Bilahari Kausikan
Thứ hai, 04 Tháng 3 2019 18:13
Mỹ và Trung Quốc sẽ không nhanh chóng hay dễ dàng đạt
được một tạm ước mới; cả hai bên đều không có khả năng đạt được mọi thứ họ muốn
ở nhau. Điều này ngụ ý rằng ASEAN sẽ phải tìm cách vượt qua một giai đoạn dài
mà khi đó sự lộn xộn và sự không chắc chắn đều ở mức cao hơn bình thường.
Đông Nam Á luôn là đấu trường cho các cuộc cạnh
tranh nước lớn. Trong khoảng một thập kỷ qua, quan hệ Mỹ-Trung đã và đang là trục
cạnh tranh chính, và thách thức cơ bản đối với ASEAN là khối này phải xác định
cho mình lập trường như thế nào khi Mỹ và Trung Quốc dò tìm một tạm ước mới.
Đây vẫn là thách thức chính. Nhưng ASEAN không nên tự dối mình rằng đó chỉ là một
công việc như bình thường. Quan hệ Mỹ-Trung đã bước vào một giai đoạn mới của sự
cạnh tranh cao độ trong dài hạn. Đây chính là tình hình mới.
Sự cạnh tranh vẫn luôn là một phần cố hữu trong quan
hệ Mỹ-Trung. Nhưng từ năm 1972 đến khoảng năm 2010, mặc dù đã có những giai đoạn
căng thẳng, song quan hệ Mỹ-Trung nhìn chung vẫn nhấn mạnh sự can dự. Mỹ và
Trung Quốc không phải là đối tác tự nhiên, cũng không phải là kẻ thù không thể
tránh khỏi. Đặc trưng của quan hệ Mỹ-Trung hậu Chiến tranh Lạnh là giữa họ cùng
lúc tồn tại cả sự mất lòng tin chiến lược sâu sắc lẫn sự phụ thuộc lẫn nhau
theo kiểu mới, chưa từng có trong lịch sử. Mỹ và Trung Quốc vừa hợp tác, vừa cạnh
tranh. Sự can dự và hợp tác sẽ không hoàn toàn chấm dứt trong tình hình mới.
Nhưng nó sẽ có tính chọn lọc hơn nhiều, và giờ đây trọng tâm chung rõ ràng đã
chuyển sang sự cạnh tranh. Không còn nghi ngờ gì nữa, bài phát biểu của Phó Tổng
thống Pence vào ngày 4/10/2018 là tín hiệu dễ hiểu và rõ ràng về cách tiếp cận
mới.
Biểu hiện dễ thấy nhất của cách tiếp cận mới này là
“cuộc chiến thương mại” của Trump. Ở chừng mực nào đó, thuật ngữ này đã bị dùng
sai. Thương mại là công cụ; còn mục tiêu, như Chiến lược an ninh quốc gia được
công bố vào tháng 12/2017 và Chiến lược quốc phòng được công bố vào tháng
1/2018 của Chính quyền Trump đã làm rõ, là sự cạnh tranh chiến lược. Trung Quốc
cáo buộc Mỹ sử dụng thương mại để cản trở và kìm hãm sự phát triển của mình.
Trung Quốc không sai, mặc dù họ né tránh trách nhiệm của chính mình theo cách
thuận tiện cho họ.
Hầu hết sự chú ý đều tập trung vào việc áp thuế quan
trả đũa. Điều này cuối cùng cũng phải chấm dứt, mặc dù hiện giờ không ai có thể
dự đoán được là vào lúc nào, với phí tổn gì, hay có những tác động như thế nào
đối với trật tự quốc tế. Cả hai bên đều phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng thảo
luận và Trump đã gặp Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Argentina vào cuối
tháng 11/2018. Không rõ liệu họ có thể đi tới một thỏa thuận hay không. Trong bất
kỳ trường hợp nào, bất kỳ thỏa thuận nào - nếu có - thì đó cũng là về thuế
quan, nhưng phương diện quan trọng hơn của cuộc chiến thương mại là những điều
luật mới của Mỹ nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc: Đạo luật về
hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (FIRRMA) và Đạo luật phê chuẩn
ngân sách quốc phòng đã được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng
vào tháng 8/2018. FIRRMA - và các điều luật khác đang được thảo luận - xác định
khuôn khổ luật pháp mới cho quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Không có bất kỳ dấu
hiệu nào cho thấy Chính quyền Trump có khuynh hướng thay đổi cách tiếp cận; và
các chính quyền kế nhiệm cũng sẽ không dễ dàng thay đổi các điều luật mới này.
Đây không chỉ là vấn đề về cá nhân Trump. Tính cách
của ông làm gia tăng sự không chắc chắn trong quan hệ Mỹ-Trung. Ông không phải
là một sự lầm lẫn sẽ qua đi khi có chính quyền mới. Cách tiếp cận của ông đối với
Trung Quốc là một sự điều chỉnh cái được coi là điểm yếu của những người tiền
nhiệm của ông. Xét cho cùng, Tổng thống George W. Bush là người đầu tiên gán
cho Trung Quốc cái mác “đối thủ chiến lược” trước khi sự kiện ngày 11/9/2001
chuyển hướng sự chú ý của Mỹ sang Trung Đông. Sự “xoay trục” hay “tái cân bằng”
của Tổng thống Obama cũng là biểu hiện của cùng một thái độ đó. Nhưng Chính quyền
Obama hầu như không muốn cạnh tranh mạnh mẽ, sự xoay trục giống một khẩu hiệu
hơn là một chính sách: nó được thực thi một cách do dự và Trung Đông vẫn gây
xao lãng, đặc biệt là đối với Ngoại trưởng Kerry. Quan hệ Mỹ-Trung nhìn chung vẫn
nhấn mạnh sự can dự.
Cả hai đảng cũng như các nhóm lợi ích khác nhau giờ
đây có chung nhận thức rằng Mỹ đã quá dễ dãi đối với Trung Quốc: cộng đồng an
ninh, những người ủng hộ nhân quyền và tự do tôn giáo, và quan trọng nhất là giới
kinh doanh Mỹ. Những người nòng cốt ủng hộ Trump tin rằng Trung Quốc đã đánh cắp
công ăn việc làm của họ. Điều này không đúng. Việc làm mất đi là do những
nguyên nhân sâu xa hơn. Nhưng niềm tin này là một thực tế chính trị mà không đảng
nào có thể phớt lờ. Người kế nhiệm Trump có thể ít gai góc hơn và dễ dự đoán
hơn ông. Tuy nhiên, khả năng là bất kỳ ai kế nhiệm Trump cũng sẽ phải áp dụng
cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc. Thái độ hoài nghi đối với “thương mại
tự do” với Trung Quốc bao trùm ở cả hai đảng.
Nước Mỹ của Trump thường được mô tả là đang rút lui.
Cách mô tả này đang bóp méo một thực tế phức tạp hơn. Cả Chiến lược an ninh quốc
gia 2017 lẫn Chiến lược quốc phòng 2018 đều không phải là những văn kiện theo
chủ nghĩa biệt lập. Những văn kiện này và bài phát biểu của Phó Tổng thống
Pence cho thấy rõ Chính quyền Trump tin rằng đây là thời kỳ cạnh tranh nước lớn
và họ quyết tâm cạnh tranh chứ không rút lui. Chúng thể hiện một khái niệm hẹp
và ít hào phóng hơn về sự lãnh đạo, ưu tiên chủ nghĩa song phương hơn chủ nghĩa
đa phương, và trở lại với cách tiếp cận cũ là hòa bình thông qua sức mạnh. Người
ta có thể có những sự nghi ngại nghiêm túc về khái niệm lãnh đạo và cách tiếp cận
này. Nhưng chính xác thì không thể mô tả chúng là một “sự rút lui” được.
Người ta cũng có thể tranh luận về việc liệu cách tiếp
cận mới có xứng đáng với cái giá phải trả hay không, và dự luật cuối cùng vẫn
chưa được đệ trình. Nhưng một đánh giá thẳng thắn chắc hẳn sẽ kết luận rằng ít
nhất là cho đến nay, Trump đã có được nhiều điều mà ông từng nói rằng ông mong
muốn, cả trên trường quốc tế lẫn trong nước. Việc đảng Dân chủ tiếp quản Hạ viện
trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018 sẽ không tạo ra sự khác biệt
đáng kể. Quả thật, Hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo có thể nhấn mạnh hơn vào
các vấn đề nhân quyền trong quan hệ Mỹ-Trung. Sẽ là không khôn ngoan nếu mong đợi
những thay đổi thực chất và to lớn.
Trung Quốc đã hiểu sai về những tác động của cuộc khủng
hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Họ dường như đã bắt đầu tin vào chính những
gì họ đã tuyên truyền, rằng nước Mỹ đang sa sút và không thể gượng dậy. Bắc
Kinh đã khái quát hóa quá mức trải nghiệm của họ về thái độ miễn cưỡng của
Chính quyền Obama đối với việc nhấn mạnh những khía cạnh mang tính cạnh tranh
trong quan hệ Mỹ-Trung. Họ đã hoàn toàn bỏ qua thái độ ngày một chua chát của
giới kinh doanh Mỹ - vốn là một yếu tố tạo sự ổn định trong lịch sử quan hệ Mỹ-Trung
- đối với Trung Quốc kể từ chính quyền thứ 43 thời Bush, chủ yếu là về tình trạng
trộm cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ.
Đến cuối thời Hồ Cẩm Đào và theo cách kiên quyết hơn
nhiều dưới thời Tập Cận Bình, chính sách đối ngoại của Trung Quốc bắt đầu có giọng
điệu đắc thắng và áp dụng cách tiếp cận tham vọng và quyết đoán hơn nhiều. Đỉnh
điểm của cách tiếp cận mới này nằm ở sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và
bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc
(ĐCSTQ) vào tháng 10/2017 mà rõ ràng đã từ bỏ cách tiếp cận “giấu mình chờ thời”
của Đặng Tiểu Bình.
Tham vọng toàn cầu và thái độ quyết đoán tất nhiên
đã được thể hiện rõ ràng trong bài phát biểu này. Nhưng trên thực tế, trọng tâm
của bài phát biểu tại Đại hội 19 ĐCSTQ lại là tình hình trong nước. Điểm quan
trọng nhất là việc Tập Cận Bình định nghĩa lại “mâu thuẫn chính” mới mà Trung
Quốc đang phải đối mặt - mâu thuẫn giữa “sự phát triển không cân bằng, không
tương xứng và nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp
hơn” và do đó, về đòi hỏi cấp thiết của việc đem lại sức sống mới cho ĐCSTQ để
đáp ứng những nhu cầu đó. Điều này đặt ra một nghị trình vô cùng phức tạp ở
trong nước về kinh tế, xã hội và chính trị mà Tập Cận Bình đã làm rõ rằng sự
cai trị của ĐCSTQ phụ thuộc vào đó.
Nghị trình này bao gồm việc đưa ngành công nghiệp
lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, giảm tình trạng dư thừa năng lực sản xuất,
thúc đẩy sự đổi mới, bảo vệ môi trường, đem lại sức sống mới cho khu vực nông
thôn, xử lý nợ, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng trong khu vực, giải quyết vấn đề
dân số già hóa, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, huy động nội lực xã hội,
giáo dục, nhà ở, an ninh lương thực, xoa dịu căng thẳng xã hội. Mỗi vấn đề tự
thân nó đã là một thách thức lớn.
Hơn nữa, Đại hội 19 ĐCSTQ chỉ đề cập một cách gián
tiếp tới một vấn đề quan trọng còn sót lại từ Đại hội 18 ĐCSTQ vào năm 2012. Đại
hội 18 ĐCSTQ đã thừa nhận rằng tăng trưởng giảm tốc là trạng thái “bình thường
mới”, và mô hình vốn đã tạo nên sự tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc trong
những năm 1990 là không bền vững trong dài hạn. Phiên họp toàn thể năm 2013 diễn
ra sau Đại hội 18 ĐCSTQ đã đề ra một nghị trình cải cách, trong đó vạch ra vai
trò lớn hơn của thị trường trong các lĩnh vực then chốt nhằm nâng cao hiệu quả
kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng chỉ có thể được cho là ở mức khiêm tốn.
Nâng cao vai trò của thị trường tức là nới lỏng sự
kiểm soát. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả kinh tế mà không gây rủi ro đối với
quyền kiểm soát của ĐCSTQ? Tuy nhiên, nếu không nâng cao hiệu quả và bảo đảm
tăng trưởng bền vững, thì sự cầm quyền của ĐCSTQ, vốn có được tính hợp pháp chủ
yếu nhờ thành tựu kinh tế, cũng có thể bị đẩy vào nguy hiểm. Đâu là thế cân bằng
phù hợp giữa thị trường và đảng? Không có câu trả lời rõ ràng. Tuy vậy, đối với
Trung Quốc, đây là một câu hỏi căn bản - thậm chí có lẽ còn liên quan đến sự tồn
tại . Duy trì ĐCSTQ là lợi ích sống còn nhất trong tất cả các lợi ích cốt lõi của
Trung Quốc.
Việc giải quyết nghị trình trong nước mà Đại hội 19
ĐCSTQ đã đề ra sẽ cần tới nhiều thời gian và đòi hỏi phải có nguồn lực lớn. Các
nguồn lực của Trung Quốc dù dồi dào nhưng không vô tận. Việc liên tục bổ sung
các nguồn lực trên quy mô cần thiết để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải
có sự tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng bền vững đòi hỏi phải có một mô hình mới.
Mô hình mới đòi hỏi phải có một thế cân bằng mới giữa sự kiểm soát và tính hiệu
quả.
Vẫn còn phải chờ xem Tập Cận Bình sẽ xử lý ra sao với
câu hỏi trọng tâm này. Ông sẽ phải xử lý những sự cân nhắc mâu thuẫn lẫn nhau.
Ông đã tìm cách trấn an các doanh nghiệp tư nhân đang chịu sức ép từ các biện
pháp kiểm soát mới về tài chính và điều tiết. Nhưng ông cũng đã làm rõ rằng các
doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước sẽ tiếp tục giữ vị thế đặc quyền trong nền
kinh tế. Không ai có thể đoán được sự cân bằng này cuối cùng sẽ được ấn định
như thế nào. Cho đến nay, Tập Cận Bình rõ ràng đã chọn cách nhấn mạnh vào sự kiểm
soát của đảng. Luận điệu mang màu sắc xã hội chủ nghĩa đã len lỏi trở lại vào
những ngôn từ chính thức. Việc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự kiểm soát mạnh mẽ hơn
của đảng có thể đã làm trầm trọng thêm thách thức cốt lõi là tìm kiếm một mô
hình mới dựa trên thế cân bằng mới giữa sự kiểm soát và tính hiệu quả.
BRI là một nỗ lực giải quyết thách thức then chốt
trong nước này, cũng như là một biểu hiện của tham vọng toàn cầu. BRI xử lý
thách thức này bằng cách đưa ra bên ngoài và xuất khẩu mô hình tăng trưởng của
Trung Quốc - dựa trên sự phụ thuộc cao độ vào hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng do
các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước dẫn dắt - mà Đại hội 18 ĐCSTQ từ năm 2012
đã thừa nhận là không bền vững ở Trung Quốc. BRI “câu giờ” để tìm ra một sự cân
bằng mới giữa thị trường và đảng, nhưng tự thân nó không đặt ra một mô hình mới.
BRI và sự trỗi dậy của Trung Quốc dựa trên nền tảng
toàn cầu hóa hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ dẫn dắt. BRI có thể thành công hay
không nếu giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra xích mích dữ dội kéo dài về thương mại,
hay nếu thế giới chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ? Trung Quốc là nước hưởng lợi
chính từ toàn cầu hóa hậu Chiến tranh Lạnh; họ rất có thể sẽ là kẻ thua cuộc
chính nếu trật tự đó suy yếu vì nước Mỹ dưới thời Chính quyền Trump không còn
tiếp nhận định nghĩa cởi mở và hào phóng về sự lãnh đạo nữa.
Trung Quốc không thể thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Ý tưởng về tính phổ quát của mô hình chính trị dân chủ tự do của Mỹ vẫn luôn là
một ảo tưởng. Nhưng sự cởi mở và hào phóng của Mỹ cho phép các biến thể kinh tế
của mô hình Mỹ phát triển trên toàn thế giới và gắn chặt với Mỹ. Chính Trung Quốc
thời kỳ hậu Mao Trạch Đông là một ví dụ. Mỹ không còn sẵn sàng tỏ ra cởi mở hay
hào phóng như vậy nữa. Nhưng trật tự quốc tế cởi mở không thể được dẫn dắt trên
cơ sở một mô hình phần lớn vẫn đóng cửa và chủ yếu mang màu sắc trọng thương của
Trung Quốc. Điều mà Bắc Kinh vẫn chưa quyết định chính là Trung Quốc cần mở cửa
hơn như thế nào và bao nhiêu.
Ta không nên hiểu bất kỳ điều nào trong số này là ngụ
ý rằng Trung Quốc sẽ thất bại. ĐCSTQ là một tổ chức có khả năng thích ứng, là sự
lặp lại mới nhất của sự thử nghiệm chính trị và kinh tế đã có từ cuối triều đại
nhà Thanh vào thế kỷ 19. Nhưng cách tiếp cận của Trump đối với thương mại chắc
chắn đã làm phức tạp hóa các vấn đề đối với ĐCSTQ và khiến cho việc giải quyết
nghị trình trong nước được đề ra trước đó trở nên khó khăn hơn. Phản ứng trước
những vấn đề này có khả năng sẽ là những sự ứng biến không tối ưu được thực hiện
trong bối cảnh “bình thường mới”, tức là tăng trưởng chậm hơn dù vẫn ở mức đáng
kể.
Thái độ phản đối BRI đang trở nên rõ ràng trên phạm
vi quốc tế, trong đó có Đông Nam Á. Sẽ chẳng có ai xa lánh việc cộng tác với
Trung Quốc. Làm vậy sẽ là ngu ngốc. Nhưng BRI sẽ được thực hiện một cách chắp
vá và nảy sinh nhiều vấn đề. Một số dự án sẽ hoạt động tốt hơn các dự án khác,
một số sẽ đình trệ và một số sẽ thất bại. Mới đây, những dấu hiệu nhỏ nhưng
đáng kể của thái độ phản đối tầm nhìn đầy tham vọng về Trung Quốc của Tập Cận
Bình đã xuất hiện chính bên trong Trung Quốc, vốn đang bị dồn ép bởi cú sốc của
cuộc chiến thương mại đã đẩy Bắc Kinh vào thế khó.
Vị thế của Tập Cận Bình không bị đe dọa. Tuy vậy, hiện
giờ giọng điệu đắc thắng đã giảm bớt, tham vọng đã được hạ thấp, và đã có nỗ lực
nhằm cải thiện bầu không khí trong quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và ASEAN.
Trung Quốc đã trả đũa thuế quan của Mỹ, nhưng phản ứng của họ không quá gay gắt.
Nhưng các vấn đề căn bản vẫn chưa được giải quyết và Tập Cận Bình không thể tỏ
ra yếu đuối. Đây chỉ là những điều chỉnh về chiến thuật, chứ không phải những lập
trường mới mang tính xác định của Trung Quốc.
Về phía Mỹ, niềm tin rằng cuộc chiến thương mại đang
gây tổn hại cho Trung Quốc - vốn không sai lầm trong trung và ngắn hạn - không
đem lại cho Chính quyền Trump sự khích lệ nào để giảm bớt sức ép. Việc đàm phán
lại thành công hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, thay thế Hiệp định
thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bằng Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada với điều khoản
mà trên thực tế đem lại cho Mỹ quyền phủ quyết việc các đối tác của nước này ký
kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, và việc Nhật Bản bằng lòng với các cuộc
đàm phán thương mại song phương củng cố niềm tin rằng Trung Quốc đang phải chịu
sức ép và có nguy cơ bị cô lập.
Trong lịch sử, thời kỳ của sự thống trị không bị
tranh cãi của Mỹ là một giai đoạn khác thường và ngắn ngủi: từ khoảng năm 1989
đến khoảng năm 2008-2009. Trong phần lớn thế kỷ 20, hệ thống quốc tế bị chia rẽ
bởi những tầm nhìn cạnh tranh của phương Tây và của phe chủ nghĩa cộng sản về
trật tự toàn cầu với việc Trung Quốc là một thành viên trên thực tế của phe ủng
hộ phương Tây từ năm 1972 cho tới khi Liên Xô sụp đổ, để cho Bắc Kinh tự do
theo đuổi các lợi ích của chính họ một cách quyết đoán.
Chúng ta giờ đây đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp
sang một tình huống bình thường hơn về mặt lịch sử mà ở đó trật tự toàn cầu và
khu vực bị chia rẽ và cạnh tranh nước lớn diễn ra. Nhưng sự cạnh tranh cao độ vẫn
là một điều gì đó chưa đến mức “chiến tranh lạnh mới”. Phép ẩn dụ đó khiến cho
người ta nhầm lẫn. Trung Quốc hội nhập với nền kinh tế thế giới và phụ thuộc
qua lại với Mỹ ở mức lớn hơn nhiều so với Liên Xô trước đây. Sự phức tạp của
tình hình mới nằm ở đây. Sẽ không dễ dàng tách rời Trung Quốc, dù một số nhân vật
trong Chính quyền Trump có thể rất muốn làm như vậy, trừ phi nước này tự tách
ra bằng cách theo đuổi chế độ tự cung tự cấp. Điều đó rất không có khả năng diễn
ra vì làm như vậy tức là tự chuốc lấy thất bại.
Chính quyền Trump đã gán cho Trung Quốc cái nhãn của
một “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại”. Các yếu tố của chính sách phục thù được
đưa vào câu chuyện về “sự phục hưng vĩ đại” mà với nó, ĐCSTQ hợp pháp hóa sự cầm
quyền của mình. Trung Quốc không hài lòng với mọi khía cạnh của trật tự hậu Chiến
tranh Lạnh dựa trên sự toàn cầu hóa do Mỹ dẫn dắt. Trung Quốc muốn vị thế mới của
mình được công nhận. Nhưng Trung Quốc lại có thái độ nước đôi đối với trật tự
hiện tại và không tỏ rõ sự bất mãn. Sẽ là quá lời nếu gọi một Trung Quốc đã hưởng
lợi lớn từ toàn cầu hóa là “theo chủ nghĩa xét lại”. Vì lẽ nào Trung Quốc lại
muốn đạp đổ tất cả? Việc Tập Cận Bình bảo vệ toàn cầu hóa có thể được hiểu là một
biểu hiện gián tiếp của mối quan ngại về việc tương lai của trật tự đó có ý
nghĩa gì đối với Trung Quốc.
Câu hỏi quan trọng là Trung Quốc sẽ phản ứng trước
những sức ép mới như thế nào. Không phản ứng không phải là một lựa chọn đối với
Bắc Kinh.
Giờ đây, có thể dễ dàng nhận thấy rõ rằng đó không
chỉ là vấn đề Trung Quốc mua thêm đậu nành hay máy bay Boeing của Mỹ để giảm
thâm hụt thương mại, như những gì mà ban đầu Bắc Kinh có thể đã nghĩ.
Điều mà Chính quyền Trump muốn giành được từ Trung
Quốc không hoàn toàn rõ ràng nhưng hầu như chắc chắn sẽ đòi hỏi phải có những
thay đổi về cấu trúc đối với nền kinh tế Trung Quốc mà ĐCSTQ vốn đã miễn cưỡng
đưa ra. Hơn nữa, nguyên nhân sâu xa khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài phải
đối mặt với một sân chơi còn lâu mới bình đẳng ở Trung Quốc. Điều này đem lại vị
thế đặc quyền cho các doanh nghiệp Trung Quốc, dù quốc hữu hay tư nhân, liên kết
với ĐCSTQ. Trung Quốc sẽ không thay đổi cấu trúc nhà nước của mình. Bất kỳ sự
nhượng bộ nào nhằm giảm bớt căng thẳng trong thương mại tất yếu đều sẽ không
triệt để, và Bắc Kinh đã tỏ rõ rằng họ sẽ không đáp ứng các yêu cầu của Mỹ khi
phải chịu sức ép.
Trung Quốc có thể tìm cách trở nên độc lập hơn trong
các lĩnh vực then chốt của ngành công nghệ và có thể sẽ làm được điều này nếu
có đủ thời gian. Tuy nhiên, sức ép đang hiện hữu ngay lúc này. Vì Trung Quốc nhập
khẩu hàng hóa từ Mỹ ít hơn nhiều so với xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nên phạm vi
để áp thuế trả đũa bị hạn chế và có thể đã cạn kiệt. Bài phát biểu của Phó Tổng
thống Pence cho thấy rõ Mỹ sẽ hành động chống lại Trung Quốc trên một mặt trận
rộng lớn chứ không chỉ về thương mại. Trung Quốc có lẽ sẽ đáp trả theo cách
tương tự. Nhưng không ai có thể dự đoán chính xác là bằng cách nào. Tất cả những
gì chúng ta có thể khẳng định là vì bất kỳ sự nhượng bộ nào mà Trung Quốc sẵn
sàng và có thể đưa ra cũng không có khả năng làm giảm sức ép, nên sớm muộn
chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ và các nước bạn bè, đồng minh của nước
này, trong đó có các nước ở ASEAN, sẽ một lần nữa chuyển sang cứng rắn. Như đã
lưu ý trước đó, Tập Cận Bình không thể tỏ ra yếu đuối.
Cho đến nay, Bắc Kinh đã phát đi những tín hiệu lẫn
lộn. Chuyến thăm của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đã bị hủy bỏ, nhưng chuyến
thăm của Ngoại trưởng Pompeo thì không. Trong Sách Trắng về thương mại với Mỹ
được đưa ra gần đây, Trung Quốc đã tìm cách mô tả bản thân là nạn nhân và trước
đó đã tìm cách tạo ra mối quan tâm chung với châu Âu để chống lại Chính quyền
Trump. Nước này không có khả năng thành công. Châu Âu không hài lòng với các
phương pháp của Trump nhưng họ có nhiều mối quan ngại tương tự về Trung Quốc.
Và châu Âu không thể đối phó với một nước Nga đang trỗi dậy mà không có Mỹ.
Trong gần một thập kỷ, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở Biển
Đông đã và đang đại diện theo cách nào đó cho cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung nói
chung. Về mặt chiến lược, tình hình ở Biển Đông đang bế tắc. Trung Quốc sẽ
không từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình đối với hầu hết Biển Đông. Các đảo được
cải tạo và việc triển khai các phương tiện quân sự ở đó là một sự đã rồi. Nhưng
Trung Quốc cũng không thể ngăn chặn Mỹ và các đồng minh của nước này hoạt động
trong, qua và trên Biển Đông mà không có nguy cơ kích động một cuộc chiến tranh
không mong muốn vì nước này không thể chiến thắng. Chính quyền Trump đã nới rộng
phạm vi hoạt động của Hạm đội 7 để tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển
Đông. Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ cũng đang bắt đầu phản đối những
yêu sách của Trung Quốc. Mỹ đã phát đi tín hiệu về ý định của nước này tiến
hành các hoạt động phô trương sức mạnh thậm chí với quy mô lớn hơn ở Biển Đông.
Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra những tai nạn mà Bộ quy tắc ứng xử ở Biển
Đông (COC) hiện đang được ASEAN và Trung Quốc thảo luận sẽ hầu như không làm được
gì để giảm bớt và bất luận thế nào thì cũng còn lâu mới hoàn thành. ASEAN không
nên tự dối mình rằng COC sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào.
Mỹ và Trung Quốc sẽ không nhanh chóng hay dễ dàng đạt
được một tạm ước mới; cả hai bên đều không có khả năng đạt được mọi thứ họ muốn
ở nhau. Điều này ngụ ý rằng ASEAN sẽ phải tìm cách vượt qua một giai đoạn dài
mà khi đó sự lộn xộn và sự không chắc chắn đều ở mức cao hơn bình thường. Tuy vậy,
chiến tranh có chủ đích không có khả năng nổ ra. Chỉ khi Mỹ ủng hộ Đài Loan
giành độc lập thì Trung Quốc mới buộc phải chiến đấu. Điều này không có khả
năng diễn ra. Nếu có tai nạn xảy ra trên Biển Đông hay nơi nào khác, thì cả hai
bên có thể sẽ tìm cách kiềm chế nó. ASEAN phải có khả năng đối phó với những
tình huống chưa tới mức nổ ra chiến tranh Mỹ-Trung. Trước đây, ASEAN đã từng xử
lý những tình huống phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều. Nhưng điều này sẽ đòi hỏi
sự nhanh nhẹn, tính đoàn kết và quyết tâm cao hơn những gì ASEAN đã thể hiện
trong những năm gần đây.
Một số nhà phân tích suy đoán rằng ASEAN có thể có
những cơ hội ngắn hạn và trung hạn nếu các công ty nước ngoài dịch chuyển hoạt
động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Suy đoán này khả thi nhưng thiển cận.
Việc dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc nói thì dễ hơn làm, và
dù có chiến tranh thương mại hay không thì cũng sẽ chẳng có ai từ bỏ thị trường
Trung Quốc, dù các khoản đầu tư mới và được nâng cấp có thể sẽ bị trì hoãn. Một
cuộc chiến thương mại kéo dài có khả năng làm thay đổi căn bản các chuỗi cung ứng.
Những mối quan ngại về an ninh chuỗi cung ứng có thể đẩy nhanh tiến trình này.
Những sự thay đổi trong các chuỗi cung ứng có thể chặn đứng hoặc làm phức tạp
nghiêm trọng nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc di chuyển lên phía
trên chuỗi giá trị. Trong mọi trường hợp, các nước thành viên ASEAN phải chống
lại sự cám dỗ của việc hành động như một cửa sau để các công ty Trung Quốc tiến
vào Mỹ.
Để ngăn chặn những sự không chắc chắn trong dài hạn
và tận dụng mọi cơ hội có thể có, ASEAN cần phải hành động một cách táo bạo
trong giai đoạn 2 của tiến trình hội nhập kinh tế, vốn nhắm tới việc tạo ra một
thị trường chung và nền tảng sản xuất chung ở Đông Nam Á. Ở đây, những nhân tố
thành công then chốt là nền chính trị trong nước của các nước thành viên ASEAN;
tức là cái nằm trong tay chúng ta chứ không phải trong các chính sách của Trung
Quốc hay Mỹ. ASEAN cần nhận ra rằng rủi ro lớn nhất mà họ phải đối mặt là thái
độ miễn cưỡng chấp nhận rủi ro mà hoạt động ra quyết định của ASEAN đã bị tiêm
nhiễm trong những năm gần đây.
*
Bilahari Kausikan nguyên là Tổng trưởng (tương đương Bộ trưởng - ND) Bộ
Ngoại giao Singapore. Bài viết được đăng trên báo cáo Tầm nhìn An ninh Khu vực 2019 (tr.37-41) của Hội
đồng Hợp tác An ninh Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP).
Trần
Quang (gt)
No comments:
Post a Comment