Thứ bảy, 16/3/2019
Điều tôi mang về sau chuyến đi tới Nam Phi là câu
nói của bác tài chúng tôi đã thuê suốt hành trình. Tóc xoăn, da đen nháy, chỉ
đôi mắt to nổi bật trên khuôn mặt thường xuyên cúi xuống, ông nói: “Người nghèo
ở xứ này bây giờ khổ lắm”.
Tôi hỏi tại sao, ông giải thích, rằng chế độ nô lệ
được xóa bỏ vào năm 1883 ở Nam Phi và người da đen được giải phóng. Tự do cho
con người đã có mặt ở đất nước này hơn một thế kỷ, nhưng với ông, đời sống của
người nghèo chưa thay đổi bao nhiêu.
Những ai từng sang Nam Phi sẽ chung một cảm nhận khó
quên: Sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự xa hoa giàu có của nhóm người thượng lưu
không thể tách rời vẻ khốn khó, lầm than của người nghèo. Trong nhận định của
World Bank, đây là quốc gia thuộc nhóm bất bình đẳng lớn nhất thế giới.
Dọc theo các bãi biển và đại lộ là hai bức tranh đối
nghịch. Một bên là những tòa nhà sơn trắng nguy nga nằm giữa những cánh đồng
nho trải dài ngút mắt của các ông chủ. Ngay cạnh đó, những túp lều rách rưới tạm
bợ với diện tích chỉ khoảng 5 mét vuông cho một gia đình nối nhau kéo dài hàng
chục cây số. Bức tường kiên cố trên hai mét chia đôi hai mảng đời hoàn toàn
trái ngược. Đi trên đại lộ, tôi liên tục nhìn thấy những người đàn ông da đen
đang đứng ven đường hoặc giữa các ngã tư, tay cầm tấm bìa với dòng chữ
"các con tôi cần thức ăn, tôi cần việc làm".
Sau lưng là hàng rào điện ngăn chính những người như
họ trèo vào trộm cắp trong cánh đồng của người giàu. Tôi nghĩ, đời nào mà những
người phụ nữ chân đất đội củi trên đầu, người đàn ông chầu chực vệ đường kia chạm
tới được dù là một viên gạch trước cổng của các tòa nhà đều có 2 đến 3 bảo vệ
lăm lăm súng.
Chúng tôi, cũng như nhiều người tới đất nước này, đều
phải bỏ tiền thuê một người vừa là lái xe vừa là bảo vệ để chống cướp. Mọi lái
xe đều có súng. Lái xe của tôi cũng vậy, ông tận tụy, chu đáo, cần tiền công để
đem về nuôi một vợ với ba con trong căn nhà cấp bốn cũ. Dù được bảo vệ, nhưng
tôi đã không thể hưởng thụ hết vẻ đẹp của nơi này.
Điều gì đã tạo lên một xã hội như Nam Phi và cái giá
của nó là gì, tôi tự hỏi. Tài sản và phương tiện sản xuất bao gồm đất đai,
khoáng sản, tài chính và vốn con người đều thuộc sở hữu của những người giàu là
lý do chính đẩy rất cao cán cân bất bình đẳng ở đất nước này. Theo Ngân hàng Thế
giới, hệ số GINI về bất bình đẳng thu nhập năm 2014 của họ là 0,69. Tức là 69%
cái bánh thu nhập quốc dân GDP được phân phối không đồng đều. 20% dân số giàu
nhất tiêu dùng đến 65% tổng tiêu dùng quốc gia. Trong khi đó, 20% dân số nghèo
nhất chỉ tiêu dùng chưa đến 3%.
Chính sự bất bình đẳng quá lớn đã dẫn Nam Phi trở
thành một nước có tỷ lệ tội phạm, tỷ lệ người dân bị giết, tỷ lệ bị cướp cao nhất
thế giới. Rủi ro lớn khiến cho người giàu cũng khó có cuộc sống hạnh phúc khi
mà tài sản và mạng sống của mình luôn bị đe dọa. Họ phải bỏ ra một chi phí
không hề nhỏ hàng ngày để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. Rủi ro cách biệt
giàu-nghèo cũng dẫn đến hệ lụy lớn đối với quốc gia này như: khó thu hút được
các nhà đầu tư nước ngoài, khách du lịch, thúc đẩy được các doanh nghiệp mở rộng
sản xuất, tạo việc làm và khó giữ chân những người giàu và tài sản của họ ở lại
đất nước. Hệ quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nam Phi luôn luôn thấp hơn rất
nhiều so với tiềm năng, chỉ 1% năm 2018. Còn tỷ lệ thất nghiệp thuộc hàng cao
nhất thế giới, tới 27,2% năm 2018.
Đây chính là một cảnh báo sớm cho các quốc gia,
trong đó có Việt Nam.
Việt Nam hiện là một ngôi sao sáng trong mắt nhà đầu
tư nước ngoài. Một xã hội được đánh giá là ổn định và an toàn. Tuy nhiên, lợi
ích của người nghèo ngày càng bị thu hẹp. Tư liệu sản sản xuất của họ, đặc biệt
là đất đai, ngày càng co lại do sự thành lập các khu công nghiệp, đô thị, các
khu nghỉ dưỡng. Bất bình đẳng về tiếp cận với các dịch vụ công như giáo dục, y
tế chất lượng cao đang gia tăng. Kết quả là người nghèo ngày càng có ít cơ hội
được tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển kinh tế nhanh của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, chênh lệch khoảng cách thu
nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất so với nhóm 20% dân số nghèo nhất đã tăng từ
4,4 lần năm 1993 lên đến trên 10 lần năm 2016. Hệ số GINI đo lường bất bình đẳng
của Việt Nam đã tăng từ 0,33 năm 1993 lên 0,44 năm 2016.
Tuy nhiên, thực tế có thể cao hơn nhiều vì thu nhập
của người giàu đang rất khó đo đếm. Những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, bất
bình đẳng về cơ hội và thu nhập ngày càng gia tăng và các hệ lụy của nó đã bắt
đầu nhen nhóm. Người giàu ở Việt Nam đã bắt đầu phải bỏ ra các khoản chi thêm để
thuê bảo vệ ngôi nhà, người thân, tài sản, nhà máy và công ty của mình dù tại
gia hay nơi công cộng. Nạn cướp bóc ngày một trắng trợn dù Nhà nước vẫn đang
gia tăng các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự.
10% dân số nghèo nhất chỉ được hưởng 2,59% GDP trong
khi đó 10% dân số giàu nhất chiếm giữ tới 30% GDP. Việt Nam đang nằm trong nhóm
10 quốc gia có số người di cư lớn nhất thế giới.
Nhưng vẫn còn kịp nếu chính phủ tập trung vào câu
chuyện. Các chính sách phân bổ lại thu nhập thông qua thuế cần đánh trúng hơn
vào nhóm có khả năng chi trả cao, như đánh thuế vào tài sản bao gồm bất động sản,
hàng hóa xa xỉ - sau khi được minh bạch hóa bởi hệ thống dữ liệu từ ngân hàng
và các tổ chức tài chính. Nguồn lực thu được từ thuế cần đầu tư vào phát triển
vốn con người, đặc biệt là giáo dục và y tế công có chất lượng, đảm bảo các
nhóm yếu thế được tiếp cận công bằng với các dịch vụ công.
Chỉ khi những giải pháp chính sách cốt yếu được thực
thi quyết liệt hơn, thực chất hơn, Việt Nam mới có thể giảm thiểu tác động tiêu
cực của bất bình đẳng giàu - nghèo với gần 95 triệu dân.
Và khi đó, tôi tin người giàu cũng sẽ sống hạnh phúc
hơn.
Phùng
Đức Tùng
No comments:
Post a Comment