Sunday, March 24, 2019

NGÂN SÁCH LIÊN BANG 2020 TIẾP TỤC THÂM THỦNG (Nguyễn Quốc Khải)




NGUYỄN QUỐC KHẢI
19/03/2019

Nhà Trắng đã đệ trình Quốc Hội Hoa Kỳ dự án ngân sách liên bang Hoa Kỳ cho tài khóa 2020 (1.10.2019 – 30.9.2020). Đây là dự án ngân sách thứ ba kể từ ngày Ô. Donald Trump nhiệm chức tổng thống. Ngay lập tức nhiều nhà lập pháp Dân Chủ đã tiên đoán rằng dự án ngân sách này sẽ chết yểu. Dân Biểu John Yamuth (Dân Chủ, Kentucky), Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện, nhận xét “Một lần nữa Tổng Thống Trump lại đưa ra một tầm nhìn vô trách nhiệm và không đáng tin cậy về quốc gia.” Ngay cả một số thành viên Quốc Hội thuộc Đảng Cộng Hòa cũng không tán thành.

NÉT CHÍNH CỦA DỰ ÁN NGÂN SÁCH 2020.
Tổng Thống đề nghị một ngân sách 4.7 ngàn tỉ Mỹ kim cho tài khóa 2020 sẽ bắt đầu có hiệu lực vào mùa thu này nếu được Quốc Hội thông qua. Theo ngân sách 2020, các bộ sẽ được tăng ngân sách là Quốc Phòng, Cựu Chiến Binh, Nội An và Cơ Quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian. Các Bộ sẽ bị giảm ngân sách gồm Ngoại Giao, Nội Vụ, Canh Nông, Giáo Dục, Năng Lượng, Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh, Gia Cư và Phát Triển Đô Thị, Vận Tải, Môi Trường và Cục Công Binh. Riêng có Bộ Thương Mại được thêm tiền vì sẽ phải thực hiện cuộc kiểm tra dân số vào 2020 theo định kỳ 10 năm một lần.

Ngân sách 2020 cũng yêu cầu chương trình giảm thuế lợi tức cá nhân theo Đạo Luật Giảm Thuế và Việc Làm (Tax Cuts and Jobs Act) được gia hạn quá năm 2025.

Ngân sách sẽ tiếp tục thiếu hụt vì lợi tức chính phủ thu vào ít đi do chính sách giảm thuế của Ô. Trump, mặc dù việc hoạch định ngân sách đã dựa vào những giả thuyết kinh tế phát triển khả quan cho 10 năm tới một cách không thực tế. Ô. Trump rõ rệt chủ trương duy trì chính sách giảm thuế chính yếu làm lợi cho những công ty và giới giầu có, trong khi đó tìm cách giảm ngân sách thiếu hụt bằng cách cắt bớt quyền lợi của giới nghèo.

Chúng ta sẽ bàn sâu vào chi tiết của ngân sách quốc gia 2020 ở các phần kết tiếp.

CHI TIÊU QUỐC PHÒNG và AN NINH QUỐC NỘI TĂNG
Ngân sách của Bộ Quốc Phòng sẽ được tăng 5%. Ngân sách của Bộ Cựu Chính Binh và Bộ Nội An sẽ được tăng khoảng 7.5%. Ô. Trump sẽ sử dụng Cơ Quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian vào việc thành lập Lực Lượng Không Gian nên ngân sách của cơ quan này cũng sẽ được gia tăng. Mặc dù mới thất bại trong việc yêu cầu Quốc Hội chuẩn chi 5.7 tỉ Mỹ kim cho bức tường biên giới mới đây liên quan đến ngân sách quốc gia của tài khóa 2019, Ô. Trump lại đòi hỏi thêm 8.6 tỉ Mỹ kim cho bức tường trong ngân sách mới. Chắc chắn Hạ Viện dưới sự kiểm soát của Đảng Dân Chủ sẽ bác bỏ yêu sách này của Ô. Trump. Xem ra ông lập lại điểm này chỉ để chứng tỏ là ông cố gắng giữ lời hứa với cử tri của ông.

CHI TIÊU PHI QUỐC PHÒNG GIẢM
Theo dự án ngân sách 2020, chi tiêu phi quốc phòng sẽ giảm từ 597 tỉ Mỹ kim xuống còn 543 tỉ Mỹ kim, tức là giảm 9% trong năm 2020. Các bộ bị ảnh hưởng nhiều nhất là Bảo Vệ Môi Trường, Ngoại Giao, Năng Lượng, Vận Tải và Canh Nông. Ngân sách của Bộ Bảo Vệ Môi Trường bị giảm 31%, Ngoại Giao 23% và Bộ Gia Cư và Phát Triển Đô Thị 16%. Lưu tâm quá đáng của Ô. Trump về an ninh quốc phòng và coi nhẹ ngoại giao làm cho một số cựu viên chức cao cấp quốc phòng lo ngại. Trong một bản tuyên bố, hơn 10 cựu sĩ quan chỉ huy tác chiến, bao gồm các tướng lãnh đã về hưu như David Petraeus, Anthony Zinni và Đô Đốc về hưu James Stavridis, đã nhận định rằng một mình quân đội không có thể giữ cho quốc gia của chúng ta an toàn. Cắt giảm ngân sách ngoại giao sẽ làm suy yếu an ninh và khả năng lãnh đạo của Hoa Kỳ.

CHI TIÊU AN SINH XÃ HỘI GIẢM
Cách đây không lâu tôi đã báo động trước rằng để đối phó với thiếu hụt ngân sách trầm trọng, Đảng Cộng Hòa sẽ cắt giảm ngân sách của các chương trình an sinh xã hội. Sau khi Quốc Hội Hoa Kỳ với Đảng Cộng Hòa kiểm soát cả hai viện thông qua chương trình giảm thuế 1.5 ngàn tỉ Mỹ kim vào tháng 10 năm ngoái, TNS Mitch McConnell, lãnh tụ đa số Thượng Viện đã tuyên bố rằng cách duy nhất để giảm thiếu hụt ngân sách liên bang là cắt giảm những chương trình an sinh xã hội. Điều này nay đã được chính thức hóa trên giấy trắng mực đen, trở thành một mối đe dọa đối với những người nghèo nhất trong xã hội, trong đó có không ít những người Mỹ gốc Việt, tín đồ của Ô. Trump, mà phần lớn ở California.

Khi tranh cử Ô. Trump đã hứa không bao giờ đụng chạm đến Social Security, một chương trình lương hưu, hay Medicare, một chương trình y tế phổ thông dành cho những người lớn tuổi. Nhưng nay ông đã thất hứa và dùng ngân sách để cắt giảm nghiêm trọng cả hai chương trình. Ông cho rằng có nhiều chi tiêu phí phạm về Medicare. Do đó cần phải duyệt lại những thủ tục và điều kiện để có thể hưởng quyền lợi này. Theo ông, thay đổi cần thiết sẽ giảm chi tiêu được 845 tỉ Mỹ kim trong 10 năm.

Ô. Trump cũng đề nghị cải tổ lại toàn bộ chương trình Medicaid, một chương trình y tế phối hợp giữa liên bang và các tiểu bang dành cho người nghèo. Một phần của Medicaid sẽ được dự trù biến thành chương trình trợ cấp cho các tiểu bang. Công việc này sẽ tiết kiệm được 241 tỉ Mỹ kim trong vòng 10 năm. Nếu hủy bỏ cả việc mở rộng chương trình Medicare theo luật Affordable Care Act gọi tắt là Obamacare, chi tiêu của chương trình Medicare sẽ giảm được tổng cộng 1.5 tỉ Mỹ kim trong 10 năm.

Ngoài ra, dự án ngân sách 2020 của Ô. Trump sẽ giảm khoảng 25 tỉ Mỹ kim trong 10 năm đối với chi phí về Chương Trình An Sinh Xã Hội (Social Security) kể cả bảo hiểm tàn tật (disability insurance), 220 tỉ Mỹ kim đối với chương trình Trợ Giúp Dinh Dưỡng Bổ Sung (Supplemental Nutrition Assistance Program), thường gọi tắt là phiếu thực phẩm (Food Stamp), 21 tỉ Mỹ kim về Chương Trình Trợ Giúp Tạm Thời Cho Những Gia Đình Nghèo (Temporary Assistance for Needy Families), một chương trình trợ giúp tiền mặt cho những gia đình nghèo nhất và 207 tỉ Mỹ kim trong chương trình cho sinh viên vay tiền đi học. Ngay cả ngân sách của chương trình giáo dục đại học cũng bị giảm 205 tỉ Mỹ kim.

Nếu được chấp thuận, ngân sách 2020 sẽ giảm chi tiêu khoảng 3,000 tỉ Mỹ kim đối với các chương trình trên đây trong 10 năm. Các chương trình an sinh xã hội của Hoa Kỳ chiếm một tỉ lệ rất cao và riêng bốn chương trình Social Security, Medicare, Medicaid, và Health insurance subsidies đã chiếm khoảng 50% của ngân sách liên bang. Tuy nhiên việc cắt giảm những chương trình này sẽ rất là khó khăn về phương diện chính trị cũng như là về mặt xã hội vì đây là những chương trình phổ cập đại chúng.

Ô. Trump và Đảng Cộng Hòa làm tăng thiếu hụt ngân sách liên bang ước tính khoảng 2 ngàn tỉ Mỹ kim trong hai tài khóa 2018-2019 qua chương trình giảm thuế bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2018, nay lại cắt các chương trình an sinh xã hội để bù đắp vào thiếu hụt đó. Quả thật đây là một việc làm thất sách nghiêm trọng. Do đó ngân sách 2020, đặc biệt là những biện pháp cắt giảm các chương trình an sinh xã hội, sẽ không được Quốc Hội và đa số dân Hoa Kỳ ủng hộ. Giải quyết vấn đề ngân sách nan giải cần phải có sự hợp tác của cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ. Lợi dụng nắm cả lưỡng viện Quốc Hội và Nhà Trắng trong hai năm 2017-2018, Đảng Cộng Hòa đã lẫn lướt Dân Chủ, tạo ra sự căng thẳng giữa hai bên, nay Cộng Hòa kêu gọi sự hợp tác không phải dễ dàng.

Ngoài ra, nhiều mục cắt giảm chi tiêu không thực tế. Thật vậy, ngân sách 2020 của Nhà Trắng giả thiết rằng những chi tiêu phi quốc phòng và không bắt buộc sẽ giảm 9% vào năm 2020 so với năm nay và 26% vào cuối thập niên mặc dù lạm phát cũng ở mức 26% trong cùng thời gian.

NGÂN SÁCH LIÊN BANG TIẾP TỤC THIẾU HỤT
Để giúp tăng phần thu nhập, chính quyền Trump dự trù áp đặt một số lệ phí mới đối với những công ty dầu, hóa học, xe lửa và những công ty chế tạo e-cigarette. Lệ phí tiêu thụ thuốc lá sẽ gia tăng. Những người được cấp phát thẻ An Sinh Xã Hội cũng sẽ phải trả lệ phí.

Ngân sách liên bang Hoa Kỳ 2020 và dự phòng.

Mặc dù nhiều chi tiêu đã bị cắt giảm, ngân sách vẫn tiếp tục thiếu hụt trong 15 năm tới và từ nay đến 2022, thiếu hụt ngân sách sẽ trên 1,000 tỉ Mỹ kim hay là trên 4% tổng sản phẩm nội địa. Trong thời gian tranh cử, Ô. Trump hứa hẹn sẽ cân bằng ngân sách quốc gia trong 10 năm thay vì kéo dài thành 15 năm.

Bảng tóm tắt ngân sách 2020 trên đây cho thấy thu nhập hàng năm của chính phủ tăng rất ít. Thí dụ vào năm 2018 so với 2017, thu nhập chỉ tăng 0.4% - một tỉ lệ thấp nhất trong nửa thế kỷ vừa qua, so với 1.5% của năm 2017. Nếu loại trừ ảnh hưởng của lạm phát, thu nhập thực sự giảm đáng kể vào năm nay trong khoảng 4% – 9% vì chính sách giảm thuế của Tổng Thống Trump.

NỢ CÔNG TIẾP TỤC LÀ GÁNH NẶNG QUỐC GIA
Vì ngân sách thiếu hụt phần lớn do giảm thuế, chính phủ phải tiếp tục vay nợ. Do đó nợ công ngày càng tăng. Kể từ khi Ô. Trump nhậm chức tổng thống, nợ quốc gia đã tăng thêm 2 ngàn tỉ Mỹ kim. Hiện nay nợ quốc gia của Hoa Kỳ là 22 ngàn tỉ Mỹ kim, mức nợ tối đa mà luật cho phép. Vào tháng 2, 2018, Quốc Hội đã phải tạm bỏ mức nợ công tối đa để tránh đụng trần. đến đầu tháng 3 năm nay Quốc Hội áp đặt trở lại mức nợ công.

Với 22 ngàn tỉ Mỹ kim, tỉ lệ nợ công / GDP là 106%, quá cao so với tiêu chuẩn của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) 77%.

Nợ công là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế và phồn thịnh xã hội. Thật vậy, tiền lời trả cho số nợ này sẽ là khoảng 482 tỉ Mỹ kim trong năm tới, nhiều hơn cả ngân sách dành cho chương trình Medicaid.

Tuy nhiên, Cộng Hòa cho rằng không phải chính quyền đánh thuế quá ít mà là chính phủ chi tiêu qua nhiều. Ô. Trump hứa sẽ thanh toán hết nợ công trong thời gian làm tổng thống, tuy nhiên ngân sách 2020 dự phóng nợ công sẽ tăng lên đến 31 ngàn tỉ Mỹ kim trong 10 năm theo CNN. Committee for a Responsible Federal Budget, một tổ chức nghiên cứu chính sách công độc lập, ước tính rằng ngân sách của Nhà Trắng sẽ phải vay thêm 7.8 ngàn tỉ Mỹ kim trong thập niên tới. Vì vậy nợ công sẽ tăng thêm khoảng 10.5 ngàn tỉ Mỹ kim. Trong trường hợp này ngân sách của Nhà Trắng sẽ phải yêu cầu Quốc Hội nâng mức nợ công tối đa. Ngân Khố Hoa Kỳ không được phép vay nợ trên mức nợ này.

Tổng Thống Trump thường phô trương rằng chính sách kinh tế của ông cho tới nay rất thành công vì đã tạo nhiều việc làm, làm lương bổng tăng và kinh tế phát triển. Tuy nhiên ông đã phải thực hiện những biện pháp tài chánh - thuế vụ để kích thích nền kinh tế. Nhưng chính những biện pháp này làm ngân sách quốc gia thâm thủng và nợ công tăng lên. Trong khi đó kinh tế không phát triển ở mức 4% - 5% như mong đợi để bù đắp vào việc giảm thuế.

TẦM NHÌN QUÁ LẠC QUAN
Ngân sách 2020 dựa trên một số giả thuyết kinh tế quá lạc quan. Những chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng cho rằng kinh tế của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 3% hàng năm trong suốt một thập niên tới. Cụ thể hơn, độ phát triền của năm 2019 sẽ là 3.2%, giảm dần xuống 3.1% trong năm 2020, 3% trong năm 2021 và 2.8% trong năm 2026. Điều này xem ra không thực tế. Hoa Kỳ chưa bao giờ thực hiện được một thời kỳ phát triển lâu dài như vậy mà không trải qua giai đoạn kinh tế trì trệ. Chưa kể là kinh tế Hoa Kỳ đã phát triển liên tục từ 2009-2010 cho đến nay, kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế lớn 2007-2009. Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office – CBO), một cơ quan nghiên cứu lưỡng đảng, ước tính mức phát triển kinh tế Hoa Kỳ vào khoảng dưới 2% đôi chút. Cơ Quan Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund – IMF) dự đoán độ kinh tế phát triển của Hoa Kỳ sẽ giảm xuống còn 2.5% trong năm nay và 1.8% cho năm 2020 vì ảnh hưởng của những biện pháp kích thích kinh tế sẽ phai nhạt dần.

Tuy nhiên trong hai năm trước ngân sách quốc gia của Nhà Trắng đã ước tính mức phát triển kinh tế gần với thực tế hơn so với những tiên đoán khác: 2.5% cho quý IV, 2017 và 3.1% cho 2018.

KẾT LUẬN
Ngân sách quốc gia 2020 cho thấy Hoa Kỳ là một nền kinh tế vay nợ để phát triển, nhưng đã kéo dài và tỉ lệ so với GDP quá cao sẽ không thể bền vững được. Ngoài ra, Hoa Kỳ đang vay nợ để chi tiêu vào những ngành không sản xuất như an ninh, quốc phòng, xây tường biên giới, an sinh xã hội, trong khi lại giảm ngân sách giáo dục, cắt tài trợ sinh viên và vận tải. Rõ ràng là nợ công nhắm vào tiêu thụ hơn là phát triển kinh tế.

Ngân sách 2020 của Nhà Trắng sẽ khó có hi vọng được Quốc Hội thông qua. Kinh nghiệm cho thấy là cơ quan chuẩn chi ngân sách quốc gia, Quốc Hội thông thường sẽ tự thảo ra luật ngân sách rồi đưa qua hành pháp thi hành.

Nếu dựa vào những điều kiện kinh tế thực tiễn hơn, ngân sách 2020 sẽ lãnh những hệ quả tồi tệ hơn với ngân sách thiếu hụt nhiều hơn và nợ công cao hơn là ngân sách mô tả và kinh tế Hoa Kỳ sẽ đi vào vòng luẩn quẩn. Sự hợp tác giữa hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ là cần thiết để giúp nền kinh tế sớm ra khỏi vòng luẩn quẩn này. Tuy nhiên, điều này xem ra khó thực hiện trong khi Ô. Trump còn ngồi ở trong Nhà Trắng.






No comments: