Khi ngôi sao mai Nguyễn Nho Sa Mạc chợt vụt
tắt, khoảng trống để lại tưởng như khó có thể bù lấp, thì may mắn
thay, trên vòm trời thi ca xuất hiện một Nguyễn Tất Nhiên. Tuy còn
tuổi học trò, và khác nhau về thi pháp sáng tạo, nhưng có thể nói,
Nguyễn Nho Sa Mạc và Nguyễn Tất Nhiên là hai thi sĩ đích thực. Sự
xuất hiện của họ góp phần làm dịu mát, và giải tỏa sự bế tắc
của văn thơ, cũng như âm nhạc miền Nam trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt
nhất của dân tộc.
Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
Đọc và đi sâu vào nghiên cứu, ta có thể thấy,
thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952
tại Biên Hòa. Ông là hiện tượng rất đặc biệt của văn học miền Nam.
Cái đặc biệt ấy, không chỉ ở tài năng chín sớm, mà ta còn thấy rõ
ý tưởng, cũng như hình tượng và ngôn ngữ mới lạ trong thơ Nguyễn Tất
Nhiên.
Thật vậy, 14 tuổi (năm 1966) cùng với Đinh
Thiên Phương, cậu học trò Nguyễn Hoàng Hải với bút danh Hoài Thi Yên
Thi đã cho xuất bản tập thơ đầu tay Nàng Thơ Trong Mắt. Năm 16 tuổi,
Hoài Thi Yên Thi in chung tập thơ thứ hai Dấu Mưa Qua Đất cùng với bút
đoàn Tiếng Tâm Tình. Và sau khi đổi bút danh thành Nguyễn Tất Nhiên, ông
cho xuất bản Thiên Tai vào năm 1970. Thi tập này là thẻ thông hành, đã
đưa Nguyễn Tất Nhiên thẳng vào làng văn. Đây là dấu mốc quan trọng
nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Tất Nhiên. Dù lúc đó ông
vẫn còn ngồi trên ghế trung học Ngô Quyền, Biên Hòa. Ngay sau đó, một
loạt thi phẩm của Nguyễn Tất Nhiên được các nhạc sĩ Nguyễn Đức
Quang, Phạm Duy phổ nhạc, tên tuổi ông càng đóng đinh vào lòng người
đọc nhiều hơn, nhất là giới sinh viên, học sinh. Năm 1978, Nguyễn Tất
Nhiên vượt biên, và tị nạn tại Pháp. Và ở đó, nhà xuất bản Nam Á
đã ấn hành thi tập "Thơ Nguyễn Tất Nhiên" vào năm 1980. Khi
đến định cư tại Hoa kỳ, Nguyễn Tất Nhiên cho in ấn và phát hành Chuông
Mơ (1987) Tâm Dung (1989) cùng thi tập Minh Khúc. Đặc biệt tập nhạc Những
Năm Tình Lận Đận của ông sáng tác từ khi còn ở trong nước cho đến ra
hải ngoại, do nhà xuất bản Tiếng Hoài Nam, Hoa Kỳ ấn hành, vào năm 1984.
Nếu đọc, và nghiên cứu đầy đủ, ta có thể thấy, ba khía cạnh chính
làm nên chân dung nhà thơ tài hoa Nguyễn Tất Nhiên: Tình yêu, ý tưởng
và những hình tượng trong thơ, cũng như chiến tranh, sự phân ly tác
động đến tư tưởng, cùng cuộc sống bế tắc với nỗi đau tuyệt vọng
của ông.
Năm 1992, bước vào tuổi bốn mươi, có lẽ trái
tim mong manh, dễ vỡ của người nghệ sĩ Nguyễn Tất Nhiên, không vượt
qua được cái bế tắc của cuộc sống, cũng như tâm hồn, nên ông đã tự
kết thúc cuộc đời mình. Sự ra đi đang ở độ chín, và sung sức nhất
của Nguyễn Tất Nhiên, làm cho rất nhiều người ngơ ngác và tiếc nuối.
Và khoảng trống ông để lại không hề nhỏ, suốt mấy chục năm qua, chưa
người (thi sĩ học trò) nào có thể thay thế, bù lấp.
Tình yêu, ý tưởng và hình tượng mới lạ trong thơ.
Tình yêu chiếm một vị trí quan trọng nhất
trong sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Tất Nhiên. Đọc ông, làm tôi nhớ
đến thi sĩ Đinh Hùng. Bởi, cái chất cuồng nhiệt đến tận cùng, với
những hành động mà người đời cho là điên điên khùng khùng, tỉnh tỉnh
say say ấy trong tình yêu của hai thi sĩ quyện chặt vào nhau đến vậy.
Không rõ, Nguyễn Tất Nhiên có đọc, hoặc chịu ảnh hưởng tí ti nào từ
Đinh Hùng hay không? Bởi, khi đọc ông sự ám ảnh cứ vẩn vơ đeo bám tôi,
y như đọc thơ Đinh Hùng vậy. Tuy nhiên, một chừng mực nào đó, tôi
nghĩ, Nguyễn Tất Nhiên có chịu ảnh hưởng ý tưởng, xây dựng hình
tượng từ Du Tử Lê, ở một số bài viết vào khoảng năm 1970- 1971. Ta
có thể thấy, cùng viết nỗi đau của tình yêu: "Tình yêu
như dao nhọn/ Anh đâm mình, lút cán" và "Về
như dao nhọn/ ngọt ngào vết đâm"hai hình tượng so sánh trong
Khúc Thụy Du của Du Tử Lê, và Khúc Tình Buồn của Nguyễn Tất Nhiên
khá tương đồng. Và tất nhiên, Khúc Thụy Du đã ra đời sớm hơn Khúc
Tình Buồn của Nguyễn Tất Nhiên hai năm.
Cái Tôi, cái nghệ thuật vị nghệ thuật là
nền tảng, xương sống để làm nên khung thơ Nguyễn Tất Nhiên. Mỗi bài
thơ được vắt ra từ cảm xúc của những mối tình đơn độc, nghiệt ngã
trong ông. Và thủ thuật đưa tên tuổi thật của người yêu vào thơ, để
gõ vào tâm lý (tò mò) của người đọc, nhằm đào sâu vào giá trị chân
thực. Tuy nhiên, thủ pháp này, không phải là mới. Bởi, trước Nguyễn
Tất Nhiên có Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng hay Du Tử Lê… đã sử dụng nghệ
thuật này. Nhưng ở lứa tuổi học trò dám sử dụng, và sử dụng hay
như Nguyễn Tất Nhiên, không phải nhà thơ nào cũng làm được. Do những
đặc tính trên, nên những bài thơ này, thường có sức sống rất lâu
dài. Hoặc trở thành những giai thoại, hay câu chuyện tình sử để lại cho
hậu thế:
"…nếu vì em mà ta phải điên tình
cơn giận dữ đã tận cùng mê muội
thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối
tay tre khô mối mọt ăn luồn
dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương
khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!
em chẳng bao giờ rung động cũ
ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu…"
(Duyên của tình ta con gái Bắc)
Thơ và tình yêu, hai thứ đam mê, cuồng nhiệt
nhất đối với Nguyễn Tất Nhiên. Thất bại tình yêu đầu đời như một
nhát dao chém tâm hồn ông. Để rồi, mang theo những vết thương bốn mùa
luôn mưng mủ ấy, cùng nỗi thất vọng và cô đơn, Nguyễn Tất Nhiên cuộn
mình vào trong thơ. Và tưởng chừng thơ ca sẽ làm giảm bớt nỗi đau,
giải thoát linh hồn người thi sĩ. Nhưng không phải vậy, bởi cái thất
vọng ấy, nỗi đau ấy ủ trong thơ còn nhức nhối, và day dứt hơn sức
chịu đựng của con người. Chỗ Tôi, là một bài thơ đã bật ra từ cái
ung ủ như vậy của Nguyễn Tất Nhiên. Xét về nghệ thuật, đây là một
bài thơ dở của ông, nhưng đọc, ta thấy được sự đắng cay, ê chề, như
một lời tự thú của thi nhân vậy:
"Tôi có chỉ cho gia đình
Người tôi yêu
Là một nàng con gái Bắc
Mẹ tôi hai lần nhìn
Dáng em đi
Và nói nó còn nhỏ dại
Không hiểu nó thương mày chỗ nào
Tôi trả lời chỗ con làm thi sĩ
Tuy nhiên tôi vừa đau nhói trái tim
Vì hiểu rằng
Muôn đời
Em vẫn ngó tôi nửa mắt
Có gì đâu
Thiên hạ lâu nay cứ nhạo báng tôi khùng!"
Cũng như Lục bát, thơ Ngũ ngôn rất dễ làm,
song khó hay. Bởi, từ thơ đến vè có khoảng cách rất gần, nếu nhà
thơ không thực tài. Tuy nhiên, ta có thể thấy, những bài thơ hay của
Nguyễn Tất Nhiên thường thuộc về thể thơ này. Ngũ ngôn thơ Nguyễn Tất
Nhiên hay, không phải chỉ ở tài năng sử dụng từ ngữ, mà còn ở sự
hình tượng hóa, cũng như ý tưởng mới lạ. Nhìn lại văn học sử,
dường như chưa ai dám cả gan đưa những hình tượng thánh thiện nơi
Thánh đường, cửa Phật để ẩn dụ, so sánh với những cái được cho là
kỵ húy như Nguyễn Tất Nhiên. Sự so sánh, tưởng chừng như bất nhã ấy,
nhưng thật kỳ lạ, hình ảnh trong thơ Nguyễn Tất Nhiên hiện lên rất
độc đáo và tinh tế, đẹp một cách trong sáng và hồn nhiên. Và Ma
Soeur là một trong những bài thơ như vậy. Vâng, dù bao nhiêu hạt mưa rơi
cũng chưa đủ, chưa thấm bằng tình của người thi sĩ rụng xuống linh
hồn thánh thiện ấy: "vai em tròn dưới mưa/ ướt bao nhiêu cũng
vừa/ cũng chưa hơn tình rụng/ thấm linh hồn ma-sơ". Một hình tượng
so sánh ẩn dụ, dường như, thi nhân muốn khỏa lấp nỗi đắng cay, bất
lực, cùng thủ thuật nhân cách hóa, (hay tưởng tượng) để tự ru hồn
mình vậy. Đây là bài thơ rất hay của Nguyễn Tất Nhiên. Và Phạm Duy phổ
thành ca khúc: Em hiền như Ma Soeur, được nhiều người ưa thích từ gần
nửa thế kỷ qua:
"…em hiền như ma-sơ
vết thương ta bốn mùa
trái tim ta làm mủ
ma-sơ này ma-sơ
có dịu dàng ánh mắt
có êm đềm cánh môi
ru ta người bệnh hoạn
ru ta suốt cuộc đời
cuộc đời tên vô đạo
vết thương hành liệt tim!..."
Có thể nói, Nguyễn Tất Nhiên là nhà thơ giàu
trí tưởng tượng. Tài năng sáng tạo từ mới, cụm từ mới để tạo nên
những hình tượng độc đáo, táo bạo gây sửng sốt, thú vị cho người
đọc, xuất hiện ngay từ ngày đầu cầm bút của ông. Nếu ở bài Ma
Soeur, Nguyễn Tất Nhiên đã dùng thủ pháp so sánh hình tượng hóa sự
thánh thiện của người tình, thì đến với Linh Mục, ông hóa thân cho
chính mình, để tìm dĩ vãng, đi đến tận cùng sự thật của cái địa
ngục tình yêu ấy: "Vì tôi là linh mục/ giảng lời tình
nhân gian/…tín đồ là người tình/ người tình là ác quỷ/ ác quỷ là
quyền năng". Thật vậy, những cụm từ so sánh ẩn dụ cũ kỹ và
dân dã này, đã được thi sĩ đặt đúng văn cảnh trong cái ý tưởng độc
đáo của mình, nó trở thành nghĩa mới, hình tượng mới. Bởi vậy, nó
gây cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang chuyển thành ca khúc Vì Tôi
Là Linh Mục, được mọi tầng lớp đón nhận, yêu thích, nhất là giới
trẻ. Đây là một trong những đặc tính làm nên hồn thơ đặc trưng riêng
Nguyễn Tất Nhiên. Đặc tính này xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của ông:
“dĩ vãng là địa ngục
giam hãm đời muôn năm
tôi - người yêu dĩ vãng
nên sống gần Satan
ngày kia nghe lời quỉ
giáng thế thêm một lần
trong kiếp người linh mục
xao gầy cơn điên trăng!
---
vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian
nên không có thánh kinh
nên không có bổn đạo
nên không có giáo đường
một tín đồ duy nhất
vừa thiêu huỷ lầu chuông!..."
Tôi không cân đong, đo đếm kỹ lắm, nhưng dường
như thơ Nguyễn Tất Nhiên nằm trong Top được phổ nhạc nhiều nhất từ
trước đến nay? Bởi, ngoài ngôn ngữ giầu nhạc tính, thanh âm, thì ý
tưởng mới lạ trong thơ của ông tạo ra rất nhiều cảm hứng cho các
nhạc sĩ sáng tạo. Và cái ý tưởng ấy, như một luồng gió mới thổi
vào cái không khí âm nhạc thời chiến lúc đó. Thật vậy, một loạt
các ca khúc của Phạm Duy ra đời từ thơ Nguyễn Tất Nhiên. Đặc biệt có
ca khúc Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Phạm Duy đã mượn ý tưởng bài thơ Cô Bắc
Kỳ Nho Nhỏ và cảm hứng từ Đám Đông để viết nên. Có thể nói, đây là
bài thơ điển hình về tài năng trí tuệ liên tưởng của Nguyễn Tất Nhiên,
đã giúp cho Phạm Duy chuyển thành một ca khúc hay đến vậy. Và hơn
thế nữa, với tài năng của mình, Phạm Duy vẫn giữ nguyên được sự nhẹ
nhàng, tính vui nhộn cùng từ ngữ mộc mạc của bài thơ: “cô Bắc
Kỳ nho nhỏ/ tóc “demi-garçon”/ chiều đạp xe vô chợ/ mắt như trời bao dung/ đời
chia muôn nhánh khổ/ anh tận gốc gian nan/ cửa chùa tuy rộng mở/ tà đạo khó
nương thân/…qua giáo đường kiếm Chúa/ xin được làm chiên ngoan/ Chúa cười rung
thánh giá/ bảo: đầu ngươi có sừng!". Vẫn mang tâm trạng oán trách
buồn đau, khắc khoải của Hai Năm Tình Lận Đận, do Phạm Duy phổ nhạc, Anh
Bằng đã đưa bài lục bát Trúc Đào vào âm nhạc mượt mà, và nhẹ
nhàng hơn. Song nó vẫn giữ nguyên được hồn vía của bài thơ. Với tôi,
Trúc Đào là một bài thơ hay nhất ở thể lụt bát của Nguyễn Tất
Nhiên. Nó không chỉ hay về nội dung tư tưởng, mà có lời thơ rất mượt
mà: "Chiều xưa có ngọn trúc đào/ Mùa thu lá rụng bay vào sân
em…" Tuy nhiên, Khúc Tình Buồn được Phạm Duy phổ nhạc với
lời tựa Thà Như Giọt Mưa, cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Khúc Tình Buồn
thuộc thể tứ ngôn, là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn
Tất Nhiên. Bài thơ, ông viết khi đang là học sinh năm cuối trung học.
Vẫn thủ pháp so sánh ẩn dụ, Nguyễn Tất Nhiên đã mượn hiện tượng
của tự nhiên giãi bày nỗi lòng đớn đau, sự bất lực của kẻ si tình,
của một tình yêu đơn phương: "thà như giọt mưa/ vỡ trên tượng
đá/ thà như giọt mưa/ khô trên tượng đá/ có còn hơn không". Để
rồi, từ trong nỗi bất lực, và tình si ấy, người đọc mới chợt nhận
ra, cái giá trị tuyệt đối và vĩnh cửu của tình yêu. Tuy nhiên, bác
nào đang bị tình phụ, hay tình đơn phương, tim mạch yếu kém, thì chớ
nên đọc bài thơ này:
“người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân".
Nếu trước đó, văn học sử Việt không có những
thi sĩ thiếu niên Chế Lan Viên với Điêu Tàn, Tế Hanh với Nghẹn Ngào,
hay Nguyễn Nho Sa Mạc với Trăng Lạnh, thì có lẽ không ai tin thi phẩm
Thiên Tai là do người học trò trung học Nguyễn Tất Nhiên viết ra. Bởi,
sự già dặn của bút pháp cũng như tư tưởng, với những câu thơ được ủ
chín tâm hồn thi nhân. Tôi không biết chính xác, bài thơ Oanh được
Nguyễn Tất Nhiên viết từ khi nào. Nhưng chắc chắn, nó được viết
trước tập Thiên Tai, lúc đó ông đang học lớp 10 hoặc lớp 11. Một bài
thơ già dặn, và lời thơ tuyệt đẹp: “Hãy yêu chàng, yêu chàng như
yêu cánh gió/ Chơi giỡn tung tăng hai vạt áo dài/ Gió đưa mây về, trời mưa,
bong bóng vỡ/ Chàng đưa tình về, xót ngọn cỏ may". Bài Thiên Thu
viết năm Nguyễn Tất Nhiên 18 tuổi. Với bài thơ này, Nguyễn Tất Nhiên
có thể ngồi cùng mâm nhấc lên đặt xuống với các cụ Đinh Hùng, Bùi
Giáng…Du Tử Lê rồi. Với tôi, đây là bài thơ toàn bích nhất của
Nguyễn Tất Nhiên. Đọc nó, tôi bị ám ảnh, mộng mị hết mấy đêm liền.
Cả bài thơ là một câu hỏi tu từ. Không một lời giải đáp, buộc
Nguyễn Tất Nhiên lìa hồn mình ra khỏi của cái thế giới hiện thực.
Ông co giò chạy trốn quá khứ. Nhưng chạy đâu cũng thấy "chạy vòng
vòng" đang "chạy mòn chân" rồi quay về với cái hiện hữu
của chính mình. Vâng, đó cũng như một trường thiên kịch bản bi ai,
vận vào chính cuộc sống cũng như tâm hồn Nguyễn Tất Nhiên vậy: "…sao
thiên thu không là thiên thu?/ nên những người yêu là những ngôi mồ/ tôi đứng một
mình trong nghĩa địa/ và chắc không đành quên khổ đau!".
Đang định viết lời kết cho giai đoạn này,
cũng như nguyên nhân dẫn đến sự thành công rất sớm của Nguyễn Tất
Nhiên, chợt làm tôi nhớ đến câu chuyện. Hôm rồi, tân gia nhà một người
bạn, trong lúc khật khừ, tôi buột miệng nói với một bác nhà thơ
cộng đồng đến từ Berlin: Với tôi, kể từ sau 1954 đến nay (2019) văn
học Việt Nam ở tuổi học trò, có hai thi sĩ tài năng nhất. Đó là
Nguyễn Nho Sa Mạc, người xứ Quảng, với tập thơ Vàng Lạnh, và nhà thơ
Nguyễn Tất Nhiên người xứ Nam, với tập thơ Thiên Tai. Bác nhà thơ này,
goặc lại tôi: Ông nói thế chó nào ấy chứ, xứ Bắc có không ít các thần
đồng thơ, chả lẽ không đáng nói đến sao. Tôi bảo bác ấy: Đây là ý
kiến chủ quan của cá nhân tôi, có thể là sai. Nhưng ta có thể thấy,
trong giai đoạn đó ở miền Bắc cũng xuất những tài năng thi phú trẻ,
và được gắn mác mỏ thần đồng như: Hoàng Hiếu Nhân, hay Trần Đăng
Khoa… Tuy nhiên, các thần đồng thi ca này, được các nhà thơ tên tuổi
Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Nhuận Minh… chăm sóc, định hướng tư tưởng
rất kỹ càng. Do vậy, có những câu thơ của họ đọc lên cứ tưởng của
Diệu, của Chế, của Minh. Hơn nữa, mấy “thần đồng“ này chỉ làm được
thơ thiếu niên, nhi đồng. Sau này, Hoàng Hiếu Nhân bị tịt ngòi không
viết lách được nữa. Còn Trần Đăng Khoa viết lay lắt, với những dấu
ấn mờ nhạt. Thành thật mà nói, nếu ngoa ngôn dùng danh từ thần đồng
để đo lường tài năng thi phú, thì với tôi, kể từ khi xuất hiện thơ
mới đến nay, chỉ xảy ra một lần duy nhất. Đó là cậu bé thần đồng
Chế Lan Viên với thi tập Điêu Tàn. Một tập thơ vừa ra đời đã trở
thành cổ thi.
Kinh hơn nữa, thời gian gần đây chẳng hiểu ăn
phải cái bả gì, mà ông Giáo sư Phong Lê, ông Phó chủ tịch Hội nhà
văn Việt Nam "cựu thần đồng" Trần Đăng Khoa cùng một số nhà
thơ, nhân vật tên tuổi phát động cuộc thi “Sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn
Du”. Một việc làm hoặc ấu trĩ, hoặc của chùa cùng nhau chia oản.
Quả thực, xa Việt Nam đến quá nửa đời người, vậy mà nghe cái từ
phát động, với phong trào tôi sởn hết cả người.
Nghệ thuật Lục bát, tài năng thi phú của cụ
Nguyễn Du đã được khẳng định từ mấy trăm năm qua cùng với Kiều
Truyện. Không còn bàn cãi. Tuy nhiên, hồn vía của tác phẩm này thuộc
về anh ba Tàu phương bắc. Do vậy, với tôi những tác phẩm Việt thuần
chủng (Việt tính) đi vào lòng người hơn, từ mấy trăm năm qua phải là:
Đặng Trần Côn với Chinh Phụ Ngâm, hay Nguyễn Gia Thiều với Cung Oán
Ngâm Khúc.
Dài dòng một chút về vấn đề này để cho
thấy, miền Bắc không phải, không có những tài năng trẻ, từ khi còn
ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng với sự dẫn dắt, tư tưởng đến nay vẫn
còn như thế này, thì tài năng nào không thui chột, hoặc biến dạng
mới là chuyện lạ. Cũng may, Nguyễn Tất Nhiên sinh trưởng ở miền Nam,
bằng không cũng mất hút con mẹ hàng lươn như “thần đồng thơ“ Hoàng
Hiếu Nhân trên thi đàn là cái chắc.
Chiến tranh, cùng nỗi thống khổ sau cuộc chiến.
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn tang thương
nhất của đất nước, tuy không phải là người lính, song Nguyễn Tất
Nhiên cũng không thể bước ra khỏi cuộc chiến ấy. Tuy nhiên, cứ tưởng,
thơ văn thi phú của ông chỉ ngắc ngư với giăng hoa, ong bướm, Oanh,
Duyên, Minh Thủy. Nhưng tôi đã lầm. Mảng viết về thế sự, xã hội tình
người của Nguyễn Tất Nhiên không hề nhỏ. Viết về chiến tranh, dường
như bút pháp, cũng như nội dung hiện thực ông đào sâu vào khía cạnh
rất khác so với các thi sĩ cùng thời. Bởi, đọc ông, tôi không hề
thấy tiếng bom rơi, đạn nổ, vậy mà khói lửa, chết chóc thương đau
trải dài trên trang thơ của ông. Thật vậy, vừa rời ghế nhà trường, (19
tuổi) Nguyễn Tất Nhiên đã viết “Chiều Mệnh Danh Tổ-Quốc”. Một bài thơ,
không chỉ người lính, hoặc những người trải qua chiến tranh, mà tôi,
kẻ chưa hề biết đến súng đạn, vậy mà ngồi đọc, và viết cũng phải
rưng rưng:
"…Chiều quân đội nghĩa trang
Chiều mệnh danh tổ quốc
Có muôn ngàn câu kinh
Có muôn ngàn tiếng khóc
*
Có chuyến xe nhà binh
Đưa "Thiên Thần" xuống đất
Còn ai, còn ai chăng?..."
Có thể nói, từ thơ tình đến thơ thế sự của
Nguyễn Tất Nhiên bài nào cũng vậy, rất nhẹ nhàng, không hề lên gân,
song đã gieo vào lòng người đọc nỗi đau day dứt khôn nguôi. Vào giai
đoạn cuối của cuộc chiến, thân phận người lính càng bi đát hơn. Sự
kiên cường của họ trước sự hèn nhát, tháo chạy của những cấp lãnh
đạo cao nhất, làm cho Nguyễn Tất Nhiên xúc động: “Về trên nạng
gỗ mà trông/ Lô nhô lãnh đạo cong lưng bôn đào". Thật vậy, sự
đồng cảm đối người lính trong thơ ông, không chỉ trong chiến tranh, mà
ngay sau cuộc chiến, ta càng thấy đậm nét hơn. Chiến tranh qua đi, nỗi
đau về thể xác lẫn tâm hồn của người lính thương phế binh, và những
hệ lụy cho gia đình, cháu con còn bi thương, rách nát hơn gấp nhiều
lần. Về Trên Lạng Gỗ là một bài thơ như vậy. Nó là một trong những
bài thơ thế sự hay nhất, từ trước đến nay, mà tôi đã được đọc. Tính
hiện thực như một bản cáo trạng đối với chế độ xã hội đương thời
của nhà thơ, cùng lời cảm thông sâu sắc, xoa dịu nỗi đau của con
người. Đọc xong bài thơ này, tôi không còn biết đây là thơ, hay là lời
ru nỗi đau của Nguyễn Tất Nhiên. Các bạn đọc lại đoạn trích dưới
đây, xem có cảm giác như tôi không:
“…Về trên nạng gỗ mà trông
Chín năm chinh chiến đeo tròng nguỵ quân
Con thơ nhục nhã đến trường
Ê a phỉ báng máu xương cha mình
Cha "lính nguỵ" - con tự nhiên
Thành phần không được ngóc lên làm người
Học vừa đủ biết đọc thôi
Đủ làm gia súc hiểu lời Đảng sai
Hãy cười đi phế binh ơi
Một tay cũng rán mà... moi củ mì
Từ đây dỗ đói thường khi
Ru con tôi hát não nề ca dao"
Cái đau của người thi sĩ là ru được người
chứ không thể ru được chính mình, tâm hồn mình. Do vậy, trong cái bi
đát đó, Nguyễn Tất Nhiên buộc phải trốn chạy, hay tìm đến: “Ta
mời ta viếng mộ/ Lìa thảm cảnh dương gian". Và cầu Nại Hà cũng
đã bị gãy nhịp, người thi sĩ quay về nơi địa ngục. Không nghe lời
sám hối, mà vọng lên tiếng kêu than thỉnh cầu của thi nhân: “Phải
sống nơi địa ngục/ Mới hiểu thấu thân ta". Dường như không có lời
đáp vọng lại. Bởi, sự bất lực, hấp hối tro tàn ấy, đâu chỉ riêng
thi sĩ:
"…Ta mời ta viếng mộ
Lìa thảm cảnh dương gian
Chúc Phật còn lui chân
Trước bạo quyền chế độ
Huống hồ chút hư danh
Nguyễn Tất Nhiên thống khổ
Ôi chữ nghĩa văn chương
Bất lực, càng bất lực
Phải sống nơi địa ngục
Mới hiểu thấu thân ta
Đôi mắt người ngây thơ
Không hề vương vấn tội
Có chở tình ta theo
Tới cõi nào diệu vợi?
Lửa đời ta đã lụn
Đang hấp hối tro tàn" (Tháng 11, Thơ Mưa)
Thành thật mà nói, chỉ khi đi sâu vào đọc,
tôi mới nhận ra thơ văn Nguyễn Tất Nhiên luôn gắn liền với xã hội và
đời sống của con người. Thơ của ông có tính thời sự cao. Tôi nghĩ,
mảng đề tài này góp phần không nhỏ làm nên sự nghiệp sáng tạo của
ông. Nhưng dường như, bấy lâu nay chúng ta đã quên hẳn nó. Do vậy, văn
học sử Việt Nam rất cần những nhà nghiên cứu khai quật, đánh giá cho
thật đầy đủ, và khách quan về thơ văn Nguyễn Tất Nhiên.
Chia ly, với cuộc sống bế tắc, cùng những nỗi đau
tuyệt vọng.
Ra đi là con đường duy nhất để giải thoát Nguyễn
Tất Nhiên ra khỏi nơi địa ngục. Con thuyền lá tre kia vừa cập bến tự
do, thì linh hồn ông đã chết ngay khi đặt chân lên miền đất lạ: "kẻ
vượt biển đã tới bến mạnh lành/ nhưng chết ngay khi đặt chân lên bờ đất".
Những mâu thuẫn nội tâm, và bi kịch của người thi sĩ bắt đầu từ đó.
Để rồi, cuộc sống và thi ca Nguyễn Tất Nhiên luẩn quẩn trong cái vòng
tròn định mệnh ấy. Có thể nói, đây là tâm lý chung của tất cả các
văn nghệ sỹ trốn chạy sau biến cố 1975, chứ không riêng Nguyễn Tất
Nhiên. Tuy nhiên, sự hòa nhập, nghị lực và khát vọng tự do, khát
vọng sống của mỗi con người khác nhau. Bài thơ Paris, Khúc Tháng Chín
được Nguyễn Tất Nhiên viết trong tâm trạng, và hoàn cảnh như vậy. Đây
là bài thơ hay, một lần nữa chứng minh cho ta thấy, sự liên tưởng,
trí tưởng tượng phong phú của ông:
“…kẻ leo rào đã chụp được Tự Do
nhưng tức thời buông tay bổ ngửa
là ta
---
phải, ta đánh rơi ta
nát vụn
sau khi đánh rơi Việt Nam
bên kia bờ biển mịt
---
cây cối sẽ phục sinh vào đầu tháng tư năm tới
phần ta
cách gì tươi tắn lại
khi đời đã sang thu
cộng với lần bứng gốc…"
Những năm tháng ly hương, cuộc sống Nguyễn Tất
Nhiên, dường như hồn đã lìa khỏi thân xác. Với ông, đó là những nỗi
đau và cô đơn không có thể bù lấp: “Quê hương đã lìa/ Người
tình đã xa/ Bạn bè đã tàn/ Mọi thứ đã rã tan cùng đại dương xanh”.
Do vậy, với tâm hồn, nghị lực mong manh yếu đuối luôn làm cho người
thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên chán nản bi ai: “Có lẽ em không hay/ Đôi
cách chàng đã gãy". Tuy vậy, cùng nỗi nhớ thường trực, trái
tim mẫn cảm của người nghệ sĩ luôn hướng về quê hương, đất nước. Nhớ
Nội, là một bài thơ thất ngôn như vậy. Một bài thơ hay và cảm động,
tiêu biểu cho tâm trạng của Nguyễn Tất Nhiên trong giai đoạn này:
"…từ lúc giặc về, con biệt xứ
nát lòng chim quốc nhớ quê hương
mấy thu vàng úa đời xa cội
chẳng biết mộ phần nội có yên?"
Bi kịch gia đình, bi kịch xã hội ảnh hưởng
trực tiếp đến tư tưởng, và thi pháp sáng tác của Nguyễn Tất Nhiên.
Đây là giai đoạn nặng nề, cùng cực, cô đơn nhất của ông. Do vậy,
những bi ai, u uất đã trải dài từ thi tập Tâm Khúc cho đến Minh Khúc.
Sự chia ly, đổ vỡ của tình yêu và gia đình “…như dao nhọn/
ngọt ngào vết đâm" tan nát trái tim Nguyễn Tất Nhiên. Ông
bất lực trong nỗi bơ vơ, và trống trải: “bây giờ em đã xa tôi/
hay là sông núi xa đời lãng du…chim đêm hót tiếng đau tình/ đau tim tôi chở
lòng thành kiếm em...". Giai đoạn này, dường như ông hòa toàn
quay về với thể thơ lục bát. Những câu thơ của ông đọc lên như có
tiếng ru đời và ru mình vậy. Vâng, hai tập thơ lục bát, cũng không
thể cứu rỗi được hồn người thi sĩ. Đoạn trích về nỗi đau, và cô đơn
trên con đường mịt mù sương khói trong bài Minh Khúc 90 đã báo hiệu
số phận của Nguyễn Tất Nhiên:
“đường không gian – đã phân ly
đường thời gian- đã một đi không về
những con đường mịt sương che
tôi vô định lái chuyến xe mù đời
cu tí ngủ gục đâu rồi?
băng sau, ngoái lại, bời bời nhớ con..."
Có thể nói, nghị lực, và trái tim đa cảm
của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên không thể vượt qua được nghịch cảnh ở nơi
miền đất lạ. Nó làm cho ông khủng khoảng tinh thần trong nỗi cô đơn
đến tuyệt vọng. Nếu nói, cuộc đời Nguyễn Tất Nhiên là một bi kịch,
thì diễn viên là ông, và đạo diễn cũng là ông. Và kịch bản ông viết
từ hai mươi năm trước đã vận vào đúng cuộc đời, cái chết của diễn
viên Nguyễn Tất Nhiên vậy:
“Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định".
Tôi thuộc thế hệ sau Nguyễn Tất Nhiên khá xa,
và cũng chưa một lần gặp gỡ, hoặc được quen biết ông. Tuy nhiên, tên
tuổi Nguyễn Tất Nhiên, tôi đã biết khá lâu, khi đọc, hoặc viết về
một số nhà văn gốc miền Nam khác. Đôi lúc tâm trạng buồn, vui tôi
thường đàn hát những bản nhạc phổ từ thơ của ông, hoặc do ông sáng
tác. Và Không hiểu tại sao, vài tuần nay như có một sợi dây tâm linh
nào đó thôi thúc, buộc tôi tìm đọc, rồi viết về Nguyễn Tất Nhiên. Dù
tôi cũng là "tên vô đạo" như ông. Đọc và viết trong vài tuần,
sau giờ làm việc, do vậy, tôi nghĩ, không tránh khỏi những thiếu sót,
hoặc sai lệch. Nhưng đã đọc, mà không viết, cứ để ứ hự ở trong lòng
thì quả thật, có lỗi với Nguyễn Tất Nhiên thi sĩ.
Leipzig ngày 15-3-2019
No comments:
Post a Comment