Trần
Phương - Giáo Dục VN
06:25 28/02/19
(GDVN)
- Theo chuyên gia kinh tế, nhà nước cần quy định cụ thể những hạng mục được làm
trong các dự án tâm linh đang mọc lên tràn lan và phải minh bạch tài chính.
Chùa
to nhưng vẫn lọt thỏm trong hàng ngàn héc-ta đất
Những năm gần đây, đời sống vật chất của người dân
được nâng cao, đời sống tinh thần càng được chú trọng.
Tâm lý của phần đông người Việt Nam trọng tín ngưỡng
cho nên nhu cầu du lịch tâm linh có xu hướng tăng cao.
Hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du
lịch tâm linh cũng được đẩy mạnh, thể hiện qua sự ra đời, phát
triển nhanh của các điểm du lịch tâm linh ở hầu hết các địa phương, vùng, miền
trên cả nước.
Cùng với đó là sự phát triển các dự án du lịch tâm
linh rộng đến cả ngàn héc-ta, trong khi đó mỗi khu vực lại xuất hiện một công
trình tôn giáo mới với đủ các loại kỷ lục do doanh nghiệp xây dựng.
Chùa Tam Chúc rộng lớn chiếm bao nhiêu % diện tích của
cả khu dự án lên đến 5.100 héc-ta đất?
Có thể dễ dàng nhìn thấy các công trình rất nổi tiếng
hiện nay như “Siêu dự án” tâm linh Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình) với hàng loạt
các kỷ lục hay ngôi chùa mới xây dựng được cho là lớn nhất thế giới bên cạnh
ngôi cổ tự Tam Chúc (huyện Kim Bảng, Hà Nam).
Theo thông tin công bố doanh nghiệp đã rót 11.000 tỷ
đồng, mục tiêu là xây dựng ngôi chùa lớn nhất thế giới bên trong một khu du lịch
rộng 5.100 héc-ta.
Hay tại Hải Phòng, dự án làm khu du lịch tâm linh tại
đảo Cái Tráp trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ,
casino… và tượng phật cao đến 150m.
Còn tại Thái Nguyên, xây dựng bảo tháp lớn nhất thế
giới cũng được tuyên bố khi đầu tư vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng
18.940 héc-ta (gồm diện tích hồ là 2.500 héc-ta).
Tại khu du lịch tâm linh này sẽ xuất hiện tháp Phật
giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, có thể chứa được từ 5.000-10.000 người
cùng lúc.
Gần đây nhất, tại Hà Nội, cũng đã có đề xuất xin
1.000 héc-ta đất để đầu tư 15.000 tỷ đồng làm khu du lịch tại chùa Hương...
Điều
gì ẩn sau các dự án gắn mác tâm linh?
Điểm chung của các quần thể tâm linh này là sự đồ sộ,
không chỉ là quy mô dự án với những ngôi chùa, tượng phật có kỷ lục cụ thể.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và cũng tạo ra nhiều
vấn đề bất thường nhất được dư luận đặc biệt quan tâm chính là diện tích đất phục
vụ dự án đều tính ở con số hàng nghìn héc-ta đất.
Chỉ mới nhìn vào những gì mà chủ đầu tư công bố chứ
chưa cần xem xét tới triển khai thực tế thì đã thấy không phải tất cả diện tích
đất ấy doanh nghiệp xây dựng công trình tâm linh.
Trong dự án, chùa hay tháp chỉ chiếm một phần diện
tích nhỏ, còn lại dành cho nhiều dịch vụ khác, có cả khu nghỉ dưỡng, biệt thự,
casino, câu lạc bộ thủy thủ...
Từ thực tế này đang đặt ra câu hỏi: Tại sao để xây dựng
quần thể tâm linh lại có cả nhà hàng, biệt thự, casino...? Nếu đây là một dự án
kinh doanh đơn thuần (không gắn yếu tố tâm linh) thì việc doanh nghiệp được cấp
hàng nghìn héc-ta đất được thực hiện theo quy trình nào?
Đã là dự án kinh doanh thì tất nhiên phải đặt ra câu
hỏi khi giao hàng nghìn héc-ta đất cho doanh nghiệp, địa phương được gì, nhà nước
được gì và nhân dân được gì?
Liệu rằng số tiền đóng góp vào ngân sách địa phương
có tương xứng với hàng nghìn héc-ta đất mà doanh nghiệp được giao?
Liệu rằng có chuyện doanh nghiệp đang trục lợi từ
tâm linh để nhắm tới phần đất đai phục vụ dự án?
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn
Văn Đực – Chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, đã đến lúc nhà nước
phải xem xét lại cách quản lý và cách thức cấp các dự án có gắn mác tâm linh để
tránh doanh nghiệp trục lợi.
Ông Đực nói thẳng: “Trước tiên, nếu chúng ta xây quá
nhiều chùa to như vậy thì đó là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực của xã hội, bởi
vì nó không tạo ra những lợi ích cụ thể cho những người thụ hưởng và sử dụng
ngoại trừ những người đi du lịch tâm linh.
Nhìn rộng ra ngoài xã hội, chúng ta còn thiếu rất
nhiều các công trình dân sinh phục vụ cộng đồng như trường học, bệnh viện, cầu
cống... để nâng cao đời sống của nhân dân.
Vấn đề thứ 2 chúng ta đặt ra là có trục lợi từ các vấn
đề tâm linh này hay không? Nếu mà tâm linh thuần túy thì không mang tính trục lợi
còn các dự án này có ẩn ý gì để trục lợi hay không phải được làm rõ?”.
Quần thể chùa Bái Đính. (Ảnh: Wiki)
Chuyên gia Nguyễn Văn Đực dẫn ra thí dụ, một thời
gian trước đây đã rộ lên chuyện doanh nghiệp đua nhau làm sân golf, sân golf mọc
lên khắp mọi nơi. Nhưng không đơn giản như vậy, mà bên trong sân golf còn cả loạt
công trình khác.
Thí dụ như sân Golf Him Lam ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong sân golf có nhà hàng, khách sạn, tiệc cưới, chung cư cao tầng, biệt thự…
Chúng ta có thể thấy rằng nhiều dự án sân golf hiện
nay đều có dính líu đến bất động sản nghỉ dưỡng đi kèm như codotel, biệt thự
nghỉ dưỡng… như vậy là việc quản lý đã không chặt chẽ để người ta trục lợi trên
vấn đề này.
Như vậy, bây giờ nhà nước phải đặt ra vấn đề là những
gì xây dựng trên đất phải đóng thuế sử dụng đất giống như đất đô thị thì người
ta sẽ hạn chế bớt.
Đồng thời đóng thuế phải áp theo công trình thực tế,
thí dụ làm sân golf phải đóng theo giá trị kinh doanh sân golf; xây biệt thự
nghỉ dưỡng thì mức thuế phải khác chứ không thể chỉ đóng thuế sử dụng như
giá trị bình thường được. Họ làm một kiểu mà đóng thuế một kiểu là trục lợi rồi.
Trở lại vấn đề đất sử dụng xây công trình tâm linh,
ông Đực đặt vấn đề: "Không gian xung quanh ngôi thờ tự sẽ được tính như thế
nào? Hay cũng tính chung như xây chùa, như vậy sẽ có trục lợi bởi không gian
xung quanh được gọi là không gian phụ trợ rồi họ sẽ làm gì?
Họ cũng có khu nghỉ dưỡng, cũng có các tu viện, rồi
nhà hàng… những khu này họ sẽ làm gì? Có phải là một kiểu kinh doanh trá hình
không?
Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần định nghĩa cụ thể
khu du lịch tâm linh là gì? Trong khu du lịch tâm linh có cái gì và không được
phép có cái gì? Được phép xây dựng cái gì và không được phép sử dụng cái gì?
Ở một số dự án đã công bố cho thấy có cả câu lạc bộ
Thủy Thủ, Casino… sau này phát sinh thêm cái gì nữa thì ai biết?
Cũng đã có quy định cụ thể ở một số cơ quan đặc biệt
thì khu du lịch tâm linh cũng phải có những điều cấm của nó. Bởi nếu sau này,
trước những cám dỗ về kinh tế, doanh nghiệp họ có thể làm bất kỳ điều gì trong
không gian của họ quản lý, lúc đó vai trò quản lý nhà nước ở đâu?”
*
Đã
là tâm linh không thể gắn với giải trí
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, sư thầy
Thích Tâm Phúc, trụ trì chùa Hoằng Pháp (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Chùa
là biểu tượng cho chân lý thánh thiện, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng
tu học của Tăng Ni và các tín đồ Phật tử và cũng là nơi giáo dục đạo đức hướng
thiện cho tất cả mọi người.
Do vậy, trong khuôn viên của chùa, khu tâm linh
không cho phép những hoạt động trần tục, đến lòng tham, sự sân si của con người
như cờ bạc hay những trò chơi mang tính ăn thua.
Trong không gian của tâm linh không được phép tổ chức
những trò chơi giải trí có tính ồn ã, hoàn tục, những điều này sẽ làm ảnh hưởng
đến không gian, chốn linh thiêng của phật giáo.
Chùa xây to nghĩa là đã được cơ quan chức năng cho
phép, tuy nhiên các cơ quan cũng cũng cần chú ý đến các hoạt động xung quanh
tránh làm ảnh hưởng đến các hoạt động tâm linh của phật giáo”.
Trần Phương
No comments:
Post a Comment