Sunday, March 24, 2019

ĐÃ CÓ KẾT LUẬN ĐIỀU TRA TỔNG THỐNG TRUMP & NGHI ÁN NGA CAN THIỆP BẦU CỬ MỸ (Phạm Minh Trung - Luật Khoa)





23/03/2019

Hôm thứ Sáu, ngày 22/3, công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã đệ trình lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ William Barr bản báo cáo được mọi người chờ đợi. Đây là kết quả của một cuộc điều tra dài gần hai năm về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và liệu Tổng thống Donald Trump hay đội ngũ của ông có hành vi sai phạm và cản trở công lý hay không, New York Times đưa tin.

Trong bản báo cáo của mình, ông Mueller sẽ phải giải thích chi tiết về các quyết định truy tố hoặc không truy tố với các tội danh của những người mà ông điều tra, nếu có.

Bản báo cáo này cho đến nay vẫn được xem là tối mật. Tuy có thể nó sẽ khép lại cuộc điều tra của ông Mueller, nhưng nó cũng có thể sẽ là bước mở màn cho các cuộc đối đầu chính trị gay gắt trong những ngày sắp tới.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo tùy thuộc vào Bộ Trưởng Bộ Tư pháp dưới quyền Tổng thống Donald Trump, vào lưỡng viện Quốc hội, và có thể cũng sẽ khiến Tối cao Pháp viện phải can dự.

Cuộc điều tra kéo dài gần hai năm của ông Mueller đã khiến chính quyền của Tổng thống Trump đặc biệt lo ngại. Ông Mueller đã truy tố 34 người và ba công ty, trong đó có các cố vấn thân cận nhất của ông Trump, gồm có cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort và cấp phó Rick Gate, cựu cố vấn chính trị Roger Stone, cựu luật sư riêng Michael Cohen, và cựu cố vấn vận động tranh cử George Papadopoulos. Phần lớn trong số họ đã bị toà kết án có tội.

Điều tra viên đặc biệt Robert Mueller, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tư pháp William Barr. Ảnh: AP.

Cuộc chiến đòi công khai kết luận điều tra

Cá nhân Bộ trưởng Tư pháp Barr cho biết ông sẽ viết bản báo cáo riêng của mình để thông báo kết quả điều tra đến Quốc hội và công chúng Mỹ, đồng thời cam kết sẽ minh bạch hết mức có thể.

Ông Barr cũng nói thêm rằng ông sẽ báo cáo Quốc hội vào cuối tuần này sau khi thảo luận với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein và công tố viên đặc biệt Mueller để xác định xem các thông tin nào có thể được công bố.

“Tôi đang xem bản báo cáo, và dự tính có thể cho quý vị biết các kết luận chính của công tố viên đặc biệt sớm nhất vào cuối tuần này,” Bộ trưởng Tư pháp Barr viết trong thư gửi lãnh đạo Uỷ ban Tư pháp Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

Nhà Trắng thông báo hiện chưa nhận được báo cáo tóm tắt nào về kết quả điều tra của ông Mueller.

“Bước kế tiếp tùy thuộc vào Bộ trưởng Tư pháp Barr, và chúng tôi chờ đợi tiến trình bắt đầu. Nhà Trắng chưa nhận được cũng như chưa được thông báo về bản báo cáo của công tố viên đặc biệt”, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói với báo giới.

Do chưa có chi tiết nào trong bản báo cáo được công bố vào thời điểm này, hai câu hỏi được nhiều người quan tâm đặt ra là liệu ông Trump có thông đồng với điện Kremlin nhằm gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 hay không và ông Trump có cản trở công lý sau đó bằng cách sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey hay không.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp cũng cho biết ông Mueller không đề xuất truy tố thêm người nào. Điều đó khiến các nhà quan sát có thể tin rằng không còn cáo buộc hình sự nào đối với các cộng sự của Tổng thống Trump phát sinh từ cuộc điều tra. Tuy nhiên, không rõ công tố viên đặc biệt Muller có cáo trạng kín nào có thể sẽ công bố về sau hay không.

Trước đó, ngày 14/3, Hạ viện đã bỏ phiếu và thông qua nghị quyết kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ công bố toàn bộ báo cáo và đệ trình kết quả điều tra lên Quốc hội do lo ngại Bộ trưởng Tư pháp Barr sẽ che giấu phần quan trọng của bản báo cáo để bảo vệ Trump. Tuy nhiên, phe Cộng hoà đã chặn nghị quyết này lại tại Thượng viện. Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa lại kêu gọi công bố báo cáo nhằm chấm dứt những đồn đoán về chính quyền Trump.

Ông Trump chưa có bình luận nào về động thái mới này. Tuy nhiên, hôm thứ Tư, Trump nói với các phóng viên rằng ông rất vui khi báo cáo được công bố. “Hãy công bố nó đi. Hãy để mọi người nhìn thấy nó”, ông chủ Nhà Trắng nói.

Cuộc chiến chính trị sắp tới sẽ nằm trong tay Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (đảng Dân chủ) và lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnel (đảng Cộng hoà). Ảnh: New York Post.

Khó luận tội phế truất Tổng thống Trump

Hiện đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện và một số ủy ban chuyên trách của cơ quan này đang điều tra ông Trump. Do đó, kết quả cuộc điều tra của ông Mueller sẽ rất quan trọng đối với bất cứ động thái nào ở Quốc hội để luận tội và phế truất Tổng thống Trump.

Hiến pháp Mỹ cho biết một tổng thống có thể bị phế truất vì “phạm tội nghiêm trọng và thiếu đạo đức” (“high crimes and misdemeanors”) thông qua quá trình luận tội của Quốc hội. Nhưng Hiến pháp lại không lý giải về việc liệu một tổng thống có thể bị truy tố hình sự hay không. Tối cao Pháp viện cũng chưa từng giải đáp vấn đề này.

Theo các chuyên gia pháp lý, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có một “chính sách lâu năm”, đó là tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố hình sự mặc dù một số luật sư phản đối kết luận đó. Theo luật, Bộ Tư pháp cũng không phải công khai giải trình chính sách này.

Điều đó có nghĩa là các cáo buộc hình sự đối với Trump khó có thể xảy ra.

William Barr, 68 tuổi, từng làm Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ từ năm 1991 cho đến 1993 dưới thời cựu Tổng thống George H. W. Bush. Ông có quan điểm hết sức cởi mở về quyền lực của tổng thống. Năm ngoái, khi ông Sessions vẫn còn là Bộ trưởng Tư pháp, ông Barr đã gửi một bản ghi nhớ đến Bộ Tư pháp, trong đó ông phủ nhận quyền lực của ông Mueller trong việc điều tra ông Trump cản trở công lý.

Robert Mueller, cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), được chỉ định làm công tố viên đặc biệt vào tháng 5/2017 để tiến hành một cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như xác định xem liệu có cá nhân hay tổ chức Mỹ nào hỗ trợ các nỗ lực của Nga hay không.

Tổng thống Trump nhiều lần bác bỏ cáo buộc, chỉ trích cuộc điều tra của Mueller là “cuộc săn phù thủy” và “xung đột lợi ích”.

Nga cũng bác bỏ, gọi việc cáo buộc nước này can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 là “lố bịch”, “mang động cơ chính trị” và “màn hài kịch đáng xấu hổ”.

-------------------------------

Viễn Đông Daily
VOA Tiếng Việt




No comments: