chủ đầu tư dự án không phải tự nhiên mà trúng thầu,
hay trúng thầu rồi tự nhiên không phải chia chác phần trăm nào.
Khác du lịch sẽ giải trí gì ở khu thương mại phức hợp?
Họ không tới Đà Lạt để coi phim. Họ tới Đà lạt cũng không phải để mua sắm đồ
Made in China. Khu thương mại hoành tránh sẽ trát một lớp son phấn mới cho bộ mặt
của Đà lạt. Cô gái Đà Lạt má hồng hồng duyên dáng sẽ đẹp như búp bê Barbie hay
ít ra là diễn viên Hàn Quốc mà nhìn đâu cũng y như một khuôn. Khách du lịch sẽ
được tham quan một Sài Gòn ở độ cao 1500 mét.
Họ đang tước đi quyền của con cháu
Họ đã băm nát khu vực hồ Tuyền Lâm để xây khu nghỉ
dưỡng. Các khu nhà đẹp kiểu biệt thự Châu Âu mọc lên trong rừng vắng để làm cái
công việc của những toà biệt thự cũ đặc trưng kiểu Pháp đã được giao cách đây
hơn trăm năm.
Hàng chục ngàn cây thông đã bị đốn ngã để xây các
khu nghỉ dưỡng, nhân tiện chiếm thêm luôn đất rừng để có cơ hội sẽ được phân lô
để bán trục lợi. Khu Hoà Bình mới sẽ kéo theo những toà nhà mới mọc theo quanh
đó để biến người Đà Lạt thành người lạ trong thành phố quen.
Những đứa trẻ lớn lên sau này sẽ không còn biết tới
một Đà Lạt yên bình với những căn nhà thấp trong tiếng thông reo. Chúng sẽ chỉ
biết một Đà Lạt hiện đại, hoành tráng nhưng vô hồn như Hongkong, Thâm Quyến hay
Thượng Hải, với chúng khu Hoà Bình, La Tulip, Mộng Đẹp ... không còn có ý nghĩa
gì hết.
Họ tước đi cái quyền được chiêm ngưỡng các công
trình kiến trúc cả trăm năm có lẻ từng chứng kiến những thăng trầm của Đà Lạt.
Họ tước đi cái quyền được ở trong những ngôi nhà có khung cảnh đẹp từ cửa sổ để
có thể thả hồn mơ mộng trong một buổi chiều tà rồi mang chúng nhốt vô những cái
hộp bê tông trắng xoá, nhìn quanh chỉ thấy các bức tường câm lặng.
Những đứa trẻ sẽ bị mất cái quyền được phát triển
cái mới nhưng vẫn đảm bảo tôn tạo và bảo trì các dấu ấn lịch sử trong các công
trình kiến trúc như ở các quốc gia phương tây. Họ tước đi của chúng cái quyền
được thẩm thấu cái đẹp, cái hài hoà với thiên nhiên của từng viên gạch, mái
ngói, hàng cây, bụi cỏ.
Họ tước đi cái quyền được tham quan phố cổ mang đậm
dấu ấn của người Pháp ở Đông Dương, học tước đi cái quyền được cảm nhận vì sao
Đà Lạt đã từng là nơi nghỉ dưỡng của những người giàu sang lúc trước. Họ bắt
chúng, muốn tìm hiểu được chút hơi thở của Đà Lạt xưa thì phải đi sang tận làng
quê nước Pháp hay Thuỵ sỹ.
Cái xe lửa chạy bằng răng cưa năm xưa từ Tháp Chàm
lên Đà Lạt thấy vậy mà còn may hơn những biệt thự ở Đà lạt. Người Thuỵ Sỹ mua đống
sắt vụn từ Việt Nam về với giá có một triệu đô la, bây giờ muốn ngồi lên cái xe
lửa chạy ỳ ạch đó trên khúc đường chưa tới 20 cây số người ta phải trả tới cả
trăm đô la. May là nó vô tay người Thuỵ sỹ nên còn được cho tới ngày hôm
nay.
Còn biệt thự cổ vô tay lãnh đạo? Cũ với cổ mà không
có gía trị kinh tế thì cũng đập cho bằng hết. Tỉnh nào cũng có khu thương mại,
quảng trường mấy chục ngàn tỷ! Đà Lạt đầu tàu du lịch mà không có mấy trung tâm
vậy để phục vụ du khách thì sao xứng là cái đầu tàu!?
-----------------------------
18/03/2019
VNTB
- Tại sao quy hoạch định hướng chỉ có 20, hay 30 năm mà không phải là 50 hay
100 năm?
Hình : Phối cảnh khu Hoà Bình với nhiều dấu tích
di sản của Đà Lạt sẽ bị xóa bỏ.
‘Khai tử’ khu Hòa Bình
Ngày 15-3, UBND tỉnh Lâm
Đồng đã công bố “Quy
hoạch chi tiết và thiết kế đô thị - tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP
Đà Lạt”. Đồ án này căn cứ định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng
phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
năm 2014.
Bản đồ án nói trên do Kiến
trúc sư Hồ Thiệu Trị đứng tên, công ty Đại Quang Minh là chủ đầu tư đã được Sở
Xây dựng Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt phê duyệt. Người đặt bút ký 'khai tử' khu
Hòa Bình là ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng vào ngày 12-2-1019 theo
Công văn số 229/QĐ-UBND.
3 tấm ảnh kèm theo bài viết
này là phối cảnh khu Hoà Bình mới.
Theo bản đồ án, một số
công trình chợ cũ Đà Lạt (nay là rạp Hòa Bình), một địa chỉ gắn với lịch sử
phát triển thành phố Đà Lạt sẽ bị đập bỏ thay vào đó là một công trình hình khối
tròn, bọc kính, mái trải thảm cỏ. Ngoài ra, các công trình gắn với sinh hoạt
văn hóa, thương mại thành phố trước nay như khách sạn Nice Dream, Thương xá
Latulipe cũng sẽ bị tháo dỡ. Công trình lớn như khách sạn TTC (Golf 3 cũ) cũng
bị giải tỏa.
Theo một nguồn tin hành
lang, công trình khách sạn và khu thương mại cao tầng ở vị trí Dinh Tỉnh trưởng
đã có nhà đầu tư, sẽ được thực hiện trước. Theo đó, một cụm khách sạn cao cấp với
kiến trúc mái tròn, cao tầng sẽ mọc lên ngay trên đồi Dinh Tỉnh trưởng. Những
con đường uốn khúc quanh Dinh hiện tại sẽ được thay bằng các trục giao thông rộng
“cho các phương tiện tiếp cận”.
Khu vực trung tâm khu Hòa
Bình thì vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư.
“Tôi khẳng định là Đà Lạt
có thể làm những khu nhà cao tầng, nhưng cần phải chọn những vị trí mới để quy
hoạch bài bản từ đầu, chứ không nên xâm phạm vào ba khu vực di sản: khu di sản
Pháp từ đường vòng kéo dài từ đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng
Văn Thụ; khu di sản để lại nhiều dấu ấn lịch sử của người Việt là ấp Ánh Sáng,
khu Hòa Bình; và khu di sản thiên nhiên hồ Xuân Hương, Đồi Cù”. Kiến trúc sư
Ngô Viết Nam Sơn, nhận định.
Quy hoạch đô thị là nhiệm vụ
chính trị…
Nhiều người ở Sài Gòn – cả
người viết bài này, đều chung thắc mắc: Vì sao phương Tây họ giữ nguyên những
khu phố cổ cùng với nhà cửa, cả đá lát đường hàng trăm năm?. Khách du lịch chỉ
thấy khu phố cổ, không ai đến các trung tâm thương mại mới xây cả…
Cũng có ý kiến: Cái cũ mà
mọi người muốn lưu giữ cũng đã từng được xây mới và thay đổi nhiều so với thuở
ban đầu rồi. Xin đừng cố giữ lại hoài niệm trong một chiếc áo đã chật, vì các
giá trị sinh ra là để bị thay thế (!?).
Và một câu hỏi khác cũng
đặt ra: Phải chăng 30 năm nữa, người ta lại ‘làm mới’ Đà Lạt, vì tầm nhìn quy
hoạch của hôm nay chỉ giới hạn trong 30 năm. Điều đó lại được ghi hẳn hoi tại
Điều 8.2, Luật Quy hoạch 2017: “Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30
năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến
30 năm”.
Giáo trình đào tạo sinh
viên ở trường Đại học Kiến trúc, cho biết, một dự án quy hoạch đô thị ảnh hưởng
khác nhau tới những nhóm xã hội trong cộng đồng, nên cần đến một sự đồng thuận
chung, công khai để đạt được các giá trị chung, cân bằng giữa các nhu cầu của
các nhóm.
Như vậy quyết định quy hoạch
không còn dựa trên ý chí của nhà quy hoạch hay cơ sở khoa học nữa, mà là một lựa
chọn chính trị và giá trị đạt được. Tức là theo quan điểm này, quy hoạch
đô thị đã trở thành hoạt động chính trị. Và nhà quy hoạch sau khi dồn tâm sức
nghiên cứu và thiết kế lập dự án, cần có thêm kỹ năng thuyết trình thuyết phục
và làm việc với những nhóm xã hội khác nhau để cân bằng lợi ích giữa các nhóm.
Quy hoạch xây dựng đô thị
là một dự án tốn kém và rất cần những nhà đầu tư về vốn, hoặc các nguồn lực
khác. Thực tế là chính quyền không đủ ngân sách để xây dựng hết mọi nơi, hơn nữa,
việc kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân mang lại nhiều sáng kiến giá trị hơn rất
nhiều là sự rập khuôn máy móc trong quản lý nhà nước.
Và quan điểm này của quy
hoạch đô thị dựa trên áp dụng những tính chất của nền kinh tế thị trường, trong
đó nhà nước chỉ kiểm soát doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích cộng đồng.
…Và đó là chính trị ở một quốc
gia độc đảng
Câu chuyện “tay ba” giữa
chính quyền – nhà đầu tư - cộng đồng đã đẩy vị trí những người làm quy hoạch
vào giữa, bắt buộc họ phải trang bị thêm những kiến thức về quyền lợi và lợi
ích đầu tư của các chủ sở hữu, nguồn lực và có kỹ năng đàm phán, thỏa thuận
để đảm bảo dự án hoạt động. Một dự án quy hoạch đô thị trở thành một bài toán về
quản lý hoạt động hiệu quả, hơn là chỉ đạo và lên kế hoạch, chính sách.
Sinh viên trường Kiến
trúc cũng được dạy rằng, trong quy hoạch, trước tiên, không có cách
nào để xác định tương lai là gì một cách chắc chắn (tính không chính xác của dự
báo). Dù phương pháp sử dụng là gì, thì luôn có yếu tố không chắc chắn cho đến
khi thực tế diễn ra. Thứ hai, luôn có điểm mù trong các dự báo.
Không thể dự báo một cách chính xác hoàn toàn điều gì sẽ xảy ra trong tương
tương lai. Hay nói cách khác, không phải cái gì cũng có thể dự báo được, nếu
người ta thiếu hiểu biết về vấn đề cần dự báo. Thứ ba, dự báo cung
cấp kết quả đầu vào cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đề xuất các
chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Chính sách mới sẽ ảnh hưởng đến tương
lai, vì thế cũng sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của dự báo.
Như vậy, ngay cả định
nghĩa thế nào là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn
còn loay hoay tìm kiếm, thì tất yếu câu chuyện quy hoạch đô thị tại Việt Nam, vẫn
chỉ có thể quẩn quanh của một hoạt động chính trị để phục vụ lợi ích nhóm nào
đó trong bộ máy công quyền.
Từ góc nhìn ấy cho thấy
xem ra ngay cả tầm nhìn 30 năm vẫn là quá dài, bởi còn có một thực tế đáng buồn
là không ai đủ dũng cảm để nhận mình yếu kém. Bên cạnh căn bệnh “nhiệm kỳ”, triết
lý “quyền xin là của các nhà đầu tư, quyền cho là quyền năng của các nhà quản
lý”… còn là sự buông lỏng, hay yếu kém trong năng lực của một bộ phận quản lý
phát triển đô thị được giao quyền.
Rồi 30 năm sau, Đà Lạt thế
nào?
Trở lại với câu chuyện của
công bố “Quy hoạch
chi tiết và thiết kế đô thị - tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt”,
hôm 15-3.
Với Đà Lạt, người Pháp có
hai quan niệm làm cho nơi đây trở thành nơi an dưỡng đẹp, đó là: Xây các biệt
thự có vườn hoa, xa cách nhau, có tầm nhìn ra rừng thông, nhìn xuống thung
lũng, nhìn về hướng các đỉnh núi Lang Bian. Các dinh thự đều chiếm cao điểm.
Các biệt thự đều ẩn mình trong rừng thông.
Đà Lạt chỉ được xây cất
biệt thự không quá ba tầng vì làm cao tầng sẽ phá cảnh rừng thông. Và đặc biệt
là về hướng Tây – Bắc và Bắc của hồ Xuân Hương không được xây dựng nhà cửa như
phía Đông – Bắc vòng về phía Tây bờ hồ.
Sau 1975, kiến trúc Đà Lạt
dần bị phá vỡ bởi những nhà quản lý đến từ miền Bắc vào đây đã không ‘có nghề’.
Những làn sóng di cư vì binh lửa hay vì các chính sách di dân trước và sau 1975
đã đặt trên bảng màu Đà Lạt đủ loại dấu ấn vùng miền. Cũng như những biệt thự
Pháp xưa, những ngôi nhà mới đủ kiểu hiện nay cũng lồ lộ xuất thân cùng tầm văn
hoá của gia chủ.
Một dung nhan tàn phai, một
thành phố mai một chất Pháp, vậy cái còn lại của Đà Lạt, rất Đà Lạt bây giờ là
gì, khi mà người ta tiếp tục tàn phá rừng thông cho những công trình xây dựng?
“Việc phát triển những ý
tưởng mới chỉ nên được thực hiện nó tại những khu đô thị mới ở vùng lân cận, chứ
không nên xây chen vào làm hỏng giá trị công trình lịch sử, làm hỏng bản sắc
không gian và giá trị vốn có của khu đô thị di sản.
Nhà cao tầng và nhà bọc
nhôm kính là những loại kiến trúc hiện đại không phù hợp ở Đà Lạt. Trái ngược với
quá trình đô thị hoá trên cả nước thường có xu hướng phát triển theo chiều cao,
quy hoạch thành phố này phải bắt đầu từ việc khẳng định không gian xanh trước,
rồi mới đến công trình và giao thông.
Đà Lạt, kể cả khu trung
tâm, nên phát triển tập trung thành cụm theo chiều ngang đan xen với cây xanh mặt
nước, chứ không nên xây dựng theo chiều đứng với những công trình cao trên năm
tầng. Các dự án mật độ cao, nhà cao tầng, nhà mái bằng…, các diện tích bê tông
hoá quá rộng dành cho giao thông và bãi xe chính là những tác nhân nhanh nhất
phá hoại giá trị sinh thái của Đà Lạt…”. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một người
Việt có quốc tịch Canada, chia sẻ.
Với “Quy hoạch chi tiết
và thiết kế đô thị - tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt”, khi mà
sắp tới đây sẽ “Khu vực đồi Dinh hay còn gọi dinh tỉnh trưởng: Diện tích khoảng
4,43ha. Chức năng là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Dự kiến xây dựng công
trình cao 10 tầng”, thì liệu 30 năm sau, Đà Lạt thế nào?
Quy hoạch khu đô thị mới
Thủ Thiêm ở Sài Gòn là một liên tưởng, khi mà các chính sách được Thủ tướng phê
duyệt, người ta vẫn có thể tự tiện sửa đổi theo hướng có lợi nhất cho những nhà
đầu tư bằng các văn bản quy phạm pháp luật với dấu mộc đỏ choét và các chức
danh ký ban hành là quan chức tầm ủy viên Bộ Chính trị.
----------------------
LIÊN QUAN
Đà
Lạt công bố quyết định “khai tử” khu Hòa Bình (BĐT 15-3-19)
Đà
Lạt xô lệch và những nỗi buồn của thành phố sương (Zing 13-3-19)
No comments:
Post a Comment