Thursday, March 7, 2019

LÊ CÔNG TÂM & BỘ BIÊN NIÊN SỬ "NHỮNG LẪM LỖI ĐỊNH MỆNH TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM" (Lê Giang Trần)




06/03/2019

Nước Việt Nam sau khi lập quốc đã liên tục trải dài theo dòng lịch sử những cuộc chiến tranh hầu như không ngơi nghỉ, quan trọng nhất là đánh chống lại giặc phương Bắc, từ giặc Mông Cổ đến giặc nhà Hán giặc nhà Thanh, để bảo vệ sơn hà của một dân tộc tự xưng là “Người Phương Nam” như câu hịch “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” của Lý Thường Kiệt và được xem là “Tuyên Ngôn Độc Lập” đầu tiên của nước Đại Việt. Cuối cùng, sau khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Tàu, được xem như mối họa chiến tranh với nước Trung Hoa không còn.
Nhưng mối hiểm họa ngoại xâm lại chuyển sang phía người phương Tây, kể từ lúc những thương thuyền người Tây phương bắt đầu tò mò tiến vào nước Việt trong ý đồ giao thương, sau khi họ đã ổn định việc buôn bán với những nước ở Á Châu như Trung Hoa, Ấn Độ, Indonesia v.v. Cuối cùng, nước Việt Nam lại bị thêm “Một trăm năm nô lệ giặc Tây” nối tiếp sau lịch sử “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu.”[nhạc TCS]
 
Khi những thương thuyền của người phương Tây tìm đến phương Đông với mục đích khám phá thị trường Á Châu, Việt Nam là một bán đảo tại Đông Dương, vị trí ở cực Nam phía dưới nước Trung Hoa, có tên gọi là “Cochin-China,” và với suốt một chiều dài thổ ngơi này tiếp giáp biển Thái Bình, tàu buôn Tây Phương không thể không tò mò muốn biết xứ bán đảo xa xôi lạ lẫm này ra sao?
Khi Thomas Jefferson còn là Sứ Thần của Hoa Kỳ tại Pháp, năm 1787 ông chú ý đến một giống lúa khỏe mạnh của xứ Cochinchina, ông cho biết:
“Là một loại lúa trồng trên các vùng cao nguyên, có năng suất cao, cho hạt gạo trắng muốt và đầy mùi vị, loại lúa này được xem là sản phẩm hảo hạng đối với chúng ta. Nếu chúng ta có thể thay thế lúa nội địa bằng giống lúa này thì đó là điều hạnh phúc lớn lao, sẽ giúp chúng ta loại trừ hiểm họa nước ao tù dễ gây tử vong...” [trang 64].
 
Sự lưu ý về giống “Lúa Mọi” trở thành nguyên nhân tiên khởi, trở thành một “Định Mệnh” để từ đó người Mỹ hay nước Hoa Kỳ “dính líu” đến nước Việt Nam ở Biển Đông, vì sau đó Thomas Jefferson trở thành Tổng Thống thứ Ba của Mỹ Quốc. Việt Nam bấy giờ sắp bước sang triều đại Vua Minh Mạng (1820-1839).
Thêm một sự kiện lịch sử nữa, Mỹ là nước đầu tiên dùng chiến thuyền nả đạn sát hại người Việt Nam, giết oan uổng “17 người thiệt mạng. Chiến thuyền“Constitution” còn bắn chìm một số tàu buồm trên sông, gây tử vong cho một số người Việt Nam và một số khác chết đuối khi các tàu buồm bị đánh đắm.” [trang 89]
Theo một sử gia Pháp, sau đó “không có một tàu thương mại Mỹ nào đã xuất hiện tại Sài Gòn từ năm 1820 đến năm 1860.”
Xã hội Việt Nam vào thời điểm đó, được Thuyền Trưởng Briggs vào năm 1803 khi đến Huế và đi đến Hai-foo (Thuận An) nơi có vài hoạt động thương mại, Briggs ghi nhận:
“Nơi đây không có tí gì mang tính cách công nghiệp, người dân hầu hết có vẻ lười biếng mà tôi chưa từng thấy bao giờ, sinh kế trông cậy vào nguồn hải sản dồi dào phong phú. Họ sống trong những lều tranh nhỏ bé, cửa ngỏ hoàn toàn mở rộng để thích hợp với khí hậu quá nóng.” [trang 66]

**

Lịch sử chiến tranh cận đại của Việt Nam được đánh dấu từ khi Đế chế Pháp đô hộ Đông Dương. Sự cai trị tại Việt Nam làm khởi lên những phong trào Kháng Chiến chống Pháp, kéo dài cả sau khi người Nhật giải thể Toàn Quyền của Pháp tại Đông Dương, trả lại quyền tự trị cho ba nước thuộc địa Việt-Miên-Lào; riêng Việt Nam, Bảo Đại từ Pháp về nước lên ngôi Hoàng Đế, tuyên bố độc lập, xưng quốc hiệu là “Đế Quốc Việt Nam” sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 11 tháng 3 năm 1945.
 
Đây là giai đoạn xuất hiện 2 nhân vật đi vào lịch sử sau đó: một là Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, Hai là thủ lãnh Hồ Chí Minh. Sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ, Việt Nam chia đôi đất nước ở vỹ tuyến 17. Họ Ngô trở thành vị Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên ở miền Nam; ông Hồ cướp chính quyền ngoài Bắc rồi thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cai trị dân theo chủ nghĩa Cộng Sản.
Nước Hoa Kỳ muốn ngăn chặn làn sóng Đỏ tràn xuống từ Trung Cộng, đã dùng Việt Nam làm một tiền đồn chính yếu. Từ đó người Mỹ nhúng tay vào cuộc chiến tranh Quốc-Cộng của nước Việt Nam, nói hoa mỹ hơn, một cuộc chiến tranh “Ý Thức Hệ” giữa hai chủ nghĩa Tự-Do và Cộng Sản, đã làm cho người dân cả hai miền Nam-Bắc Việt Nam hy sinh không biết bao nhiêu xương máu, kéo dài chính thức từ sau Hiệp Định Paris năm 1954 cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Người Mỹ có lý do của họ để chấm dứt sa lầy cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Miền Nam thất thủ vì Mỹ chấm dứt tiếp liệu. Ngược lại, miền Bắc được 2 nước Cộng Sản đàn anh Liên Xô và Trung Cộng cung cấp vũ khí dồi dào, giúp cho họ trở thành “bên thắng cuộc.” Ai cũng biết “đại cương” về cuộc chiến tranh Nam-Bắc tại Việt Nam được ghi nhận như thế.

**

Hằng triệu trang tài liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam liên quan đến sự nhúng tay vào của người Mỹ đã được bạch hóa. Ngoài ra còn có rất nhiều tài liệu khác từng lưu giữ bí mật trong kho văn khố chiến tranh của nước Tàu, Đài Loan, Bắc Việt cũng đã được phơi bày và đến tay những nhà biên sử “xét lại” thuộc thế hệ không dính dáng gì với cuộc chiến Việt Nam; tất cả những tài liệu này đã rất hữu ích cho việc xét lại cuộc chiến tranh Việt Nam một cách trung thực, vì nó đã bị phê phán một cách lệch lạc bởi những nguồn thông tin một chiều, hay ngay cả mang đầy dụng ý áp đặt của giới thông tin báo chí Mỹ và quốc tế khi họ đóng vai trò “nhân chứng”, đã bóp méo hoặc bôi nhọ sự chiến đấu gìn giữ miền Nam Tự Do của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Đây chính là một trong những nguyên nhân sâu sắc mà nhà Biên-Sử Lê Công Tâm trình bày trong lời Tựa mở đầu bộ biên sử gồm ba quyển, với tựa sách chuyên chở ý nghĩa: NHỮNG LẦM LỖI ĐỊNH MỆNH TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM. Xin được ghi lại vài đoạn tâm tư của tác giả:
“Những nghiên cứu đầu tiên trong buổi ban đầu của cuộc chiến cho thấy có quá nhiều thiếu sót và đầy thiên kiến của nhiều sử gia. Sự chính xác của lịch sử phải dựa vào các nguồn gốc đích thực nếu có thể được, hơn là một sự giải thích, gạn lọc các sự kiện này theo tầm nhìn cá nhân. Đây là một “tái cấu trúc” trở lại các sử liệu, căn cứ vào những tài liệu, văn bản, liên quan đến ngoại giao, chính trị và quân sự của cuộc chiến; và công việc này cần có một sự nghiên cứu nghiêm túc lâu dài để có thể thực hiện được sự chính xác của lịch sử.”
“Người viết dĩ nhiên phần nào ảnh hưởng bởi quan điểm của trường phái xét lại, vì những chứng cớ hiển nhiên từ lâu được giấu kín nay đã được các sử gia thuộc thế hệ mới đưa ra để xác định tính cách khách quan về những khả năng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu một cách hiệu quả và đạo lý bên cạnh người Mỹ, và dân chúng miền Nam ủng hộ chính phủ của họ nhiều hơn là CS trong thời gian chiến tranh.”
“Mục tiêu của tài liệu này muốn ghi nhận lại những sự kiện kể trên qua những chứng cứ hiện hữu, từ đó đưa đến kết luận người Việt đến tị nạn tại Hoa Kỳ vì một lý tưởng yêu chuộng tự do và không vì một ơn huệ của một chính phủ Mỹ nào, ngoài sự tiếp nhận tử tế của người dân Hoa Kỳ, và cũng không khác tổ tiên họ, những người Thanh Giáo bị đàn áp đã tìm mọi phương cách đến miền đất hứa này cách đây hơn 200 năm.”

**

Bài giới thiệu quyển 1 của bộ biên sử NHỮNG LẦM LỖI ĐỊNH MỆNH TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM này với tính cách rất cá nhân, vì sau khi đọc được những tài liệu lịch sử trong quyển sách, thấy ra mình trước kia chỉ hiểu biết một cách mù mờ về dòng lịch sử chiến tranh của đất nước mình, trải dài từ những phong trào kháng chiến chống Pháp, hy sinh biết bao vị chí sĩ anh hùng; và thực tế hơn, bản thân mình là một thanh niên trong khoảng chiến tranh khốc liệt nhất, đã không là một quân nhân; nhưng còn tệ hại hơn, không có một cái nhìn sáng suốt hay hiểu rõ bản chất của con người Cộng Sản. Và đây là một sự sai lầm trầm trọng, điển hình qua một cá nhân, để rồi hậu quả là hằng triệu con dân Việt Nam từ Nam chí Bắc bằng mọi giá, kể cả tính mạng, vượt biên, vượt biển, lìa bỏ quê hương, tìm đến một đất nước TỰ DO để tị nạn Cộng Sản. Con đường vượt thoát chạy trốn chế độ Cộng Sản đã cướp lấy thêm một lần nữa biết bao sinh mạng người dân nước Việt.
 
Thanh niên Việt Nam hầu như chỉ biết qua loa, chỉ được cung cấp tài liệu về lịch sử của nước mình qua vài ba quyển sử thuộc trường ốc, giáo khoa thư, ngoại trừ được tiêm nhiễm nỗi tự hào huyền sử dân tộc Việt là con Rồng cháu Tiên, là bầy chim Lạc Việt, là 50 người con đưa lên núi hay 50 người con đưa xuống biển, hay ngay cả niềm hãnh diện dân tộc Việt có 4,000 năm văn hiến, đánh giặc Tàu phương Bắc một cách anh dũng, giữ gìn đất nước, mở mang bờ cõi… trở thành một nước Việt hình chữ S như ngày nay, vân… vân… Còn ở thời cận đại, tất cả những thời điểm lịch sử từ khi chống Pháp cho đến khi khép lại cuộc chiến tranh Nam Bắc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, thì dường như biết rất mù mờ… còn rất nhiều thiếu sót không được đưa ra ánh sáng ???
Sau khi người Việt Nam tị nạn Cộng Sản đã định cư, đã có khá nhiều quyển hồi ký của những nhân vật từ vua Bảo Đại nhẫn đến những quan chức thuộc chính phủ hay quân đội; những hồi ký về tù đày Cộng Sản… Họ là những nhân vật dính líu đến chiến tranh, đến chính trị, đến chính quyền. Nhưng dường như là những quyển sách viết lên sự “tự bào chữa” hơn là trình bày những “sự thật lịch sử.” Lỗi lầm thì quy cho lịch sử, còn họ chỉ là nạn nhân của lịch sử!!!
 
Cũng đã có một số tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam, cả tác giả thuộc miền Nam hay miền Bắc, vẫn chưa có được một bộ sách nào được thế giới chú ý và đánh giá là một tác phẩm lớn về chiến tranh Việt Nam, mặc dù chiến tranh tại Việt Nam không nhỏ và ngắn, một cuộc chiến tranh “nồi da xáo thịt” đầy nước mắt đau thương…
Ai cũng biết rằng, “Lịch Sử” được biên soạn là lịch sử thuộc về kẻ chiến thắng. Họ tô son những gì cần to son. Tư Mã Thiên là một sử gia cũng chỉ ghi lại những gì cho nhà Vua đang cai trị hài lòng, tránh đi những gì ghi xuống có thể bị tru di tam tộc. Tự do ngôn luận của nước Mỹ hầu như được tôn trọng tuyệt đối, là nguyên nhân tạo cho giới truyền thông Mỹ khi được tham dự cuộc chiến tranh chống Cộng của miền Nam Việt Nam họ đã bóp méo thông tin, đã vô hình chung tạo nên một phong trào “chống chiến tranh Việt Nam” một cách quá khích, vì người dân Mỹ cảm thấy sự hy sinh của con em họ cho một cuộc chiến tại Việt Nam thật vô nghĩa. Ngoài ra còn là một áp lực nặng nề ảnh hưởng đến việc Mỹ phải rút quân, bỏ mặc cho miền Nam Việt Nam đương đầu với một cuộc chiến “Ý Thức Hệ” mà chính họ đã mượn miền Nam VN làm một tiền đồn ngăn cản sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản.

Quyển 1 của bộ biên sử NHỮNG LẦM LỖI ĐỊNH MỆNH TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM với độ dầy 800 trang, trong đó với khoảng 280 hình ảnh đính kèm, và gần như mỗi trang đều có chú dẫn nguồn cho những gì nhà biên sử Lê Công Tâm trình bày trải dài theo thời điểm tuần tự của từng giai đoạn lịch sử này. Về mặt dữ kiện đã cho thấy tác phẩm này là một bộ sách giá trị, đủ sức tạo cho người đọc một sự tin tưởng tác giả nghiêm túc, cẩn trọng, đứng ngoài tư kiến của mình; ông bình thản một cách duyên dáng bằng một văn phong tiểu thuyết phà hơi cho các nhân vật hồi sinh một cách sống động, linh hoạt đối thoại, diễn xuất, tất cả để giải trình những dữ kiện đã được ghi chép về những SỰ THẬT, một cách hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, không khác một quyển tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, đưa từ hồi hộp này đến ngạc nhiên khác, về những điều, mà người Việt Nam nói chung, chưa hề được biết đến.
Trong Lời Tựa, tác giả lưu ý độc giả về những tài liệu được bạch hóa mà giới sử gia “xét lại” thuộc tầng lớp sau này đã nhận thấy cần phải đưa ra ánh sáng, để nghiêm túc nhìn lại cuộc chiến Việt Nam trong thời cận đại, để trả lại sự thật cho nó. Nhà biên sử Lê Công Tâm mở đầu bộ phim lịch sử này bằng “chương dẫn nhập” với dấu mốc cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vì từ mốc điểm này cho thấy rõ sự SAI LẦM ĐỊNH MỆNH: Người Mỹ tạo tác nên một cuộc lật đổ Tổng Thống Diệm là điều sai lầm hoàn toàn, từ đó, tạo nên cơ hội cho miền Bắc VN trở thành kẻ thắng cuộc năm 1975. Sau đó, cuốn phim trở lại nguyên nhân nguyên thủy đã khiến người Mỹ chú ý đến một thổ ngơi hẻo lánh tại Đông Dương, đó chính là từ một giống lúa vượt nước có sức sống mạnh mẽ, nếu mang về trồng trên đất Mỹ sẽ cung cấp một nguồn lương thực dồi dào.

Dòng lịch sử trong bộ sách này chính yếu đưa ra những tài liệu liên quan đến:
1. Pháp đô hộ Việt Nam, đưa đến những phong trào kháng chiến chống Pháp.
2. Nhật đảo chánh và giải thể Đế Quốc Pháp cai trị thuộc địa Đông Dương, trả lại chủ quyền cho 3 nước Việt, Miên, Lào.
3. Nhân vật Hồ Chí Minh với những sự kiện chính, cho đến việc cướp chính quyền ở miền Bắc VN và chọn Trung Cộng làm đàn anh và giúp chiến thắng trận Điện Biên Phủ.
4. Nhân vật Bảo Đại về nước lên ngôi, thành lập chính phủ, sau cùng thoái vị.
5. Nhân vật Ngô Đình Diệm từ làm Thủ Tướng đến được bầu làm Tổng Thống rồi bị lật đổ, giết chết.
6. Những sự kiện người Mỹ dính líu đến VN và chính thức tham dự cuộc chiến VN cho đến khi rút quân về nước. Cuộc chiến Việt Nam kết thúc ngày 30 tháng 4, 1975.

Chương dẫn nhập về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không những TT Kennedy sững sờ thất thần, ngay cả Mao Trạch Đông cũng đưa ra lời bình, Mao nói: “xét cho cùng, sau khi ông ấy bị sát hại thì chẳng hiểu mọi sự trong Trời và Đất này có trở nên hòa bình hay không?... Ông Diệm đã không muốn nhận bất cứ một mệnh lệnh nào.” (trang 34)

Chương Một với tiêu đề: “Cội Nguồn Của Một Cuộc Gặp Gỡ Định Mệnh,” sau khi đưa ra những tài liệu ghi chép về những thương thuyền người Mỹ đến Việt Nam đại diện cho Hoa Kỳ muốn bàn thảo về ngoại thương nhưng không thành, được tác giả kết luận như sau:
“Thái độ “thực dân” và tiếng súng của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng là định mệnh thay đổi hoàn toàn khả năng Việt Nam có thể trở thành một cường quốc thứ hai như Nhật Bản tại Á Châu cùng thời kỳ.
Vào những thập niên 1880, Pháp đã thiết lập nền cai trị thuộc địa tại Sài Gòn và khu vực phụ cận, đồng thời thiết lập chính sách bảo hộ tại Bắc Kỳ.
Từ đó cho đến Hiệp Ước Geneva 1954, những mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Dương đều phụ thuộc vào mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và các cường quốc khác như Pháp, Trung Hoa, Anh Quốc và Nhật Bản.”

Chương Hai cho biết vào đầu thế kỷ 16, Bồ Đào Nha là quốc gia Tây Phương đầu tiên thiết lập quan hệ thường trực với Việt Nam. Họ đến Việt Nam vào năm 1535. Sau đó 100 năm mới đến người Hòa Lan vào VN. Bấy giờ là thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, họ được Chúa Trịnh cho phép lập cơ xưởng đầu tiên vào năm 1636 tại phố Hiến (gần tỉnh Hưng Yên ngày nay), là nơi lôi cuốn thương thuyền đến từ các nước Trung Hoa, Mã Lai, Thái Lan và Nhật Bản. Đây cũng là thời Alexander De Rhodes được gởi ra Hà Nội vào năm 1627, ông ghi lại nhận xét về đời sống dân chúng bấy giờ: “Người Việt Nam rất giàu có bởi vì đất đai phì nhiêu. Tại đây có cả mỏ vàng, chưa kể tới số lượng tiêu ớt dồi dào, cũng như tơ lụa quá nhiều đến độ họ dùng tơ vải thặng dư kết làm dây đánh cá và dây cột buồm.” (trang 118)
 
Người Pháp với mục đích truyền giáo nên trá hình doanh thương để vào VN. Cuối chương Hai nói về “Định Mệnh Nghiệt Ngã”, phần kết tóm lại như sau:
“5 năm sau khi vua Gia Long từ trần, các nhà truyền giáo bị coi là những kẻ thù tìm cách lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế nhà Nguyễn. Một chỉ dụ của triều đình năm 1825, ghi như sau: “Tôn giáo tai ác của Âu Châu” chính thức bị lên án là đã “làm xấu xa tâm hồn con người.”  Cùng lúc, như một hệ quả khó tránh khỏi, các lực lượng đế quốc Tây Phương mỗi năm càng trở nên hiếu chiến hơn. Dưới thời Gia Long, Việt Nam vẫn chưa thực sự nhìn thấy mối đe dọa của Phương Tây….
Tự Đức cai trị một quốc gia bất hạnh từ 1847 đến 1883. Năm đầu tiên lên ngôi của 36 năm trị vì, cũng là năm người Pháp tấn công quy mô lần đầu tiên vào Đà Nẵng.
Năm1883 Vua Tự Đức băng hà. Miền Bắc và miền Trung trở thành đất bảo hộ của Pháp.
Miền Nam bị tách rời ra khỏi Việt Nam, trở thành thuộc địa của Pháp giữa năm 1859 và 1867, với tên gọi là Cochinchina900 trăm năm tự chủ của Việt Nam chấm dứt.” (trang 136-137)

Chương Ba nói đến Phong trào Cần Vương, những anh hùng chống Pháp nổi danh như Đề Thám v.v. và ghi chi tiết hơn lúc vua Tự Đức còn sống đã phải nhượng đất cho Pháp như sau:
“Ngày đầu tháng bảy 1861, Đô Đốc Charner tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp, sau 5 tháng đối diện với sự cầm cự quyết liệt của quân triều đình Việt Nam, đã chiến thắng hoàn toàn và tuyên bố Sài Gòn thủ đô của Cochinchina, nay thuộc về Pháp. Một năm sau đó, vua Tự Đức biết không thể nào thu hồi được phần đất bị Pháp chiếm đóng, đồng ý nhường Sài Gòn và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ qua hòa ước tháng 6 -1862, nhưng nhà vua vẫn kiên quyết không ký nhường nốt phần còn lại của miền Nam. Tháng 7-1867, toàn bộ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ rơi vào tay Pháp. Việt Nam chỉ còn lại Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Tháng 8-1883, Pháp tấn công Hà Nội và kinh đô Huế, đưa tới kết quả Bắc Kỳ và Trung kỳ trở thành đất bảo hộ của Pháp qua Hòa Ước ký kết ngày 25 tháng 8, chấm dứt toàn bộ nền độc lập tự chủ của Việt Nam.” (trang 150)

Chương Bốn “Sự Xuất Hiện Của Đảng Cộng Sản Và Hồ Chí Minh” là một chương gợi nhiều tò mò nhất về ông Hồ, ghi lại khá đầy đủ lộ trình của ông, từ sang Trung Hoa, Sang Pháp, sang Nga và những liên hệ của ông với những nhân vật chính trị, đặc biệt mệnh số của ông đã may mắn “bao lần thoát hiểm khỏi tay người Pháp, Anh, Nga, Trung Hoa tìm cách loại trừ hay bắt giữ ông Hồ”(T. 257); kể cả được nhóm Nai của người Mỹ khi nhảy xuống chiến khu của ông để huấn luyện quân sự, và cứu ông thoát khỏi bệnh sốt rét tưởng sắp qua đời. Người đọc sẽ chú ý đến lời hứa của ông Hồ trước khi chia tay tướng Trương Phát Khuê, người thả ông khỏi tù để từ Tàu trở về chiến khu Việt bên kia biên giới. Ông Hồ nói:
“Tôi là người Cộng Sản, nhưng mối lưu tâm hiện nay của tôi là tự do và độc lập cho Việt Nam chứ không phải cho chủ nghĩa Cộng Sản. Tôi trân trọng hứa với Ngài: Chủ Nghĩa Cộng Sản sẽ không tồn tại tại Việt Nam trong 50 năm.” (trang 253)
Tướng Khuê thả ông Hồ vì Tướng Khuê mong đợi thời hậu chiến của Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của THQDĐ, cả quyết rằng nếu Việt Nam giành lại được độc lập qua sự trợ giúp của Trung Hoa, thì “một Việt Nam độc lập, dưới sự lãnh đạo của ông Hồ sẽ là một nước thân thiện với Trung Hoa và nằm dưới ảnh hưởng của nước này.”
 
Về phần ông Hồ, ông nắm rõ tình thế, chỉ cần thuyết phục được Khuê và Tiêu Văn bằng đòn tâm lý “đánh đúng tim đen” của Khuê, nghĩa là lúc nào ông cũng sẵn sàng đặt quyền lợi Trung Hoa lên trên quyền lợi Việt Nam, không những ông sẽ hợp tác mà còn tuân thủ chỉ thị của các tướng Trung Hoa. Ông Hồ đã sử dụng chiến thuật của CSQT áp dụng tại Trung Hoa vào năm 1924-1927 để bảo đảm Liên Minh Quốc-Cộng Trung Hoa: “Đồng Minh nhưng không hợp nhất, cộng tác nhưng sẵn sàng phân tranh.” (trang 255)
Ghi nhận trên đây để lưu ý rằng, ông Hồ áp dụng câu “châm ngôn” này ngay cả sau khi ông cướp chính quyền, đã mời những nhân vật “Quốc Gia” vào thành phần Chính Phủ, một đòn phép chính trị lừa bịp, chưa kể ông còn thẳng tay sát hại những người đối lập thuộc các nhóm Quốc Gia, điển hình như các đảng viên gạo cội của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Sau chương này, độc giả sẽ tuần tự trải qua những thời kỳ cách mạng, thời Thủ Tướng Trần Trọng Kim tích cực cải cách dân sinh; cuộc hợp tác bất đắc dĩ giữa OSS và Hồ Chí Minh, cuộc họp tác này được kết luận, “Dù sao, sự hiện diện của người Mỹ qua Nhóm Nai tại Hà Nội trong ngày 2 tháng 9, 1945 đã làm nản lòng những người Quốc Gia muốn lội dòng nước ngược chống lại Việt Minh, kể cả chính quyền Trần Trọng Kim.” (trang 380) và:
“Thomas làm lễ chuyển giao súng huấn luyện của Nhóm Nai cho quân đội Việt Minh tại trại huấn luyện và thông báo người Mỹ sẽ “rời trại” vào ngày mai.
Tối hôm đó, người Mỹ và Việt Minh tiệc tùng suốt đêm. Cả hai bên đều không nhìn thấy một viễn cảnh sẽ trở thành kẻ thù trong một cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử Việt Nam, chỉ cách một thập niên sau đó.” (trang 381)

Chương Tám ghi lại “Việt Minh cướp chính quyền ngày 2 tháng 9, 1945”, thành lập Chính Phủ Lâm Thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, “và vấn đề Việt Minh cướp chính quyền chỉ là một chính quyền hợp pháp cho toàn thể Việt Nam tồn tại có 20 ngày.” Do ông Hồ đánh tiếng bảo vua Bảo Đại thoái vị, và có thể ông Hoàng Đế này sợ bị ám sát nên đã OK !!! Tuy nhiên, chính sự bỏ ngôi vua của Bảo Đại đã tạo cho sự “lên ngôi” của ông Hồ hoàn toàn mất tính “Pháp Lý”, tác giả chỉ ra điều này: Đã không có sự chuyển quyền hợp pháp và tuần tự từ tay Vua Bảo Đại sang Hồ Chí Minh.”

Chương Chín thuật việc “Đồng Minh giải giới quân Nhật,” Chương Mười “Pháp trở lại Việt Nam,” chương Mười Một “Trước ngưỡng cửa cuộc chiến Đông Dương Thứ Nhất”, đây là tên gọi gán cho “cuộc xung đột vũ trang giữa Pháp và Việt Minh kết thúc bởi Hiệp Định Geneva.” Nên biết thêm, “còn cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc với sự can thiệp của Hoa Kỳ là “cuộc chiến Đông Dương thứ Hai,” để phân biệt và dễ dàng nhận định, so sánh. Cả hai cuộc chiến được định danh này tuần tự bắt đầu từ năm 1950 và chấm dứt năm 1975.” (trang 523).

Chương Mười Hai gồm 3 phần: - Trợ Giúp Của Trung Cộng - Chiến Dịch Tây Bắc - Cải Cách Ruộng Đất. Riêng phần cải cách ruộng đất rập khuông theo Cộng Sản Tàu, đính kèm những hình ảnh cuộc đấu tố, đặc biệt trường hợp bà Nguyễn thị Năm là mẹ nuôi của các lãnh tụ Cộng Sản, bà đã đóng góp rất nhiều vàng bạc cho “cách mạng” lại bị chính ông Hồ viết bản cáo trạng và còn đứng ra tận mắt chứng kiến cảnh hành huyết ân nhân của mình. Chương này cũng cho thấy hình ảnh nữ bộ đội hay nói chung là đưa lực lượng thanh nữ vào chiến trường, là do Mao Trạch Đông đã nói với Hồ rằng, ông đã phí phạm 50% nhân lực khi không sử dụng nữ nhân vào quân đội. Thế là những cô gái Bắc thơ mộng không còn được “Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.”

Chương Mười Ba mô tả về trận Điện Biên Phủ, đưa đến hội nghị ở Geneva (1953-1954), hội nghị này chủ yếu chuẩn bị cho một nghị định hòa bình về cuộc chiến Nam-Bắc Triều Tiên, nhưng Bàn Môn Điếm chưa giải quyết xong; trong khi Pháp đang bị siết chặt vòng vây tại Điện Biên Phủ nên chịu thương thuyết với Việt Minh, vì thế cục diện của Hội Nghị Geneva thay đổi. Trận đánh vào thung lũng Điện Biên theo tài liệu của văn khố Trung Cộng thì do các Tướng lãnh Tàu ngầm chỉ huy nhưng công trạng thì dành cho Võ Nguyên Giáp theo chỉ thị của Mao, vì Mao không muốn quốc tế biết Tàu Cộng đứng ra chỉ đạo.
“Bắc Kinh thông báo cho ông Hồ đã bổ nhiệm Vi Quốc Thanh làm Tổng Chỉ Huy Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự TC và Lã Quý Ba là Cố Vấn Chính Ủy của Phái Bộ TC cố vấn cho Việt Minh. Sau khi trở lại Việt Nam, ngày 27 tháng 10 khi tái xác nhận đề nghị của Bắc Kinh về chiến lược quân sự ấn định cho quân Việt Minh, Tướng Vi giao cho ông Hồ bản sao kế hoạch hành quân Navarre mà TC đã chiếm hữu. Sau khi nghiên cứu kế hoạch của Pháp, ông Hồ tuyên bố những đề nghị của giới lãnh đạo TC chính xác, nếu Việt Minh “nhất trí” tuân thủ, nhất định sẽ đánh bại kế hoạch của Navarre.” (trang 628)”
“Chấp thuận đề nghị của Ủy Ban Cố Vấn quân sự TC, giới chỉ huy của Việt Minh phát họa chương trình hành quân theo kế hoạch của Vi cho trận chiến Điện Biên Phủ, được Chính Trị Bộ CSVN chấp thuận ngày 6 tháng 12. Bộ Tư Lệnh chiến trường Điện Biên Phủ được thành lập với Võ Nguyên Giáp làm Tổng Chỉ Huy, Vi Quốc Thanh là Tổng Cố Vấn. Hồ Chí Minh lên tiếng kêu gọi người dân và toàn thể Đảng CS thực hiện tối đa nỗ lực để bảo đảm chiến dịch được thành công.”
“Nhìn lại quá khứ, cuộc hội nghị của Bộ Chính Trị CSVN tháng 9, 1953 là một bước ngoặc lớn của cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, với sự kiện điều động quân Pháp của Navarre tại Điện Biên Phủ vào tháng 11 trong năm này…” (trang 631)
“Trong khi Việt Minh đang siết chặt vòng vây Điện Biên Phủ, quốc tế chuẩn bị một cuộc Thương Thuyết Hòa Bình, dự trù khai mạc tại Geneva vào đầu tháng 5, gồm có các nhà ngoại giao các nước Pháp, Anh, TC, Liên Xô, Hoa Kỳ, và cả DRV cùng 3 Nước Liên Hiệp Việt Nam, Lào và Cam Bốt.” (trang 633)
“…, Pháp vào đầu năm 1954 đồng ý đặt vấn đề Đông Dương vào nghị trình của Hội Nghị Đông-Tây, dự trù họp tại Geneva, để giải quyết các vấn đề Viễn Đông.” (T. 645)
“Để giúp cho đợt tấn công sau cùng của Việt Minh được nhanh chóng chiến thắng, TC cung cấp tối đa tiếp liệu và quân dụng cho Việt Minh. Hai tiểu đoàn Việt Minh trang bị với súng pháo không giật 75 ly, và nhiều giàn phóng hỏa tiễn hàng loạt “Katyusha” được TC đưa đến Điện Biên Phủ trước khi trận công kích đợt chót bắt đầu. Quân Ủy Trung Ương CS Tàu ra lệnh cho các cố vấn quân sự TC bắn “không để sót lại một viên đạn nào, để đạt thắng lợi toàn bộ.” Vào ngày 1 tháng 5, 1954 Việt Minh khởi động trận tấn công. 6 ngày sau, 7 tháng 5-1954, căn cứ phòng thủ cuối cùng của Pháp thất thủ.
“Sau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, thế giới chú tâm vào Hội Nghị Geneva. Ngay ngày hôm sau, vấn đề Đông Dương được mang ra hội nghị Geneva, trong khi hội nghị này nhằm mục đích giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.” (T. 653-654)
Hồ Chí Minh sau khi thắng trận Điện Biên, muốn chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 16 nhưng Chu Ân Lai đã khuyên nên chấp nhận vĩ tuyến 17, Chu nói rằng: “…hòa bình sẽ lợi lộc cho mọi phía và sẽ cô lập Hoa Kỳ. Vĩ tuyến 16 không thuận tiện cho việc phân chia lãnh thổ, vậy nên chọn vĩ tuyến 17 vì gần Quốc Lộ RC9 (Route Coloniale 9). [Tr. 664] và trong hồi ký của Khruschev ghi nhận:
“Trong phiên họp đầu tiên của hội nghị, người cầm đầu phái đoàn Pháp là Mendes-France đề nghị đường ranh là vĩ tuyến 17. Phải nói, khi nhận được tin này chúng tôi gần như mắc nghẹn vì mừng rỡ, chúng tôi đã không mong đợi được điều này xảy ra. Vĩ tuyến 17 thật là ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi…”
Tác giả kết chương Mười Ba như sau:
“Hiệp Định Geneva 1954 phản ánh ảnh hưởng một cách ôn hòa của Liên Xô và TC. Cộng Sản Việt Nam rõ ràng là chịu áp lực rất nhiều của hai nước đàn anh, Việt Minh chấp nhận sự dàn xếp một cách miễn cưỡng. Hồ Chí Minh nhận thức được, nếu không có sự giúp đỡ của Liên Xô và TC, chắc chắn ông đã không đánh bại được Pháp và đạt được vị trí hiện tại. Do đó ông Hồ không thể cưỡng lại áp lực của hai nước đàn anh.
Ngoài ra, ông Hồ cũng tin vào việc toàn bộ Việt Nam sẽ rơi vào tay CS hai năm sau đó như Chu Ân Lai và Molotov suy đoán. Ông cũng may mắn là Churchill đã không đồng ý hợp tác với Mỹ để can thiệp vào Điện Biên Phủ.
Điều ngạc nhiên và sự thất vọng đã đến cho 3 nước Cộng Sản, là việc ông Diệm đã củng cố được quyền hành tại miền Nam với sự giúp đỡ của Mỹ.
Khi cuộc tổng tuyển cử đến kỳ hạn theo điều khoản của hiệp định, Sài Gòn từ chối không tham dự, viện lý là không thể có một cuộc bầu cử tự do tại miền Bắc. Hơn nữa, chính quyền ông Diệm đã không ký vào Hiệp Định Geneva, do đó không có lý do gì phải tuân thủ.” (Tr. 665-666)

Có vài nhận xét quan trọng tác giả nêu lên:
“Một số các sử gia cho rằng Pháp vấp phải nhiều lỗi lầm và ngu xuẩn do đó Việt Minh đã chiến thắng trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ Nhất. Từ việc miễn cưỡng trao trả nền độc lập cho những nhóm chính trị ôn hòa Không Cộng Sản bản địa, cho đến không hiểu được bản chất của một đất nước xã hội từ truyền thống nông nghiệp đang chuyển mình thay đổi; và quan trọng thực tế hơn, đã không cung cấp đầy đủ quân dụng thiết yếu cho các chỉ huy quân sự tại mặt trận. Các sử gia khác thì cho rằng Hồ Chí Minh được hậu thuẫn của người dân Việt Nam. Một số khác thì nhấn mạnh ưu thế Đảng Cộng Sản trong chính sách khủng bố và tổ chức quy củ.”
“Từ năm 1950 đến 1954, Bắc Kinh đã gởi những tướng lãnh tài giỏi đến Việt Nam làm cố vấn quân sự và chính trị; họ đã huấn luyện kỹ thuật chiến đấu cũng như đường lối chính trị cho quân đội, tái tổ chức cơ cấu hành chính, thiết lập chính sách tài chánh, và ngay cả sách lược động viên hàng ngũ dân chúng. Các cố vấn quân sự TC trên thực tế đã đề xuất kế hoạch và chỉ huy trực tiếp các cuộc hành quân, chiến dịch, chuyển giao các kinh nghiệm về chiến lược và chiến thuật tác chiến của Trung Hoa cho Việt Nam. Nhóm cố vấn quân sự Trung Cộng (CMAG) đã cống hiến hầu hết những thành công trong các chiến dịch biên giới, Tây-Bắc và Điện Biên Phủ. Tài lãnh đạo và chỉ huy của Tướng Chen Geng đã mang lại chiến thắng cho ông Hồ, đặc biệt là các cuộc hành quân tại biên giới năm 1950, trong lúc quân Việt Minh hãy còn là nhóm quân ô hợp, thiếu tổ chức và thiếu nhân sự có kinh nghiệm chỉ huy.”
“…Việt Minh được may mắn như một phép lạ, như Khruschev đã ghi nhận trong hồi ký là do thái độ thực dân xuẩn động của Thủ Tướng Anh Winston Churchill đã không chịu hợp tác với Hoa Kỳ, đã giúp cho Việt Minh thoát khỏi một cuộc oanh tạc toàn diện của Hoa Kỳ tại Điện Biên Phủ như kế hoạch “Kên Kên” đã hoạch định.” (Tr. 682-84)

Chương Mười Bốn: “Xây dựng một miền Nam Tự Do”, giai đoạn Bảo Đại về nước lên ngôi Quốc Trưởng, được ghi nhận vài sự kiện quan trọng mang tính lịch sử:
“Vì Pháp không giao trả Dinh Norodom Palace (Dinh Độc Lập sau này), ngày 14 tháng 6 Bảo Đại đành phải tổ chức Lễ chấp chánh tại Tòa Đô Chính Sài Gòn để thực hiện Thỏa Hiệp Elysée. Sau bài diễn văn, quốc kỳ Việt Nam màu vàng ba sọc đỏ được thượng lên tung bay kèm theo 21 tiếng đại bác dàn chào thượng kỳ. Diễn văn chính thức của Bảo Đại bằng Việt Ngữ được truyền thanh trực tiếp qua radio, sau đó Bảo Đại duyệt qua dàn quân danh dự hoàn toàn người Việt Nam, bao gồm các đơn vị của Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và các lực lượng tự vệ địa phương Công Giáo.” (Tr. 688)
“Ngày 29 tháng Giêng 1950, Hạ Viện Quốc Hội Pháp chấp thuận một đạo luật thành lập 3 quốc gia Việt, Miên, Lào độc lập trong Liên Hiệp Pháp… Thượng Viên Pháp phê chuẩn ngày 2 tháng 2… Vào ngày 4 tháng 2 Bộ Ngoại Giao Mỹ chỉ thị tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn đệ trình điện văn của TT Truman thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa, nội dung:
“Kính gởi Hoàng Thượng:
Tôi đã nhận được lá thư của Hoàng Thượng, trong đó tôi được thông báo về việc ký kết thỏa thuận ngày 8 tháng 3, 1949 giữa Hoàng Thượng, đại diện cho Việt Nam, và Tổng Thống Cộng Hòa Pháp, nhân danh nước Pháp. Chính phủ tôi cũng được thông báo về việc phê chuẩn thỏa hiệp ngày 8 tháng 3, 1949…
… Tôi nhân cơ hội này chúc mừng Hoàng Thượng và nhân dân Việt Nam trong sự kiện thật hạnh phúc này…
…Chính Phủ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ trân trọng chào mừng Việt Nam Cộng Hòa gia nhập vào cộng đồng các quốc gia yêu chuộng tự do trên thế giới, và xin công nhận ngoại giao với Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tôi mong đợi sự trao đổi các đại diện ngoại giao giữa hai quốc gia thật nhanh chóng...” (Tr. 688-89)

“Tuy nhiên, sự kiện quân Pháp vẫn còn hiện diện trên đất Việt Nam cũng như viên chức Pháp vẫn còn ngự trị trong guồng máy hành chánh khiến cho người thường dân Việt Nam và vị cựu Hoàng Đế nhận thức được rằng họ phải tiếp tục tranh đấu để giành lại độc lập. Những nhà ái quốc Quốc Gia đều nhìn nhận không thể một sớm một chiều thực hiện kháng chiến thành công, và họ chờ xem những nhượng bộ nào Bảo Đại có thể đòi hỏi được từ người Pháp. Trong khi sốt ruột chờ “ánh sáng cuối đường hầm”, kết quả là một số trí thức và thanh niên ngã lòng tiếp tục hợp tác với Việt Minh, đại đa số người Việt quốc gia khác thì ở trong thái độ lãnh đạm với chính trị. Cho đến mùa hè 1949, Bảo Đại vẫn không thu hút được nhiều nhân vật Việt Nam “tài ba xuất chúng” nào ủng hộ ông, ngay cả những người chống đối ông Hồ.” (Tr. 686)

Bảo Đại làm Quốc Trưởng nhưng không có quân đội trong tay, kể cả chính phủ của ông. Đến “năm 1951 Tướng de Lattre đến VN để đặt một nền tảng xây dựng một lực lượng quân sự bản xứ… Số người Việt chiến đấu trong đoàn quân viễn chinh được chuyển giao sang Quân Đội Quốc Gia vào cuối năm 1953 vào khoảng 200,000 người. Thành phần này đã không được trang bị và huấn luyện đầy đủ để có thể thay thế quân Pháp… Quân đội Quốc Gia Việt Nam dưới sự chỉ huy của Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tham Mưu Trưởng, tuy nhiên họ vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Pháp. (Tr. 702)
“Vào tháng 6, 1954, trong lúc Hội Nghị Geneva còn đang bàn thảo, Pháp trong tình trạng tuyệt vọng nhất, sau cùng đành phải trả toàn bộ chủ quyền lại cho chính phủ Bảo Đại, và ông Bảo Đại đã yêu cầu ông Diệm trở thành Thủ Tướng… Sau khi Bảo Đại chấp nhận sự từ chức của chính phủ Bửu Lộc, ông Bảo Đại cho mời ông Diệm đến. Ông nói với ông Diệm:
“Nước Việt Nam nay đã bị chia đôi, ông không có quyền từ chối trách nhiệm. An ninh của đất nước đòi hỏi ông phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm.”
Ông Diệm trước đó đã từ chối nhiều lần đề nghị của Bảo Đại mời ông đứng ra thành lập chính phủ vì Thủ Tướng không có quân đội, nay thì Bảo Đại trao cho toàn quyền. Lý do Bảo Đại chọn ông Diệm vì cần có một người có thành tích “quốc gia cực đoan” và có kinh nghiệm đối ứng với người Mỹ.” (Tr. 705-06)
Chương 15 nói về “Giai đoạn giao thời của Việt Nam Cộng Hòa” từ khi ông Diệm nhậm chức Thủ Tướng và trong giai đoạn này, cuộc di cư lịch sử năm 1954 của người dân Bắc vào Nam là một sự kiện nổi bật.
“Ông Diệm trở về nước trong một tình thế thật đơn độc, mặc dầu có hàng ngàn dân chúng đứng hai bên đường mang tên General de Gaulle, con đường chính dẫn đến phi trường Tân Sơn Nhất để chờ đón ông. Trong số người hiếu kỳ này có cả Edward Lansdale, nhưng đoàn xe hộ tống chiếc xe Limousine đen có cắm cờ Việt Nam và không nhìn thấy được người ngồi bên trong, đã vụt đi trong tiếng còi hụ cảnh sát, khiến mọi người đều thất vọng, kể cả Lansdale, vì không được tiếp đón vị tân nguyên thủ của quốc gia11 trong sự háo hức của người dân miền Nam.” (Tr. 724)
“Người Mỹ ngay từ đầu đã nhận thức ông Diệm là một người mang tinh thần quốc gia cực đoan, không chấp nhận mối liên hệ với người Mỹ qua những thỏa hiệp có tính cách “mất chủ quyền quốc gia” như ông Hồ đã từng hoạt động cho OSS tại Trung Hoa; mặc dầu sau đó ông Diệm biết rằng chính phủ ông sẽ không tồn tại nếu không có sự yểm trợ của người Mỹ, nhất là những tháng đầu tiên khi ông về nước chấp chánh.” (Tr. 718)
“Cuộc chiến tranh Pháp-Việt Minh kéo dài 8 năm, tổn thất vào khoảng 400,000 sinh mạng, chấm dứt vào tháng 7,1954. Lansdale nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung của bản thỏa ước khi được gởi tới Sài Gòn. Hiệp Định Geneva đặt ra một số vấn đề không chỉ có việc ngưng chiến mà cả việc rút quân của các lực lượng Pháp xuống miền Nam, và Việt Minh ở lại trên miền Bắc của Vĩ Tuyến 17 trong vòng 300 ngày. Một thời khóa biểu được ấn định cho việc rút quân ra khỏi các khu vực chỉ định…” (Tr. 739)
“Lansdale đã giúp ông Diệm giải quyết một vấn đề được coi là thách đố lớn lao nhất của tân chính phủ trong những tháng đầu tiên, đó là “kêu gọi” và “tái định cư” cho người tị nạn CS rời bỏ miền Bắc. Hy vọng sẽ gia tăng số người chống CS tại miền Nam và làm giảm bất quân bình dân số giữa hai miền Nam Bắc, các viên chức của ông Diệm và nhóm nhân viên của Lansdale tung ra một chiến dịch tuyên truyền công khai lẫn bí mật, để làm hấp lực kêu gọi người Bắc di cư vào Nam trong thời gian quân Pháp sửa soạn rút lui.” (Tr. 740)
“Kết cục, gần một triệu người miền Bắc tình nguyện di cư vào miền Nam. (Trong cùng thời gian này miền Nam đã có90,000 người tập kết ra Bắc, hầu hết những người này được chở bằng tàu Liberty mang cờ Ba Lan; tàu này do Hoa Kỳ mướn để trợ giúp cho Liên Xô trong Đệ Nhị Thế Chiến.) Có vào khoảng 400,000 ngàn người nữa quyết định rời bỏ miền Bắc di cư vào Nam, nhưng đã bị các chính quyền CS địa phương và Việt Minh ngăn chận trên các trục lộ, xe lửa, các cửa biển bị cô lập để chận đứng người tị nạn tìm cách vào Nam bằng thuyền nhỏ.
Nhiều tháng sau khi thời hạn ấn định bởi Hiệp Định Geneva đã mãn, vẫn còn người tị nạn trốn thoát bằng cách băng qua rừng núi hay vượt thoát bằng các tàu nhỏ, có hơn 100,000 dân tị nạn sau cùng đã đến bến bờ miền Nam tự do…” (Tr. 741)
“Cuộc di cư vĩ đại của đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954 là một công trạng của Lansdale và ông Diệm mà hầu hết các sử gia không ai có thể chối cãi được. Lúc ban đầu, khi Đại Sứ Heath và Lansdale đến thảo luận với ông Diệm về kế hoạch di cư, ông Diệm còn ngần ngại vì phương tiện chuyên chở khó khăn và viễn ảnh mù mịt của việc định cư một con số người tị nạn quá lớn. Nhưng Lansdale đã thuyết phục ông Diệm suy nghĩ lại, một triệu người Việt tại miền Bắc không muốn sống dưới chế độ của CS và họ sẵn sàng chấp nhận mọi nguy hiểm, rời khỏi nơi chôn nhao cắt rốn để đi tìm sự tự dotại một phương trời vô định. Sau cùng ông Diệm đồng ý, lập tức thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư.
Các địa điểm khởi hành và trạm tiếp đón được thiết lập. Các vùng đất công của chính phủ và tài nguyên được nghiên cứu nhằm hỗ trợ việc xây dựng nhà cửa cho những người đến định cư. Hải Quân Mỹ thành lập nhóm đặc nhiệm chuyên chở người di cư bằng đường biển. Không Lực Pháp phụ trách đường hàng không. Các cơ quan Thiện Nguyện của một số các quốc gia phụ trách việc chăm sóc người tị nạn ngay tức thời. Cuộc di cư trở thành một biến cố chính trị và nhân đạo vĩ đại trong lịch sử.”
Khi nhậm chức Thủ Tướng, ông Diệm trước hết là đối đầu với “nội loạn” kiêu binh của Tướng Hinh nắm quân đội Quốc Gia và hăm he đảo chánh ông Diệm, cuối cùng ông Diệm truất phế ông Hinh. “Ngày 19 tháng 11, Hinh giao quyền chỉ huy quân đội Việt Nam cho Tướng Nguyễn Văn Vỹ và trở về Pháp. Lansdale và Joe Redick là hai người Mỹ duy nhất ra phi trường tiễn đưa Hinh. Sau đó, Hinh tiếp tục phục vụ trong quân đội Pháp.” (Tr. 752)
Thủ Tướng Diệm còn phải đương đầu với “ngoại loạn” là những lượng quân lính của các tổ chức tôn giáo, và lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn càng đáng sợ hơn, vì chúng tung hoành ngay trong lãnh địa đô thành:
“Tướng Hinh không còn là chướng ngại vật, ông Diệm nhắm tới nhóm Bình Xuyên mà ông đã có ý định dẹp tan từ lâu. Vào tháng Giêng 1955, ông Diệm dùng bàn tay của chính phủ để chận ngay yết hầu của nhóm Bình Xuyên, bắt đầu siết chặt lần lần. Ông ra lệnh dẹp Đại Thế Giới cùng các sòng bài khác của Bình Xuyên trong Chợ Lớn, ban hành lệnh hạn chế sử dụng thuốc phiện, cấm đàn ông thuê mướn gái giang hồ. Kết quả là Bình Xuyên và Bảo Đại cả hai bị mất những nguồn lợi nhuận to lớn…” (Tr. 771)
“Các đối thủ của ông Diệm kết hợp thành một khối vào tháng 3 năm 1955, và bất ngờ “phục kích” ông Diệm. Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Cao Đài tuyên bố trong một cuộc họp báo là các lãnh tụ Cao Đài và Hòa Hảo sẽ hợp tác với Bình Xuyên thành lập một “Mặt Trận Liên Hiệp Các Lực Lượng Quốc Gia” để chống lại “nhà độc tài” tại Sài Gòn. Bình Xuyên được khích lệ bởi sự việc gia tăng chống đối ông Diệm đang bộc phát, bắt đầu chiếm cứ một số cơ dinh chiến lược tại Sài Gòn có thể dùng làm căn cứ để tấn công các cơ sở quan trọng của chính phủ Sài Gòn. Bảo Đại lại ủng hộ Mặt Trận và thông báo cho Hoa Kỳ là ông Diệm không có khả năng lãnh đạo chính phủ. Khi ông Diệm và Hoa Kỳ tìm cách mua chuộc sự ủng hộ của Bảo Đại, ông cựu Hoàng từ chối vì đề nghị không tương xứng so với số tiền quá lớn mà ông nhận được từ Bình Xuyên.” (Tr. 772)
Trịnh Minh Thế là một thủ lãnh nổi tiếng của Cao Đài, đã tách ra riêng lập thành một lực lượng 3000 quân, qua sắp xếp của Lansdale, ông Diệm đi trực thăng đến gặp và thuyết phục được tướng Thế đứng về phía ông Diệm, và sau đó ông Diệm sử dụng quân đội để dẹp loạn quân thành công. Chiến thắng của ông càng làm cho Mỹ tin tưởng ông thêm. Trước đó, “Tổng Thống Eisenhower đã quyết định hoàn toàn ủng hộ ông Diệm. Eisenhower ra lệnh cho Bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng Mỹ, và Cơ Quan Tình Báo Mỹ CIA thực hiện một chương trình gia tăng tiềm lực cho quân đội quốc gia miền Nam VN. Eisenhower tin rằng một quân đội hùng mạnh là yếu tố tiên quyết chính yếu cho một chính phủ vững mạnh…” (Tr. 769)
“Việc thất bại của Bình Xuyên, Tướng Vỹ và Bảo Đại, đánh dấu sự chấm dứt những nỗ lực nghiêm trọng của Pháp trong âm mưu lật đổ ông Diệm.” (Tr. 787)
“Những ngày mà ảnh hưởng của Pháp coi như chấm dứt. Trước tình thế không thể nào thay đổi được, và đó cũng là ý muốn của nhiều người tại Pháp, Thủ Tướng Faure đành phải cắt giảm quân số Pháp tại miền Nam xuống còn 50,000 người. Như một giọt nước sau cùng làm tràn ly nước, ông Diệm đòi hỏi Pháp phải triệt thoái tất cả quân đội ra khỏi miền Nam, thời hạn chót là mùa Xuân 1956, Pháp thực hiện yêu sách của ông Diệm, lần hồi chuyển những quân lính còn sót lại ra khỏi Việt Nam.
Sau cùng, Ông Diệm trở thành người duy nhất chấm dứt hẳn sự hiện diện của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam sau hơn 80 năm đô hộ.”
Quyển Một đóng lại sau khi kể về nhân vật Trịnh Minh Thế, người đã hy sinh trong cuộc tấn công quân Bình Xuyên, là một vị tướng tài ba, mang đoàn quân của ông gia nhập vào quân đội quốc gia và hiến mình cho chính nghĩa, người được ông Diệm nhận là bạn thân và nhỏ lệ khóc thương khi mất bạn, đã được Edward Lansdale Cố Vấn Hoa Kỳ thân cận nhất với ông Diệm, thổ lộ vào năm 1961, trước luận điệu cho rằng ông Diệm là một con người lạnh lùng:
“Khi một số người cho rằng ông Diệm là một quan lại lạnh lùng, tôi nhớ lại lúc ông ấy đã khóc trên vai tôi khi một người bạn thân nhất của hai chúng tôi là Tướng Trịnh Minh Thế tử trận, việc ông lo lắng tỉnh Phát Diệm tại miền Bắc rơi vào tay CS, và nỗi đau đớn dằn xé khi ông phải đoạn tuyệt mối liên hệ với Quốc Trưởng Bảo Đại để cứu vãn miền Nam tránh khỏi cảnh nội chiến. Đơn giản, ông Diệm không bao giờ bày tỏ cảm xúc trước công chúng, đặc biệt khi những chuyện xảy ra không gì tốt đẹp.” [Tr. 726]

*

Giới thiệu sơ lược từng chương như trong bài viết này chỉ đưa ra một số sự kiện nổi cộm trên một chuỗi dài lịch sử kết nối với nhau. Câu chuyện của từng sự việc, từng nhân vật, từng diễn biến, sẽ trở nên thú vị hay gây sốc hay lạ lùng vì có những chi tiết chưa từng được tiết lộ trước đây qua sử sách biên soạn, hoặc đây là điều trái ngược so với trước kia đã được trình bày, đã được đọc qua sử liệu ghi chép. Như thế, người đọc bỗng khám phá ra sự hiểu biết trước nay của mình đối với lịch sử quả là thật ít ỏi, thật thiếu sót hoặc ngay cả là những sự việc không đúng sự thật hay chỉ có một chiều v.v...
Tôi vừa xem xong ở Netflix bộ phim tài liệu của National Geographic, tựa đề “One Strange Rock” (Một Hòn Đá Lạ Lùng) để diễn tả về Trái Đất hay Địa Cầu của chúng ta. Bộ Phim gồm 10 tập, gồm có một số phi hành gia trong phi hành đoàn được đưa lên trạm không gian bay quanh quỹ đạo trái đất trong vòng 2 năm để kinh nghiệm một thời gian dài bằng đi đến Hỏa Tinh và trở về. Những phi hành gia này sẽ tuần tự nói lên cảm nghĩ của mình đối với sự thực chứng bản thân khi sống ngoài không gian và có những cảm nhận đối với trái đất. Trong phim có một câu nói thật thú vị, rằng “Ngày xưa con người đứng dưới mặt đất đặt câu hỏi về trên trời, ngày nay con người đã bay lên không trung đưa ra những câu hỏi về trái đất dưới kia” Câu này thật ý nghĩa khi nghe tất cả mỗi cá nhân phi hành gia thổ lộ rằng, khi nhìn xuống trái đất, nơi đó không còn phân biệt quốc gia, biên giới, chỉ là một “Quả Đất Mẹ” “Mother Earth”, “Quê Nhà” “Home”. Một vị phát biểu, “tôi thoạt tiên có cảm nghĩ là mình đang ở thiên đàng nhìn xuống một hành tinh đẹp đẽ xanh tươi, nhưng rồi tôi nghĩ lại, hơn thế chứ, mình đang nhìn ngắm một địa đàng, nơi đó chính là thiên đàng của sự sống.”
Trở lại bình diện của một quốc gia, một đất nước, một quê hương, nếu những con người sống nơi một đất nước mà không yêu đất nước của mình thì thế nào cũng bỏ đi hay sẽ có ngày bị mất nó vì sự vô cảm của mình dành cho nó. Lịch sử của một dân tộc từ nghìn xưa dù chưa có chữ viết để ghi chép vẫn được truyền khẩu, để cho từng thế hệ tiếp nối biết quý trọng công sức của tiền nhân tạo lập thành một quốc gia mà luôn quyết tâm bảo vệ giữ gìn đất nước của mình. Nếu một dân tộc bị xóa đi lịch sử cũng có nghĩa là nòi giống dân tộc đó sẽ đi vào diệt vong. Nói cách khác nữa, nếu mình không yêu lịch sử đất nước quê hương của mình thì mình cũng dễ dàng đánh mất quê hương một ngày nào đó.
Một dân tộc tự hào, không những về giàu có, văn minh nhân bản và khoa học, họ còn hãnh diện có một lịch sử oai hùng, và họ anh dũng bảo vệ quê hương, ngăn chặn mọi sự xâm phạm vào ranh giới đất nước họ.
Sau khi đọc xong quyển 1 của bộ biên sử NHỮNG LẦM LỖI ĐỊNH MỆNH TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM, một nỗi ray rứt bồi hồi với câu hỏi cho tự thân: “Một người Việt Nam như mình sẽ suy nghĩ gì về cuộc chiến đã làm cho mình thành ra một dân tộc lưu vong?”

Lê Giang Trần
(Little Saigon, 03 03 2019)






No comments: